Hotline 24/7
08983-08983

6/10 bệnh nhân phát hiện tiểu đường có biến chứng

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường của Việt Nam hiện chiếm 5,7%. Cứ 10 người được chẩn đoán mắc bệnh thì 6 người đã biến chứng nặng như loét bàn chân, suy thận….

Ý kiến trên được PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nêu ra tại buổi giới thiệu "Ngày hội về Phòng chống bệnh đái tháo đường" diễn ra cuối tuần qua tại TP HCM.

Tỷ lệ bệnh đái tháo đường tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây và người mắc bệnh ngày càng trẻ. Riêng tại TP HCM có tới 7% dân số mắc bệnh tiểu đường, cao nhất so với các tỉnh thành. Đặc biệt, theo kết quả điều tra trên gần 1.500 người ở tuổi từ 30 đến 70 tại TP HCM thì người bệnh ở các huyện ngoại thành chỉ chiếm 4,7%, còn ở vùng nội thành lên đến 10,5%.

Bệnh nhân điều trị tiểu đường. Ảnh: N.P

Bệnh nhân điều trị tiểu đường. Ảnh: N.P

Theo phó giáo sư Khuê, đây là kết quả của sự chuyển dịch nhanh chóng theo hướng đô thị hóa với sự thay đổi lối sống theo kiểu phương Tây, ăn nhiều đạm, ít vận động, tăng chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh… Những yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường là thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, tuổi cao, không luyện tập thể dục thể thao, người có cha mẹ, anh chị em mắc bệnh, phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con nặng trên 4 kg…

Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy có gần 5 triệu người bị đái tháo đường và trong đó hơn 60% số người vẫn chưa được chẩn đoán. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức và đa số đều không đạt được mục tiêu điều trị. Hiện nay, lý do nhập viện hàng đầu, nằm viện lâu nhất là biến chứng loét nhiễm trùng bàn chân, chiếm 21,5-27,1%.

Nếu phát hiện bệnh sớm, ở giai đoạn chưa có biến chứng, chi phí điều trị chỉ khoảng 100-150 USD mỗi tháng. Nếu tiểu đường có biến chứng, chi phí này tăng tới 500-800 USD mỗi lần nhập viện. Tốn kém nhất là chi phí điều trị các biến chứng loét chân, suy thận giai đoạn cuối, lọc thận, can thiệp tim mạch…

Theo bà Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 thành công sẽ góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa các bệnh mãn tính khác, bởi các bệnh này có cùng yếu tố nguy cơ, các yếu tố quyết định trong tiến triển bệnh và cơ hội can thiệp.

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có 776 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, tương đương chỉ có 1 bác sĩ trên 100.000 dân. Ngoài ra việc thiếu đội ngũ chuyên khoa, nhân viên giáo dục sức khỏe, cơ sở vật chất tại các bệnh viện… gây nhiều khó khăn trong việc phòng chống bệnh đái tháo đường.

AloBacsi.vn
Theo  Lê Phương- VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X