Hotline 24/7
08983-08983

13 loại kiểm tra sức khỏe chị em không nên bỏ qua

Theo dõi sức khỏe thường xuyên còn giúp chúng ta điều chỉnh cách chăm sóc sức khỏe hợp lý.

Những kiểm tra y tế sau đây bất kì chị em nào cũng không nên bỏ qua. Phát hiện bệnh sớm là một trong những chìa khoá then chốt để việc chữa trị bệnh thành công.

1. Kiểm tra Cholesterol

Cholesterol là một loại protein béo trong máu của bạn có thể tích tụ trong động mạch. Do đó, kiểm tra cholesterol là cách để dự báo nguy cơ bệnh tim. Phụ nữ cần quan tâm sát sao đến mức cholesterol, bởi vì nó có xu hướng tăng sau khi mãn kinh.

Nên bắt đầu: Tuổi 20

Mức độ thường xuyên: Mỗi 5 năm. Nếu thử nghiệm cho thấy nồng độ cao, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên kiểm tra lại mỗi sáu tháng đến một năm.
 
2. Kiểm tra huyết áp

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe hiện tại và tương lai. Nhiều người mắc phải suy nghĩ sai lầm rằng đàn ông mới có nguy cơ huyết áp cao, nhưng thực không phải vậy. Khi huyết áp của bạn cao hơn 140/90 khiến bạn có nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nhiều chuyên gia tin rằng 120/80 là một chỉ số khỏe mạnh.

Nên bắt đầu: Bất kỳ độ tuổi; tốt nhất bắt đầu trong thời thơ ấu.

Mức độ thường xuyên: Mỗi năm một lần nếu sức khỏe bạn bình thường. Bác sĩ sẽ khuyên bạn kiểm tra 6 tháng một lần nếu huyết áp cao hoặc đang dùng thuốc để kiểm soát tăng huyết áp.
 
Ảnh minh họa

3. Bệnh tiểu đường
 
Để kiểm tra nguy cơ bị bệnh tiểu đường, các bác sĩ kiểm tra khả năng hấp thụ glucose của cơ thể bạn. Bệnh tiểu đường sẽ là một gánh nặng đối với phụ nữ. Nhiều phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai sẽ rất nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Bệnh tiểu đường thai kỳ trong nhiều trường hợp có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thông thường.

Nên bắt đầu: Khi bắt đầu của thai kỳ hoặc ở tuổi 45 nếu bạn không có yếu tố nguy cơ hoặc các triệu chứng. Nếu bạn đang thừa cân, có huyết áp cao hoặc có yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường như lịch sử bệnh của gia đình nên thử nghiệm lúc bạn trẻ hơn.

Mức độ thường xuyên: 3 năm một lần.

4. Kiểm tra mật độ xương

Khoảng 80% của 10.000.000 người bị ảnh hưởng bởi loãng xương là phụ nữ. Loãng xương xảy ra khi các khoáng chất như canxi bắt đầu ngấm từ xương, mỏng và làm suy yếu chúng. Ở phụ nữ, điều này thường xảy ra do mức estrogen thấp sau khi mãn kinh.

Nên bắt đầu: Ở tuổi 65.

Mức độ thường xuyên: 5 năm một lần.

5. Kiểm tra vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì xương chắc khoẻ và bảo vệ chống lại ung thư và nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ không biết mình có mức vitamin D thấp. Kiểm tra này quan trọng bởi vì phụ nữ có nguy cơ cao bị bệnh loãng xương.

Nên bắt đầu: Tuổi 40, sớm hơn nếu bạn có dấu hiệu hoặc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Mức độ thường xuyên: Nên kiểm tra hàng năm khi bạn qua tuổi 65.

6. Nội soi đại tràng

Ung thư đại trực tràng, ung thư phần dưới của ruột, có thể chữa được 90% các trường hợp nếu phát hiện sớm. Nội soi đại tràng là cách để phát hiện sớm. Nhiều người cho rằng ung thư đại tràng là bệnh của nam giới, mặc dù nguy cơ ở cả hai giới là như nhau.

Nên bắt đầu: Tuổi 50 cho những người không có yếu tố nguy cơ.

Mức độ thường xuyên: Nội soi nên được lặp lại 10 năm một lần.

7. Kiểm tra thị lực

Cho dù bạn cảm thấy mắt mình vẫn quan sát tốt nhưng vẫn nên kiểm tra thị lực mắt thường xuyên. Phụ nự có nguy cơ thoái hoá điểm vàng khá cao.
 
Nên bắt đầu: Từ tuổi 18

Mức độ thường xuyên: 1-3 năm trong độ tuổi từ 18 và 61. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có nguy cơ cao hơn các vấn đề về mắt và cần được kiểm tra thường xuyên hơn.

8. Kiểm tra thính lực

14% người ở độ tuổi từ 45 và 64 có giảm thính lực. Nếu bạn nhận thấy có vấn đề trong trò chuyện, không có khả năng phân biệt lời nói từ tiếng ồn xung quanh, bạn nên kiểm tra thính lực.

Nên bắt đầu: Khi bạn hoặc những người khác cảm thấy thính lực có vấn đề.

Mức độ thường xuyên: Kiểm tra này tuỳ vào ý thói quen của bạn, sau tuổi 50 nên kiểm tra 10 năm một lần.

9. Kiểm tra tuyến giáp

Tuyến giáp, một tuyến nhỏ ở cổ giúp điều chỉnh tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới ở hầu hết các loại bệnh tuyến giáp, có lẽ bởi vì các yếu tố nội tiết tố. Nếu tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức, gọi là cường giáp, tỷ lệ trao đổi chất của bạn quá cao. Các triệu chứng bao gồm mất ngủ, giảm cân, hoạt động quá mức. Ngược lại, khi suy giáp bạn sẽ bị mệt mỏi, táo bón, và tăng cân.

Nên bắt đầu: Tuổi 35

Mức độ thường xuyên: 3-5 năm sau 35 tuổi.  Sau 60 tuổi, kiểm tra tuyến giáp nên được tiến hành hàng năm.

10. Tầm soát hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các triệu chứng đặt bạn vào nguy cơ tăng lên đối với cả hai bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các bác sĩ xem xét phụ nữ có hội chứng chuyển hóa nếu ba trong năm yếu tố nguy cơ sau đây có mặt:

- Vòng eo phụ nữ lớn hơn 89cm
- Cholesterol "tốt" thấp (dưới 50 mg/dL)
- Triglycerides cao (lớn hơn 150 mg/dL)
- Huyết áp cao hơn 130/85
- Glucose lúc đói trên 100 mg/dL
- Cách thức: Xét nghiệm máu

Nên bắt đầu: Tuổi 50

Mức độ thường xuyên: Mỗi 3-5 năm, cùng với sàng lọc cholesterol và tiểu đường

11. Kiểm tra vùng chậu

Ung thư cổ tử cung vẫn là nguyên nhân hàng thứ hai gây tử vong do ung thư cho phụ nữ trên toàn thế giới.

Nên bắt đầu: Ở tuổi 21 hoặc trong vòng ba năm nếu có quan hệ tình dục

Mức độ thường xuyên: Từ 1 đến 3 năm.

12. Kiểm tra ngực

Kiểm tra ngực của mình trước các dấu hiệu lạ như cục u, dày lên, thay đổi màu da, núm vú biến đổi… là cách tốt nhất để cảnh giác về ung thư vú. Bạn có thể tự kiểm tra hoặc chuyên gia y tế càng tốt.

Nên bắt đầu: Tuổi 20

Mức độ thường xuyên: Tự khám mỗi tháng một lần, tốt nhất là sau kết thúc những ngày đèn đỏ. Phụ nữ trên 18 tuổi nên kiểm tra ngực bởi bác sĩ phụ khoa mỗi năm một lần.

13. Chụp X-quang vú

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, và chụp X-quang vú vẫn là công cụ cơ bản nhất được sử dụng để kiểm tra chính xác tình trạng của vú..

Nên bắt đầu: Tuổi 40 hoặc sớm hơn 5 -10 năm nếu có người thân mắc ung thư vú.

Mức độ thường xuyên: Hàng năm.
 
Theo Khang Du -  aFamily/ Caring

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X