Bệnh 'người gạo'
Bệnh sán dây lợn có ở khắp mọi nơi, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, nấu chưa chín hoặc quản lý phân chưa tốt.
Nhiễm ấu trùng sán lợn là một bệnh mạn tính gây tổn thương ở da, cơ, não... do các u nang sán lợn (trong có đầu sán) gây nên.
Bệnh làm mất thẩm mỹ ở da, gây động kinh ở não, làm giảm trí nhớ hoặc rối loạn vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân.
Sán dây lợn gây bệnh như thế nào?
Bệnh sán dây lợn có ở khắp mọi nơi, nhất là ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.
Sán dây lợn dài từ 2- 3m hoặc hơn, gồm nhiều đốt, có đốt cổ mảnh, có đốt thân trưởng thành, có đốt già. Trong một đốt sán già có thể chứa tới 55.000 trứng, những đốt già ở cuối thường rụng thành từng đoạn 5, 6 đốt liền nhau, theo phân ra ngoài.
Khi người ăn phải thực phẩm nhiễm trứng sán dây lợn mà bị nôn ọe thì những đốt sán già rụng ở ruột non theo nhu động đi ngược lên dạ dày. Do tác dụng của dịch tiêu hoá, trứng từ các đốt già được giải phóng ra xuống tá tràng, hàng nghìn ấu trùng thoát ra khỏi trứng và chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticereus cellulosae). Người có nang ấu trùng sán còn gọi là "người gạo".
Tổn thương trên “người gạo” do nhiễm sán lợn
Dấu hiệu nhận dạng bệnh
Tùy vị trí của nang ấu trùng sán mà có các tổn thương:
- Ở da: Thường gặp các nang nhỏ bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường.
U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay hoặc ở bất kỳ vị trí nào và có tính chất đối xứng. Rất hiếm khi các u nằm bên cạnh dây thần kinh và gây đau dây thần kinh. U nang sán sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng chụp Xquang.
- Nang ấu trùng ở não: Có triệu chứng như một u não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng như tăng áp lực sọ não, động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, thậm chí đột tử.
- Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng... gây giảm thị lực hoặc bị mù.
- Ở tim: Nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, bệnh nhân dễ bị ngất.
Những lưu ý khi điều trị
- Điều trị bệnh sán đường ruột: Thuốc có thể sử dụng là quinacrin, người lớn uống từ 0,9 - 1,2g chia liều nhỏ. Thuốc nhuận tràng cần uống trước một ngày để làm giảm chất nhầy bám quanh thân sán.
Sau khi uống thuốc 1 giờ phải dùng thuốc tẩy, vì nếu dùng thuốc tẩy chậm hơn thì quinacrin sẽ ngấm vào máu gây độc. Thuốc niclosamide 0,5g uống 4 - 6 viên (1 liều), thuốc không độc, hiệu quả cao. Buổi sáng nhai từng viên một, nhai thật kỹ, nhai 10 phút uống với một ít nước. Sau khi uống thuốc có thể thấy trứng và các đốt sán bị dập nát và đào thải ra ngoài.
Thuốc nam: có thể dùng hạt bí đỏ hoặc hạt cau điều trị sán ở đường ruột.
- Điều trị bệnh sán ở não: Hiện vẫn là một vấn đề nan giải. Thuốc có thể dùng là praziquantel, methifolat, DEC.
- Điều trị nang ấu trùng ở da: Có thể phẫu thuật khi thật cần thiết vì yếu tố thẩm mỹ hoặc các u nang chèn ép các dây thần kinh. Tiêm hút dịch ở u nang, bơm 0,5ml nước cất vào u nang để tiêu diệt đầu sán lợn.
- Phòng bệnh: Không ăn thịt lợn sống hoặc nấu chưa chín. Nếu có bệnh sán lợn đường tiêu hoá thì cần tích cực điều trị để dự phòng bệnh u nang sán lợn dưới da. Quản lý phân, không dùng phân tươi bón tưới rau.
AloBacsi.vn
Theo ThS. Bùi Hữu Thời - Sức khỏe & Đời sống
Theo ThS. Bùi Hữu Thời - Sức khỏe & Đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình