Hotline 24/7
08983-08983

7 điều cần biết về tiền mãn kinh, mãn kinh để chị em đương đầu nhẹ nhàng

Tiền mãn kinh, mãn kinh là giai đoạn tất cả chị em phụ nữ phải vượt qua trong đời. Ở giai đoạn này, các chị em phải đương đầu với nhiều vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vậy cần làm gì khi chị em bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh? Thông tin sẽ được BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ giải đáp trong bài viết dưới đây.

48 - 52 tuổi là giai đoạn mãn kinh của phụ nữ

Thưa BS, phụ nữ bao nhiêu tuổi thì bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ạ? Những điều gì sẽ thay đổi khi các chị em đặt chân vào ngưỡng này ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Tiền mãn kinh và mãn kinh là vấn đề được nhiều chị em sau độ tuổi 35 quan tâm. Cuộc đời người phụ nữ thay đổi qua nhiều giai đoạn, từ một bé gái bước qua tuổi dậy thì, lập gia đình và sinh con.

Trung bình giai đoạn mãn kinh của phụ nữ Việt Nam khoảng 48 - 52 tuổi, độ tuổi mãn kinh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, di truyền, những người có mẹ và chị em gái mãn kinh sớm thì khả năng cao người phụ nữ đó sẽ rơi vào tình trạng này.

Thứ hai, trường hợp có phẫu thuật buồng trứng, gặp vấn đề phải cắt buồng trứng hoặc thao tác đốt lấy một phần buồng trứng,… khiến lượng trứng giảm, do đó khả năng mãn kinh sớm cao hơn.

Vấn đề mà nhiều phụ nữ quan tâm là liệu có thể tạo thêm trứng không? Nói cách khác, có phải mỗi phụ nữ được sinh ra với một số lượng trứng cố định và khi sử dụng hết chúng, họ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh? Mỗi tháng, phụ nữ thường rụng ra một trứng, và nhiều người có thể cảm nhận được quá trình này diễn ra ở bên nào của cơ thể mình.

Đến tuổi mãn kinh, phụ nữ thường lo lắng về sự thay đổi của cơ thể. Khi bước vào giai đoạn này, cơ thể phụ nữ chuyển từ giai đoạn nội tiết đầy đủ sang giai đoạn nội tiết giảm dần. Nội tiết estrogen được sản xuất từ hai nguồn chính: buồng trứng và mỡ trong cơ thể. Do đó, những phụ nữ có lượng mỡ nhiều hơn thường có dấu hiệu trẻ trung lâu hơn, vì estrogen vẫn được sản xuất từ mỡ ngay cả sau khi mãn kinh.

Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lớp collagen dưới da, giữ cho da mịn màng và săn chắc. Do đó, khi còn trẻ, da trông căng mướt, nhưng khi bước vào tuổi mãn kinh, da sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn. Ngoài ra, do nội tiết của chị em phụ nữ có khả năng bảo vệ khỏi các nguy cơ tim mạch, do đó, khi bước vào tuổi mãn kinh, khả năng mắc các bệnh tim mạch của chị em cũng tăng lên do nội tiết suy giảm.

Một số phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh thường phàn nàn với bác sĩ về các vấn đề như khô, ngứa, đau hoặc rát ở khu vực âm đạo và tử cung, gây khó chịu trong đời sống tình dục, nguyên nhân do viêm teo ở các vùng này khi chị em mãn kinh.

Vấn đề sức khỏe chị em gặp phải trong giai đoạn mãn kinh là gì?

Những lợi ích và rắc rối mà tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ mang lại cho người phụ nữ là gì? Các vấn đề sức khỏe nào có thể xảy ra trong giai đoạn này, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước đây, vấn đề mãn kinh ít được chị em quan tâm, nhưng ngày nay, nó trở thành mối quan tâm lớn của các chị em. Giai đoạn mãn kinh hiện chiếm khoảng 1/3 cuộc đời người phụ nữ và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Việc chẩn đoán mãn kinh không cần thông qua xét nghiệm. Mãn kinh được chẩn đoán khi chị em không có kinh trong vòng 12 tháng liên tiếp, không do các yếu tố khác tác động. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu sau thời gian dài không có kinh mà đột nhiên có kinh lại bất thường, là dấu hiệu chị em cần đi khám ngay.

Các vấn đề sau khi nội tiết trong cơ thể sụt giảm nghiêm trọng, bước vào giai đoạn mãn kinh, nhiều vấn đề sức khỏe có thể phát sinh. Các vấn đề này có thể bao gồm: vấn đề thẩm mỹ, các bệnh lý tim mạch và vấn đề sinh dục do nội tiết thay đổi gây viêm teo, khô và kích ứng, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng.

Ngoài ra, mật độ xương cũng là một điều cần lưu ý, vì nội tiết trong cơ thể giúp hấp thụ canxi. Do đó, chị em bước qua giai đoạn mãn kinh thường có tỷ lệ loãng xương cao với các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể phát hiện khi chị em đi kiểm tra sức khỏe.

Tóm lại, với các chị em mãn kinh sớm, vấn đề lớn nhất là phòng ngừa bệnh lý tim mạch và điều trị phòng ngừa loãng xương cho các chị em.

Điều trị và phòng ngừa loãng xương, tim mạch trong giai đoạn mãn kinh

Nguy cơ loãng xương ở người phụ nữ mãn kinh như thế nào, thưa BS? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với việc phòng ngừa, khi chị em còn trẻ, còn nội tiết nên việc bổ sung canxi sẽ được hấp thu tốt hơn. Do đó, phụ nữ chưa bước vào giai đoạn mãn kinh, nên bổ sung caxi hợp lý theo từng giai đoạn từ khi còn trẻ, chưa mang thai, trong giai đoạn mang thai, sau sinh cho con bú và giai đoạn tiền mãn kinh.

Về vấn đề điều trị, những chị em đã được chẩn đoán loãng xương, nên đi gặp các bác sĩ cơ xương khớp để được điều trị chính xác. Ngoài điều trị loãng xương, chị em nên để ý đến vấn đề bổ sung nội tiết, vì phụ nữ mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm (mãn kinh trước 40 tuổi), cần phải điều trị nội tiết.

Nếu phụ nữ mãn kinh tự nhiên, không kèm các triệu chứng khó chịu, có thể không cần hỗ trợ điều trị nội tiết vì đó là quá trình sinh lý bình thường. Trường hợp mãn kinh có triệu chứng như bốc hỏa, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, bên sản khoa có các thuốc hỗ trợ giúp chị em vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên, việc điều trị nội tiết thay thế được khuyến cáo không nên kéo dài quá 60 tuổi và chỉ áp dụng cho các chị em bị ảnh hưởng quá nhiều đến vận mạch.

Nếu phụ nữ mãn kinh sớm do bệnh lý, việc điều trị bắt buộc đặt ra do nội tiết sụt giảm một cách nghiêm trọng ở độ tuổi quá trẻ, gây ảnh hưởng tới nguy cơ tim mạch, khả năng mắc cách bệnh lý mạch vành và nguy cơ loãng xương cao.

Vì vậy, những chị em bị suy buồng trứng sớm hiện nay bắt buộc điều trị nội tiết cho đến tuổi 50, do đó, cần thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ. Vấn đề điều trị nội tiết ở phụ nữ mắc suy buồng trứng sớm không chỉ để khôi phục chu kỳ kinh nguyệt mà còn giúp ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, việc điều trị cần được duy trì lâu dài và không nên ngừng điều trị chỉ vì có kinh trở lại.

Nếu bác sĩ Sản phụ khoa chẩn đoán chị em đã bước vào giai đoạn mãn kinh sớm hoặc mắc suy buồng trứng sớm, cần tuân thủ điều trị nội tiết theo hướng dẫn của bác sĩ, ít nhất là cho đến khi đạt đến tuổi 50.

Khi nào được xem là mãn kinh trễ và có ảnh hưởng sức khỏe không?

Mãn kinh sớm gây ra những tác động không tốt. Vậy còn mãn kinh trễ thì sao, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khoảng 80 - 90% dân số phụ nữ mãn kinh trong độ tuổi trung bình là 48 - 52 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều chị em khi đến gặp bác sĩ trong độ tuổi 56 - 57 tuổi vẫn có kinh, trường hợp này nếu chưa mãn kinh do sinh lý bình thường, chị em không cần lo lắng.

Tuy nhiên, trong trường hợp chị em đã mãn kinh nhưng xuất hiện hiện tượng ra huyết bất thường, bác sĩ cần phải xác định nguồn máu xuất phát từ đâu. Nguyên nhân có thể là do ung thư cổ tử cung, hoặc các vấn đề tự phát tại tử cung có thể gây ra tình trạng xuất huyết. Các bệnh lý như ung thư nội mạc tử cung cũng có thể dẫn đến hiện tượng ra huyết không bình thường.

Vì vậy, trong trường hợp chị em đã ngừng kinh hoàn toàn trong ít nhất 12 tháng nhưng lại tái phát ra huyết, cần phải đi khám ngay để bác sĩ thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán vấn đề có phải là ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung hay không.

Do đó, việc phân biệt giữa kinh nguyệt bình thường và hiện tượng ra huyết thường vô cùng quan trọng. Trong các trường hợp chị em tiếp tục có chu kỳ kinh đều đặn cho đến khoảng 56-57 tuổi, đó được coi là bình thường về mặt sinh lý, có thể hiểu là do trứng còn dư thừa nên chưa đến tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người phụ nữ mãn kinh sau 55 tuổi là rất ít.

Làm gì để đối phó với triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh?

Các quý cô luôn có một thắc mắc rất lớn khi bước vào giai đoạn này, đó là: Làm thế nào tôi có thể giảm thiểu các khó chịu do tiền mãn kinh, mãn kinh gây ra?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nhiều chị em trong giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh thường gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu, đặc biệt là các triệu chứng vận mạch như cảm giác bốc hỏa, đổ mồ hôi, và khó ngủ. Khi chuyển từ giai đoạn tiền mãn kinh sang mãn kinh, nhiều chị em thấy mình gặp phải sự giảm sút trong khả năng nhớ và tập trung, ảnh hưởng đến tâm trạng và gây ra cảm giác bứt rứt khó chịu, lo lắng.

Tất cả những vấn đề trên xuất phát từ sự thay đổi nội tiết, giai đoạn này, chồng thường than phiền về việc vợ có tính khí bất thường, nhưng sự thật là do nội tiết. Vì vậy, cần nhận ra đó là quá trình sinh lý trong giai đoạn chuyển từ tiền mãn kinh sang mãn kinh. Xem xét liệu các triệu chứng này có gây ra bất kỳ khó chịu nào cho các chị em không.

Để phòng ngừa vấn đề này, phụ nữ nên có một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin, tập thể dục,… sẽ giúp chị em trải qua giai đoạn tiền mãn kinh dễ chịu hơn.

Một số chị em không chịu được giai đoạn thay đổi nội tiết do triệu chứng vận mạch nhiều. Hiện có phương pháp điều trị vấn đề này nếu bốc hỏa, quá khó chịu,… chị em nên đi khám. Các bác sĩ Sản phụ khoa sẽ tầm soát vấn đề, xác định nguyên nhân và chỉ định có nên điều trị không. Một số trường hợp có chỉ định điều trị nội tiết thay thế ở giai đoạn mãn kinh để chị em bổ sung lượng nội tiết nhất định, không còn xuất hiện các triệu chứng khó chịu ở giai đoạn này.

Lưu ý, chị em không nên tự ý sử dụng các thuốc nội tiết, vì các loại thuốc này có gây tác dụng phụ. Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và một số trường hợp chị em không được sử dụng những loại thuốc này. Do đó, trước khi sử dụng thuốc nội tiết, chị em sẽ được tư vấn kỹ bởi bác sĩ Sản phụ khoa.

Có phải tất cả phụ nữ mãn kinh đều được điều trị thay thế nội tiết tố?

Liệu pháp thay thế nội tiết tố nữ có thể giúp ích gì cho người phụ nữ trong giai đoạn này? Chỉ định của liệu pháp này ra sao và liệu trình điều trị cụ thể thế nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước đây, việc điều trị nội tiết trong giai đoạn mãn kinh đã nhận được sự chú ý lớn, nhưng gần đây, các dữ liệu lâm sàng xem xét lại phương pháp này. Hiện nay, trong lĩnh vực y học, chỉ có chỉ định điều trị nội tiết thay thế cho những bệnh nhân mắc triệu chứng vận mạch gây ra sự không thoải mái quá mức.

Ví dụ, bệnh nhân bước vào giai đoạn mãn kinh có các triệu chứng vận mạch như bốc quả, khó chịu cùng các bệnh lý kèm theo, lúc này bắt buộc điều trị. Việc điều trị nội tiết thay thế được khuyến cáo không nên kéo dài quá lâu, có thể áp dụng từ 8 - 10 năm nhưng không áp dụng sau 60 tuổi.

Ngoài ra, việc quyết định điều trị nội tiết thay thế còn phụ thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Ví dụ, một số chị em bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau 1 - 2 năm kể từ khi mãn kinh, cần phải xem xét liệu những triệu chứng này có phải do mãn kinh hay có nguyên nhân khác.

Bởi vì có nhiều vấn đề về nội tiết khác nhau, chỉ khi đã được kiểm tra và xác định bởi bác sĩ Sản phụ khoa, các triệu chứng như bốc hỏa hoặc các vấn đề vận mạch khác là do mãn kinh, chị em mới được đề xuất điều trị. Đối với trường hợp mãn kinh xảy ra sớm (trước 40 tuổi), việc điều trị thường bắt buộc, trừ khi có những tình huống đặc biệt chống chỉ định.

Tips hay đón đầu các rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh

Có cách nào để phòng ngừa các rối loạn tiền mãn kinh - mãn kinh không thưa BS? Nhờ BS chia sẻ một số tips hay để các quý cô vượt qua giai đoạn được xem là “cơn sóng ngầm” của cuộc đời?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nhiều chị em đến gặp bác sĩ luôn lo lắng bước khi vào giai đoạn mãn kinh, liệu bản thân có “xuống sắc” và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cần xác định, mãn kinh là vấn đề sinh lý, tất cả phụ nữ đều trải qua giai đoạn này. Chị em có thể dung hòa nếu có lối sống lành mạnh, sức khỏe tốt, ăn uống bổ sung đủ chất,… có thể giúp chị em vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn. Nếu các chị em quá khó chịu về triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh hãy đến gặp bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X