Hotline 24/7
08983-08983

Khoảng 30% phụ nữ viêm mũi trong suốt thai kỳ

Số liệu này được TS.BS Nguyễn Triều Việt - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đề cập trong bài báo cáo “Cập nhật những phương pháp điều trị hiệu quả viêm mũi thai kỳ” tại Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp”.

TS.BS Nguyễn Triều Việt - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, thuật ngữ “viêm mũi thai kỳ” vẫn còn gây nhiều nhầm lẫn. Một số tác giả nhấn mạnh sự khác biệt “viêm mũi thai kỳ” và “viêm mũi suốt quá trình mang thai”.

Viêm mũi suốt quá trình mang thai gồm các loại viêm mũi: dị ứng, không dị ứng với thành phần vận mạch, thuốc... xuất hiện trước, trong và sau mang thai.

Viêm mũi thai kỳ có triệu chứng tắc nghẽn mũi không có mặt trước thai kỳ, thường xuất hiện 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, không do nguyên nhân dị ứng hay nhiễm siêu vi và các triệu chứng khỏi hoàn toàn trong 2 tuần sau sinh.

Theo các nghiên cứu, khoảng 20 - 40% phụ nữ cho biết có các triệu chứng viêm mũi trong thời học sinh, thanh thiếu niên và 10 - 30% nói rằng các triệu chứng nặng nề hơn khi có thai.

Các nghiên cứu đa số là mẫu nghiên cứu nhỏ nên thường khó phân biệt viêm mũi thai kỳ với các loại viêm mũi khác, khoảng 18 - 30% có viêm mũi suốt quá trình mang thai.

Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp”, đón nhận gần 700 người đăng ký tham dự trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo TS.BS Nguyễn Triều Việt, đây là vấn đề thường gặp trong thai kỳ và ảnh hưởng đến khoảng 30% phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đa số các phụ nữ mang thai khi xuất hiện triệu chứng nhẹ thường cố chịu đựng không tìm đến sự can thiệp của thầy thuốc chuyên khoa vì lo ngại khi điều trị sẽ ảnh hưởng đến thai. Do đó, mức độ đánh giá tỷ lệ có thể thấp hơn so với số lượng thực tế mà phụ nữ mang thai có triệu chứng khó chịu này.

Những phụ nữ này thường đến khám khi quá khó chịu, không thể chịu đựng được vì có những biến chứng tác động đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe…

TS.BS Nguyễn Triều Việt cho biết: “Đối với những phụ nữ đã có viêm mũi dị ứng, triệu chứng ở mũi có thể cải thiện hoặc trầm trọng hơn trong thai kỳ. Nghĩa là tác động hai chiều trên một bệnh lý có sẵn.

Do đó, khi đánh giá một sản phụ phải hỏi rõ tiền sử, bệnh lý, để xem các triệu chứng này đã có từ trước hay mới xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất (khoảng tháng thứ 3), triệu chứng này xảy ra nặng hơn và có thể kéo dài suốt quá trình mang thai để có thể điều trị và có can thiệp phù hợp”.

Viêm mũi thai kỳ có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung

Về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là hormone của nhau thai có thể kích thích niêm mạc mũi to ra trong khi mang thai. Hơn nữa estrogen có thể thúc đẩy phì đại cuốn mũi bằng cách tăng các thụ thể histamin trong tế bào biểu mô và các mạch máu nhỏ.

Progesterone cũng có vai trò bằng cách tối ưu giãn mạch máu cục bộ từ việc tăng lượng máu lưu thông khi mang thai. Nhìn chung, estrogen khiến các cuốn mũi phù nề, dẫn đến tắc nghẽn mũi, dịch mũi chảy vào họng (chảy dịch sau mũi). Các tình trạng không được điều trị có thể gây rối loạn chức năng khứu giác, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của sản phụ.

“Các triệu chứng viêm mũi này cũng xảy ra ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone khác đối với trường hợp bệnh nhân có giai đoạn mãn kinh. Các tác dụng đã biết khác của estrogen là tăng tính thấm của mạch máu, tổng hợp protein, hoạt động của tuyến và tăng độ nhạy của các đặc tính vận mạch trong hệ thần kinh tự chủ” - TS.BS Nguyễn Triều Việt thông tin.

Đối với chẩn đoán, viêm mũi thai kỳ được đặc trưng bởi nghẹt mũi kéo dài 6 tuần hoặc hơn trong khi mang thai, các triệu chứng khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau sinh (theo nghiên cứu). Có thể hỏi kỹ tiền sử bệnh nhân để chẩn đoán viêm mũi thai kỳ.

Tuy nhiên, chỉ có thể chẩn đoán trong giai đoạn bệnh nhân tắc mũi, còn sau khi đã sinh em bé được 2 tuần và khỏi hoàn toàn triệu chứng, hầu như bệnh nhân không quay lại khám hay thông báo với bác sĩ triệu chứng này đã hết.

TS.BS Nguyễn Triều Việt nhận định, đây là vấn đề khó khăn khi đánh giá tác động của bệnh lý này trên sản phụ. Vì họ rất nhạy cảm trong việc sử dụng thuốc, bị tác động bởi nhưng người xung quanh với lo ngại ảnh hưởng đến em bé trong quá trình mang thai, cũng như lúc sinh.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán lâm sàng khó khăn chỉ với dấu hiệu tăng triệu chứng nghẹt mũi, cần phân biệt với các bệnh khác (viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm mũi do thuốc, nhiễm trùng đường hô hấp, u hạt...).

Theo bảng câu hỏi nghiên cứu, phụ nữ mang thai có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá trong quá trình mang thai sẽ có nguy cơ nhiều hơn so với phụ nữ không hút thuốc lá.

Tại Việt nam, tỷ lệ phụ nữ sử dụng hút thuốc lá nói chung và phụ nữ mang thai tương đối thấp. Tuy nhiên, các nước phương Tây có tỷ lệ sử dụng thuốc lá khá cao.

Thời gian gần đây các nghiên cứu đề cập đến việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng có tác động gây hại, chứ không chỉ thuốc lá truyền thống. Thuốc lá được xem như một yếu tố kích thích (kích ứng) gây kích thích niêm mạc, xung huyết ở vùng niêm mạc của mũi.

Sự nhạy cảm nhìn chung không tăng ở những phụ nữ bị viêm mũi khi mang thai, tuy nhiên phản ứng dị ứng với mạt bụi nhà thường xuyên xảy ra ở nhóm này. Do đó, những người có nồng độ IgE cao đối với mạt bụi nhà được coi là dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai. Tuy nhiên, để phân biệt viêm mũi thai kỳ với viêm mũi dị ứng khi mang thai vẫn là một thử thách.

TS.BS Nguyễn Triều Việt - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Theo chuyên gia, tắc nghẹt mũi do viêm mũi thai kỳ hoặc viêm mũi có thể làm tăng thêm triệu chứng ngáy, ngưng thở lúc ngủ, có thể liên quan việc tăng cân trong khi mang thai.

Ngoài ra, tác động của viêm mũi khi mang thai đối với thai nhi có liên quan gián tiếp đến chứng rối loạn giấc ngủ phụ nữ mang thai gặp phải. Ngáy ngủ làm tăng nguy cơ cao hơn bị tăng huyết áp, tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) và điểm APGAR thấp.

Tắc mũi gây thở miệng, suy giảm hô hấp khí NO (được tạo ra chủ yếu ở xoang hàm), giảm kháng lực mạch máu. Việc thiếu NO có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tăng huyết áp mẹ, chậm phát triển thai trong tử cung, tiền sản giật, chỉ số Apgar thấp.

Ngoài ra, tắc mũi làm giảm chất lượng giấc ngủ dẫn đến việc lạm dụng thuốc thông mũi tại chỗ, gây nên viêm mũi do thuốc, thường sau sinh không hết. Tuy nhiên không có bằng chứng liên quan giữa viêm mũi thai kỳ và các sự bất lợi trong thai kỳ.

Tư vấn là biện pháp quan trọng nhất đối với bệnh nhân viêm mũi thai kỳ

TS.BS Nguyễn Triều Việt nhấn mạnh, về điều trị, theo các nghiên cứu, biện pháp giáo dục là quan trọng và là sự lựa chọn đầu tiên. Đó là biện pháp tư vấn bệnh nhân về viêm mũi thai kỳ để các triệu chứng hết hoàn toàn sau sinh.

Nghĩa là tư vấn để bệnh nhân tìm điều trị đúng và đủ, phù hợp, an toàn cho mẹ và thai nhi, cũng như tránh các tác động lâu dài sau sinh do tác dụng phụ của thuốc. Khi tư vấn sớm, bệnh nhân ít sử dụng thuốc thông mũi hơn, vì vậy nguy cơ viêm mũi do thuốc giảm đáng kể.

Điều trị đầu tiên là tập thể dục nhằm kiểm soát cân nặng cho thai phụ, biện pháp này có ích cho việc cải thiện giấc ngủ. Nâng cao đầu giường từ 30 - 40 độ giúp cải thiện tắc nghẹt mũi trong đêm.

Ngoài ra, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp giảm triệu chứng tạm thời tốt mặc dù chưa có nghiên cứu nào cụ thể.

Về lợi ích của không dùng thuốc, đối với biện pháp tư vấn sẽ giúp hỗ trợ, giúp bệnh nhân hiểu rõ và giảm sử dụng thuốc gây hại. Đối với sử dụng phương pháp vật lý sẽ rửa mũi bằng nước muối sinh lý làm giảm rõ triệu chứng nghẹt mũi.

TS.BS Nguyễn Triều Việt chia sẻ về "Cập nhật những phương pháp điều trị hiệu quả viêm mũi thai kỳ".

Liên quan đến việc thông mũi bằng thuốc, được chia làm 3 loại: tác dụng ngắn (phenylephrine), tác dụng trung bình (naphazoline) và tác dụng kéo dài (oxymetazoline và xylometazoline). Tất cả các thuốc này thuộc nguy cơ “C” được phân loại theo FDA, vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng. Nếu đánh giá hiệu quả vượt trên khả năng gây hại mới sử dụng, tuy nhiên ở mức hạn chế chứ không sử dụng thường quy.

Theo TS.BS Nguyễn Triều Việt, một nghiên cứu hồi cứu cho thấy sử dụng phenylephrine suốt quá trình mang thai sẽ xuất hiện dị tật bẩm sinh. Các nghiên cứu không thấy tác dụng phụ của thuốc thông mũi tác dụng trung bình và dài lên thai nhi.

Việc sử dụng thuốc thông mũi đường toàn thân (pseudoephedrine) cũng có nguy cơ C theo FDA (không khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ). Nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan khi sử dụng pseudoephedrine hoặc phenylpropanolamine trong suốt thai kỳ và nguy cơ thoát vị rốn.

Việc sử dụng corticosteroids dạng xịt trong viêm mũi thai kỳ chưa được chứng minh và không được khuyến khích. Fluticasone propionate không có ý nghĩa về thay đổi ngạt mũi, lưu lượng khí thở, ngáy trước và sau điều trị (8 tuần). Sự an toàn khi sử dụng budesonide dạng hít ở phụ nữ mang thai có hen suyển đã được chứng minh, thuộc nguy cơ B theo FDA.

Các thuốc corticoid đường toàn thân không đủ bằng chứng để đưa ra khuyến cáo trong việc sử dụng điều trị viêm mũi thai kỳ. Một số ngoại lệ sử dụng thời gian ngắn nhằm giảm bớt việc sử dụng thuốc co mạch. Khi sử dụng liều cao hơn, dài hơn có thể gây suy thượng thận, trẻ nhẹ cân, tật bẩm sinh (đặc biệt là hở hàm ếch).

Thuốc kháng histamin thường dùng cho các trường hợp dị ứng hoặc không dị ứng viêm mũi bạch cầu ái toan. Nhìn chung không có tài liệu nào chứng minh thuốc ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Chlopheniramin, loratadin, cetirizine là các thuốc được khuyến cáo sử dụng và độ an toàn đã được chứng minh trong thai, tuy nhiên không lạm dụng mà chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Thuốc kháng histamin được chỉ định nếu nghi ngờ có các triệu chứng liên quan đến histamin, đặc biệt hiệu quả để làm giảm hắt hơi và ngứa mũi. Thuốc kháng histamin đã được sử dụng trong một thời gian dài và được biết là không có tác dụng phụ đối với thai nhi.

Tuy nhiên, thuốc kháng histamin cổ điển hoặc thế hệ thứ nhất (tức là chlorpheniramine, triprolidine, diphenhydramine, cyproheptadine, promethazine, ketotifen) cho thấy có tác dụng phụ bên cạnh các tác dụng chính của chúng.

Sodium cromoglycate và ipratropium bromide được sử dụng khi thai phụ có triệu chứng chảy mũi nước, thuốc không gây dị tật thai nhi, độ an toàn đã được chứng minh. Không nên sử dụng thuốc ức chế antileukotrienes (montelukast...) trong trường hợp này.

Cuối cùng, phương pháp phẫu thuật giảm kích thước cuốn mũi có vai trò hạn chế đối với viêm mũi thai kỳ, chỉ định trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm mũi thai kỳ có ngưng thở lúc ngủ, thất bại trong CPAP và các phương pháp khác.

Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh: “Cả viêm mũi thai kỳ và viêm mũi suốt quá trình mang thai đều phổ biến và gia tăng trong những năm gần đây, do thấy được liên quan giữa ngưng thở khi ngủ và sự phát triển không thuận lợi của thai nhi, những ảnh hưởng lớn của viêm mũi thai kỳ đến chất lượng cuộc sống thai phụ. Bác sĩ Tai Mũi Họng và bác sĩ Sản khoa nên hội chẩn để có biện pháp và thuốc điều trị hợp lý”.

>>> Gần 700 đại biểu thảo luận chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang thường gặp

>>> Nitric oxide là một giải pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang ngày nay

>>> Những điều cần lưu ý khi sử dụng histamine trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em

Bài báo cáo nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề "Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp" do Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam kết hợp cùng Chi Hội Mũi Xoang TPHCM tổ chức tại TPHCM, thu hút gần 700 người đăng ký tham dự trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nội dung hội nghị với 9 bài báo cáo, chia thành 2 phiên, diễn ra trong 1 ngày 30/11/2024, được trình bày bởi các báo cáo viên là Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa, Phó trưởng khoa, Chủ tịch, Phó chủ tịch đến từ các bệnh viện và hội chuyên ngành khu vực phía Nam như: Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam, Chi hội Mũi Xoang TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X