Hotline 24/7
08983-08983

7 thắc mắc phổ biến về thuốc tránh thai khẩn cấp chị em cần phải biết

Nhiều trường hợp lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp trong khi chưa thực sự hiểu biết đầy đủ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, xảy ra tai biến như rong huyết, rối loạn kinh nguyệt… TS.BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những tư vấn chuyên môn về thuốc ngừa thai khẩn cấp để tránh những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Phân biệt thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên và 2 viên

Thuốc tránh thai khẩn cấp 1 viên và 2 viên có gì khác nhau? Loại nào an toàn và có hiệu quả cao hơn, thưa BS?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Trên thực tế, thuốc tránh thai khẩn cấp đều áp dụng chung một công thức, nguyên lý như nhau, chỉ là khi uống liệu trình một liều duy nhất có thể bị kích thích, gây nôn ói ngay sau đó, như vậy khó đạt được hiệu quả.

Trong quá trình áp dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp loại 2 viên, người dùng thường hiểu lầm là mua 2 viên có thể dùng cho 2 lần hoặc quên mất việc uống viên thứ hai vì cho rằng sau khi uống viên đầu tiên là đã ngừa thai thành công.

Thuốc ngừa thai 1 viên hay 2 viên đều chỉ hoàn thành đúng nhiệm vụ của nó khi sử dụng đúng cách. Phải uống đủ 2 viên nếu dùng loại thuốc ngừa thai 2 viên. Nôn ói sau khi uống thuốc ngừa thai có thể làm mất hiệu quả ngừa thai.

Uống thuốc tránh thai đúng và đủ để đảm bảo hiệu quả

Các chỉ dẫn 24h, 72h, 120h trên thuốc ngừa thai có ý nghĩa như thế nào ạ?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Những con số đó xoay quanh vấn đề giảm hàm lượng trong một lần uống và giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống thuốc.

Khi giảm hàm lượng uống cần đảm bảo uống đủ hết các viên thuốc có trong hộp thuốc. Nếu không uống đủ sẽ không đạt được hiệu quả ngừa thai khẩn cấp. 

Độ tuổi nào có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp?

Bắt đầu từ độ tuổi nào có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, thưa BS?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Xét về mặt khoa học lẫn vấn đề quyền con người, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có hành vi quan hệ tình dục có quyền được tiếp cận các phương pháp ngừa thai nói chung.

Ngừa thai khẩn cấp có thể là biện pháp dự phòng dành cho những người không áp dụng thành công các biện pháp ngừa thai mong muốn trước đó. Ở bất cứ độ tuổi nào, thuốc ngừa thai khẩn cấp đều là dự phòng có lợi.

Vấn đề là nhiều người vẫn hiểu sai thuốc ngừa thai khẩn cấp là biện pháp chính thống, có thể dùng lặp đi lặp lại. Từ việc hiểu sai này khiến nhiều bạn nữ trẻ tuổi lạm dụng nó và dẫn đến nhiều biến chứng. Điều này không đồng nghĩa với việc không cung cấp thuốc ngừa thai cho những phụ nữ trẻ.

Những trường hợp chống chỉ định với thuốc tránh thai khẩn cấp

Những ai thuộc nhóm chống chỉ định của thuốc ngừa thai khẩn cấp, thưa BS?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Có một số đối tượng không thể nạp vào người một khối lượng hormone lớn như vậy. Các chống chỉ định áp dụng với những người:

- Người có tiền sử dị ứng với các chất có trong với thành phần thuốc ngừa thai khẩn cấp.

- Người có bệnh gan tiến triển vì gan là nơi đầu tiên tiếp nhận và xử lý khi có bất kỳ chất gì được đưa vào cơ thể.

- Người bị rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng khi dùng thuốc ngừa thai.

- Người đã từng dùng thuốc ngừa thai không đúng cách dẫn đến các tác hại như có thai ngoài ý muốn. Đối tượng này không nên tiếp tục lạm dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp mà nên chuyển sang sử dụng một biện pháp ngừa thai chính thống.

Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp với tần suất thế nào?

Số lượng và số lần uống thuốc ngừa thai khẩn cấp có giới hạn là bao nhiêu? Giữa hai lần uống cần cách nhau bao lâu? Trong 1 tháng có thể uống thuốc ngừa thai khẩn cấp bao nhiêu lần ạ?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần khi trao đổi về thuốc ngừa thai khẩn cấp trong các buổi trò chuyện rằng mọi người đang hiểu sai câu chuyện “khẩn cấp”, dẫn đến nhiều nhận thức sai lệch.

Có trường hợp sau khi uống viên thuốc ngừa thai khẩn cấp đầu tiên chỉ nửa ngày đến một ngày đã có nhu cầu và uống thuốc ngừa thai khẩn cấp thêm một lần nữa. Về mặt hành vi, điều này là không được.

Ngừa thai khẩn cấp được định nghĩa là một biện pháp dự phòng sau khi không đạt biện pháp ngừa thai căn bản.

Ví dụ, phát hiện bị tuột bao hoặc vỡ bao trong khi quan hệ nên phải dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. 12 giờ sau hoặc ngày hôm sau, hai bạn có nhu cầu thì phải sử dụng bao cao su chứ không được sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp như một biện pháp áp dụng thường xuyên.

Chảy máu âm đạo sau khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp có đáng ngại?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Việc liên tục đưa vào cơ thể một lượng nội tiết lớn dẫn đến tình trạng xáo trộn nội tiết nghiêm trọng và rối loạn kiểu chảy máu trong thời gian sau đó. Nghiêm trọng hơn, việc chảy máu có thể che giấu cho thai đã được hình thành.

Thuốc ngừa thai khẩn cấp uống sai không ngăn cản được việc thụ thai và thậm chí là thụ thai nằm ngoài tử cung. Chảy máu bất thường che giấu những dấu hiệu của việc có thai và khiến việc phát hiện thai ngoài tử cung trễ hơn bình thường.

Có nhiều người đã uống thuốc ngừa thai với tần suất mỗi tuần một viên. Điều này khiến việc kích thích rụng trứng không thể xảy ra được, dẫn đến xáo trộn kinh nguyệt dữ dội.

Thuốc ngừa thai khẩn cấp ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng sinh sản

Việc uống thuốc ngừa thai khẩn cấp thường xuyên có nguy hiểm về sau không và liệu có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không, thưa BS?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Khi uống thuốc ngừa thai khẩn cấp sẽ làm xáo trộn chu kỳ rụng trứng. Chu kỳ kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, bị mất máu một cách mãn tính.

Có thể bạn nữ không bị thiếu máu ngay lập tức nhưng thiếu chất sắt dễ khiến mệt mỏi, rụng tóc, mất ngủ. Người ta không lập tức kết nối được những biểu hiện này với hành vi uống thuốc ngừa thai và rối loạn kinh nguyệt. Đó là hậu quả của việc áp dụng sai biện pháp uống thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Thuốc ngừa thai khẩn cấp ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng sinh sản. Khi áp dụng không đúng biện pháp ngừa thai khẩn cấp, người phụ nữ vẫn có nguy cơ có thai và phải bỏ thai. Trường hợp thai ngoài tử cung phải cắt bỏ một ống dẫn trứng, khiến cơ hội mang thai giảm đi một nửa.

Nên làm gì nếu nôn sau khi uống thuốc tránh thai?

Nhiều chị em bị nôn khi uống thuốc ngừa thai khẩn cấp. Nếu bị nôn, trường hợp nào cần phải uống lại một liều khác ạ?

TS.BS Trần Nhật Thăng trả lời: Trường hợp cần uống lại là khi vừa uống vào đã nôn ra, nhìn thấy viên thuốc gần như còn trọn vẹn. Khi đó, viên thuốc chưa từng hoặc rất ít được hấp thu vào cơ thể.

Nếu bạn sử dụng thuốc ngừa thai 2 viên thì phải mua lại một hộp thuốc mới có đủ 2 viên và uống đủ 2 viên thuốc. Nếu sử dụng thuốc ngừa thai loại 1 viên duy nhất, phải uống lại 1 viên thuốc mới.

Sau khi uống thuốc ngừa thai khẩn cấp mà cảm thấy khó chịu và chỉ nôn ra một ít nước nhầy thì thuốc đã được hấp thu. Các bạn không nên lo lắng quá. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị nôn khi uống thuốc ngừa thai khẩn cấp thì có hai câu hỏi cho bạn.

  1. Tại sao bạn vẫn tiếp tục duy trì việc uống thuốc ngừa thai mà không đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các biện pháp ngừa thai chính thống và an toàn hơn?
  2. Bạn gặp phải khó khăn gì trong việc áp dụng các biện pháp ngừa thai khác?

Có thể bạn đang cần một buổi tư vấn để tìm ra biện pháp ngừa thai phù hợp nhất với cá nhân bạn.

Xin nhắc lại một lần nữa, thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ nên là một biện pháp dự phòng. Nó chỉ làm đúng chức trách và có hiệu quả bảo vệ khi được sử dụng trong hoàn cảnh khẩn cấp: bị lạm dụng tình dục, đã áp dụng biện pháp ngừa thai chính thống nhưng không thành công...

Chỉ nên sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp trong tối đa 72 giờ và trong thời gian đó, nếu có phát sinh quan hệ tình dục, cần có một biện pháp an toàn và hiệu quả hơn là việc tiếp tục sử dụng một viên thuốc ngừa thai khẩn cấp thứ hai.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X