Để đi bộ đạt hiệu quả, cần luyện tập thường xuyên; vận tốc thích hợp nhất là từ 7 - 9,5 km/giờ (tức là đi nhanh gấp 2 lần so với đi bộ thông thường).
Làm săn chắc cơ
Đi bộ nhanh là dạng vận động đòi hỏi sự “hợp tác” của các cơ mông, cơ đùi, cơ bụng, cơ cánh tay và vai. Các vận động này không những giúp cơ dẻo dai hơn mà còn săn chắc hơn, lại không gây tổn thương các khớp.
Tăng khả năng miễn dịch
Trong khi đi bộ nhanh, tốc độ tuần hoàn máu và trao đổi chất được đẩy mạnh, giúp thải loại các độc tố, nhờ đó hệ miễn dịch của cơ thể được tăng cường.
Một nghiên cứu khoa học được thực hiện ở Boston đã cho thấy rằng những phụ nữ bị ung thư vú nếu đi bộ từ 3 - 5 giờ/tuần thì tỷ lệ sống tăng 50% so với những người không vận động.
Xương chắc khoẻ hơn
Đi bộ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp phòng tránh bệnh loãng xương và bệnh viêm khớp nhờ khả năng hấp thu canxi của hệ xương được cải thiện, bệnh loãng xương bị đẩy lùi.
Tinh thần thoải mái
Với những người bị trầm cảm, stress, mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon miệng... đi bộ 3 - 4 lần một tuần với thời gian khoảng 30 phút sẽ giống như việc dùng thuốc đặc trị.
Đó là vì đi bộ nhanh sẽ giúp lương hormone endorphine tăng tiết, khiến người tập cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn.
Môn thể thao dễ tập luyện
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thể thao đánh giá đi bộ nhanh là môn thể thao hoạt động thể chất lý tưởng nhất bởi bên cạnh những ích lợi kể trên, môn thể thao này có thể tập bất cứ đâu, không cần dụng cụ tập luyện và người hướng dẫn. Tuy nhiên, khi luyện tập bạn cần nhớ đi đúng tốc độ và nâng cao cánh tay để đạt hiệu quả tốt nhất nhé!
Theo PV - F.A/Dân trí