Bệnh Basedow: Nhận biết, phòng ngừa và điều trị
Bệnh Basedow hay còn gọi là bệnh Graves hoặc Parry, được biết đến là một trong những căn bệnh cường giáp khá phổ biến hiện nay. Nếu không nhận biết sớm và điều trị tích cực có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, thay đổi trong cấu trúc và chức năng của cơ tim, khiến tim không bơm đủ máu để nuôi dưỡng cơ thể. Đặc biệt là xuất hiện cơn bão giáp. Đây là một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
I. Bệnh Basedow là gì?
Basedow là một trong những bệnh lý cường giáp thường gặp trên lâm sàng với các biểu hiện chính: Nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên.
Bệnh Basedow có nhiều tên gọi khác nhau bệnh Graves, bệnh Parry, bướu giáp độc lan tỏa, bệnh cường giáp tự miễn. Nhờ sự tiến bộ của miễn dịch học, ngày càng nhiều kháng thể hiện diện trong huyết tương người bệnh được phát hiện, vì thế hiện nay bệnh được xếp vào nhóm bệnh liên quan tự miễn.
II. Những triệu chứng nào cảnh báo bệnh Basedow?
Triệu chứng cảnh báo bệnh Basedow được chia làm 2 nhóm hội chứng lớn bao gồm: biểu hiện tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp.
1. Tại tuyến giáp
Bướu giáp: Bướu giáp lớn, thường lan tỏa tương đối đều, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng, có thể có rung miu tâm thu, thổi tâm thu tại bướu, nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận.
Một số biểu hiện rối loạn vận mạch vùng cổ (đỏ, da nóng, tăng tiết mồ hôi), vẫn có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân không có bướu giáp lớn (liên quan kháng thể).
Hội chứng nhiễm độc giáp: Các dấu chứng này thường tỉ lệ với nồng độ hormon giáp với nhiều cơ quan bị ảnh hưởng.
Tim mạch: Hồi hộp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp khó thở khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi. Ở các động mạch lớn, mạch nhảy nhanh và nghe tiếng thổi tâm thu, huyết áp tâm thu gia tăng (tăng cung lượng tim) so với huyết áp tâm trương, hiệu áp gia tăng, trường hợp nặng suy tim loạn nhịp, phù phổi, gan to, phù hai chi dưới.
Thần kinh cơ: Run rõ ở bàn tay là triệu chứng dễ nhận biết và nổi bật kèm theo yếu cơ. Bệnh nhân thường mệt mỏi, dễ kích thích thay đổi tính tình, dễ cảm xúc, nói nhiều, bất an, không tập trung tư tưởng, mất ngủ.
Rối loạn vận mạch ngoại vi: Mặt khi đỏ khi tái, tăng tiết nhiều mồ hôi, lòng bàn tay, chân ẩm. Phản xạ gân xương có thể bình thường, tăng hoặc giảm. Đặc biệt dấu hiệu yếu cơ, teo cơ, dấu hiệu ghế đẩu (Tabouret), yếu cơ hô hấp gây khó thở, yếu cơ thực quản làm khó nuốt hoặc nói nghẹn.
Ở người trẻ tuổi triệu chứng tim mạch thường nổi bật, trong khi người lớn tuổi ưu thế triệu chứng thần kinh và tim mạch.
Dấu hiệu tăng chuyển hóa: Tăng thân nhiệt, luôn có cảm giác nóng, tắm nhiều lần trong ngày, gầy nhanh, uống nhiều nước, khó chịu nóng, lạnh dễ chịu. Ngoài ra có các biểu hiện rối loạn chuyển hóa calci gây tăng calci máu hoặc hiện tượng loãng xương ở người lớn tuổi sau mãn kinh gây biến chứng, xẹp đốt sống, gãy xương tự nhiên, viêm quanh các khớp.
Biểu hiện tiêu hóa: Ăn nhiều (vẫn gầy), tiêu chảy đau bụng, nôn mửa, vàng da.
Tiết niệu sinh dục: Tiểu nhiều, giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, liệt dương và chứng vú to nam giới.
Da và cơ quan phụ thuộc: Ngứa, có biểu hiện rối loạn sắc tố da, có hiện tượng bạch ban ở mu bàn tay và các chi; tóc khô, hoe, mất tính mềm mại rất dễ rụng; rụng lông; các móng tay, chân giòn dễ gãy.
2. Biểu hiện ngoài tuyến giáp
Thương tổn mắt: Thường hay gặp là lồi mắt.
Có 2 loại: Lồi mắt giả và lồi mắt thật (lồi mắt nội tiết), có thể không liên quan đến mức độ nhiễm độc giáp hoặc độc lập với điều trị. Vì thế có thể xảy ra sau quá trình điều trị nhất là phẫu thuật hoặc điều trị phóng xạ.
Lồi mắt giả: Tổn thương không thâm nhiễm liên quan đến bất thường về chức năng do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng thyroxin gây tăng co kéo cơ nâng mi làm khoé mắt rộng ra.
Lồi mắt thật (lồi mắt nội tiết): Tổn thương thâm nhiễm liên quan đến các thành phần hốc mắt gây bệnh mắt nội tiết trong bối cảnh tự miễn trong bệnh Basedow gây thương tổn cơ vận nhãn và tổ chức sau hốc mắt. Bệnh lý mắt thường phối hợp gia tăng nồng độ kháng thể kháng thụ thể TSH (kích thích).
Phù niêm: Tỉ lệ gặp 2-3%, thường định vị ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối, có tính chất đối xứng. Vùng thương tổn dày (không thể kéo lên) có đường kính vài cm, có giới hạn. Da vùng thương tổn hồng, bóng, thâm nhiễm cứng (da heo), lỗ chân lông nổi lên, mọc thưa, lông dựng đứng (da cam), bài tiết nhiều mồ hôi. Đôi khi thương tổn lan tỏa từ chi dưới đến bàn chân.
To các đầu chi: Đầu các ngón tay và các ngón chân biến dạng hình dùi trống, liên quan đến màng xương, có thể có phản ứng tổ chức mềm, tái và nhiệt độ bình thường phân biệt với bệnh phổi mạn. Ngoài ra có dấu chứng tiêu móng tay (onycholysis).
Ngoài các biểu hiện trên còn tìm thấy một số dấu hiệu của các bệnh lý tự miễn phối hợp khác đi kèm như suy vỏ thượng thận, suy phó giáp, tiểu đường, nhược cơ nặng, trong bối cảnh bệnh đa nội tiết tự miễn.
Xem thêm: 11 bác sĩ điều trị bệnh basedow giỏi, giàu kinh nghiệm
III. Bệnh Basedow điều trị như thế nào?
Bệnh Basedow hoàn toàn chữa khỏi bằng các phương pháp i-ốt phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều người bệnh được chữa khỏi Basedow nhưng không đủ hormone tuyến giáp. Do vậy, cần bổ sung hormone tuyến giáp sau khi dùng các phương pháp trên.
1. Liệu pháp i-ốt phóng xạ
“Phóng xạ” khiến nhiều người lo ngại nhưng phương pháp này đã được chứng minh an toàn. Tại Mỹ, hơn 70% người bị cường giáp được điều trị bằng i-ốt phóng xạ.
Phương pháp i-ốt phóng xạ có tác dụng phá hủy mô tuyến giáp để giảm sản xuất hormone. Người bệnh uống dung dịch có chứa i-ốt phóng xạ. Tuyến giáp hấp thụ i-ốt gắn phóng xạ nên bị phá hủy. Sau khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ, người bệnh thường bị suy giáp với các biểu hiện: mệt mỏi, tăng cân, mặt sưng, không chịu được lạnh, đau khớp, đau cơ, da khô, tóc khô, rụng tóc, giảm tiết mồ hôi, kinh nguyệt không đều, nhịp tim chậm… Do đó, cần dùng thuốc hormone tuyến giáp để bổ sung tuyến giáp.
2. Thuốc kháng giáp
Thuốc kháng giáp được dùng để ngăn khả năng tạo ra hormone mới của tuyến giáp. Có 2 loại thuốc kháng giáp: Tapazole (methimazole) và Propycil (propylthiouracil). Các loại thuốc này có tác dụng kiểm soát tốt tuyến giáp hoạt động quá mức và không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp. Methimazole hiện được ưa chuộng hơn do ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, đặc biệt với phụ nữ thời kỳ đầu mang thai. Loại thuốc này còn được ưu tiên hàng đầu cho bệnh Basedow ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Khoảng 20% - 30% người bệnh Basedow điều trị bằng thuốc kháng giáp trong thời gian từ 18-24 tháng có thể thuyên giảm tình trạng bệnh kéo dài. Thuốc kháng giáp còn được sử dụng để chuẩn bị cho việc điều trị phẫu thuật hoặc bằng radioiodine.
Thuốc kháng giáp không gây tổn thương vĩnh viễn cho tuyến giáp nhưng gây phản ứng dị ứng ở khoảng 5% người bệnh. Các dị ứng thường gặp gồm: phát ban đỏ, nổi mề đay, có thể sốt và đau khớp. Một số ít người bệnh bị giảm số lượng bạch cầu gây giảm khả năng miễn dịch, chiếm tỉ lệ 1/500 người bệnh.
Ngoài ra, khi dùng thuốc kháng giáp, người bệnh còn có nguy cơ tổn thương gan. Dùng thuốc Propylthiouracil thường gây ra tác hại đến gan nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bác sĩ thường không kê đơn loại thuốc này. Người bệnh nên ngưng thuốc Propylthiouracil nếu bị vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, đau bụng… và đi khám với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường.
3. Thuốc chẹn Beta
Người bệnh được dùng thuốc chẹn beta trong trường hợp cường giáp cấp mà không bị suy tim. Thuốc có tác dụng giảm nhiều triệu chứng của cường giáp: run, tim đập nhanh, lo lắng… chỉ sau vài giờ. Khi qua cơn cường giáp cấp, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng giáp methimazole hoặc propylthiouracil để ngăn chặn quá trình sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
4. Phẫu thuật
Bệnh Basedow có thể được chữa khỏi vĩnh viễn bằng cách phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Phương pháp này được lựa chọn khi:
Thứ nhất, điều trị thuốc kháng giáp và uống phóng xạ không hiệu quả
Thứ hai, tuyến giáp bị viêm nặng hoặc bướu cổ có kích thước lớn (độ 2 – 3) đã được điều trị nội khoa ổn định (lên cân, hết run tay, hết hồi hộp, tim đập bình thường, mạch hết nhanh).
Thứ ba, người bệnh có vấn đề về mắt hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức gây ảnh hưởng đến mắt.
Thứ tư, hụ nữ mang thai (tháng thứ 3-4) và trong thời gian cho con bú hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa.
Phẫu thuật tuyến giáp rất phức tạp, nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng: tổn thương dây thanh quản khiến người bệnh khàn giọng, thậm chí câm, sẹo lồi, mất nhiều máu, nhiễm trùng… Do đó, cần bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao cùng trang thiết bị hiện đại.
Xem thêm: Basedow và các xét nghiệm cần thiết
IV. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh Basedow?
Cải thiện chế độ ăn: Bao gồm mỗi ngày nên ăn 4-5 lần rau và hoa quả, ăn nhiều thịt nạc, các loại cá như cá hồi, cá trích, cá cơm, cá thu… Chế độ ăn như trên sẽ làm cho niêm mạc ruột hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Ngoài ra, chế độ ăn này cũng có vai trò tốt trong việc phòng ngừa các bệnh lý viêm hay ung thư đường tiêu hóa.
Tránh các thực phẩm có nhiều chất béo, lượng đường cao: Bởi nó có thể gây ra các chứng bệnh tự miễn như basedow và ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Bổ sung đủ lượng iod trong thức ăn: Một số thực phẩm có chứa iod bổ sung tốt cho tuyến giáp như: sữa, sữa chua, gan, thịt bò, cá, hải sản, trứng… tuy nhiên không nên ăn quá nhiều. Nếu khi bạn khám thấy lượng iod trong cơ thể thiếu và nếu cần bổ sung bằng đường uống thì bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, vì nếu bổ sung quá thừa iod thì có thể gây ra cường giáp, rất nguy hiểm.
Tránh xa các tác nhân có tia phóng xạ, tia X: Đây là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về tuyến giáp trong đó có Basedow.
Chế độ sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, không uống bia rượu quá nhiều. Tập thể dục đều đặn, ngủ sớm, khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/1 năm để có thể sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh nói chung.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình