Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Phạm Xuân Dũng tư vấn: Bảo vệ người bệnh ung thư trong mùa dịch

Hạn chế ra ngoài, không tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên trao đổi với bác sĩ… là những lưu ý TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM gửi đến bệnh nhân ung thư. Mời bạn theo dõi thông tin chi tiết trong bài viết sau.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. Thưa TS.BS Phạm Xuân Dũng, bệnh nhân ung thư vốn là những người có sức đề kháng kém, mùa bệnh COVID-19 họ lại càng lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hiện giờ với bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị có nên dời lịch điều trị lại không, vì nhiều người e ngại đến bệnh viện khi đang mùa dịch?

Bệnh ung thư cũng như các bệnh nền khác khiến người bệnh dễ có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh COVID-19 (SARS-CoV-2) và nếu nhiễm dễ có nguy cơ trở nặng và gây tử vong. Theo các nghiên cứu ban đầu tại Trung Quốc và Ý, ung thư được xếp là một trong các bệnh nền làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do virus gây nên.

Những bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm bệnh do nCoV trở nặng bao gồm:
-    Bệnh lý huyết học ác tính (bệnh bạch cầu, lymphoma,…)
-    Bệnh nhân đang hóa trị tích cực, ghép tủy.
-    Bệnh nhân đang sử dụng thuốc corticoid.
-    Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.

Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư cũng có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên việc dời lịch điều trị là một vấn đề quan trọng vì như chúng ta biết việc tuân thủ điều trị đúng thời gian cũng là một yếu tố giúp làm tăng kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Do đó, giữa điều trị đúng thời gian và nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 phải được bác sĩ điều trị cân nhắc một cách thận trọng trên từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên qua những khuyến cáo từ NCCN, ESMO, ASCO,… có 6 lưu ý như sau:

  • Quyết định tiếp tục hay tạm hoãn điều trị được cá thể hóa dựa trên nguy cơ tái phát; mục tiêu điều trị và các biến chứng có thể xảy ra.
  • Điều trị duy trì thì việc ngưng hóa trị là một lựa chọn;
  • Chuyển từ thuốc tiêm tĩnh mạch sang thuốc uống.
  • Không nên tạm hoãn hóa trị tân hỗ trợ;
  • Đối với ung thư tiến xa, không có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 thì nên được tiếp tục hóa trị và xạ trị.
  • Nếu tình hình lây nhiễm bệnh có tác động đến bệnh viện thì hoãn điều trị sau 2 tuần hoặc chuyển sang điều trị tại các bệnh viện khác.

TS.BS Phạm Xuân Dũng tư vấn bảo vệ người bệnh ung thư trong mùa dịchTS.BS Phạm Xuân Dũng hiện - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - Phó Chủ tịch Hội ung thư TPHCM

2. Còn những người đến hẹn tái khám, họ băn khoăn vì đi thì sợ dịch, không đi thì sợ bệnh tiến triển. Và những bệnh nhân ở tỉnh xa, trong thời điểm xe liên tỉnh ngưng hoạt động thì họ có thể tái khám ở đâu, xin BS đưa ra giải pháp?

Khi trong thời điểm có dịch, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong thời điểm xe liên tỉnh ngưng hoạt động. Nếu bệnh nhân cần khám hoặc bệnh lý tiến triển nặng, có thể đến khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh có chuyên khoa ung bướu hoặc bệnh viện ung bướu tại tỉnh và từ đó các bác sĩ tại các bệnh viện kể trên có thể liên lạc bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu để trao đổi, hội chẩn, để xác định hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bệnh nhân cũng có thể xin tư vấn bác sĩ tại Bệnh viện Ung Bướu qua hotline bệnh viện (028) 3841 2637.

3. Bệnh viện Ung bướu TPHCM thường xuyên rất đông người chờ khám bệnh từ sáng sớm, bệnh viện đã làm gì để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ bệnh nhân ung thư tránh lây nhiễm thêm cách bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là COVID-19? Cách lấy số khám bệnh để tránh chờ đợi và tập trung quá đông người?

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp như hiện nay, dựa trên các quy định hiện hành bao gồm:

1.    Theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ;

2.    Các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch;

3.    Các khuyến cáo của Sở y tế về tăng cường, triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện;

4.    Kế hoạch triển khai, đánh giá các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện.

5.    Các khuyến cáo của các tổ chức điều trị ung thư thế giới.

Bệnh viện Ung bướu đã triển khai như sau:

- Khu vực tiếp nhận thông tin, sàng lọc bệnh từ ban đầu đối với bệnh nhân, thân nhân, mọi người vào bệnh việnkhi đến khám tại bệnh viện (đo nhiệt độ, sát khuẩn tay nhanh, thực hiện tờ khai y tế, phòng khám sàng lọc, phòng cách ly,…);

- Khuyến cáo các công ty cung ứng dịch vụ cho bệnh viện thực hiện đúng theo quy định phòng chống dịch.

- Hạn chế đối với thân nhân nuôi người bệnh (01 thân nhân/ bệnh nhân);

- Giảm số lượng bệnh nhân tập trung bằng cách hẹn bệnh nhân khám bệnh theo giờ cụ thể, kéo dài thời gian hẹn bệnh đối với những trường hợp chưa cần thiết hoặc có thể tạm hoãn được;

- Giảm số lượng bệnh nhân trong lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng;

- Áp dụng công nghệ thông tin trong hướng dẫn người bệnh thực hiện tờ khai y tế,…

- Triển khai bảng hướng dẫn quản lý bệnh nhân ung thư trong dịch COVID-19 cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

- Hiện tại, Bệnh viện Ung Bướu có triển khai hệ thống lấy số tự động thông qua ứng dụng Dr. OH hoặc gọi số điện thoại: (028) 38 41 26 26; (028) 38 41 24 68; (028) 38 41 38 38) để biết thêm chi tiết.

- Đối với nhân viên y tế bệnh viện sẽ tuân thủ thực hiện theo quy định: khai báo y tế mỗi ngày, thực hiện đo thân nhiệt,...

Bệnh ung thư và COVID-19

4. Xin BS cho biết có các triệu chứng điển hình dấu hiệu bệnh nguy hiểm như ung thư ở: Trẻ em; Thanh niên; Nam giới, phụ nữ trung niên, Người cao tuổi… nên thu xếp đi khám tầm soát sớm? Trong mùa dịch, Bệnh viện có tiếp tục triển khai các gói khám và tầm soát khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư?

Hiện nay, trong thời điểm dịch đang diễn tiến phức tạp, bệnh viện không thực hiện các gói khám và tầm soát.

Tuy nhiên, khi người bệnh ở bất kỳ lứa tuổi nào có các triệu chứng nghi ngờ ung thư như 7 triệu chứng báo động (xin tham khảo tại website Bệnh viện Ung bướu) thì nên sắp xếp đăng ký khám bệnh trong thời gian sớm nhất và khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa ung thư gần nơi cư trú.

Dấu hiệu ung thư

5. Hiện ở nước ta đã ghi nhận hai bệnh nhân mắc ung thư nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp mắc ung thư máu. Xin hỏi, việc điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 như thế nào, có gì khó khăn không ạ?

Đối với những bệnh nhân ung thư máu (ung thư hệ tạo huyết) khi nhiễm nCoV có nguy cơ diễn tiến nặng nhiều hơn so với các loại bệnh khác.

Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc tích cực hơn.

6. Trong mùa dịch COVID-19, mọi người rất quan tâm đến vấn đề giọt bắn mang virus. Đối với bệnh nhân ung thư hóa trị, xạ trị trước nay mọi người vẫn ngần ngại là có chất độc trong dịch tiết của họ. Vậy thời điểm này có cần giữ khoảng cách khi chăm sóc? Nước bọt, nước mắt… của người bệnh ung thư sau hóa và xạ trị nếu bắn vào vết thương hở hay vào mặt người chăm sóc có ảnh hưởng gì không?

Hiện tại trong thời điểm đang có dịch COVID-19, bệnh nhân khi đang điều trị (hóa trị, xạ trị,…) tại bệnh viện vẫn phải đảm bảo tuân thủ thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế (mang khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, giữ khoảng cách nhất định,…).

Bình thường, các dịch tiết từ người bệnh ung thư được điều trị hóa trị, xạ trị không ảnh hưởng đến người xung quanh và các nhân viên y tế.

7. Với người ung thư giai đoạn cuối, giai đoạn cận tử, bệnh nhân thường phải sử dụng Morphine. Nhưng trong tình hình cách ly xã hội để chống dịch, vậy những bệnh nhân này có được lấy thuốc Morphine dài ngày hơn không thưa bác sĩ? Có giải pháp nào cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cận tử mà gia đình neo người, lại ở tỉnh xa, gặp khó khăn trong việc đi lấy thêm thuốc Morphine không ạ?

Theo thông báo của Bộ Y tế, hiện nay trong thời điểm dịch đang diễn tiến phức tạp cho phép các cơ sở y tế cấp thuốc trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên các thuốc gây nghiện như morphine thì không có hướng dẫn khác cho nên bệnh viện vẫn chỉ phát thuốc trong vòng 10 ngày. Khuyến cáo bệnh nhân nên xin hướng dẫn tại khoa điều trị để được theo dõi, lãnh thuốc morphine tại các cơ sở y tế gần nhất.

8. Người bệnh ung thư đang hóa trị liệu, phương pháp này làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm virus bao gồm cả COVID-19. Có cách nào để người bệnh nâng cao hệ thống miễn dịch, tăng khả năng đề kháng trong giai đoạn điều trị này không ạ? Dinh dưỡng có vai trò ra sao?

Không có biện pháp cụ thể và nhanh chóng nào có thể tăng hệ thống miễn dịch và phòng chống nhiễm bệnh.

Nguyên tắc phòng bệnh cho bệnh nhân ung thư cũng tương tự như mọi người: hạn chế ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, tránh tụ tập nơi đông người, vệ sinh tay, không gian sống thường xuyên,…

Về chế độ dinh dưỡng cầnđa dạng, chia thành nhiều bữa, đủ đạm, nhiều rau củ quả,… uống đủ nước, các loại nước ép trái cây. Nếu đang bị suy dinh dưỡng cần bổ sung các loại sữa dinh dưỡng chuyên dùng cho bệnh nhân ung thư giàu năng lượng, đạm, Omega-3, argrinin, kẽm, các vitamin và vi chất. Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần, duy trì giấc ngủ đủ thời gian 6 - 8 tiếng.

Cần nỗ lực duy trì lâu dài và đều đặn để hệ miễn dịch vững vàng và hiệu quả, tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư điều trị bệnh ung thư trong mùa dịch.

Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư trong mùa COVID-19

9. Thưa BS, CDC Hoa Kỳ khuyến nghị bệnh nhân ung thư cũng nên tiêm phòng cúm để giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc COVID-19. Theo BS, người bệnh ung thư ở Việt Nam có nên áp dụng lời khuyên này không? Nếu phải đi tiêm ngừa thì nên tiêm vào thời điểm nào, một số người đang hóa-xạ, đang điều trị bằng thuốc uống thì có nên tiêm?

Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có khuyến cáo về việc người dân tiêm phòng bệnh cúm.

Trong lúc đang hóa trị, xạ trị vì có thể xuất hiện biến chứng đi kèm, vì vậy không nên tiêm ngừa trong lúc bệnh nhân ung thư đang điều trị.

10. Ung thư không ai muốn, COVID-19 cũng không ai mong, nhưng thực tế, hai bệnh này vẫn song song tồn tại trong xã hội, dẫu muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải chọn cách “sống chung với lũ” . BS có lời khuyên nào dành cho người bệnh ung thư và người đã từng điều trị ung thư để giúp họ có sự chuẩn bị, đặc biệt là có tinh thần tốt hơn để đối phó với dịch COVID-19?

Nguyên tắc phòng bệnh cho bệnh nhân ung thư cũng tương tự như mọi người: hạn chế ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, tránh tụ tập nơi đông người, vệ sinh tay, vệ sinh không gian sống thường xuyên, mang khẩu trang,…

Chế độ dinh dưỡng: đa dạng, chia thành nhiều bữa, đủ đạm, nhiều rau củ quả,… uống đủ nước, các loại nước ép trái cây. Nếu đang bị suy dinh dưỡng cần bổ sung các loại sữa dinh dưỡng chuyên dùng cho bệnh nhân ung thư giàu năng lượng, đạm, Omega-3, argrinin, kẽm, các vitamin và vi chất. Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần, duy trì giấc ngủ đủ thời gian 6 - 8 tiếng.

Cần nỗ lực duy trì lâu dài và đều đặn để hệ miễn dịch vững vàng và hiệu quả, tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư điều trị bệnh ung thư trong mùa dịch.

Hội Y học TPHCM và AloBacsi hợp tác tư vấn sức khỏe trong mùa COVID-19PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (bìa phải) trao hoa và thư cảm ơn đến TS.BS Phạm Xuân Dũng

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và TS.BS Phạm Xuân Dũng đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng TS.BS Phạm Xuân Dũng TẠI ĐÂY.

[DAP]

Đôi nét về TS.BS Phạm Xuân Dũng

TS.BS Phạm Xuân Dũng hiện tại đang giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Phó Chủ tịch Hội ung thư TPHCM.

Ông tốt nghiệp Bác Sĩ Y khoa vào năm 1986, sau đó ông lấy bằng chuyên khoa I vào năm 1995, chuyên khoa II vào năm 2003, và bằng Tiến Sĩ Y khoa chuyên ngành Ung thư vào năm 2013.

TS Phạm Xuân Dũng là ủy viên thường vụ BCH Hội Ung thư Việt Nam. Ông cũng là Trưởng bộ môn ung bướu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM.

Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung thư và tham gia những nghiên cứu về ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi, bệnh lý huyết học ác tính…

TS.BS Phạm Xuân Dũng đã có một số công trình được công bố trên Tạp chí Y học TPHCM và Tạp chí Ung thư học Việt Nam và một số tạp chí quốc tế.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X