Hotline 24/7
08983-08983

8 nguyên tắc “quý hơn vàng” phòng ngừa suy thận từ lời khuyên của chuyên gia

Suy thận hiện nay không còn là căn bệnh của người trung niên hay người già mà còn xảy ra cả ở những người trẻ. Suy thận ngày càng trẻ hoá, nguyên nhân do đâu và vì sao? Liệu có cách nào phòng ngừa? Trong bài viết dưới đây, với sự chia sẻ của TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo - Trưởng khoa Nội thận - thận nhân tạo, bệnh viện ĐHYD TPHCM đã giải đáp về vấn đề này.

Bệnh nhân suy thận ngày càng trẻ hóa

Bệnh suy thận hiện nay không còn là bệnh của người trung niên, người già mà xảy ra ở cả người trẻ. Nhờ BS có thể chia sẻ cụ thể hơn, tình trạng bệnh suy thận xảy ra ở người trẻ hiện nay như thế nào? Sự dịch chuyển về độ tuổi mắc hiện nay có khác biệt như thế nào so với những năm trước?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh thận ngày càng phổ biến, gặp nhiều ở người trẻ. Nếu trước đây, chúng ta nghĩ suy thận chỉ xuất hiện ở những người lớn ở độ 80 - 90 tuổi, không có ở những người trẻ. Nhưng hiện nay, bệnh suy thận đang ngày càng trẻ hoá.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần thị Bích Hương, thực hiện một nghiên cứu về dịch tễ học tại tỉnh Long An trên cộng đồng người bình thường và phát hiện ra gần 13% dân số mắc bệnh thận mạn. Trong đó, tỷ lệ người dưới 50 tuổi chiếm 41,5% (2017).

Đến năm 2023, theo số liệu chúng tôi thống kê được từ lượng bệnh nhân đến khám tại Khoa Thận của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Những người trẻ dưới 60 tuổi đến khám về thận chiếm 70% trong tổng số tỷ lệ bệnh nhân thận. Đối với bệnh nhân mắc bệnh nặng phải chạy thận tại Trung tâm thận nhân tạo của bệnh viện, tỷ lệ người phải chạy thận nhân tạo dưới 60 tuổi chiếm 60%.

Độ tuổi nào bị suy thận?

Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, “trẻ hóa” độ tuổi mắc bệnh suy thận hiện nay cụ thể là như thế nào? Trong thực tế thăm khám, BS ghi nhận bệnh nhân được chẩn đoán bệnh suy thận ở độ tuổi nào? 

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Bệnh thận xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hiện nay, nhiều người trẻ mắc phải suy thận khi đang trong độ tuổi lao động, còn phải làm việc và cống hiến. Ngay cả những bạn học sinh THPT đang đi học hay các bạn sinh viên cũng mắc phải suy thận khá nhiều.

Vì sao bệnh thận ngày càng trẻ hóa?

Đâu là những nguyên nhân và yếu tố dẫn đến tình trạng bệnh suy thận ngày càng trẻ hóa như hiện nay, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Mọi vấn đề đều có tính hai mặt, việc trẻ hóa ở bệnh suy thận cũng vậy, cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Về mặt tiêu cực, bệnh suy thận nếu xảy ra ở người trẻ sẽ có nhiều vấn đề bất cập:

 - Thứ nhất, làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và đặc biệt là làm giảm tuổi thọ của người bệnh.

- Thứ hai, là do lối sống công nghiệp. Hiện nay, có nhiều tác động dẫn đến bệnh thận do lối sống không lành mạnh của người trẻ. Ví dụ như chế độ ăn nhiều chất bột đường, lối sống tĩnh tại, ít vận động làm tăng tỉ lệ bệnh chuyển hoá như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc béo phì.

- Thứ ba, là những tác động từ môi trường, có nhiều chất độc hại trong thực phẩm, nguồn nước cũng như trong không khí làm cho thận luôn luôn phải làm việc để thải những chất độc hại trong cơ thể.

- Đặc biệt hơn, là tác động của mạng xã hội, người bệnh tự tìm cách chữa bệnh trên mạng xã hội, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ví dụ bệnh nhân tự tìm uống các loại thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng hoặc sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Trong khi thận là nơi đào thải sản phẩm chuyển hoá của các loại thuốc này, như vậy sẽ gây khó khăn trong việc chữa trị về sau cũng như huỷ hoại thận hơn.

Việc trẻ hóa ở bệnh suy thận cũng có mặt tích cực. Với cuộc sống ngày càng phát triển, người dân có kiến thức hơn và tự tìm hiểu về bệnh cũng như cách phòng ngừa tốt nhất. Rất nhiều bệnh nhân đã chủ động tầm soát sức khoẻ bằng các xét nghiệm máu định kỳ, xét nghiệm nước tiểu hay siêu âm. Do đó, bệnh nhân có thể phát hiện bệnh sớm hơn, làm cho chúng ta thấy tỉ lệ bệnh cao hơn là vì nhiều người phát hiện ra bệnh.

8 nguyên tắc “vàng” để bảo vệ thận

Theo đánh giá của BS, môi trường - thói quen sinh hoạt của cuộc sống công nghiệp tác động thế nào đến tỷ lệ người trẻ mắc bệnh suy thận?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Để phòng tránh bệnh suy thận, chúng ta có “8 nguyên tắc vàng” để bảo vệ thận.

- Nguyên tắc thứ nhất, nên tập thể dục thường xuyên và tập ít nhất 150 phút mỗi tuần. Mỗi ngày nên tập ít nhất là 30 phút. 

- Nguyên tắc thứ hai, ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối trong thức ăn hằng ngày và không nên ăn quá mặn. Hạn chế ăn thịt cá có chứa nhiều đạm, nên ăn nhiều rau quả và trái cây.

- Nguyên tắc thứ ba, nên đo huyết áp thường xuyên và kiểm soát huyết áp của bản thân hằng ngày.

- Nguyên tắc thứ tư, nên kiểm tra lượng đường huyết là bao nhiêu và nếu có tăng thì phải theo dõi, cũng như cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể một cách tốt nhất.

- Nguyên tắc thứ năm, uống nước thật đầy đủ, ít nhất nên uống 8 ly nước mỗi ngày, mỗi ly khoảng 200ml.

- Nguyên tắc thứ sáu, không nên hút thuốc lá. Việc hút thuốc lá rất có hại cho sức khoẻ và gây ra nhiều bệnh lý trong đó có bệnh thận.

- Nguyên tắc thứ bảy, tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi, ví dụ như thuốc giảm đau hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

- Nguyên tắc thứ tám, nên khám sức khoẻ định kỳ, thường xuyên kiểm tra cũng như phát hiện suy thận ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh suy thận?

Như vậy, ở người trẻ tuổi, ai có nguy cơ mắc bệnh suy thận, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Người trẻ có nguy cơ mắc bệnh thận cao là những người mắc phải các bệnh lý về đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc tiền căn gia đình có người mắc bệnh thận.

Những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn, ví dụ như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; bệnh nhân mắc một số bệnh tự miễn như viêm gan siêu vi B, siêu vi C, HIV,..; bệnh nhân có tiếp xúc với độc chất, có tiền căn từng bị tổn thương khẩn cấp. Đặc biệt, ở phụ nữ sinh con từng bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ cao là những trường hợp cần phải tầm soát sớm bệnh thận.

Biến chứng nào có thể xảy ra khi suy thận không phát hiện, điều trị kịp thời ở người trẻ?

So với người lớn tuổi, bệnh suy thận ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người trẻ và nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng gì, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Đối với người lớn tuổi, cuộc sống còn ngắn không đáng lo ngại. Nhưng với người trẻ, cuộc đời phía trước còn dài phải đi làm, đi học, việc mắc phải bệnh thận mạn sẽ làm giảm về chất lượng cuộc sống một cách đáng kể. Ngoài ra, còn làm giảm đi năng suất lao động, giảm tuổi thọ.

Khi bệnh suy thận tiến triển và kéo dài thì các chức năng ở thận sẽ ngày càng giảm dần dần đến giai đoạn cuối. Bắt đầu xuất hiện những biến chứng, chẳng hạn như các biến chứng về tim mạch, bệnh nhân sẽ bị phù, khó thở, tăng huyết áp khó kiểm soát. Đặc biệt, là mắc phải biến cố tim mạch, như nhồi máu cơ tim, đột quỵ là những biến chứng rất nặng nề.

Ngoài ra, suy thận còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, ví dụ như ảnh hưởng đến sự tạo máu, giảm sản xuất hồng cầu dẫn đến việc thiếu máu. Ngoài ra, suy thận còn khiến cho bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống không được, nôn ói, mất ngủ, giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh ngoại biên hoặc bị tê bì và thậm chí là ngứa là những triệu chứng khi bệnh chuyển nặng.

Khó khăn và thách thức của các bác sĩ trong điều trị suy thận ở người trẻ là gì?

Trong điều trị bệnh suy thận ở người trẻ tuổi, theo BS đâu là những khó khăn và thách thức mà thầy thuốc phải đối mặt ạ?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Trong việc điều trị suy thận cho người trẻ tuổi có rất nhiều khó khăn và thách thức.

- Người trẻ phải đi làm, đi học sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình điều trị. Chẳng hạn như bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, phải đến bệnh viện để chạy thận, điều này rất khó khăn trong việc đi học, đi làm ảnh, hưởng đến cuộc sống.

- Chi phí cho việc điều trị bệnh thận rất tốn kém, các bạn trẻ sẽ gặp khó trong việc chi trả số tiền lớn và tốn kém khi kinh tế chưa ổn định.

- Khi người trẻ mắc phải bệnh suy thận cũng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn như việc lập gia đình và sinh con. Đặc biệt ở phụ nữ, sẽ gặp khó khăn trong việc mang thai hoặc có thể gặp nhiều biến chứng trong quá trình mang thai cũng như là sinh con.

Điều trị kịp thời, đúng khoa học, người bệnh suy thận có cơ hội phục hồi?

Tuy nhiên, nếu được phát hiện kịp thời, điều trị đúng khoa học, liệu có giúp người trẻ bị suy thận có khả năng phục hồi tốt hơn, cao hơn?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Ở người trẻ sẽ ít gặp phải bệnh đồng mắc hơn do quá trình sống chưa dài lâu, chưa phải tiếp xúc quá nhiều với những yếu tố độc hại ảnh hưởng đến thận.

Ngoài ra, theo quá trình lão hóa, bình thường từ 40 tuổi trở đi thận sẽ lão hóa dần và suy giảm. Sau 40 tuổi, mỗi một năm thận sẽ giảm đi 1ml/phút về chức năng thận. Nếu người trẻ tuổi mắc phải bệnh suy thận, trên nền tảng còn tốt chưa bị huỷ hoại nhiều, nếu được phát hiện sớm thì việc phục hồi sẽ tốt hơn rất nhiều.

Cần làm gì để cải thiện chức năng thận khi còn trẻ?

Thưa BS, để phòng ngừa bệnh thận nói riêng và suy thận nói chung, người trẻ cần phải làm những gì ạ? Cách nào để phòng ngừa bệnh suy thận ở người trẻ tuổi không, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo trả lời: Như đã đề cập lúc đầu, chúng ta cần phải nhớ “8 nguyên tắc vàng” để bảo vệ thận. Đôi khi, bệnh thận sẽ rất tiềm tàng và không có các biểu hiện triệu chứng, chúng ta phải thường xuyên tầm soát, khám sức khoẻ qua việc làm các xét nghiệm thận để có thể theo dõi và nắm rõ tình trạng sức khoẻ của cơ thể.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X