Hotline 24/7
08983-08983

“4 nhiều” - 4 triệu chứng kinh điển của tiểu đường

BS.CK1 Lê Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nhấn mạnh, ăn nhiều, sụt cân nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều gần như là 4 triệu chứng kinh điển để nhận ra bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

Trẻ em cũng có thể mắc bệnh tiểu đường

Tại sao bệnh tiểu đường ở trẻ em lại có xu hướng gia tăng?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (dân gian hay gọi là tiểu đường). Có hai loại tiểu đường là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Tiểu đường type 2 đang có khuynh hướng gia tăng ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ lớn do chế độ sinh hoạt.

Nếu ở trẻ có triệu chứng rõ ràng như sụt cân và đi tiểu nhiều thì đó là những dấu hiệu để phụ huynh đưa trẻ đi khám xem có bị tiểu đường hay không.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường là gì?

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là gì, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đến bây giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây tiểu dường. Đó là do sự tương tác giữa nhiều yếu tố, trong đó có những bệnh mắc phải, cơ địa, thói quen sinh hoạt cộng với tính gia đình của tiểu đường.

Tính di truyền của bệnh tiểu đường

Về tính gia đình, nếu trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị tiểu đường thì tỷ lệ trẻ mắc căn bệnh này có cao hay không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Từ nghiên cứu cho thấy tiểu đường có liên quan đến yếu tố di truyền, ở cả type 1 và type 2. Đối với tiểu đường type 2, nếu ba mẹ hoặc ông bà có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ sẽ cao hơn so với nhân số chung.

Tiểu đường type 1 có yếu tố di truyền, tuy nhiên tính gia đình không rõ ràng như type 2.

Mối liên quan giữa thừa cân, béo phì và bệnh tiểu đường type 2

Lối sống hiện đại ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng ở trẻ. Vấn đề thừa cân, béo phì tác động như thế nào đến bệnh tiểu đường?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Đối với tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2, chúng ta thường nhắc đến lối sống không lành mạnh. Lối sống không lành mạnh có 2 nhóm vấn đề cần bàn: Dinh dưỡng và vận động.

Ở thời đại này, mọi người sống với máy tính bảng, với màn hình, trẻ dành nhiều thời gian xem ti vi nên vận động ngoài trời ít đi, kém vận động. Thứ hai, việc tiêu thụ thức ăn nhanh nhiều năng lượng lại không vận động dẫn đến thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ rất quan trọng của đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường type 2 đang trẻ hóa

Trẻ em Việt Nam thường phát hiện tiểu đường ở độ tuổi nào?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Ở đái tháo đường type 1, độ tuổi nhỏ nhất được phát hiện là dưới 1 tuổi. Dưới 1 tuổi đến hết tuổi nhi đồng đều có nguy cơ mắc đái tháo đường type 1.

Đái tháo đường type 2 gần đây đang trẻ hóa, nghĩa là bệnh trước đây đa phần gặp ở người trưởng thành, ít thấy ở trẻ em nhưng hiện nay những trẻ thừa cân, béo phì tăng lên, do đó đã có ghi nhận những bạn nhỏ bị đái tháo đường type 2 từ 10 tuổi trở lên. Số lượng bệnh nhi tăng lên là tăng từ đái tháo đường type 2.

Phụ huynh cảnh giác khi trẻ sụt cân bất thường và tiểu nhiều

Những trẻ phát hiện bệnh tiểu đường thường đến bệnh viện trong tình trạng như thế nào? Tiến triển của bệnh về sau sẽ ra sao?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Khi trẻ mắc đái tháo đường type 1 và type 2, phụ huynh phải để ý các dấu hiệu: Trẻ ăn nhiều hơn so với trước nhưng lại có dấu hiệu sụt cân và trẻ đi tiểu nhiều.

Trẻ uống nước nhiều hơn nên đi tiểu nhiều do đường được thải qua nước tiểu và làm tăng lượng nước tiểu. Trẻ sụt cân trong khi vẫn ăn nhiều là dấu hiệu mà ba mẹ nên để ý. Gần đây có một trường hợp trẻ sụt cân và tiểu nhiều nhưng người nhà chỉ nghĩ là đi tiểu nhiều về đêm, trong khi thực tế là tăng cả ngày lẫn đêm.

Nếu có những dấu hiệu này mà không đi khám, cơ thể trẻ sẽ không thể sử dụng được đường, đường bị thải qua nước tiểu, dẫn đến tình trạng toan nhiễm ceton, hôn mê. Nếu không cấp cứu kịp thời, chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp, trẻ có thể tử vong.

Ngoài ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân và đi tiểu nhiều, còn những dấu hiệu nào khác ở trẻ bị đái tháo đường nữa không? Khi con em xuất hiện những triệu chứng này, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám ở chuyên khoa nào?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Ăn nhiều, sụt cân nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều gần như là 4 triệu chứng kinh điển để nhận ra tiểu đường. Ngoài những triệu chứng này, rất khó để nhận định những triệu chứng khác. Thông thường, phải xét nghiệm đường huyết, đường trong máu ở thời điểm đang đói để xem có bất dung nạp đường hay rối loạn bất dung nạp đường không. Có thể sử dụng những xét nghiệm thông thường định kỳ mỗi năm hoặc làm xét nghiệm trên những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, trong gia đình có người bị đái tháo đường type 2.

Chưa có phương pháp chữa dứt điểm bệnh tiểu đường

Ở những địa phương mà bệnh viên nhi không có chuyên khoa dành cho trẻ bị đái tháo đường, phụ huynh có nên chuyển bé lên bệnh viện tuyến trên không?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Tiểu đường có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, bệnh nhân cần có bác sĩ được đào tạo, có kinh nghiệm chuyên về tiểu đường để quản lý và điều trị ổn định bệnh. Tiểu đường là bệnh sẽ mắc cả đời và không thể chữa khỏi. Chính vì vậy, cần tìm đến một bác sĩ có kinh nghiệm, có kiến thức và được đào tạo bài bản để điều trị đái tháo đường tốt nhất.

Tiêm insulin và theo dõi đường huyết kiểm soát đái tháo đường

Có những phương pháp nào để kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường? Lợi ích của những phương pháp này đối với trẻ bị tiểu đường ra sao, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Hiện nay, đái tháo đường type 1 và type 2 đều có phương tiện chẩn đoán và có thuốc điều trị, giúp hạn chế biến chứng của tiểu đường. Chúng ta có những phương pháp để giúp việc điều trị thuận lợi hơn.

Đối với đái tháo đường type 1, có thể tiêm insulin mỗi ngày, thường là 4 lần/ngày. Hiện nay đã có dụng cụ bơm truyền insulin liên tục dưới da, hạn chế được việc tiêm nhiều lần, kiểm soát đường huyết tốt hơn. Đây là một trong những dụng cụ tốt cho điều trị đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 1 ở trẻ em.

Ngoài ra còn có dụng cụ theo dõi đường huyết liên tục. Trước đây chúng ta phải trích máu đầu ngón tay để làm xét nghiệm đường huyết 3 - 4 lần/ngày thì hiện nay có máy theo dõi đường huyết liên lục mà không cần lấy máu ở đầu ngón tay. Thiết bị này giúp các bạn nhỏ ít bị đau, tuân thủ điều trị tốt hơn.

Giảm béo phì để giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2 ở trẻ

Ở bệnh tiểu đường, yếu tố di truyền khó mà thay đổi được. Xin hỏi BS, có cách nào phòng tránh bệnh đái tháo đường tuýp 2 cho trẻ?

BS.CK1 Lê Thanh Bình trả lời: Có thể phòng tránh đái tháo đường type 2 bằng cách phòng ngừa tình trạng béo phì. Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2. Có 2 cách để phòng ngừa béo phì: yếu tố dinh dưỡng và vấn đề lối sống, sinh hoạt.

Ba mẹ phải kiểm soát vấn đề ăn uống của trẻ, làm sao để năng lượng ăn vào mỗi ngày thấp, tránh tình trạng béo phì. Đồng thời, phụ huynh hạn chế thời gian tĩnh, cho trẻ vận động nhiều hơn, có những hoạt động ngoài trời để giúp trẻ tăng thời gian vận động.

Vận động ngoài trời kèm với một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng mà không dư thừa năng lượng sẽ giúp nguy cơ béo phì ở trẻ giảm xuống. Từ đó, nguy cơ đái tháo đường ở những trẻ có nguy cơ đái tháo đường do trong gia đình có người bị đái tháo đường type 2 cũng giảm theo. Bằng cách này, chúng ta có thể hạn chế sự phát triển của đái tháo đường type 2 ở trẻ về sau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X