Hotline 24/7
08983-08983

7 thứ không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình có con nhỏ

Tủ thuốc có thể là cứu cánh kịp thời cho bố mẹ mỗi khi con đau ốm hay bị thương. Vậy bạn cần chuẩn bị gì cho tủ thuốc gia đình?

Tủ thuốc gia đình giúp bố mẹ chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn

Bên cạnh các loại thuốc dành cho người lớn, gia đình có con nhỏ nên trang bị thêm 7 thứ quan trọng sau đây.

1. Thuốc nhỏ mắt

Trẻ dễ bị viêm giác mạc vào các thời điểm giao mùa nên bố mẹ cần tập cho con thói quen nhỏ mắt sau khi đi ra ngoài đường về nhà. Bạn nên chọn thuốc nhỏ mắt dành riêng cho trẻ em hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Trước khi nhỏ mắt cho con, bạn cần rửa sạch tay bằng nước và xà phòng. Tiếp theo, bạn dùng bông thấm nước ấm lau mắt nhẹ nhàng. Sau đó, bạn nhỏ thuốc vào khe giữa mi dưới và mắt, lưu ý không để lọ thuốc chạm vào mắt trẻ. [1]

2. Nước muối sinh lý

Nếu nhà bạn có trẻ sơ sinh, nước muối sinh lý là một thứ không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình. Đây là dung dịch được pha chế từ nước và muối khá an toàn cho bé, thường được sử dụng để làm thuốc nhỏ rửa mắt, mũi và tai.[2]

Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý để rơ lưỡi, cho trẻ súc miệng mỗi tối trước khi ngủ hay lúc bị đau răng. Dung dịch này còn được dùng để vệ sinh các vết thương hở, sát trùng da hoặc lấy những dị vật nhỏ rơi vào mắt.[3]

3. Vật dụng sơ cấp cứu

Trẻ nhỏ bước sang giai đoạn tập đi cũng chính là thời điểm mà bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng sơ cứu các vết thương. Tủ gia đình cần có đầy đủ các vật dụng sơ cấp cứu cơ bản như băng gạc y tế, băng dán cá nhân, bông gòn y tế, dung dịch sát khuẩn, nhíp để gắp dị vật...

Các vật dụng này cần phải được đảm bảo cất giữ trong túi sạch và khô ráo. Trước khi dùng kéo để cắt băng gạc, bạn nên sát trùng kỹ để tránh gây nhiễm trùng vết thương. Tốt nhất, bạn nên dùng loại kéo cắt băng gạc chuyên dụng và để riêng trong tủ thuốc gia đình.[4]

4. Chai xịt muỗi

Trẻ bị muỗi cắn sẽ rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là trong mùa dịch sốt xuất huyết. Vì thế, tủ thuốc gia đình cần có chai xịt hoặc kem chống muỗi an toàn cho trẻ em. Bố mẹ nên lưu ý chọn sản phẩm phù hợp độ tuổi và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

Nếu muốn đuổi muỗi tự nhiên, bạn có thể thoa dầu tràm lên da hoặc quần áo của bé. Khi thoa dầu tràm lên vết muỗi cắn, loại tinh dầu này còn có tác dụng giúp giảm ngứa và ngăn ngừa sưng đỏ, sẹo thâm.[5]

5. Thuốc cho bệnh thường gặp ở trẻ

Trẻ ở độ tuổi mầm non rất dễ mắc bệnh do phải ra ngoài tiếp xúc nhiều người

Vì sức đề kháng còn yếu nên trẻ rất hay bị ốm vặt, nhất là khi con bắt đầu đi học và phải tiếp xúc với nhiều người. Trẻ ở lứa tuổi mầm non rất nhạy cảm, bố mẹ sẽ phải học cách cùng con đương đầu với rất nhiều trận ốm vặt.

Bạn nên dự trữ sẵn thuốc điều trị các chứng bệnh thường gặp ở trẻ như tiêu chảy, viêm hô hấp, tay chân miệng, đau mắt đỏ, nhiễm giun sán, viêm tai giữa, sốt siêu vi, sốt xuất huyết...[6] Tất cả các loại thuốc này đều nên có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.

6. Nhiệt kế đo nhiệt độ

Trẻ mắc bệnh sẽ hay bị sốt nên nhiệt kế là vật dụng quan trọng trong tủ thuốc gia đình. Bạn có thể cân nhắc chọn nhiệt kế hồng ngoại (không quá 3 giây), nhiệt kế điện tử (trong vòng 1 phút) hoặc nhiệt kế thủy ngân (5 phút).

Tùy theo loại nhiệt kế và tình trạng của trẻ, bạn có thể dùng để đo thân nhiệt ở trán, tai, nách, miệng, hậu môn… Nếu đo thân nhiệt ở nách thì kết quả cộng thêm 0,5 - 0,7°C; đo ở miệng, lỗ tai, trán thì kết quả cộng thêm 0,1 - 0,3°C.[7]

7. Thuốc hạ sốt cho trẻ

Thuốc hạ sốt Paracetamol dạng bột sủi được hấp thụ sau khi uống khoảng 15 - 60 phút

Đối với trẻ em, các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. Khác với một số thuốc hạ sốt khác như Aspirin hay Ibuprofen, Paracetamol không có hoặc có rất ít tác dụng kháng viêm. Đây là loại thuốc hạ sốt hiệu quả, an toàn, lại phổ biến và ít tác dụng phụ.

Thuốc hạ sốt có nhiều dạng như viên nén, viên đạn (đặt hậu môn), viên sủi, siro và bột sủi. Hiện nay trên thị trường còn có loại Paracetamol dạng gói bột sủi nhập khẩu từ Pháp, có thể pha với cả sữa và nước trái cây giúp bố mẹ có thể cho con uống thuốc thuận lợi hơn.

Hiệu quả hạ sốt của dạng gói bột sủi cũng khá nhanh vì Paracetamol được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 - 60 phút. Hơn nữa, bố mẹ còn có thể chia liều một cách dễ dàng vì thuốc được sản xuất ở nhiều hàm lượng khác nhau dành cho trẻ em.

Bố mẹ chỉ nên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol khi con bị sốt cao từ 38,5°C trở lên với liều lượng theo cân nặng của trẻ. Liều lượng thông thường là từ 10-15 mg trên mỗi kg cân nặng cho 1 cữ thuốc. Mỗi lần uống thuốc phải cách nhau tối thiểu 4-6 giờ và nếu trẻ vẫn còn sốt cao thì mỗi ngày có thể uống tối đa 4 cữ thuốc.[8]

Đối với nhiều người làm bố mẹ, “thuốc” dường như là một từ rất đáng sợ gợi nhớ đến những tai nạn hay trận ốm sốt li bì của con. Khi đó, “tủ thuốc gia đình” sẽ trở thành cứu tinh giúp bạn cùng con ngăn ngừa rủi ro và chiến đấu chống lại bệnh tật. Nếu bạn luôn chuẩn bị sẵn sàng “vũ khí” lợi hại thì con sẽ càng tự tin giành phần thắng!

Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc giảm đau hạ sốt an toàn tại đây. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X