Ai cần hạn chế ra đường lúc ô nhiễm không khí vượt “báo động đỏ”?
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày ô nhiễm không khí, ThS.BS Trần Thị Thúy Tường - Chuyên khoa Hô hấp, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh hướng dẫn, người dân cần theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI). Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài trời.
1. Chỉ số chất lượng không khí bao nhiêu là đáng báo động?
BS đánh giá thế nào về tình hình ô nhiễm không khí hiện nay tại TPHCM và Việt Nam nói chung?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Nếu theo dõi báo đài trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đều báo động tình trạng ô nhiễm rất nặng. Chỉ số Air Quality Index (AQI - Chỉ số chất lượng không khí) có ngày đạt đến hơn 190 (TPHCM) và 160 - 180 (Hà Nội). Đây là mức độ báo động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
2. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tim mạch, hô hấp...
Ô nhiễm không khí sẽ làm gia tăng các bệnh nào và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Hiện tại đã có nhiều báo cáo, nghiên cứu về tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe đường hô hấp, tiếp đến là các vấn đề tim mạch, đột quỵ...
Bụi mịn được chia thành nhiều loại. PM10 ảnh hưởng đến đường dẫn khí, từ PM2.5 đã có thể vào thẳng nhu mô, vào mạch máu và kích hoạt các bệnh lý hô hấp sẵn có, tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ...
Các bệnh nền như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính... dễ vào đợt cấp dù đang được điều trị ổn định.
Trẻ em sinh ra trong khu vực bị ô nhiễm không khí sẽ tăng nguy cơ bị hen so với những đứa trẻ khác. Trẻ cũng dễ bị viêm phổi trong lúc thời tiết chuyển lạnh.
3. Thời điểm nào trong ngày ô nhiễm không khí nặng nhất?
Xin hỏi BS, buổi nào trong ngày là thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Trong ngày có 2 thời điểm ô nhiễm không khí nhiều nhất:
- 6h - 10h sáng: Khoảng 6h sáng, không khí lạnh vẫn còn nên sẽ xuất hiện hiện tượng đảo nhiệt, không khí ô nhiễm vẫn nằm ở tầng thấp cùng với không khí lạnh, chưa thoát lên được. Bên cạnh đó, từ 6h - 10h là thời gian mọi người đổ ra đường để đi học, đi làm, số lượng xe cộ nhiều, thải ra môi trường nhiều bụi mịn, NO, CO,...
- 6h - 10h tối: Tương tự như khung giờ buổi sáng, từ 6h-10h tối là giờ cao điểm và vẫn có hiện tượng đảo nhiệt, không khí lạnh “nhốt” không khí bị ô nhiễm ở tầng thấp.
Còn khoảng thời gian từ 10h sáng đến 3h chiều, nhiệt độ tương đối cao, những chất ô nhiễm có thể thoát lên tầng trên, không khí đỡ ô nhiễm hơn.
4. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí?
Thưa BS, làm cách bảo vệ phổi trước tình hình ô nhiễm này?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Đầu tiên và đơn giản nhất, mọi người có thể tải các ứng dụng, chương trình theo dõi chỉ số chất lượng không khí hằng ngày để cảnh giác.
- Từ 0 - 50: Chất lượng không khí tốt
- Từ 51 - 100: Chất lượng không khí trung bình
- Từ 101 - 150: Chất lượng không khí kém - Những người có vấn đề sức khỏe nên hạn chế ra đường
- Từ 151 - 2000: Chất lượng không khí xấu - Mức độ này rất nguy hiểm cho sức khỏe, cần có những biện pháp để cải thiện.
- Từ 201 - 300: Chất lượng không khí rất xấu
- Từ 301 - 500: Chất lượng không khí nguy hại.
Trong những ngày chất lượng không khí vượt mức 150, nếu bắt buộc phải ra đường, cần phải đeo các loại khẩu trang có thể lọc được bụi mịn PM2.5 (khẩu trang N95).
Những người có bệnh nền nên hạn chế ra đường, đóng kín cửa. Trong nhà có thể trang bị các thiết bị lọc không khí, hỗ trợ giảm ô nhiễm môi trường.
Nếu có thể, hãy hạn chế ra đường trong những khoảng thời gian mà nồng độ ô nhiễm cao.
5. Nhà cao tầng, chung cư liệu có tránh được ô nhiễm không khí?
Nếu sống trong các toà nhà cao tầng, từ tầng mấy trở lên thì chất lượng không khí sẽ tốt hơn tầng thấp?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Việc giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu nguồn ô nhiễm xuất phát từ các khu công nghiệp, khí thải từ các ống khói cao, nhà cao tầng cũng không thể thoát được.
Ở các đô thị không có quá nhiều khu công nghiệp, ô nhiễm không khí chủ yếu tập trung ở tầng thấp, nhà ở từ tầng 10 (cách 30 - 40m so với mặt đất) có thể phần nào tránh được những ô nhiễm dưới thấp. Từ tầng 5 trở lên có thể giảm thiểu được các chất ô nhiễm như NO, CO2...
6. Đóng cửa sổ có đủ để giữ môi trường trong nhà trong lành hơn?
Đóng cửa ra vào, cửa sổ có giúp ô nhiễm không khí bớt tràn vào nhà không, thưa BS?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Việc đóng cửa sổ chỉ hạn chế được một phần tình trạng ô nhiễm môi trường và bụi mịn. Tuy nhiên, cần có thêm máy lọc không khí để tăng khả năng bảo vệ vì bụi mịn kích thước nhỏ, siêu nhỏ vẫn có thể tràn qua các khe cửa.
7. Chữa ho kéo dài, trước hết phải xác định nguyên nhân
Gần đây có đợt cảm ho kéo dài, có phải tác nhân do ô nhiễm không khí? Có cách gì chữa những đợt ho kéo dài không dứt? Bệnh nhân có thể tập thở hay uống những thảo dược tốt cho phổi?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ho kéo dài, do bệnh lý hoặc do ô nhiễm không khí. Thời gian gần đây, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, là một yếu tố khiến các loại virus như cúm mùa bùng lên.
Ho kéo dài có thể xuất phát từ nhiễm trùng đường hô hấp do siêu vi, cúm mùa. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa trước cách tiêm ngừa.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường khiến cơ chế bảo vệ đường hô hấp bị suy giảm, virus có cơ hội tấn công cơ thể, gây những cơn ho kéo dài.
Để giải quyết những cơn ho kéo dài, cần nắm được nguyên nhân. Chính vì thế, cần đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân do virus, do ô nhiễm hay do các bệnh lý tiềm ẩn như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, lao, dùng thuốc...
8. Người già nhiều bệnh nền, trẻ nhỏ cần giảm tối thiểu nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí
BS có lời khuyên nào gửi đến cộng đồng, giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, nhất là bảo vệ hệ hô hấp trước tác động của ô nhiễm không khí?
ThS.BS Trần Thị Thúy Tường trả lời: Dưới tác động ô nhiễm không khí, nhóm nguy cơ cao gồm những người có bệnh nền, người lớn tuổi, trẻ nhỏ... nên hạn chế ra đường.
Đặc biệt, người lớn tuổi có bệnh nền về phổi (hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi...), tim (thiếu máu cơ tim, từng bị nhồi máu cơ tim, suy tim...), tiền sử đột quỵ, tăng huyết áp phải uống thuốc đúng chỉ định để kiểm soát bệnh nền. Trong thời gian ô nhiễm nặng nề, nên hạn chế ra ngoài trời.
Hãy đóng kín cửa sổ, nếu có điều kiện, nên trạng bị thêm máy lọc không khí để giảm ô nhiễm môi trường.
Không nên cho trẻ chơi ngoài trời vào những khung giờ nồng độ không khí ô nhiễm tăng cao (6h-10h sáng và 6h-10h tối) để giảm nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình