Hotline 24/7
08983-08983

Bạch biến ở trẻ có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Bệnh bạch biến ở trẻ em là một loại bệnh đặc biệt nhưng không hiếm gặp. Bệnh lành tính, không lây nhưng có ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, thu mình. Mời bạn đọc AloBacsi tìm hiểu về bệnh lý này và một số điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bạch biến qua hướng dẫn của BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

1. Bạch biến là bệnh giảm sắc tố da do gen và môi trường

Xin hỏi BS, bạch biến là bệnh gì? Bệnh này có phổ biến ở Việt Nam không?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Bệnh bạch biến là một bệnh giảm sắc tố da, trên da có những mảng màu trắng. Đây là bệnh mắc phải do yếu tố gen và yếu tố môi trường.

Bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và xuất hiện ở tất cả các độ tuổi.

2. Trẻ có bệnh lý tự miễn có nguy cơ cao mắc bệnh bạch biến

Trẻ nào có nguy cơ cao mắc bệnh bạch biến? Bệnh này có ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe của trẻ không, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Bệnh bạch biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đa phần bệnh là do nguyên nhân tự miễn nên những trẻ có các bệnh lý tự miễn khác kèm theo như lupus, tiểu đường, vảy nến, viêm khớp dạng thấp,... là những trẻ dễ mắc bệnh bạch biến.

Khi mắc bệnh bạch biến, trên da sẽ nổi những mảng giảm sắc tố màu trắng khác màu so với các vùng da khác, ảnh hưởng đến thẩm mỹ rất nhiều. Khi bị ảnh hưởng đến thẩm mỹ, trẻ có xu hướng thiếu tự tin, đi học bị bạn bè chọc ghẹo khiến trẻ thu mình, khó phát triển vấn đề tâm sinh lý.

3. Mắc bệnh bạch biến do yếu tố gen

Nguyên nhân gây bệnh bạch biến là gì? Yếu tố di truyền, môi trường, bệnh lý có dẫn dến bệnh bạch biến không?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Bệnh bạch biến là một bệnh mắc phải do yếu tố đột biến về gen. Ngoài ra, một số bệnh lý về kháng thể tự miễn tấn công các tế bào sắc tố hắc tố bào, dẫn đến tình trạng da bị giảm sắc tố.

4. Phân biệt bạch biến, bạch tạng, lang ben

Các căn bệnh về da như bạch biến, lang ben, hắc lào, bạch tạng khác nhau ra sao? Triệu chứng giữa các bệnh lý này có khác nhau hay không? Làm sao để phân biệt được các bệnh này đúng nhất?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Những bệnh này có thể phân biệt qua khám lâm sàng. Đầu tiên, so sánh với bệnh bạch tạng. Đối với bạch tạng, những gì có hắc tố bào trên cơ thể đều chuyển thành màu trắng như da trắng, tóc trắng, đáy mắt trong suốt màu trắng.

Bệnh bạch tạng đa phần do những đột biến gen từ nhỏ, xuất hiện từ lúc mới sinh. Bạch tạng được thăm khám khi có những đặc điểm về da, tóc, mắt,...

Bạch biến hầu như mắc phải trong quá trình phát triển, do đột biến gen hoặc do yếu tố môi trường, do kháng thể tự miễn nên bị giảm sắc tố da. Bạch biến thông thường chỉ làm mất sắc tố da, đôi khi làm mất màu phần lông mọc trên vùng da bị mất sắc tố đó.

Lang ben là do nhiễm vi nấm thường trú trên cơ thể. Do yếu tố về sức khỏe, môi trường, thời tiết,... vi nấm sinh sôi, phát triển, gây ra bệnh lang ben. Khi bị lang ben, trên bề mặt trắng sẽ có vảy và trẻ có xu hướng bị ngứa.

Trong khi đó, bạch biến và bạch tạng hầu như là những sắc tố màu trắng, không có vảy, không ngứa.

Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ phân biệt được các bệnh này.

5. Bạch biến khu trú và bạch biến lan tỏa

Bệnh bạch biến được phân loại ra sao và triệu chứng của mỗi thể khác nhau như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Có rất nhiều phân loại về bạch biến nhưng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ nhất là:

- Thể bạch biến khu trú: Bạch biến chỉ khu trú ở một vùng nhỏ trên cơ thể

- Thể bạch biến lan tỏa: Bạch biến bị nhiều hơn trên những vùng cơ thể, có thể là đối xứng hai bên. Ngoài ra bạch biến lan tỏa còn có nghĩa là cả da và tóc đều bị.

BS.CK2 Phan Hoàng Yến - Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

6. Các xét nghiệm chuyên sâu để xác định bệnh bạch biến ở trẻ

Có cần phải làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán bệnh bạch biến không? Nếu có, cần làm chẩn đoán trong trường hợp nào, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Với những bác sĩ da liễu có kinh nghiệm, đa phần khi thăm khám lâm sàng, đa phần chỉ cần nhìn là chẩn đoán được bệnh.

Để có độ chính xác cao, có thể làm thêm các xét nghiệm bổ sung. Đối với lang ben, có thể cạo vụn da, mang đi có thể tìm thấy nấm.

Bệnh bạch tạng bên cạnh việc khám ngoài da thông thường có thể soi đáy mắt. Đáy mắt trong suốt hoặc hoặc mống mắt trong suốt thì đó là bệnh bạch tạng.

Nếu trẻ có bệnh bạch biến, có thể soi bằng đèn Wood để phân biệt. Tất nhiên phải thực hiện thêm một số xét nghiệm để tầm soát các bệnh lý kèm theo của bạch biến như lupus, tiểu đường, viêm khớp, vảy nến,...

7. Các phương pháp điều trị bạch biến ở trẻ

Bệnh bạch biến ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn được không, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Hiện tại, ở các bệnh viện về da tại Việt Nam có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh bạch biến như phương pháp bôi, phương pháp chiều tia UVB, chiếu tia UVA và phương pháp ghép da.

Đa phần các trẻ sau khi điều trị bằng các phương pháp này đều cải thiện khá tốt.

Trong các phương pháp nêu trên, phương pháp nào là tối ưu nhất và được sử dụng nhiều nhất?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Việc lựa chọn phương pháp điều trị phải dựa vào diện tích thương tổn. Những trường hợp diện tích nhỏ, dưới 20% diện tích da, chủ yếu dùng thuốc thoa. Có thể dùng loại corticoid bôi, tacrolimus bôi hoặc dẫn xuất vitamin D bôi.

Nếu bôi không hiệu quả, chúng ta có lựa chọn thứ hai hoặc phối hợp ngay từ đầu là chiếu tia UVA, UVB. Nếu vẫn không cải thiện, bác sĩ sẽ đưa ra phương án ghép da.

Đối với những trường hợp bạch biến lan tỏa nhiều, trên 20% diện tích da, sẽ áp dụng phương pháp khử sắc tố đen để thành da trắng.

Nguyên tắc thẩm mỹ là làm cho da đều màu. Nếu diện tích bạch biến nhỏ, chúng ta sẽ làm nó trở lại màu da bình thường. Trường hợp bạch biến quá nhiều, chúng ta sẽ giảm sắc tố vùng da bình thường để đều màu với màu bạch biến.

8. Trẻ trên 12 tuổi có thể điều trị bằng tất cả các phương pháp như người lớn

Trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể điều trị bạch biến bằng phương pháp chiếu tia UV? Liệu trình điều trị như thế nào? Sau khi điều trị, trong sinh hoạt của trẻ cần lưu ý những gì?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Trong điều trị bệnh bạch biến, người ta phân ra 2 nhóm lứa tuổi: Dưới 12 tuổi và trên 12 tuổi.

Nhóm dưới 12 tuổi được điều trị bằng phương pháp bôi corticoid cùng với chiếu tia UVA. Tia UVA không nên chiếu ở trẻ dưới 6 tuổi.

Trẻ 12 tuổi có thêm lựa chọn là chiếu tia UVB.

Như vậy, trẻ trên 12 tuổi có thể điều trị bằng tất cả các phương pháp như người lớn.

9. Bạch biến ổn định mới có thể thực hiện ghép da

Phương pháp ghép da để điều trị bệnh bạch biến được tiến hành như thế nào? Độ tuổi nào hoặc khi nào trẻ có chỉ định điều trị bằng phương pháp này, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Ghép da thường được sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi, diện tích được ghép phải là diện tích nhỏ. Bạch biến đó phải ổn định, có nghĩa là trên 6 tháng mà vùng da bị bạch biến đó không lan rộng thêm.

Cơ địa của trẻ phải không bị sẹo lồi. Đặc biệt, trẻ phải không bị hiện tượng copnor, nghĩa là hễ có sang chấn nào đó là trẻ sẽ bị vảy nến. Những trẻ có tình trạng này sẽ không ghép da được.

10. Vùng da bạch biến nhạy cảm với ánh sáng

Người bệnh bạch biến có cần phải tránh nắng hoặc kiêng tắm biển không, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Trẻ hoặc người lớn có bạch biến thường da vùng đó rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu tiếp xúc với ánh nắng hoặc tắm biển trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ ung thư da so với người bình thường.

Những đối tượng này nên sử dụng kem chống nắng có SPF trên 50. Khi đi bơi, nên sử dụng các loại kem chống nắng có tính chống nước.

11. Nên đi khám khi mới xuất hiện đốm bạch biến nhỏ

Có cách nào để hạn chế căn bệnh bạch biến tiến triển không, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Bệnh bạch biến là một bệnh mắc phải và không thể đoán trước diễn tiến. Có thể bệnh sẽ tự hết hoặc lan rộng hơn.

Nên đi khám sớm khi mới xuất hiện đốm nhỏ để sử dụng thuốc, sử dụng các liệu pháp với hy vọng không lan rộng ra hơn.

12. Bổ sung vitamin B và bôi kem chống nắng thường xuyên cho trẻ bạch biến

Ở giai đoạn bệnh tiến triển, chúng ta cần tránh những gì và ăn gì để hỗ trợ việc điều trị bệnh bạch biến ở trẻ?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Thứ nhất, về ăn uống, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B và kẽm. Đây là các vitamin tốt cho hệ miễn dịch và tốt cho tình trạng da.

Thứ hai, nên bôi kem chống nắng thường xuyên cho trẻ. Sau khi chiếu tia UVA, UVB trong điều trị, da sẽ bị đỏ, kích ứng, cần phải dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng da khô, kích ứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X