Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhược cơ có chữa khỏi được không, chăm sóc thế nào?

TS.BS Đinh Vinh Quang giải đáp các câu hỏi: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức có chữa khỏi bệnh nhược cơ được không? bệnh nhân bị nhược cơ có nên đi tập vật lý trị liệu hay châm cứu không? Bệnh nhân cần lưu ý gì trong ăn uống, sinh hoạt?

Tiếp theo bài trước: Làm sao phân biệt bệnh nhược cơ gây yếu cơ với tình trạng mệt mỏi thông thường?

1. Phương pháp điều trị bệnh nhược cơ là gì?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Để điều trị bệnh nhược cơ, chúng ta nên biết bệnh nhược cơ là do một kháng thể tự tiết ra chất chống thụ thể acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh). Các loại thuốc điều trị như vậy sẽ là các loại thuốc làm tăng nồng độ acetylcholine, ức chế quá trình hủy các thụ thể acetylcholine và có một số thuốc làm giảm tự kháng thể trong máu giúp quá trình Acetylcholine trong máu được tăng lên.

Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật, thay huyết tương hay dùng các lobuline miễn dịch sẽ giúp điều trị cho bệnh nhân nhược cơ.

2. Thuốc điều trị nhược cơ có công dụng gì?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Có nhiều nhóm thuốc, thuốc chúng ta thường sử dụng là thuốc kháng cholinesterase. Cholinesterase là thuốc có khả năng ức chế enzyme acetylcholinesterase phân hủy acetylcholine. Khi nó bị phân hủy bởi cholinesterase, tín hiệu thần kinh qua cơ bị sụt giảm khiến cơ mất đi hoạt động bình thường. Chúng ta dùng thuốc để ức chế men này, nồng độ acetylcholine sẽ trở lại bình thường giúp cơ hoạt động.

Nhóm thuốc thứ hai, chúng ta dùng thuốc ức chế miễn dịch. Cơ chế gây bệnh nhược cơ là cơ chế tự miễn. Cơ thể chúng ta tiết ra chất để chống acetylcholine, chúng ta dùng thuốc ức chế để kiềm chế phản ứng quá mức của cơ thể lên thụ thể này giúp cho số lượng thụ thể ở mức độ bình thường và hoạt động của nó trở lại bình thường, từ đó sẽ giúp bệnh thuyên giảm.

Một loại thuốc nữa là truyền globulin miễn dịch. Khi chúng ta truyền globulin vào cơ thể, nó sẽ giúp giảm, bất hoạt hay loại trừ các kháng thể chống acetylcholine ra khỏi cơ thể. Lúc đó nó sẽ giúp cải thiện được bệnh nhược cơ.

3. Thuốc điều trị nhược cơ có tác dụng phụ ra sao?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Bây giờ chúng ta dùng thuốc để ức chế miễn dịch, tương đồng là chúng ta sẽ bị các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài gây hại đặc biệt là bệnh nhiễm trùng, nếu hệ miễn dịch chúng ta kém, chúng ta có thể bị nhiễm COVID-19. Đó là căn bệnh lây qua đường giọt bắn hoặc người bị suy giảm miễn dịch có thể nhiễm bệnh.

Thứ hai, tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch có thể tác động lên đường tiêu hóa. Thuốc có thể khiến chúng ta bị viêm loét dạ dày, tăng cân hay gây ra hội chứng cushing, gây ra việc tái phân bố mô mỡ trong cơ thể chúng ta không hợp lý. Bệnh nhân sẽ có vẻ mặt cushing, mặt tròn như trăng, cơ ở tứ chi bị teo do phân bố mô mỡ không bình thường.

4. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức có chữa khỏi bệnh nhược cơ được không?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Không phải tất cả trường hợp cắt bỏ tuyến ức đều chữa khỏi bệnh nhược cơ. Các thống kê cho thấy 75% các trường hợp cắt bỏ tuyến ức bệnh nhược cơ thuyên giảm. Sau một năm cắt bỏ tuyến ức, triệu chứng nhược cơ sẽ thuyên giảm nhiều.

Tuyến ức là tuyến thuộc hệ thống miễn dịch, chúng ta cắt bỏ một phần của hệ thống miễn dịch có nghĩa là hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể bị ảnh hưởng. Do đó, chúng ta chỉ nên cắt bỏ tuyến ức khi các bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc nhưng không có tác dụng.

Thứ hai, những người phụ nữ dưới 55 tuổi trong giai đoạn điều trị như vậy mới nên cắt bỏ tuyến ức. Đối với các bệnh nhân trên 55 tuổi, họ cần xem xét cẩn thận.

Các nhà khoa học khuyên bệnh nhân bị nhược cơ trên 55 tuổi không nên cắt bỏ tuyến ức. Việc cắt bỏ tuyến ức sẽ gây tỷ lệ tử vong cao và khả năng phục hồi sẽ không được thấy rõ ràng so với bệnh nhân trên 55 tuổi không cắt bỏ tuyến ức.

TS.BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

5. Bệnh nhân bị nhược cơ có nên đi tập vật lý trị liệu hay châm cứu không?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Vật lý trị liệu giúp cơ của chúng ta hoạt động một cách chủ động. Chúng ta biết cơ bị yếu do kháng thể chúng ta chống acetylcholine. Vì vậy, vật lý trị liệu không thể tác động trực tiếp lên acetylcholine. Vật lý trị liệu chỉ giúp cho bệnh nhân có cơ hoạt động yếu. Ví dụ như, các nhân viên vật lý trị liệu sẽ giúp cơ hoạt động một cách thụ động tránh ứ động, tránh viêm phổi khi vận động ít hoạt động cơ hô hấp.

6. Chế độ dinh dưỡng cho người bị nhược cơ như thế nào?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Bệnh nhân nhược cơ cần lưu ý: nếu bị yếu cơ vùng hầu họng, chúng ta cần ăn uống cẩn thận để tránh thức ăn rơi vào đường hô hấp, gây sặc hay viêm phổi. Viêm phổi do thức ăn rơi vào đường hô hấp gọi là viêm phổi hít, tình trạng này sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Chúng ta cho bệnh nhân dùng thức ăn có chất đạm, tránh ăn kiêm khem quá mức vì thức ăn của chúng ta sẽ cung cấp đạm và vitamin để nâng đỡ sức đề kháng.

7. Bệnh nhân nhược cơ cần lưu ý gì trong sinh hoạt hằng ngày?

TS.BS Đinh Vinh Quang: Chúng ta biết nhược cơ là bệnh tự miễn và diễn tiến của bệnh là mạn tính. Chúng ta không nên quá lo lắng về bệnh lý của mình. Thay vì thế, cần nâng đỡ cơ thể, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, có các phương pháp vệ sinh tốt, tránh công việc quá sức.

Chúng ta phải tuân thủ các liệu trình điều trị cho chính xác và lâu dài do bác sĩ đưa ra. Nếu bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như tai mũi họng, viêm họng hay bệnh lý khác, cần cẩn thận khi đi mua thuốc. Tránh các loại thuốc làm cho tình trạng yếu cơ của bệnh nhân nặng hơn chẳng hạn như thuốc an thần, giãn cơ, kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh sẽ làm cho cơ bệnh nhân yếu hơn và sẽ bị triệu chứng của nhược cơ nặng hơn.

Chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ đạm, rau củ và bổ sung vitamin C hằng ngày để nâng cao sức đề kháng. Khi có các bệnh lý phối hợp, chúng ta cần đến khám bác sĩ để bác sĩ cho toa thuốc phù hợp. Tránh các loại thuốc làm nặng tình trạng nhược cơ.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X