9 thắc mắc thường gặp về bệnh Basedow
Bệnh Basedow (bệnh Graves) xảy ra phổ biến ở người trẻ, có nhiều cách gọi khác nhau như Graves hoặc Parry, được biết đến là một trong những căn bệnh cường giáp khá phổ biến hiện nay. Nếu không nhận biết sớm và điều trị tích cực có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
I. Bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow là bệnh tự miễn của tuyến giáp. Bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp, biểu hiện đặc trưng gồm: bướu giáp lan tỏa, lồi mắt, phù niêm trước xương chày. Bệnh liên quan đến sự hiện diện của các kháng thể kích thích tuyến giáp.
II. Nhóm người nào có nguy cơ mắc bệnh Basedow?
Nữ giới bị bệnh nhiều gấp 5 - 10 lần nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trong độ tuổi 20 - 40.
III. Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh Basedow là gì?
Với cơ chế thông thường, vùng dưới đồi và tuyến yên trong não làm việc cùng nhau để kiểm soát việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp ít, vùng dưới đồi “báo hiệu” cho tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
Nhưng khi bị Basedow tuyến giáp, hệ thống miễn dịch lại tấn công các thụ thể TSH nên cơ thể không thể phân biệt được sự khác biệt giữa cuộc tấn công và các thông điệp truyền đi qua các thụ thể giống nhau. Các nhà khoa học tìm thấy ở người bệnh Basedow tuyến giáp có sự hiện diện của các kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp quá mức.
Cho đến hiện nay căn nguyên của bệnh vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh này mang tính di truyền cao khoảng 79%.
Bên cạnh việc bắt nguồn từ yếu tố di truyền, bệnh còn có thể do tác động của một số yếu tố khác như: độ tuổi, giới tính, môi trường sống và môi trường làm việc, cơ địa hoặc có thể là những loại hóa chất ẩn trong thực phẩm, thức ăn mỗi ngày tích tụ lại.
IV. Những dấu hiệu nào cảnh báo bệnh Basedow?
Triệu chứng cảnh báo bệnh Basedow được chia làm 2 nhóm hội chứng lớn bao gồm: biểu hiện tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp.
1. Tại tuyến giáp
Bướu giáp: Bướu giáp lớn, thường lan tỏa tương đối đều, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng, có thể có rung miu tâm thu, thổi tâm thu tại bướu, nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận.
Một số biểu hiện rối loạn vận mạch vùng cổ (đỏ, da nóng, tăng tiết mồ hôi), vẫn có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân không có bướu giáp lớn (liên quan kháng thể).
Hội chứng nhiễm độc giáp: Các dấu chứng này thường tỉ lệ với nồng độ hormon giáp với nhiều cơ quan bị ảnh hưởng.
Tim mạch: Hồi hộp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp khó thở khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi. Ở các động mạch lớn, mạch nhảy nhanh và nghe tiếng thổi tâm thu, huyết áp tâm thu gia tăng (tăng cung lượng tim) so với huyết áp tâm trương, hiệu áp gia tăng, trường hợp nặng suy tim loạn nhịp, phù phổi, gan to, phù hai chi dưới.
Thần kinh cơ: Run rõ ở bàn tay là triệu chứng dễ nhận biết và nổi bật kèm theo yếu cơ. Bệnh nhân thường mệt mỏi, dễ kích thích thay đổi tính tình, dễ cảm xúc, nói nhiều, bất an, không tập trung tư tưởng, mất ngủ.
Rối loạn vận mạch ngoại vi: Mặt khi đỏ khi tái, tăng tiết nhiều mồ hôi, lòng bàn tay, chân ẩm. Phản xạ gân xương có thể bình thường, tăng hoặc giảm. Đặc biệt dấu hiệu yếu cơ, teo cơ, dấu hiệu ghế đẩu (Tabouret), yếu cơ hô hấp gây khó thở, yếu cơ thực quản làm khó nuốt hoặc nói nghẹn.
Ở người trẻ tuổi triệu chứng tim mạch thường nổi bật, trong khi người lớn tuổi ưu thế triệu chứng thần kinh và tim mạch.
Dấu hiệu tăng chuyển hóa: Tăng thân nhiệt, luôn có cảm giác nóng, tắm nhiều lần trong ngày, gầy nhanh, uống nhiều nước, khó chịu nóng, lạnh dễ chịu. Ngoài ra có các biểu hiện rối loạn chuyển hóa calci gây tăng calci máu hoặc hiện tượng loãng xương ở người lớn tuổi sau mãn kinh gây biến chứng, xẹp đốt sống, gãy xương tự nhiên, viêm quanh các khớp.
Biểu hiện tiêu hóa: Ăn nhiều (vẫn gầy), tiêu chảy đau bụng, nôn mửa, vàng da.
Tiết niệu sinh dục: Tiểu nhiều, giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, liệt dương và chứng vú to nam giới.
Da và cơ quan phụ thuộc: Ngứa, có biểu hiện rối loạn sắc tố da, có hiện tượng bạch ban ở lưng bàn tay và các chi; tóc khô, hoe, mất tính mềm mại rất dễ rụng; rụng lông; các móng tay, chân giòn dễ gãy.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Basedow
2. Biểu hiện ngoài tuyến giáp:
Thương tổn mắt: Thường hay gặp là lồi mắt.
Có 2 loại: Lồi mắt giả và lồi mắt thật (lồi mắt nội tiết), có thể không liên quan đến mức độ nhiễm độc giáp hoặc độc lập với điều trị. Vì thế có thể xảy ra sau quá trình điều trị nhất là phẫu thuật hoặc điều trị phóng xạ.
Lồi mắt giả: Tổn thương không thâm nhiễm liên quan đến bất thường về chức năng do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng thyroxin gây tăng co kéo cơ nâng mi làm khoé mắt rộng ra.
Lồi mắt thật (lồi mắt nội tiết): Tổn thương thâm nhiễm liên quan đến các thành phần hốc mắt gây bệnh mắt nội tiết trong bối cảnh tự miễn trong bệnh Basedow gây thương tổn cơ vận nhãn và tổ chức sau hốc mắt. Bệnh lí mắt thường phối hợp gia tăng nồng độ kháng thể kháng thụ thể TSH (kích thích).
Phù niêm: Tỉ lệ gặp 2-3%, thường định vị ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối, có tính chất đối xứng. Vùng thương tổn dày (không thể kéo lên) có đường kính vài cm, có giới hạn. Da vùng thương tổn hồng, bóng, thâm nhiễm cứng (da heo), lỗ chân lông nổi lên, mọc thưa, lông dựng đứng (da cam), bài tiết nhiều mồ hôi. Đôi khi thương tổn lan tỏa từ chi dưới đến bàn chân.
To các đầu chi: Đầu các ngón tay và các ngón chân biến dạng hình dùi trống, liên quan đến màng xương, có thể có phản ứng tổ chức mềm, tái và nhiệt độ bình thường phân biệt với bệnh phổi mạn. Ngoài ra có dấu chứng tiêu móng tay (onycholysis).
Ngoài các biểu hiện trên còn tìm thấy một số dấu hiệu của các bệnh lý tự miễn phối hợp khác đi kèm như suy vỏ thượng thận, suy phó giáp, tiểu đường, nhược cơ nặng, trong bối cảnh bệnh đa nội tiết tự miễn.
V. Bệnh Basedow có nguy hiểm không?
Basedow là bệnh rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt trong tình trạng cơn bão giáp, một trong những biến chứng nặng của bệnh.
VI. Biến chứng bệnh Basedow nguy hiểm như thế nào?
Bên cạnh các biến chứng phổ biến liên quan đến mắt và da, những biến chứng ở bệnh Basedow khác bao gồm: Đột quỵ, suy tim/ các vấn đề về tim, mỏng xương, dẫn đến loãng xương, cơn bão giáp (triệu chứng tăng đột ngột hiếm gặp, đe dọa tính mạng).
Tuy nhiên, những biến chứng này thường phát triển ở những người không được điều trị đúng cách hoặc mắc tình trạng bệnh nặng.
Người bệnh Basedow cũng đối diện với nguy cơ phát triển các tình trạng tự miễn dịch khác bao gồm:
Viêm khớp dạng thấp
Lupus ban đỏ hệ thống (bệnh tự miễn gây ra tình trạng cơ thể tự sản xuất ra kháng thể tấn công vào các mô của các cơ quan)
Bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát)
Bệnh celiac (bệnh qua trung gian miễn dịch di truyền ở người do không dung nạp gluten, gây viêm niêm mạc và teo nhung mao, dẫn đến kém hấp thu).
Bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh bạch biến (là một tổn thương mất tế bào sắc tố da khiến vùng da bị ảnh hưởng có màu da nhạt hơn so với những vùng da khác trên cơ thể).
Ngoài ra, bất kỳ loại cường giáp nào không được điều trị đều có thể dẫn đến tình trạng cấp tính được gọi là khủng hoảng nhiễm độc giáp đặc trưng bởi tình trạng mất nước, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, suy tim, rối loạn thông khí và suy giảm ý thức.
VII. Chẩn đoán bệnh Basedow theo phương pháp nào?
1. Chẩn đoán xác định
Lâm sàng: Có hội chứng nhiễm độc giáp. Nếu có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc giáp và ít nhất 1 trong 3 triệu chứng bướu mạch, lồi mắt và phù niêm trước xương chày thì cho phép chẩn đoán xác định Basedow mà không cần làm thêm xét nghiệm gì nữa.
Xét nghiệm: FT4 tăng và TSH giảm. Một số BN ở giai đoạn sớm chỉ có tăng FT3
Nồng độ kháng thể: TSH-RAb tăng.
Xạ hình tuyến giáp: Tuyến giáp tăng bắt giữ Iod phóng xạ hoặc Technitium.
2. Chẩn đoán phân biệt
Cường giáp do bướu giáp độc hoặc bướu giáp đa nhân độc, do u buồng trứng
Nhiễm độc giáp do BN uống Thyroxin
Viêm tuyến giáp giai đoạn đầu, có nhiễm độc giáp
Cường giáp do u tuyến yên tăng tiết TSH.
VIII. Điều trị bệnh Basedow theo phương pháp nào?
Có 3 phương pháp điều trị Basedow:
1. Điều trị nội khoa
a. Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp
Các chế phẩm gồm: Carbimazole (Neomercazole 5mg) hoặc Methimazole (Thyrozol 5mg) hoặc PTU 25/50/100mg.
Liều lượng: Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Giai đoạn tấn công trong 4 - 8 tuần (1 –2 tháng)
Carbimazole hoặc methimazole: Bắt đầu với liều 20-40mg/ ngày chia 1 - 2 lần, ít khi cần đến liều 40mg/ngày.
Hoặc PTU bắt đầu với liều 200 - 400mg/ ngày chia 2-3 lần. Liều có thể cao hơn ở các bệnh nhân cường giáp nặng hoặc có bướu giáp to.
Giai đoạn duy trì: Bắt đầu khi bệnh nhân trở về bình giáp và sẽ kéo dài trong 12 - 18 tháng.
Liều duy trì 2,5 - 15mg carbimazole hoặc 2,5 - 10mg methimazole/ ngày, có thể uống 1 lần. Hoặc 50-150mg PTU/ ngày có thể uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần trong ngày.
Mục tiêu: Về lâm sàng, BN trở về bình giáp. Về xét nghiệm, FT3, FT4 bình thường và TSH bình thường thấp. Trong quá trình điều trị phải theo dõi nồng độ FT4 và TSH mỗi 1 - 3 tháng để điều chỉnh liều.
b. Iod và chế phẩm chứa iod liều cao (Lugol)
Có tác dụng ức chế tổng hợp, giải phóng hormon tuyến giáp và ức chế chuyển đổi T4.
Dạng dùng: Dung dịch Lugol đậm đặc có thành phần gồm 1g Iod kim loại 1g, 2g KI 2g và 20ml nước. Uống liều 10 - 15 giọt/ngày.
c. Thuốc chẹn bêta giao cảm
Thuốc có tác dụng rất tốt làm giảm nhanh các triệu chứng cường giáp như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp, run và lo lắng nên thường được sử dụng trong giai đoạn khởi đầu điều trị Basedow,
Liều dùng: Propranolol 10 - 40 mg uống 3 - 4 lần/ngày hoặc Atenolol, Metoprolol 25 - 50 mg uống 1 - 2 lần/ngày.
Thời gian dùng thuốc từ 4 - 8 tuần.
d. Các thuốc khác
Glucocorticoid (Prednisolone, Dexamethasone…) với liều cao ức chế giải phóng nội tiết tố tuyến giáp và ức chế chuyển T4 thành T3. Các glucocorticoid không được xem như là thuốc điều trị thường quy trong bệnh Basedow. Chỉ dùng glucocorticoid khi có biểu hiện mắt, biểu hiện da do Basedow hoặc trong cơn cường giáp cấp. Liều dùng: Prednisolon 30-40 mg/ngày (0,5-1,25mg/kg/ngày).
Thuốc an thần: Benzodiazepine, Phenobarbital (không dùng Barbituric) dùng cho những bệnh nhân quá lo lắng hoặc bị mất ngủ.
e. Kết quả điều trị nội khoa
Các triệu chứng cường giáp bắt đầu giảm sau 1-2 tuần, giảm rõ sau 4 - 6 tuần.
Tỉ lệ khỏi bệnh nhờ điều trị nội khoa là 40-50%. Tỉ lệ tái phát khoảng 40 - 60%.
Xem thêm: Bệnh Basedow: Nhận biết, phòng ngừa và điều trị
2. Điều trị phẫu thuật
Chỉ định: Bướu giáp to hoặc bướu đa nhân, bướu chìm trong lồng ngực, trong trường hợp tái phát sau điều trị nội khoa; bệnh nhân muốn có thai sớm.
Chống chỉ định: Bệnh nhân có biến chứng tim nặng như suy tim, bệnh nhân lớn tuổi
Chỉ tiến hành phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa đạt đến bình giáp. Cho thêm Lugol 1 tuần trước mổ, liều 5 giọt/ ngày. Có thể cắt gần toàn bộ tuyến giáp (để lại 3 – 4g tuyến giáp) hoặc cắt tuyến giáp toàn bộ. Đối với trẻ em và trẻ vị thành niên mô tuyến giáp để lại cần ít hơn vì lứa tuổi này thường dễ tái phát hơn.
Biến chứng: liệt dây quặt ngược, suy cận giáp do cắt mất tuyến cận giáp (hiếm). Suy giáp 20-30% trường hợp. Tái phát khoảng 15% trường hợp. Tất cả bệnh nhân cần phải được khám lại sau mổ trong vòng 2 - 3 tháng để kiểm tra tình trạng chức năng tuyến giáp.
3. Điều trị bằng iode phóng xạ - I131
Có thể coi là “phẫu thuật” bằng Iode
Chỉ định: Bệnh nhân không thể hoặc không muốn phẫu thuật: Suy tim; bướu giáp không nhỏ đi sau điều trị nội khoa; tái phát sau phẫu thuật.
Chống chỉ định: phụ nữ có thai, cho con bú, người trẻ hơn 16-18 tuổi, BN có biến chứng mắt nặng.
Biến chứng:
Viêm tuyến giáp 3 - 4 ngày sau uống thuốc phóng xạ: đau, sưng vùng cổ.Làm nặng lên bệnh lý mắt do
Basedow: Phòng và điều trị bằng corticoid uống 1 ngày trước và 4 tuần sau điều trị I131.
Gây suy giáp: là biến chứng chính của điều trị I131, sau 5 năm có 40%, sau 10 năm có trên 60% bệnh nhân bị suy giáp (2 - 3% mỗi năm).
Không thấy gia tăng ung thư ở người lớn điều trị iod phóng xạ.
4. Điều trị cơn nhiễm độc giáp cấp
Điều trị tích cực tại khoa điều trị tăng cường, bệnh nhân được đặt Monitor theo dõi, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.
Cho uống hoặc bơm qua sonde dạ dày PTU liều 250mg x 4 lần/ ngày.
Propranolol tiêm tĩnh mạch chậm 1-2 g hoặc uống 40 - 80 mg mỗi 6 h. Nếu bệnh nhân có suy tim nặng hoặc hen phế quản, có thể thay bằng tiêm tĩnh mạch Verapamil 5 - 10 mg.
Sau khi đã dùng kháng giáp trạng tổng hợp 1h: Truyền tĩnh mạch NaI 750 - 1000 mg/ ngày hoặc cho uống Lugol (KI bão hoà) 10 giọt 2 lần/ ngày.. Tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang có iod có thể cho tác dụng nhanh hơn.
Glucocorticoid: Hydrocortisone hemisuccinate tiêm tĩnh mạch 50 mg mỗi 6h hoặc uống Prednisolon 1mg/ kg cân nặng/ ngày.
Chườm lạnh và cho hạ sốt bằng Paracetamol. Không dùng Aspirin.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ: Bù nước 3-4 lít/ngày), điện giải và dinh dưỡng (qua sonde dạ dày và đường tĩnh mạch). An thần: Valium 5-10 mg tiêm tĩnh mạch.
Nếu có suy tim: Cho thở oxy, cho lợi tiểu và digitalis.
Điều trị các bệnh phối hợp hoặc nguyên nhân thúc đẩy cơn cường giáp xuất hiện
5. Điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng về mắt
Để điều trị các biến chứng về mắt, người bệnh nê: Nằm đầu cao; đeo kính râm thường xuyên; nhỏ thuốc muối hoặc nước mắt nhân tạo; tránh khói thuốc lá; thuốc Corticosteroid: Prednisone, Dexamethasone cho những trường hợp lồi mắt nặng; phẫu thuật khi bệnh Basedow đã ổn định trên 6 tháng.
IX. Phòng ngừa bệnh Basedow như thế nào?
Người đã từng mắc bệnh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh Basedow tái phát khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc gặp phải yếu tố thuận lợi. Với người chưa mắc bệnh cũng cần chú ý các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để ngăn ngừa nguy cơ bệnh khởi phát.
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất bệnh Basedow là nâng cao thể trạng sức khỏe, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và miễn dịch cơ thể. Bên cạnh đó, hãy lưu ý một số điều sau: Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi bụi, nhỏ thuốc và vệ sinh mắt hàng ngày; không hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại ảnh hưởng tới hệ hô hấp; tinh thần khỏe mạnh, thoải mái, tránh căng thẳng buồn phiền; hạn chế thực phẩm chứa nhiều iod, không sờ nắn tác động nhiều ở vùng tuyến giáp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình