Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh phổi kẽ do thuốc không có triệu chứng điển hình, làm thế nào để chẩn đoán?

Có khoảng 200 nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ và thuốc là một trong số đó. Bệnh phổi kẽ có chữa được không và làm thế nào để phòng bệnh là câu hỏi chung của cộng đồng, đặc biệt là những bệnh nhân đang dùng nhóm thuốc nguy cơ cao gây bệnh. Qua bài viết dưới đây, ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương - Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đã giải đáp chi tiết những thắc mắc thường gặp liên quan đến bệnh phổi kẽ do thuốc.

1. Nguyên nhân từ thuốc chiếm khoảng 10 - 30% trong nhóm bệnh phổi mô kẽ

Thưa BS, thuốc và bệnh phổi kẽ có mối liên quan thế nào với nhau? Trong các nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ, nhóm nguyên nhân liên quan đến thuốc có phổ biến không?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Một vài loại thuốc nằm trong nhóm nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ. Chẩn đoán bệnh phổi kẽ do thuốc thật ra là chẩn đoán loại trừ, nghĩa là sau khi loại trừ tất cả nguyên nhân khác thì xác định thuốc là nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ.

Về tỷ lệ lưu hành, bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh gồm khoảng 200 nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân từ thuốc chiếm khoảng 10 - 30%. Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, dao động trong khoảng từ 10 - 60%.

2. Loại thuốc nào có khả năng gây bệnh phổi kẽ?

Cụ thể dùng loại thuốc nào có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ cao hơn? Cơ chế nào dẫn đến căn bệnh này, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Có nhiều nhóm thuốc có thể gây bệnh phổi kẽ. Các thuốc này điều trị nhiều bệnh khác nhau như thuốc điều trị ung thư, phương pháp xạ trị...

Một số loại kháng sinh mà người dân mua được dễ dàng tại các hiệu thuốc Tây như Nitrofurantoin (điều trị nhiễm trùng tiểu) hay thuốc tim mạch, tiểu đường cũng là nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ.

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết, có nhiều loại thuốc dẫn đến bệnh phổi kẽ như thuốc điều trị ung thư, xạ trị, một số thuốc kháng sinh...

3. Bệnh phổi kẽ có thể dẫn đến tử vong

Nhờ BS giải thích rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh phổi kẽ. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến đến những biến chứng nào?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Bệnh phổi kẽ mới chỉ được chú ý trong thời gian gần đây. Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi kẽ có thể so sánh với ung thư vì có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của bệnh nhân, làm giảm chất lượng cuộc sống. Vấn đề đáng lo ngại nhất là bệnh có thể dẫn đến tử vong.

4. Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi môi trường ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ cao hơn

Có phải bất kỳ ai dùng các loại thuốc vừa nêu cũng có khả năng bị bệnh phổi kẽ, thưa BS? Nhóm người nào có nguy cơ mắc bệnh cao hơn?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Không phải tất cả bệnh nhân sử dụng cùng loại thuốc đều mắc bệnh phổi kẽ. Những nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao hơn là bệnh nhân cao tuổi, nam giới, người hút thuốc lá hoặc người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, không gian nhà cửa không thông khí.

5. Bệnh phổi kẽ do thuốc không có triệu chứng đặc hiệu

Triệu chứng bệnh phổi kẽ do thuốc và do các nguyên nhân khác liệu có khác nhau không, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Triệu chứng bệnh phổi kẽ do thuốc không đặc hiệu. Bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở... khá tương đồng với các bệnh lý hô hấp.

6. Những phương pháp chẩn đoán bệnh phổi kẽ

Làm thế nào để xác định chính xác bệnh phổi kẽ, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Trong lúc điều trị ung thư, tim mạch, dùng kháng sinh... mà có các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở không giải thích được bởi các nguyên nhân bệnh đang có, bệnh nhân nên đi khám với các bác sĩ chuyên khoa về hô hấp.

Bên cạnh điều tra bệnh sử, tiền sử sử dụng thuốc, khám lâm sàng cẩn thận, các bác sĩ còn phải làm thêm một số cận lâm sàng. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh phổi kẽ là chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HRCT).

Bệnh nhân phải làm một số thăm dò chức năng hô hấp như đo hô hấp ký, làm nghiệm pháp đi bộ 6 phút và những cận lâm sàng khác theo chỉ định của bác sĩ.

7. Tránh xa tác nhân gây bệnh là phương pháp đầu tiên để điều trị phổi kẽ

Khi ngừng sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây bệnh mô kẽ, tình trạng bệnh phổi kẽ có chấm dứt hẳn không? Xin BS cho biết, những phương pháp nào đang được áp dụng để điều trị bệnh phổi kẽ?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Không chỉ bệnh phổi kẽ do nguyên nhân thuốc mà tất cả bệnh phổi kẽ có nguyên nhân, khi phát hiện bệnh, bệnh nhân phải tránh ngay nguyên nhân này. Chẳng hạn, nếu bệnh phổi kẽ do yếu tố môi trường, cần phải tránh xa tác nhân gây bệnh; nếu bệnh phổi kẽ do thuốc, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc.

Khi tránh xa tác nhân gây bệnh, một số bệnh phổi kẽ có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nặng, bác sĩ cần sử dụng thêm các loại thuốc khác để điều trị.

Khi mắc một số bệnh mãn tính, bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời. Nếu mắc bệnh phổi kẽ, họ sẽ được điều trị như thế nào?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải trao đổi kỹ hơn với các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp thay thế hoặc điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

Thông thường, với bệnh nhân ung thư, bác sĩ đã cân nhắc liều thuốc có thể đem lại hiệu quả tốt nhất. Nếu biến cố bệnh phổi kẽ xuất hiện, có thể bệnh nhân sẽ phải đổi thuốc điều trị hoặc chọn phương pháp điều trị khác.

8. Theo dõi những triệu chứng hô hấp bất thường để phát hiện sớm bệnh phổi kẽ

Trong quá trình điều trị bệnh phổi kẽ, bệnh nhân phải tuân thủ những nguyên tắc gì, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Bệnh nhân phải theo dõi kỹ sức khỏe để phát hiện các triệu chứng hô hấp hoặc các bất thường mới xuất hiện để báo với bác sĩ để có những can thiệp kịp thời.

Đối với bác sĩ điều trị, khi cần sử dụng những loại thuốc nằm trong nhóm thuốc có nguy cơ gây bệnh phổi kẽ, cần phải cho bệnh nhân làm các thăm dò để nắm rõ tình hình sức khỏe. Thông thường, các phương pháp được áp dụng là chụp X-quang, thăm dò chức năng hô hấp (đo hô hấp ký) để thu thập chỉ số nền của người bệnh.

Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hô hấp bất thường sẽ được thực hiện lại các xét nghiệm này để phát hiện những tổn thương mới, những thay đổi hoặc sụt giảm chức năng hô hấp.

9. Tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến phổ

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời đang sử dụng các loại thuốc có khả năng gây bệnh, họ nên làm gì để chủ động phòng ngừa bệnh phổi kẽ, thưa BS?

ThS.BS Huỳnh Thị Thanh Phương trả lời: Thực tế, nếu bệnh nhân có nguy cơ cao, lại sử dụng những loại thuốc có khả năng gây bệnh, việc phòng ngừa chỉ là một phần nhỏ chứ không thể đạt 100%.

Về nguyên tắc chung, khi mắc các bệnh lý mãn tính, cần tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến phổi như hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, để phòng ốc được thoáng khí là một trong những biện pháp phòng ngừa.

Ở những bệnh nhân có bệnh phổi nền, cần thiết phải chủng ngừa những bệnh có khả năng làm cho tình trạng phổi nặng nề hơn, chẳng hạn tiêm ngừa cúm mỗi năm, tiêm ngừa phế cầu, tiêm ngừa ho gà...

Bên cạnh đó, người bệnh nên tập các bài luyện tập cho hệ hô hấp như tập thở kết hợp với yoga, thiền sẽ giúp ích nhiều đối với sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X