Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần tầm soát biến chứng thận ngay từ khi phát hiện bệnh

Ban đầu, bệnh thận do đái tháo đường thường có những biểu hiện rất mờ nhạt do đó thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Chuyên khoa Nội thận, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, biến chứng thận hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện các xét nghiệm tầm soát định kỳ và theo dõi, kiểm soát tốt đường huyết của bệnh nhân

1. Người bệnh đái tháo đường type 2 cần được chẩn đoán cả bệnh suy thận

Xin hỏi BS, người bệnh đái tháo đường thường có nguy cơ gặp phải những biến cố nào trên thận?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Đái tháo đường là một đại dịch của sức khỏe và hiện nay đái tháo đường đang có xu hướng dần trẻ hóa. Người mắc đái tháo đường còn thường mắc thêm những bệnh lý khác như béo phì, tăng huyết áp và tăng nguy cơ bị mắc bệnh thận, nhất là bệnh lý cầu thận gây tiểu đạm, suy giảm độ lọc thận, từ đó dẫn đến suy thận mạn.

Các biến cố này sẽ xuất hiện khi nào, tính từ lúc bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường, thưa BS?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Đái tháo đường có khoảng 4 type, nhưng phổ biến nhất là type 1 và type 2. Biến chứng thận ở 2 dạng đái tháo đường này cũng khác nhau.

Đối với tháo đường type 1, biến chứng thận thường xuất hiện từ 5 - 10 năm sau khi bệnh nhân mắc bệnh. Ở người bệnh mắc đái tháo đường type 2, biến chứng thận có thể có ngay từ khi phát hiện bệnh.

Do đó, khi được chẩn đoán đái tháo đường type 2, người bệnh cần được chẩn đoán cả nguy cơ mắc bệnh suy thận.

2. Chủ động tầm soát biến chứng thận mạn ở bệnh nhân đái tháo đường

Thận có phát tín hiệu cảnh báo nào cho người bệnh đái tháo đường để họ chủ động đi khám sớm, thưa BS?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Bệnh thận mạn là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, nhưng không may là căn bệnh này lại không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn trễ.

Khi đó, việc can thiệp điều trị đã không còn hiệu quả. Không được chờ đợi đến lúc bệnh nhân có triệu chứng của bệnh thận mạn mới tìm xem họ có biến chứng đái tháo đường hay không. Phải chủ động thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như để tìm biến chứng thận của đái tháo đường, có thể xét nghiệm tìm microalbumin niệu và xét nghiệm ước đoán độ lọc cầu thận qua creatinin huyết thanh.

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Chuyên khoa Nội thận, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

3. Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường chưa được tầm soát sớm bệnh thận mạn

Qua quá trình làm việc, BS có nhận xét như thế nào về vấn đề thận trên bệnh nhân đái tháo đường? Bệnh có được phát hiện sớm và xử lý kịp thời chưa? Những nguyên nhân nào khiến bệnh thường bị phát hiện muộn?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, bệnh thận mạn do đái tháo đường thường bị bỏ sót. Bệnh nhân đái tháo đường thường được điều trị bởi các bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa khác mà không phải chuyên khoa thận do đó biến chứng thận sẽ bị lãng quên.

Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, chỉ 1/2 bệnh nhân đái tháo đường được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để tầm soát bệnh thận mạn. Chưa có số liệu tại Việt Nam nhưng thực tế vẫn có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị bỏ sót, chưa tầm soát sớm bệnh thận mạn.

Khi bệnh nhân bước vào suy thận mạn giai đoạn cuối mới được phát hiện, không còn cơ hội điều trị.

4. Tầm soát bệnh thận mạn ngay khi được chẩn đoán đái tháo đường type 2

Để có thể tự phát hiện những bất thường ở thận, nhất là với những người đang có bệnh lý đái tháo đường, người dân cần làm gì, tầm soát ra sao? Đâu là thời điểm vàng để phát hiện bệnh thận trên người đái tháo đường, thưa BS?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Thời điểm tốt nhất để tầm soát bệnh thận trên người bị đái tháo đường là từ khi bệnh nhân mới bắt đầu tiểu microalbumin niệu, nghĩa là tiểu đạm rất ít và chưa bị giảm độ lọc cầu thận.

Lúc này, vai trò của những biện pháp tầm soát hàng loạt cực kỳ quan trọng: Khoảng 5 năm sau khi phát hiện đái tháo đường type 1 và ngay khi vừa được chẩn đoán đái tháo đường type 2.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có tiểu microalbumin niệu, bệnh nhân cần thực hiện lại xét nghiệm này 3 lần ở 3 thời điểm khác nhau. Mục đích là để khẳng định bệnh nhân có tiểu microalbumin niệu không. Khi khẳng định được tình trạng tiểu microalbumin niệu, bác sĩ cần đưa ra chiến lược kiểm soát vấn đề này cũng như kiểm soát bệnh thận mạn của bệnh nhân.

Nếu kết quả xét nghiệm microalbumin niệu là âm tính, bệnh nhân vẫn phải thực hiện xét nghiệm lại hằng năm.

Thời điểm tốt nhất để tầm soát bệnh thận trên người bị đái tháo đường là từ khi bệnh nhân mới bắt đầu tiểu microalbumin niệu, nghĩa là tiểu đạm rất ít và chưa bị giảm độ lọc cầu thận

5. Quy trình theo dõi và kiểm soát biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

Nhờ BS thông tin thêm, hiện nay có những giải pháp nào giúp người bệnh đái tháo đường theo dõi định kỳ, phát hiện sớm những bất thường ở thận nhằm có hướng điều trị kịp thời?

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Những bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đều được thực hiện song song 2 xét nghiệm tầm soát biến chứng thận gồm xét nghiệm định lượng microalbumin niệu và xét nghiệm ước đoán độ lọc cầu thận từ creatinin huyết thanh.

Các xét nghiệm này được lặp lại hằng năm nếu bệnh nhân chưa có biến chứng thận do đái tháo đường. Nếu đã có vấn đề ở thận, bệnh nhân sẽ được kiểm soát sát sao bởi bác sĩ đái tháo đường. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ có chỉ định chuyển đến chuyên khoa thận.

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có sự phối hợp tốt giữa các chuyên khoa để bệnh nhân được điều trị một cách toàn diện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X