Ăn gì cũng bị ngứa một lúc rồi tự hết
Đầu tiên chỉ ngứa sau khi ăn đồ tanh, sau đó ăn thịt cũng bị ngứa, giai đoạn cuối thì cứ ăn bất cứ thứ gì xong cũng ngứa.
Khoảng một năm trở lại đây tôi hay bị ngứa bàn tay và bàn chân sau khi ăn. Đầu tiên chỉ ngứa sau khi ăn đồ tanh, sau đó ăn thịt cũng bị ngứa, giai đoạn cuối thì cứ ăn bất cứ thứ gì xong cũng ngứa.
Hai bàn tay và chân sẽ đỏ lên từng đám dưới da và rất ngứa, khoảng 1-2 tiếng sau thì tự hết. Tôi đã uống các loại trà atiso, cây chó đẻ nhưng chỉ được thời gian đầu sau đó vẫn ngứa. Xin bác sĩ cho biết tôi bị sao vậy.
(Luận)
Chào bạn Khánh Luận!
Các biểu hiện dị ứng của cơ thể có rất nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là các tác nhân bên ngoài hay còn gọi là các dị nguyên (như bụi, phấn hoa, hơi sơn, nước tẩy rửa, hóa chất, thuốc...). Các dị nguyên này có thể gây dị ứng thông qua tiếp xúc với da niêm mạc, qua đường thở, đường ăn uống.
Nói chung bất kỳ chất nào cũng có thể trở thành nguyên nhân gây dị ứng tuỳ theo yếu tố cơ địa của bệnh nhân nhạy cảm với chất đó. Điều này được thể hiện qua cuộc sống hàng ngày với những biểu hiện khác nhau tùy từng người, như cùng tiếp xúc với một loại chất nhưng người bị dị ứng, người không... Bên cạnh đấy, nhiều trường hợp dị ứng theo mùa, theo thời tiết, hoặc tự phát được coi là dị ứng do cơ địa. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp dị ứng mà không rõ nguyên nhân.
Trường hợp của bạn có biểu hiện ngứa bàn tay, bàn chân sau khi ăn đồ tanh, thịt... cho thấy bạn có cơ địa dị ứng, và dị ứng với một số loại thực phẩm. Với cơ địa của những người dị ứng thực phẩm, khi ăn các đồ ăn chứa nhiều histamin (như các loại tôm, cua, hải sản...) sẽ xuất hiện dị ứng, ngứa, phản ứng thường nặng lên vào các lần ăn sau, thậm chí có thể trầm trọng tới mức phải cấp cứu.
Thông thường những lần ngứa khá tương đồng với nhau ở vị trí tổn thương (cùng xuất hiện ở một số vị trí trên cơ thể) và nếu trường hợp nhẹ, có thể tự mất sau đó mà không phải dùng thuốc gì do cơ thể tự điều chỉnh, cân bằng.
Các loại trà, cây thuốc như artiso, cây chó đẻ có tác dụng hỗ trợ chức năng gan, thanh lọc cơ thể. Các thuốc điều trị kháng histamin, thuốc ức chế miễn dịch (corticoid) giúp giảm dị ứng, giảm ngứa nhưng cũng chỉ là điều trị triệu chứng và là giải pháp tình thế. Một số trường hợp dùng thuốc giải mẫn cảm cũng có thể mang lại hiệu quả.
Như vậy hiện chưa có biện pháp loại bỏ hoàn toàn tình trạng cơ địa dị ứng với thực phẩm dị ứng. Nên biện pháp quan trọng nhất là bạn cần xác định được tác nhân gây dị ứng (xác định được chính xác thực phẩm gây dị ứng), và tránh sử dụng thực phẩm đó.
Tuy nhiên, biện pháp này không dễ thực hiện và phải áp dụng sàng lọc, loại trừ dần các thực phẩm ăn vào.... Hoặc cũng có thể sử dụng các test dị nguyên để xác định.
Tóm lại, để có thể tìm ra được nguyên nhân gây dị ứng và có biện pháp xử trí thích hợp, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về bệnh da, dị ứng để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết và nhận các tư vấn cụ thể phòng ngừa tình trạng dị ứng của cơ thể.
Chúc bạn vui khoẻ.
Theo Ths.BS Thanh Hà - VnExpress
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình