Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần lưu ý khi sử dụng histamine trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em

Tại Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp”, TS.BS Võ Công Minh đã mang đến bài báo cáo “Sử dụng kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em”, nhấn mạnh những lưu ý trong chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng trên nhóm bệnh nhân này. 

Bài báo cáo “Sử dụng kháng histamin trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em” - TS.BS Võ Công Minh - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV

TS.BS Võ Công Minh - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV cho biết, khi trẻ có biểu hiệu viêm mũi dị ứng hay viêm đường hô hấp trên, phần lớn ba mẹ sẽ đưa con đến khặp bác sĩ nhi nhiều hơn bác sĩ tai mũi họng. Điều này làm tăng gánh nặng việm mũi dị ứng đối với trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các cơ quan khác như: xoang, tai, phổi, rối loạn giấc ngủ, thành tích học tập…

Bác sĩ dẫn chứng nghiên cứu của Thomas 2005 cho thấy, những trẻ bị viêm mũi dị ứng khó kiểm soát hen suyễn hơn, tăng nguy cơ nhập viện lên 2,34 lần so với những trẻ không mắc viêm mũi dị ứng. 

Những điều cần lưu ý trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Vị chuyên gia nêu bật một điều cần lưu ý, có những bé viêm mũi dị ứng thường xuyên được chẩn đoán là viêm kết mạc. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhi được ba mẹ dẫn đến bệnh viện mắt vì vấn đề viêm kết mạc với các dấu hiệu đau mắt, đỏ mắt, dụi mắt, ngứa mắt… ngoài ra không có các biểu hiện ở mũi.

Do đó những bệnh nhân này thường tiếp xúc và điều trị với bác sĩ mắt trong một thời gian dài, thậm trí điều trị đến lớn. Cho đến khi các biểu hiện ở mũi lộ ra mới đến gặp bác sĩ tai mũi họng và phát hiện viêm mũi dị ứng. Bác sĩ nhận định, khi chữa viêm mũi dị ứng sẽ giảm được triệu chứng ở mắt.

Đề cập về vấn đề chẩn đoán viêm mũi dị ứng, bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo của Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ năm 2015. Theo đó, yếu tố quan trọng trong chẩn đoán bệnh lý này là hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, sau đó là các xét nghiệm test da và test IgE đặc hiệu, các kiểm tra khác chỉ để hỗ trợ thêm. Đặc biệt, chẩn đoán hình ảnh như CT scan không khuyến cáo trừ khi cần phân biệt với viêm xoang. 

Bác sĩ nhấn mạnh, khi hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng cần lưu ý các vấn đề: có một hoặc nhiều hơn trong số các triệu chứng ở mũi như ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi, sổ mũi. Có bệnh sử lâm sàng cho thấy nguyên nhân do dị ứng như chảy mũi trong, nghẹt mũi, niêm mạc mũi tái nhạt… Tuy nhiên, các yếu tố trên có thể đưa ra chẩn đoán ở mức độ tin cậy trung bình. 

TS.BS Võ Công Minh cho rằng, việc test dị ứng nguyên có thể đưa ra chẩn đoán tốt hơn. Xét nghiệm này được chỉ định khi có triệu chứng lâm sàng của viêm mũi dị ứng, kém đáp ứng với điều trị theo kinh nghiệm, cần xác định dị ứng nguyên…

Ngoài ra, khi bệnh nhân đến thăm khám vì viêm mũi dị ứng, bác sĩ cần tìm thêm bệnh nền ở bệnh nhân như viêm da dị ứng, suyễn, khó thở khi ngủ, viêm kết mạc, viêm xoang cạnh mũi, viêm tai giữa… 

 TS.BS Võ Công Minh - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV

Ngoài các vấn đề trên, chuyên gia lưu ý 2 yếu tố quan trọng trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng ở trẻ:

Thứ nhất, phải chẩn đoán phân biệt với viêm đường hô hấp trên. Bởi vì viêm đường hô hấp trên khác viêm mũi dị ứng nhưng có biểu hiện khá giống, đặc biệt là trẻ em, điều này khiến việc thăm khám tương đối khó khăn. Đối với một trẻ nghi ngờ viêm mũi dị ứng phải có các triệu chứng gợi ý, ví dụ như kèm ngứa mắt, bệnh nhân đã tiếp xúc với dị ứng nguyên, hắt xì khi đụng vào cây hay con vật, tiền sử gia đình… 

Ngoài ra, nhiều  trẻ có kèm theo một số bệnh nền như suyễn, viêm kết mạc, viêm da cơ địa… 

Thứ hai, chú ý các dấu hiệu cảnh báo, những trẻ có các dấu hiệu sau thì bác sĩ nên nghĩ đến bệnh lý khác không phải viêm mũi dị ứng: nghẹt mũi, xổ mũi một bên, ngưng thở khi ngủ, trẻ dưới 2 tuổi tiền sử có triệu chứng viêm mũi, chảy mũi từ lúc mới sinh, có polyp mũi, không đáp ứng điều trị. 

Bên cạnh đó, cần chú ý hành động lấy tay đẩy mũi ngược lên của trẻ, các nếp ở quầng mắt… có thể chẩn đoán viêm mũi dị ứng. 

Điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ bằng histamine và những điều cần lưu ý

Giáo dục, tránh tiếp xúc dị ứng nguyên, điều trị thuốc, miễn dịch liệu pháp là 4 nguyên tắc cần nhớ trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em được bác sĩ đề cập. 

Trong đó, cần giáo dục cho bệnh nhân hiểu biết về bệnh viêm mũi dị ứng… hiểu được các sinh hoạt trong nhà vẫn có thể gây viêm mũi dị ứng như: ô nhiễm, mạt nhà, lửa, củi, hóa nhất vệ sinh, thuốc phun, đặc biệt là vật nuôi. Bác sĩ khuyến cáo cần dùng xịt mũi bằng nước muối để vệ sinh mũi thường xuyên. 

Phương pháp điều trị bằng thuốc được bác sĩ nêu cao tính hiệu quả và an toàn. Bác sĩ cho biết, điều trị viêm mũi dị ứng là giải quyết hậu quả do histamine để lại, do đó cần dùng kháng histamine H1 đường uống. 

Hiện nay, histamine H1 đường uống có hai thế hệ: Thế hệ thứ nhất không được khuyến cáo sử dụng do có nhiều tác dụng phụ trên tim mạch, tiểu khó, thèm ăn, khô miệng… Còn thế hệ thứ hai được rất nhiều guideline của các hiệp hội khuyến cáo sử dụng. 

Thuốc kháng histamine đường uống khuyến cáo nên sử dụng loại uống một lần/ngày, hiệu quả đối với viêm mũi dị ứng có chảy mũi, ngứa mũi, đặc biệt là không lờn thuốc, tại Mỹ hiện nay có thể dễ dàng mua và không cần toa. 

Việc lựa chọn thuốc histamine cho trẻ em cũng được TS.BS Võ Công Minh lưu ý trong bài báo cáo. Theo đó, phải lựa chọn loại thuốc không gây buồn ngủ và phải có tác dụng nhanh, dung nạp tốt, dễ sử dụng cho trẻ em. 

Bên cạnh kháng histamine H1, còn có thể dùng các loại kháng histamine xịt tại chỗ. Tuy nhiên,  những loại này sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đắng, khó chịu, vì khi xịt lên mũi khoảng 20 phút sau xuống họng sẽ có cảm giác đắng rất lâu. Ngoài ra histamine xịt tại chỗ khi sử dụng liều cao vẫn có thể gây buồn ngủ. 

Chuyên gia nhấn mạnh, khi điều trị viêm mũi dị ứng, cortcoid vẫn là “tiêu chuẩn vàng”. Một điều chú ý là trong corticoid xịt, bác sĩ phải luôn nhớ nhắc nhở bệnh nhân khi bắt đầu xịt, khoảng 2-3 tuần sau mới có tác dụng, để bệnh nhân hiểu và phải có sự kiên nhẫn, bởi vì họ luôn nghĩ rằng thuốc xịt có tác dụng nhanh. 

Ngoại trừ kháng histamine, bác sĩ cho biết có thể dùng kháng leukotrienes, thường dùng kết hợp với bệnh nhân có suyễn, hiệu quả tương đương với kháng histamine H1. 

Còn đối với corticoid đường toàn thân, chỉ sử dụng khi các loại thuốc khác không hiệu quả và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sử dụng corticoid trong thời gian ngắn, dưới 1 tuần sẽ không có tác dụng phụ. 

>> Gần 700 đại biểu thảo luận chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang thường gặp

>>Nitric oxide là một giải pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang ngày nay

Bài báo cáo nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học 2024 với chủ đề “Tối ưu hóa chẩn đoán và điều trị bệnh lý Mũi - Xoang thường gặp” do Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam kết hợp cùng Chi Hội Mũi Xoang TPHCM tổ chức tại TPHCM, thu hút gần 700 người đăng ký tham dự trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nội dung hội nghị với 9 bài báo cáo, chia thành 2 phiên, diễn ra trong 1 ngày 30/11/2024, được trình bày bởi các báo cáo viên là Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa, Phó trưởng khoa, Chủ tịch, Phó chủ tịch đến từ các bệnh viện và hội chuyên ngành khu vực phía Nam như: Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Hội Tai Mũi Họng TPHCM và các tỉnh phía Nam, Chi hội Mũi Xoang TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X