3 đặc điểm phân biệt nấm độc và 4 bước xử trí ngộ độc nấm
Theo ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, biết cách phân biệt các loại nấm là biện pháp hiệu quả nhất để đề phòng ngộ độc do nấm độc. Bài viết dưới đây có những hướng dẫn về cách phân biệt các loại nấm độc và cách xử trí khi ăn phải nấm độc sẽ giúp bạn đọc AloBacsi an toàn hơn khi chuẩn bị bữa ăn với loại thức ăn này.
1. Vì sao ăn nấm gây ngộ độc?
Có rất nhiều loại nấm, chia thành nấm độc và nấm không độc. Ngay cả nấm mốc mọc ở tường, mọc khắp mọi nơi cũng là nấm. Nấm có thể nhỏ đến mức chúng ta không thấy được hoặc có những loại thấy được như nấm rơm, nấm mèo, nấm đông cô, nấm kim châm,...
Với câu hỏi “Tại sao nhiều loại nấm có thể ăn được nhưng vẫn có người bị ngộ độc?”, chúng ta biết rằng thế giới muôn loài đa dạng, không phải loại nấm nào cũng có thể ăn được. Nấm độc chứa nhiều loại độc tố gây hại cho một số cơ quan trong cơ thể của những loài động vật có máu nóng, cụ thể là con người.
Thiên nhiên hoang dã luôn tiềm ẩn cạm bẫy cũng như những điều kỳ thú mà con người chưa giải thích được. Đa phần những loại nấm gây ngộ độc nhẹ có các độc tố gây tổn thương dạ dày và ruột, còn gọi là độc tố gây viêm dạ dày ruột. Độc tố thứ hai là độc tố gây ảo giác thần kinh. Loại độc tố thứ ba thường có trong “nấm tử thần” – những loài nấm có họ Amanita. Chúng có gốc Amatoxin cực kỳ độc. Gyromitrin cũng là một độc chất. Một số độc tố trong nấm còn có độc tố muscarinic.
2. Các triệu chứng ngộ độc nấm thường gặp
Thông thường có 2 loại ngộ độc nấm.
- Ngộ độc nhẹ: Những loại nấm chi chứa loại độc tố gây viêm dạ dày ruột gây các triệu chứng xảy ra sớm, trong vòng 2 – 3 tiếng đồng hồ sau khi tiêu thụ. Bệnh thường tự giới hạn, chỉ gây viêm dạ dày ruột cấp với các triệu chứng đau bụng, nôn ói như ngộ độc thức ăn thông thường.
- Những loại nấm tử thần như Amanita chứa độc tố Amatoxin hay các loại nấm chứa độc tố gyromitrin có đặc điểm là triệu chứng xuất hiện chậm. Có thể nói “gừng càng già càng cay”, triệu chứng xuất hiện chậm càng nguy hiểm hơn. Tình yêu ồ ạt thường không bền vững, ngộ độc nấm cũng giống như vậy.
Triệu chứng xuất hiện muộn, từ 6 – 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng hoặc 1 ngày, trước khi phát bệnh, người bệnh vẫn “khỏe như voi”, vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường. Triệu chứng phát đột ngột và cũng mở đầu bằng các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Người bệnh bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, sau đó mới phát ra ở những cơ quan khác.
3. Các loại độc tố trong nấm độc độc tố thường làm ảnh hưởng đến 2 cơ quan thải độc quan trọng trong cơ thể
Độc tố trong các loại nấm tử thần phá hủy những men ở ruột, bao tử và làm chết hàng loạt tế bào ở gan, thận. Nói một cách dễ hiểu, việc này giống như cắt bỏ gan, thận mà không cần dùng đến dao kéo. Độc tố khiến cho gan và thận tự hủy hoại, tự thối rữa, dẫn đến nhiều chức năng không sử dụng được, cơ thể suy sụp và tử vong.
Loại nấm tử thần “ghê gớm” nhất là Amanita phalloides, chứa lượng độc tố cực kỳ cao. Lượng độc tố trong một tai nấm lớn bằng một cái nấm rơm là đủ để giết 2 người nhanh chóng. Nhiều loại nấm họ Amanita nhưng hàm lượng độc tố ít hơn.
Độc tố Gyromitrin gây ảo giác. Độc tố thần kinh làm con người bị tê bì, co giật, động kinh, có thể ảnh hưởng suy gan, suy thận về sau.
Một số loại nấm có độc tố gốc Muscarin gây ảnh hưởng trên tim: nhịp tim rối loạn, tim đập chậm, lờ đờ, như một người bị thất tình nên tim không muốn đập nữa. Phổi của bệnh nhân ra đàm, co lại và không thở được, khiến bệnh nhân tử vong vì thiếu oxy.
Tóm lại, độc tố thường làm ảnh hưởng đến 2 cơ quan thải độc quan trọng trong cơ thể là gan và thận, phần nào ảnh hưởng lên hệ thần kinh. Việc triệu chứng xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc vào loại nấm độc ăn phải. Theo nguyên lý, triệu chứng dạ dày ruột xuất hiện sớm chừng nào thì tốt chừng đó. Triệu chứng đường tiêu hóa xuất hiện càng muộn thì càng nguy hiểm, có thể dính phải những độc tố nặng, ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh.
4. Kích thích nôn để tránh độc tố hấp thu vào cơ thể
Thực tế, khi bị ngộ độc nấm, việc sơ cứu ban đầu không quan trọng. Thông thường bệnh nhân không nhớ rõ nguyên nhân bị ngộ độc, nhất là những trường hợp triệu chứng xuất hiện sau 1 ngày.
Về nguyên tắc, khi phát hiện người thân có ăn nấm lạ, lo lắng nguy cơ ngộ độc, cách đơn giản nhất là gây nôn hoặc uống than hoạt tính để tránh hấp thu độc tố vào cơ thể (nếu có). Sau đó đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để can thiệp.
Nguyên lý chung khi xử lý ngộ độc nấm nói riêng và ngộ độc bất kỳ một chất nào đó là:
1. Kích thích vùng họng để nôn ra, ngăn độc tố đi sâu vào đường tiêu hóa.
2. Uống thật nhiều nước sau khi nôn.
3. Uống than hoạt tính, bột than đen để ngăn hấp thu độc chất.
4. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Triệu chứng ban đầu của ngộ độc nấm thường giống với ngộ độc thức ăn thông thường nhưng sau đó sẽ diễn tiến nhanh với những triệu chứng thần kinh khác. Đối với nạn nhân ngộ độc nói chung, những dấu hiệu sau đây cảnh báo mức độ nguy hiểm cao: nôn mửa liên tục không cầm được, vọp bẻ tay chân, co giật, không tiểu được hoặc tiểu không có nước tiểu, lơ mơ, sốt cao, chướng bụng,...
5. Tỉ lệ tử vong do ngộ độc nấm rất cao
95% nạn nhân ăn phải nấm tử thần Amanita phalloides với lượng Amatoxin cao sẽ tử vong, dù đã được đưa đến các trung tâm y tế chuyên sâu. Việc điều trị cho những nạn nhân này rất phức tạp: lọc máu, lọc thận, dinh dưỡng và chờ gan, thận tự hồi phục. Nếu gan, thận có thể hồi phục, nạn nhân có cơ may sống sót.
Cũng là độc tố Amatoxin nhưng không phải trong nấm tử thần, tình trạng có thể nhẹ hơn. Nhưng tỉ lệ cứu sống cũng chỉ khoảng 20 – 40%, không vượt quá 50%.
Những độc tố nhẹ chỉ gây viêm dạ dày ruột không quá nguy hiểm. Các loại độc tố Gyromitrin hay Muscarin có tỉ lệ hồi phục 50 – 60%.
6. Nắm rõ đặc điểm của nấm độc để phòng ngừa ngộ độc
Nhìn chung, tỉ lệ tử vong do ngộ độc nấm rất cao. Vì vậy, điều quan trọng hơn hết là phòng ngừa, phân biệt được những loại nấm nào không nên ăn. Loại nấm độc chứa Amatoxin lại ăn rất ngon, mùi thơm và độc tố này không bị hủy bởi nhiệt. Tốt nhất chỉ nên ăn những loại nấm thông thường, quen thuộc như nấm đông cô, nấm rơm, nấm mèo, nấm kim châm,...
Các nguyên lý phân biệt dù không chính xác hoàn toàn 100% nhưng vẫn có thể căn cứ để lựa chọn nấm:
- Chân nấm độc thường phình to giống như phần củ ở gần rễ.
- Thứ hai, phần mũ nấm của nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ hoặc có những chấm sần sùi. Hãy nhớ hoa hồng nào cũng có gai, phụ nữ càng đẹp càng nguy hiểm, nấm càng sặc sỡ càng độc.
- Thứ ba, phần thân nấm ngay dưới mũ có một vòng giống như vết đeo nhẫn thường là những loại nấm độc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình