3 xét nghiệm cơ bản có thể đánh giá tổng quát chức năng thận
Theo ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Chuyên khoa Nội thận, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, chức năng thận được đánh giá qua các xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh,... Thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận là một trong những phương pháp hiệu quả để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý về thận và kịp thời có biện pháp can thiệp khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào.
1. Bệnh thận mạn là vấn đề nổi trội hiện nay
Xin hỏi BS, các vấn đề nào có thể xảy ra ở thận? Hiện nay bệnh lý thận nào phổ biến nhất?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Rất nhiều vấn đề có thể xảy ra trên thận của chúng ta, ví dụ sỏi đường tiết niệu, tổn thương thận cấp, các bệnh lý cầu thận...
Nổi bật nhất hiện nay là bệnh thận mạn, trong 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh thận mạn. Đây là một con số rất lớn nếu tính trong toàn bộ dân số.
2. Người từ 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ nên tầm soát bệnh thận mạn
Những trường hợp nào cần kiểm tra và đánh giá chức năng thận? Nhiều thông tin phản ánh bệnh thận đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy độ tuổi nào cần phải kiểm tra và có cần kiểm tra sớm hơn độ tuổi này để phát hiện bệnh, thưa BS?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Bệnh thận mạn là bệnh lý thận phổ biến nhất hiện nay và có xu hướng dần trẻ hóa. Một số nhóm tồn tại nguy cơ mắc bệnh thận mạn cao hơn bình thường, gồm:
- Người có tiền sử mắc tăng huyết áp, đái tháo đường;
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh thận;
- Người từng có tổn thương thận trước đó.
Những người có các yếu tố vừa kể trên cần tầm soát để chẩn đoán sớm bệnh thận mạn. Độ tuổi được khuyến cáo là từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu có các yếu tố nguy cơ khi chưa đến 40 tuổi, bên cạnh đó bệnh nhân còn béo phì, sinh thiếu tháng, nhẹ cân cũng cần được tầm soát sớm.
3. Khi bệnh thận mạn xuất hiện triệu chứng thì gần như không còn cơ hội điều trị
Thưa BS, tần suất kiểm tra và đánh giá chức năng thận có gì khác biệt giữa người có triệu chứng và người không có triệu chứng, giữa các độ tuổi cũng như giữa người có bệnh lý nền và người có sức khỏe bình thường không?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Tần suất và phương tiện chẩn đoán có sự khác biệt ở các nhóm người đến tầm soát bệnh thận.
Bệnh thận mạn ít khi có triệu chứng lâm sàng để có thể phát hiện sớm. Nếu có triệu chứng lâm sàng, chẳng hạn như phù, thiếu máu, tăng huyết áp, tiểu đau, tiểu máu... cần phải đến gặp bác sĩ ngay để sớm chẩn đoán bệnh thận mạn nhằm điều trị kịp thời.
Đa phần bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm cho đến khi bệnh nhân bước vào suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc này, có triệu chứng gần như không còn cơ hội điều trị mà phải lệ thuộc vào các phương pháp điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc.
Do đó, tầm soát sớm là cực kỳ quan trọng đối với nhóm nguy cơ cao. Tần suất tầm soát phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường thì mỗi năm cần tầm soát nguy cơ bệnh thận 1 lần.
4. Các phương pháp tầm soát bệnh thận mạn
Để đánh giá chức năng thận, chúng ta cần thăm khám những gì và làm những cận lâm sàng nào, thưa BS?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: 3 phương pháp tầm soát bệnh thận là tổng phân tích nước tiểu để tìm protein trong nước tiểu, xét nghiệm creatinin máu để ước đoán độ lọc cầu thận và siêu âm bụng để đánh giá cấu trúc thận.
Xin hỏi BS, có phương pháp nào chuyên sâu hơn để phân tích kỹ hơn chức năng của thận?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Dựa vào 3 phương pháp sàng lọc, tùy thuộc vào hội chứng bệnh thận mà bệnh nhân mắc phải, bác sĩ sẽ có những phương pháp khác nhau để phân tích thêm.
Với bệnh nhân có sỏi niệu sẽ áp dụng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn như chụp CT hệ niệu. Nếu bệnh nhân có bệnh lý cầu thận, đôi khi cần đến những kỹ thuật cao hơn như sinh thiết thận để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hơn cho bệnh nhân.
5. Cần lưu ý gì khi xét nghiệm bệnh thận để tránh ảnh hưởng kết quả?
Trước và trong quá trình làm kiểm tra chức năng thận, chúng ta cần lưu ý những gì để có kết quả chính xác nhất, thưa BS?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Các xét nghiệm tầm soát bệnh thận mạn như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm creatinin huyết thanh được thực hiện trong cộng đồng, do vậy bệnh nhân không cần chuẩn bị điều gì quá phức tạp, có thể thực hiện ngay khi đến phòng khám.
Tuy nhiên, vì xét nghiệm có giá trị tầm soát, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín để có kết quả chính xác hơn, tránh những sai lệch dẫn đến lo lắng không cần thiết.
6. Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có nhiều phương pháp kiểm tra chức năng thận hiện đại, độ chính xác cao
Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có những gói khám, xét nghiệm chức năng thận nào?
ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến trả lời: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có thể thực hiện rất nhiều xét nghiệm trong việc tầm soát và chẩn đoán bệnh thận. Trong đó có xét nghiệm phân tích nước tiểu để tìm protein, có cả xét nghiệm microalbumin trên tỷ lệ creatinin niệu để phát hiện rất sớm các bệnh nhân có bệnh thận trên nền đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Chúng tôi cũng thực hiện các xét nghiệm creatinin huyết thanh được chuẩn hóa để đảm bảo kết quả độ lọc cầu thận của bệnh nhân có độ chính xác cao.
Về chẩn đoán hình ảnh, chúng tôi có các phương pháp siêu âm, CT để tầm soát những bất thường ở cấu trúc thận. Bên cạnh đó còn có các xét nghiệm chẩn đoán về mặt miễn dịch để chẩn đoán những bệnh như lupus...
Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có thể trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân sẽ nhận được tư vấn về chức năng thận. Các bác sĩ cũng sẽ trả lời được nguyên nhân dẫn đến bệnh thận trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình