4 điều NÊN LÀM để vượt qua quá trình hóa trị một cách nhẹ nhàng
Theo BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo - Phó trưởng khoa Hóa trị, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, tuân thủ tốt 4 việc: nghỉ ngơi, dinh dưỡng, giữ vệ sinh và tập thể dục, cùng với những tiến bộ trong y học, khoa học sẽ giúp bệnh nhân ung thư vượt qua các chu kỳ hóa trị một cách nhẹ nhàng.
1. Vai trò của hóa trị đối với từng giai đoạn của ung thư
Hầu hết mọi người hiểu: “hóa trị là truyền hóa chất vào cơ thể”. Xin BS cho biết cách hiểu này đã đúng hay chưa và hóa trị được chỉ định vào giai đoạn nào trong liệu trình điều trị ung thư?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Hóa trị (chemotheraphy) là một từ xuất phát từ tiếng Hy Lạp, trong đó chemo là hóa chất và theraphy nghĩa là điều trị. Khái niệm hóa trị được nhà khoa học Paul Ehrlich đưa ra từ những năm 1900.
Người ta đã dùng hóa chất để điều trị nhiều bệnh như bệnh nhiễm trùng. Ung thư cũng là một lĩnh vực cho hóa chất hoạt động. Ngày nay, khi nhắc đến hóa trị, người ta sẽ nghĩ đến một phương tiện điều trị ung thư.
Tóm lại, hóa trị sẽ dùng thuốc, hóa chất. Đây là một liệu pháp toàn thân, đi khắp cơ thể để tác động lên những tế bào đang phân chia nhanh - một đặc tính của tế bào ung thư. Hóa chất tiêu diệt tế bào hoặc làm cho tế bào chậm phát triển.
Tuy nhiên, ngoài những tế bào ung thư, trong cơ thể còn có những tế bào lành đang phân chia nhanh, chẳng hạn như tế bào máu, tế bào niêm mạc đường tiêu hóa hoặc ngay cả tóc. Đó chính là cơ sở gây ra các tác dụng phụ của hóa trị mà chúng tac vẫn thường nhắc như rụng tóc, nôn ói...
Cho đến thời điểm hiện nay, hóa trị có thể dùng trong bất kỳ giai đoạn nào của ung thư. Ở giai đoạn sớm, sau khi phẫu thuật lấy khối u triệt để, hóa trị có vai trò trong việc giảm các tế bào vi di căn nhằm giảm tỷ lệ tái phát, giảm tỷ lệ di căn xa.
Đối với giai đoạn tại chỗ, tại vùng không thể mổ nhưng vẫn chưa di căn xa, hóa trị có thể cùng phối hợp với một phương pháp điều trị khác như xạ trị, gọi là hóa - xạ đồng thời. Kết hợp cả hai phương pháp sẽ khống chế khối u tốt hơn.
Giai đoạn di căn là “mảnh đất” chủ yếu để điều trị hóa trị. Ở giai đoạn này, mục tiêu của hóa trị không phải là chữa khỏi bệnh nhưng vẫn có khả năng tiêu diệt rất nhiều tế bào ung thư và khống chế bệnh, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống với chất lượng sống tốt hơn.
2. Tác dụng phụ không còn là vấn đề đáng lo trong chu kỳ hóa trị
Mối lo ngại hàng đầu của các bệnh nhân khi hóa trị đó là sợ tác dụng phụ. BS có thể cho biết với những loại thuốc mới hiện nay thì các tác dụng phụ đã được cải thiện ra sao? Có loại thuốc hóa trị nào mà bệnh nhân hoàn toàn không bị thuốc “hành” không ạ?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Hóa trị đã có lịch sử phát triển hơn trăm năm. Ở thời kỳ đầu, chúng ta chưa hiểu biết nhiều về cơ chế của hóa trị nên bệnh nhân phải chịu khá nhiều tác dụng phụ.
Theo sự phát triển của khoa học, chúng ta ngày càng biết rõ hơn về hóa trị. Chẳng hạn, hóa trị thường tác động lên các tế bào đang phân chia nhanh nên sẽ gây thiếu máu và có những biện pháp khắc phục tác dụng ngoài ý muốn này.
Nếu chỉ dùng 1 loại hóa chất, liều độc sẽ rất cao. Vì vậy bác sĩ sẽ phối hợp các hóa chất để giảm liều độc, giảm tác dụng phụ đồng thời tăng được hiệu quả chính.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều loại thuốc bổ trợ trong quá trình hóa trị như thuốc chống nôn, thuốc chống giảm bạch cầu, thuốc tăng cường thể lực và bổ sung dinh dưỡng.
Chính vì thế, khi nghe đến “hóa trị”, bệnh nhân đừng quá lo lắng về các tác dụng phụ. Trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng và những người chăm sóc hóa trị của mình khi những tác dụng phụ vừa xuất hiện để có biện pháp hỗ trợ, điều trị phù hợp. Bệnh nhân hoàn toàn có thể trải qua chu kỳ hóa trị thật nhẹ nhàng, êm ái.
3. Nguyên nhân gây thiếu máu ở bệnh nhân đang hóa trị
Trên các diễn đàn, nhiều bệnh nhân ung thư hỏi thăm nhau về việc có “đủ máu” để vào hóa chất. BS có thể chia sẻ thêm về vấn đề này: vì sao bệnh nhân phải “đủ máu” mới điều trị được? Với các loại thuốc mới thì yêu cầu này có còn hay không?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Thiếu máu là một tác dụng ngoại ý khá phổ biến của hóa trị. Hồng cầu là tế bào tăng sinh mỗi ngày, trong khi nguyên tắc của hóa trị là tiêu diệt những tế bào phân chia nhanh. Vì thế hóa trị cũng vô tình tác động đến tế bào này.
Khi bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ này sẽ có các triệu chứng: mệt mỏi trong người, thở nhanh, xanh xao, thiếu sức sống, da nhợt nhạt, tim đập nhanh...
Ngoài việc hóa trị tiêu diệt tế bào hồng cầu, bản thân khối u cũng bị chảy máu, xuất huyết khiến bệnh nhân thiếu máu. Thêm vào đó, hóa trị tác dụng vào tủy xương, làm chậm sự phân chia của tế bào máu gốc.
Tổng hợp những yếu tố trên, bệnh nhân thường bị thiếu máu. Việc đối phó sẽ tùy vào mức độ thiếu máu. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kê những loại thuốc kích thích tạo máu erythropoetin để hỗ trợ tủy xương tạo thêm tế bào máu. Bệnh nhân thiếu máu nặng có thể cần phải truyền máu.
Tôi cũng chia sẻ thêm một vấn đề. Nhiều bệnh nhân không dám ăn thịt bò, không dám ăn đồ bổ trong quá trình điều trị vì sợ tế bào ung thư phát triển thêm. Đây là quan điểm cực kỳ sai lầm!
Khi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, cơ thể không thể tạo máu. Bệnh nhân ung thư vẫn phải ăn uống đầy đủ, thậm chí phải ăn nhiều hơn người bình thường nếu cơ thể dung nạp tốt.
4. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh, không để xảy ra tình trạng kiềm hóa
Gần đây rộ lên trào lưu “kiềm hóa” cơ thể để chữa ung thư. Theo BS, bệnh nhân ung thư đang được điều trị hóa trị, nếu họ áp dụng các phương pháp để “kiềm hóa” cơ thể thì có mang lại lợi ích hay không?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Theo tôi, quan điểm kiềm hóa cơ thể ung thư là một việc hoang đường, hư cấu. Cơ thể của con người là một hệ thống được điều chỉnh rất chặt chẽ, chỉ cần một chút thay đổi là cơ thể có thể tự điều hòa lại.
Không hề có chuyện cơ thể bị kiềm vì một số chất nào đó hay ăn uống có thể kiềm hóa cơ thể. Bệnh nhân nghe theo tin đồn thất thiệt sẽ từ bỏ phương pháp điều trị chính thống. Nhiều người nghĩ rằng tế bào ung thư phát triển được trong môi trường axit, kiềm hóa cơ thể sẽ ngăn chặn được sự phát triển của nó.
Tuy nhiên, đây chỉ là những khái niệm lý thuyết, thí nghiệm. Nhưng cơ thể của chúng ta luôn luôn có những cơ chế điều hòa, không để xảy ra kiềm hóa hay axit hóa. Tế bào ung thư phát triển là chuyện của tế bào ung thư, kiềm hóa cơ thể để chữa ung thư là hoàn toàn sai lầm.
5. Để cơ thể nghỉ ngơi tốt giữa hai đợt hóa trị
Theo BS, bệnh nhân nên và không nên làm gì trong thời gian “tạm nghỉ” giữa 2 lần hóa trị? Nếu họ uống thuốc nam hay các thực phẩm chức năng thì có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị không?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Thời gian nghỉ ngơi giữa hai đợt hóa trị khoảng 2 - 3 tuần. Đây là khoảng thời gian để tế bào lành của cơ thể phục hồi sau những tác động của hóa trị lên những tế bào phân chia nhanh.
Tất nhiên trong khoảng nghỉ này, tế bào ung thư cũng phục hồi nhưng chỉ trong khoảng cho phép. Điều cần quan tâm là làm thế nào để các tế bào lành phục hồi nhanh nhất. Đầu tiên, bệnh nhân cần lưu ý vấn đề nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức trong thời gian này.
Bệnh nhân cần tránh những nguy cơ nhiễm trùng, không nên đi đến những nơi đông người vì khả năng bị lây nhiễm cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khá cao.
Giữ vệ sinh thật tốt, ăn uống cẩn thận và đầy đủ là những điều nên làm. Mặc dù sau khi làm hóa trị, người bệnh sẽ được kê những loại thuốc ngăn ngừa tác dụng phụ nhưng nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào, bệnh nhân phải lập tức liên hệ với bác sĩ.
Nên thông báo với cơ quan, nơi làm việc về vấn đề điều trị để được sắp xếp công việc phù hợp. Bệnh nhân vẫn cần vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức. Quá tĩnh tại sẽ gây tình trạng mất ngủ, bứt rứt, ăn không ngon miệng.
Đặc biệt lưu ý đến việc duy trì dinh dưỡng tốt, ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc.
Tôi biết nhiều bệnh nhân ung thư thường tìm đến thực phẩm chức năng hay thảo dược. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng chưa có một nghiên cứu hay bằng chức nào cho thấy thực phẩm chức năng có thể chữa được ung thư. Thực phẩm chức năng chỉ có thể hỗ trợ bổ sung một số vi chất.
Những loại thực phẩm hay loại thuốc nào khẳng định “có tác dụng chữa ung thư” đều là quảng cáo quá sự thật. Bác sĩ không hoàn toàn cấm đoán việc sử dụng thực phẩm chức năng nhưng không cần thiết phải chi quá nhiều tiền cho việc này.
Đôi khi chúng ta cũng không biết rõ thành phần trong những sản phẩm này này, liệu các thành phần đó có tương tác với thuốc hóa trị hay không. Nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng bị tăng men gan, phải trì hoãn chu kỳ hóa trị.
Các loại cây lá được nhiều người truyền tai nhau như lá đu đủ đực có thể làm rối loạn chức năng gan, men gan. Do đó tôi không khuyến khích bệnh nhân sử dụng. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ.
6. Nên tiêm phòng cúm trước khi bắt đầu hóa trị
Nếu bệnh nhân bị ốm đau đột xuất (cảm, ho, chấn thương…) trong thời gian hóa trị thì việc dùng thuốc điều trị những bệnh đó có ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hóa trị hay không, thưa BS?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Đây là việc thường hay xảy ra. Như đã trình bày, nếu bệnh nhân không giữ vệ sinh tốt trong khoảng thời gian nghỉ giữa hai đợt hóa trị, cơ thể sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
Hóa trị làm các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, các tế bào bảo vệ cơ thể bị suy giảm khiến cơ thể dễ bị nhiẽm trùng. Việc bị cảm cúm hoàn toàn có thể xảy ra.
Bệnh nhân nên hạn chế đến những nơi đông người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không được đi đám ma, đám cưới. Khuyến cáo bệnh nhân không đến nơi đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Khi bị các bệnh cảm, cúm, viêm phổi sẽ phải sử dụng thuốc điều trị những bệnh này và không rõ các loại thuốc sẽ tương tác như thế nào với hóa trị. Bệnh nhân sắp đến ngày vào thuốc lại phải trì hoãn do bị ốm đau đột xuất.
Người ta nhận thấy những bệnh nhân hóa trị hay bị zona (giời leo) với tỷ lệ khá cao. Trước đây chưa có biện pháp nào để điều trị hũu hiệu vấn đề này. Thông thường, zona sẽ tự khỏi sau khoảng 7 ngày nhưng đối với những bệnh nhân hóa trị có miễn dịch bị suy giảm, bệnh sẽ để lại những di chứng rất nặng nề. Bệnh nhân có thể bị đau thần kinh kéo dài.
Hiện tại đã có thuốc tiêm ngừa herpes. Trong tương lai, hy vọng Việt Nam sẽ được tiếp cận những loại vaccine mới này.
Bệnh nhân có thể tiêm ngừa vaccine cúm để không bị các tác dụng phụ trong quá trị, không mắc các bệnh nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
7. Viết nhật ký điều trị, tham gia cộng đồng bệnh nhân ung thư
BS có lời khuyên cho người bệnh sắp bước vào hóa trị ung thư, những việc gì cần làm và không nên làm để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt?
BS.CK2 Vương Đình Thy Hảo trả lời: Trước khi bắt đầu chu kỳ hóa trị, bệnh nhân đừng quá sợ hãi, lo lắng. Hãy lên kế hoạch để có thể trải qua một cách nhẹ nhàng.
Đầu tiên, cần hiểu rõ căn bệnh mắc phải và tình trạng bệnh đang ở giai đoạn nào, phương pháp điều trị hiện tại đã hợp lý hay chưa. Bệnh nhân có thể lắng nghe bác sĩ để hiểu và từ đó giảm bớt lo lắng.
Dù bệnh đang ở giai đoạn nào cũng sẽ có phương pháp điều trị.
Thứ hai, bệnh nhân cần thu xếp công việc và gia đình. Đây là lúc cần có sự hỗ trợ của người thân. Có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ các công việc ở cơ quan.
Nếu có thể, bệnh nhân hãy chuẩn bị một cuốn nhật ký để ghi lại mỗi ngày trong chu kỳ hóa trị, ghi lại các phản ứng xuất hiện để có thể trao đổi với bác sĩ khi cần.
Trong thời đại công nghệ thông tin 4.0, nhiều bệnh nhân tham gia vào các hội, nhóm hỗ trợ lẫn nhau trên các nền tảng mạng xã hội. Tôi cũng hân hạnh được tham gia vào những cộng đồng ấy, hỗ trợ và đóng góp ý kiến kịp thời, giúp bệnh nhân vượt qua quá trình hóa trị suôn sẻ nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình