Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh lao hạch có chữa khỏi được không?

Rất nhiều người thắc mắc bệnh lao hạch có lây không, có ho không, xét nghiệm thế nào, có chữa khỏi được không… Để giải đáp cho bạn đọc AloBacsi, ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất cung cấp thông tin tổng quan về bệnh này.

1. Quá trình nhiễm bệnh lao hạch như thế nào?

Lao hạch (Lymphadenopathy) là thể bệnh phổ biến nhất của lao ngoài phổi, do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra, một số ít là do vi khuẩn lao bò Mycobacterium bovis.

Sau khi nhiễm lao nguyên phát (thông thường là do hít phải vi khuẩn lao vào phổi), vi khuẩn sẽ theo đường máu tới cư trú tại các hạch bạch huyết, nếu gặp điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch do HIV, đái tháo đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch... (có thể rất nhiều năm sau mắc lao sơ nhiễm) vi khuẩn lao sẽ tái hoạt và gây viêm hạch bạch huyết.

Một số bác sĩ cho rằng, lao hạch có thể nhiễm tiên phát bằng cách vi khuẩn lao xâm nhập qua vùng họng, amidan lan tràn đến hạch từ một xăng sơ nhiễm ở vùng đó. Một số trường hợp khác, lao hạch có kèm theo tổn thương lan toả do vi khuẩn lao gây ra thường liên quan tới nhiễm lao nguyên phát.

alobacsi ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lao hạch? Người bệnh lao hạch có ho không?

Lao hạch có biểu hiện chủ yếu là viêm hạch bạch huyết, vị trí thường gặp nhất là hạch cổ, dọc cơ ức đòn chũm, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác như hạch trung thất, hạch rốn phổi, hạch ổ bụng... Hạch sưng to, lúc đầu hạch chắc, riêng rẽ, di động, không đau sau đó dính vào nhau và tổ chức dưới da, kém di động, hạch nhuyễn hóa, rò mủ. Lỗ rò mủ thường rất chậm lành, có thể tự khỏi và để lại sẹo xấu.

Triệu chứng toàn thân ít gặp, sốt có thể thấy trong 20-50% trường hợp không nhiễm HIV và 60-80% bệnh nhân nhiễm HIV, các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sụt cân thường gặp nhưng không đặc hiệu cho bệnh.

Hạch to có thể tồn tại tới 12 tháng trước khi được chẩn đoán. Bệnh nhân chỉ lao hạch đơn thuần thường không ho đàm nhưng nếu có kèm với lao phổi thì có biểu hiện tương tự như các bệnh nhân lao phổi khác (ho khạc đàm, sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu...)

3. Làm sao để biết hạch của mình đang nổi có phải là hạch lao không?

Hạch to có nhiều nguyên nhân, đa số là hạch viêm cấp tính, liên quan tới các nhiễm trùng lân cận như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm nha chu... Trường hợp này hạch sẽ thu nhỏ lại rất nhanh khi các nhiễm khuẩn đã được loại bỏ.

Hạch viêm lao thường kéo dài rất lâu trước khi được chẩn đoán, ban đầu thường nhỏ, tăng dần kích thước, di động, không đau nhưng khó phân biệt với các nguyên nhân viêm hạch mạn tính khác trên lâm sàng.

Do đó, những trường hợp hạch to trên 2 tuần hoặc không liên quan tới các nhiễm trùng đầu mặt cổ cần khám để tầm soát nguyên nhân.

4. Bệnh lao hạch được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Lao hạch được chẩn đoán thông qua chọc hút hạch hoặc sinh thiết hạch, các kết quả này sẽ đọc chính xác nhất ở các bệnh viện lớn có chuyên khoa Ung bướu.

Bệnh phẩm từ chọc hút, dịch bủ hạch được làm xét nghiệm tế bào học có thể tìm thấy chất hoại tử bã đậu, tế bào bán liên, tế bào khổng lồ; hoặc xét nghiệm mô bệnh học từ bệnh phẩm sinh thiết, có hình ảnh nang lao điển hình; hoặc soi trực tiếp, Xpert MTB/RIF, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao từ dịch mủ hạch.

Siêu âm hạch giúp đưa ra gợi ý, chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây hạch to hoặc sưng nề vùng cổ không phải hạch. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp Xquang, thử đàm tìm AFB để hỗ trợ chẩn đoán trong trường hợp nghi ngờ có lao phổi đi kèm.

5. Hạch lao có chuyển thành ung thư không?

Lao hạch là bệnh lý viêm hạch mạn tính, không phải ung thư và cũng không tiến triển thành ung thư. Nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng, vi khuẩn lao lan rộng tới nhiều hệ cơ quan và gây nguy hiểm.

6. Bệnh lao hạch được điều trị như thế nào, có chữa khỏi hẳn được không?

Lao hạch được điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng lao. Phác đồ hiện hành gồm điều trị tấn công 2 tháng với 4 loại thuốc Rifampin, Isoniazid, Pyrazinamid, Ethambutol; duy trì 10 tháng với 3 loại thuốc Rifampin, Isoniazid, Ethambutol.

Chỉ định phẫu thuật đặt ra khi hạch to gây chèn ép thần kinh, mạch máu.

Đa số các trường hợp đáp ứng tốt với điều trị nội khoa và khỏi hẳn. Các trường hợp kém đáp ứng cần làm kháng sinh đồ và xét nghiệm sinh học phân tử dịch mủ để đánh giá lao kháng thuốc.

7. Khi uống thuốc điều trị lao hạch, bệnh nhân cần lưu ý điều gì?

Khi đang điều trị bệnh lao nói chung và lao hạch nói riêng, người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc: sử dụng thuốc đúng liều lượng, đều đặn, đủ thời gian, tái khám định kỳ để được đánh giá đáp ứng và giữ gìn sức khoẻ để tăng cường sức đề kháng.

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa; thông thường bệnh nhân được khuyên uống vào buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy, trước bữa ăn sáng 1 giờ.

8. Bệnh lao hạch nếu không được điều trị tốt có thể dẫn tới biến chứng gì?

Điều trị không đúng phác đồ hoặc người bệnh tuân thủ kém, dùng thuốc không đúng cách, không đủ thời gian có thể dẫn tới phát triển chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Điều trị lao kháng thuốc tốn nhiều thời gian, nhân lực, vật lực; thuốc điều trị bệnh kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn và thường phải sử dụng dạng tiêm truyền, đòi hỏi người bệnh phải tới cơ sở y tế hàng ngày để dùng thuốc.

9. Người bệnh lao hạch có lây cho người xung quanh không?

Lao hạch đơn thuần thường không lây, kể cả khi có tiếp xúc gần, ăn uống chung. Tuy nhiên, nếu người bệnh có kèm theo lao phổi thì sẽ có thể lây nhiễm cho người xung quanh. Trong 2 tháng đầu điều trị, nếu có kèm lao phổi, người bệnh nên được cách ly, tránh tiếp xúc gần với người thân và cần xử lý tốt các bệnh phẩm như đàm khạc, mủ rò hạch để tránh lây nhiễm.

10. Người bệnh lao hạch có nên mang thai không?

Phụ nữ mắc bệnh lao nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé như sẩy thai, thai nhẹ cân, sanh non. Sức đề kháng của mẹ cũng sẽ suy giảm trong quá trình mang thai nên dễ bị ảnh hưởng nặng do bệnh lao hơn.

Việc sử dụng thuốc kháng lao trong thai kỳ cũng có thể gây ảnh hưởng ít nhiều, dù chưa ghi nhận gây dị tật bẩm sinh.

Do đó, người mắc bệnh lao thường được yêu cầu ngừa thai cẩn thận bằng các biện pháp không dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

11. Có trường hợp nào bệnh nhân vừa bị lao hạch, vừa bị các bệnh lao khác không?

Lao hạch có thể biểu hiện đơn độc hoặc đi kèm với lao phổi. Đặc biệt trên người bị HIV, vi khuẩn lao thường lan tràn, gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như lao màng não, lao phổi, lao cột sống, lao ổ bụng, lao hạch...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X