Hotline 24/7
08983-08983

Báo động suy thận ở người trẻ: Nhận thấy dấu hiệu nhưng bỏ qua

Theo TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, suy thận có thể báo hiệu qua tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ, tuy nhiên vấn đề này thường bị bỏ qua, bệnh nhân đến gặp bác sĩ thì suy thận đã ở giai đoạn cuối.

1. Biểu hiện của bệnh thận thường xuất hiện ở giai đoạn muộn

Vì sao người trẻ mắc bệnh suy thận thường phát hiện trễ và khi xảy ra đã gặp các biến chứng, thậm chí là giai đoạn cuối, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Thận là cơ quan bù trừ tốt, bệnh thận diễn tiến chậm, âm thầm và không thể nhận biết, đó là nguyên nhân bệnh thận được gọi là “sát thủ thầm lặng”. Khi có biểu hiện, triệu chứng thường ở giai đoạn trễ khiến việc xử trí rất khó khăn.

Bên cạnh đó, người trẻ thường chủ quan và không nghĩ bản thân sẽ mắc bệnh nặng, đôi khi có các triệu chứng như tăng huyết áp, thông thường đều bỏ qua và không suy nghĩ tới cho đến khi bệnh diễn tiến nặng.

2. Phát hiện điều trị sớm suy thận ở người trẻ có thể khỏi hoàn toàn

Người trẻ khi suy thận có những điểm nào khác biệt so với người trung niên, người lớn tuổi?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Đối với người trẻ, các biểu hiện của suy thận có điểm khác biệt so ngưới người trung niên và có tính hai mặt. Ví dụ như người trẻ thường mắc các bệnh tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư… Các bệnh lý này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi hoàn toàn và trở về như cuộc sống bình thường.

Bên cạnh đó, người trẻ ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tích tuổi học, do đó nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi chưa xuất hiện sẹo trên thận, hiệu quả điều trị được cho là hoàn hảo.

Rất ít trường hợp người trẻ có bệnh đồng mắc, thường chỉ mắc một bệnh, do đó việc điều trị dễ dàng hơn. Tuy nhiên vẫn có các mặt tiêu cực như bệnh không có triệu chứng, diễn tiến thầm lặng và phát hiện trễ. Suy thận ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khi mắc bệnh, bệnh nhân không thể tiếp tục công việc, không đi học, đi làm… thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

3. Phân loại bệnh thận mạn ở người trẻ ra sao?

Suy thận ở người trẻ được phân loại hay chia thành các mức độ như thế nào, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Trước đây thường dùng từ “suy thận mạn” nhưng đến năm 2012, tổ chức thận học quốc tế thay thành “bệnh thận mạn” để nói lên suy thận là bệnh rất nặng, cần tầm soát sớm để điều trị khỏi bệnh.

Trước đây bệnh thận mạn trong tiếng Anh được gọi là chronic renal, là một từ khoa học chỉ có giới hàn lâm hiểu được nghĩa, nhưng với mong muốn nhiều người bệnh biết đến để tầm soát sớm hơn, tên gọi tiếng Anh của bệnh lý này được đổi thành kidney, sau này gọi là chronic kidney disease - bệnh thận mạn.

Phân loại bệnh thận mạn hiện nay đang dựa trên hai chỉ số: Thứ nhất là chức năng thận (độ lọc cầu thận, mức lọc cầu thận) được chia ra 5 mức độ (mức độ 1, 2, 3, 4, 5). Cụ thể, mức lọc cầu thận >90 ml/ phút/ 1,73 m2 là bình thường, đến giai đoạn 5 là dưới 5m ml/ phút/ 1,73 m2.

Khi xét nghiệm, các phòng xét nghiệm có khi kết quả và khoảng tham chiếu đặt bên cạnh, ví dụ như xét nghiệm creatinin là 1 mg/dL, khoảng tham chiếu bên cạnh là 0,8-1,2 mg/dL, bệnh nhân vội tự đánh giá kết quả bình thường. Tuy nhiên, khi đánh giá chức năng thận, phải tính ra độ lọc cầu thận có công thức khá phức tạp. Nhiều trường hợp 1 mg/dL nhưng khi tính ra độ lọc cầu thận chỉ đạt khoảng hơn 50 ml/phút tùy tuổi tác và cân nặng của bệnh nhân… Đó là cách đánh giá theo chức năng thận.

Thứ hai là theo mức độ tiểu albumin. Cụ thể, albumin của người bình thường sẽ nằm trong cơ thể,  nhưng nếu mắc bệnh thận albumin sẽ thoát ra theo nước tiểu, chất đạm ăn vào được thải ra hoàn toàn theo nước tiểu. Tùy theo mức độ albumin mà chia làm 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.

Đó là hai yếu tố dùng để phân độ bệnh thận mạn. Thậm chí, một số trường hợp kết quả tiểu albumin là 30mg/g, cần làm xét nghiệm nước tiểu mới có thể kiểm tra hoặc xét nghiệm tỷ lệ albumin creatinin (một xét nghiệm khá nhạy) mới có thể phát hiện bệnh, còn bệnh thận mạn không có triệu chứng để nhận biết.

4. Mẹ bầu suy thận có thể bị tiền sản giật, ảnh hưởng thai nhi

Thưa BS, đối với bệnh suy thận ở người trẻ có dấu hiệu nào để cảnh báo? Theo quan sát của Bs, đâu là các dấu hiệu cảnh báo bệnh suy thận mà người bệnh thường bỏ quên?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Mặc dù có dấu hiệu thầm lặng nhưng bệnh thận vẫn có một số dấu hiệu cảnh báo. Dấu hiệu thường gặp nhất nhưng nhiều người dễ dàng bỏ qua là tăng huyết áp ở người trẻ.

Người lớn tuổi tăng huyết áp được gọi là tăng huyết áp vô căn (không có nguyên nhân) còn người trẻ khoảng 20-30 tuổi nếu tăng huyết áp là có nguyên nhân và bệnh thường gặp là suy thận.

Nhiều trường hợp bệnh nhân sinh năm 1990-1995 đã bị tăng huyết áp từ nhiều năm trước khi đến gặp bác sĩ, tuy nhiên các bác sĩ ở địa phương chỉ kê thuốc hạ áp, không tìm hiểu nguyên nhân, khi đến gặp bác sĩ Thảo đã suy thận giai đoạn cuối.

Những triệu chứng khác có thể nhìn thấy như: nước tiểu có nhiều bọt giống bọt xà phòng, tình trạng đó có thể có albumin trong nước tiểu; các biểu hiện nặng hơn như bệnh nhân bị sưng phù cơ thể (đeo giày, đeo nhẫn có cảm giác chật hơn…) đó là các dấu hiệu sớm. Một số người đau lưng, mệt mỏi, làm việc mau mệt, buồn ngủ…

Đôi khi bệnh nhân sẽ không có triệu chứng, phải thực hiện tầm soát bằng cách khám sức khỏe. Đặc biệt đối với phụ nữ thường hay chịu đựng, có các triệu chứng nhưng không đi tầm soát sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu bị suy thận mà không phát hiện, có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, mẹ bị tiền sản giật. Nếu có xuất hiện tiền sản giật, phụ nữ sau khi sinh đã ổn định nên đi kiểm tra thận tránh để lại các di chứng thận về sau.

Ngoài ra, phụ nữ đau nhức thường tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, khi sử dụng quá trình lâu dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh thận.

5. Bộ 3 xét nghiệm kiểm tra suy thận cần thực hiện

Những căn bệnh có các triệu chứng dễ nhầm lẫn như suy thận, có cách nào để phân biệt, nhận diện, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Các bệnh lý như tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp ở người trẻ, phải đến gặp bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm, ít nhất phải đầy đủ bộ 3 xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm thận.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X