Hotline 24/7
08983-08983

95% trẻ dậy thì bị nổi mụn: Nên điều trị sớm để tránh biến chứng

Một trong những dấu hiệu dậy thì là việc nổi mụn ồ ạt. Tuy nhiên, hầu hết các bạn trẻ chưa hiểu rõ về nguyên nhân cũng như cách chăm sóc và điều trị hợp lý nên dễ khiến mụn ngày càng nghiêm trọng hơn. Những chia sẻ từ BS.CK2 Phan Hoàng Yến – Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc để da phục hồi về trạng thái bình thường.

1. Thay đổi nội tiết tố gây nổi mụn tuổi dậy thì

Nhờ BS giải thích, vì sao đa số thiếu niên ở tuổi dậy thì đều bị nổi mụn nhiều?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Tuổi dậy thì là lứa tuổi thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là tăng hormone Androgen, một loại hormone gây tăng tiết bã nhờn.

Sự tăng tiết bã nhờn trên da sẽ làm da bị bít tắc, kèm theo những vi khuẩn gây mụn như propionibacterium acnes và dày sừng nang lông nên sinh ra nhân mụn.

BS.CK2 Phan Hoàng Yến – Trưởng Đơn vị Da liễu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

2. Có 95% trẻ bị nổi mụn khi dậy thì

Có phải trẻ bị nổi mụn mới được coi là đang dậy thì và mụn dễ tấn công vào loại da nào, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Theo nghiên cứu, có 95% trẻ sẽ bị nổi mụn khi dậy thì. Như vậy, có 5% các em “thoát” được tình trạng nổi mụn nhưng vẫn dậy thì thành công.

Những làn da dễ bị nổi mụn là những làn da có tăng tiết bã nhờn nhiều, dầu nhiều. Nhóm thứ hai là những trẻ không biết cách vệ sinh và chăm sóc da.

3. Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

Nguyên nhân do đâu khiến tình trạng mụn vẫn tiếp tục diễn ra, dù đã qua tuổi dậy thì, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Nhiều người nghĩ mụn trứng cá chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì nhưng thực tế là, mọi độ tuổi đều có thể bị mụn trứng cá. Hiện tại, người ta phân mụn trứng cá theo những nhóm tuổi sau:

- Trẻ sơ sinh

- Trẻ từ 1 - 7 tuổi

- Trẻ từ 7 - 12 tuổi

- Tuổi dậy thì

Những yếu tố gây mụn trứng cá là rối loạn nội tiết tố, hay sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, cafein, chế độ ăn thiếu vitamin, rau xanh, trái cây. Rối loạn nội tiết tố có thể xảy ra ở nhóm tuổi dậy thì, nhóm phụ nữ tiền mãn kinh hoặc ở nhóm người có bệnh lý về rối loạn nội tiết tố.

Những người thường xuyên căng thẳng, thức khuya cũng dễ sinh mụn trứng cá.

4. Những loại mụn thường gặp ở tuổi dậy thì

Nhờ BS chỉ ra, các bạn trong giai đoạn dậy thì thường bị nổi những loại mụn nào?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Giai đoạn dậy thì thường có các loại mụn: mụn đầu trắng, mụn đầu đen, sẩn, mụn mủ, nốt và nang. Trong đó, nốt và nang là hai dạng nặng nhất của mụn trứng cá.

5. Điều trị từ khi mới có mụn để tránh biến chứng

Điều trị mụn cho trẻ ở tuổi dậy thì thế nào là đúng cách? Trường hợp nào các bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mụn trứng cá nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ dễ để lại biến chứng như thâm, tăng sắc tố da, sẹo lồi, sẹo lõm,... Khi biến chứng xảy ra, việc điều trị rất tốn kém và da không thể hồi phục như ban đầu.

Do đó, tốt nhất nên điều trị ở giai đoạn mới có mụn, mụn nhẹ, mụn trung bình. Tình trạng mụn nặng cần đến gặp bác sĩ để được điều trị.

6. Mụn trứng cá có thể lây sang vùng da lành

Xin BS cho biết, mụn có lây lan từ vùng này sang vùng khác trên da không?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Mụn trứng cá là một tình trạng nhiễm khuẩn do vi trùng propionibacterium acnes. Việc đưa tay gãi, sau đó chạm vào những vùng da khác sẽ khiến mụn lây lan.

Như vậy, mụn trứng cá có thể lây nếu chúng ta cào, sờ, gãi và chạm từ vùng bị nhiễm khuẩn mụn đến những vùng da lành.

7. Salicylic Acid giúp gom cồi mụn nhanh hơn

Nhờ BS hướng dẫn cách chăm sóc và vệ sinh vùng da đang nổi mụn đúng cách.

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Hiện tại có những loại thuốc thoa giúp mụn nhanh lên cồi và giảm tình trạng viêm mụn như Salicylic Acid, Kojic, retinol như Adapalene. Nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ chỉ định thuốc thoa, đôi khi kèm thêm thuốc uống để điều trị đúng với lứa tuổi, mức độ nặng nhẹ và tình trạng da.

8. Đảm bảo vệ sinh, sát trùng khi nặn mụn

Nặn mụn như thế nào để không để lại thâm, sẹo và không được nặn mụn ở những vị trí nào trên mặt?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Nếu cần thiết, nên đến spa hoặc các cơ sở có bác sĩ chuyên về da liễu để nặn mụn. Có hai loại mụn là mụn viêm và mụn không viêm. Chúng ta chỉ được nặn những loại mụn không viêm. Không nên nặn mụn đang viêm, sưng tấy, có mủ vì có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, lây sang nhiễm trùng máu và dẫn đến những biến chứng nặng khác.

Khi muốn lấy nhân mụn, phải dùng các dung dịch sát trùng như Betadine vệ sinh vùng muốn nặn mụn. Dùng bông hoặc gạc vô trùng đặt lên vị trí mụn và lấy nhân mụn. Sau đó, phải vệ sinh, sát trùng da một lần nữa để không làm lây lan vi trùng mụn sang vị trí khác.

Không nên nặn mụn ở vùng ngang đầu mũi và hai bên mép miệng. Những vùng này có các mạch máu lớn chảy trực tiếp vào vùng não bộ. Nặn mụn không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến vi trùng đi vào máu, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết.

9. Điều trị bằng thuốc với những trường hợp mụn viêm

Theo BS, có nên để yên không nặn mụn, để mụn tự già và lặn đi không?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Chúng ta có thể không nặn mụn và sử dụng các loại thuốc bôi, kem để giảm sưng, giảm viêm, đẩy mụn từ từ. Lưu ý một lần nữa, chỉ nên lấy mụn đối với tình trạng mụn không viêm.

Mụn viêm cần phải điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống. Khi mụn chuyển sang dạng không viêm, có thể lấy ra hoặc để mụn tự tiêu.

10. Rửa mặt kỹ vào buổi tối để lấy đi bụi bẩn, tế bào chết

Các bạn tuổi dậy thì nên tránh những thói quen xấu nào để hạn chế nổi mụn nhiều hơn, mụn khó điều trị hơn?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Các em thường hay thức khuya để học bài, thức khuya để xem điện thoại, chơi game. Tốt nhất là không nên thức khuya.

Thứ hai, hạn chế tình trạng căng thẳng.

Thứ ba là ăn uống điều độ, ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin. Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cafein, đường, chất tạo ngọt.

Quy trình skincare ở tuổi dậy thì nên rửa mặt 3 lần/ngày, sáng - trưa - chiều. Không cần rửa mặt quá kỹ vào buổi sáng, một chút nhờn sẽ giúp da mềm mịn và ổn định độ pH trên da. Sau một ngày đi học, đi ngoài đường, buổi tối phải rửa mặt thật kỹ để lấy đi bụi bẩn trên da. Việc này giúp hạn chế tế bào chết và bụi bẩn gây bít tắc, nhiễm trùng.

11. Tình trạng mụn sẽ giảm sau giai đoạn dậy thì

Nổi mụn ở tuổi dậy thì thường kéo dài bao lâu hoặc đến bao nhiêu tuổi sẽ hết tình trạng nổi mụn, thưa BS?

BS.CK2 Phan Hoàng Yến trả lời: Kết thúc giai đoạn dậy thì, nội tiết tố trong cơ thể bắt đầu ổn định hơn, tình trạng mụn sẽ giảm. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt như có bệnh lý rối loạn nội tiết tố, bệnh lý tiểu đường, béo phì, chế độ ăn không hợp lý sẽ khiến mụn duy trì dù đã lớn.        

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X