10 tác dụng tốt đối với sức khỏe chỉ nhờ đắp khăn ấm
Chúng ta thường tìm cách chữa bệnh "cao siêu" mà bỏ qua những cách làm đơn giản. Đắp khăn ấm lên người có thể mang lại hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng với ít nhất 10 chứng đau.
Trong Đông y có một câu nói nổi tiếng "ấm tắc thông, thông tắc bất bệnh" ý nói khi cơ thể ấm, mọi hoạt động sẽ thông thoáng, trôi chảy. Khi mọi thứ đều vận động nhịp nhàng thì sẽ không sinh bệnh tật.
Từ lý thuyết đó, các chuyên gia Đông y cho rằng, quấn hay đắp một chiếc khăn ấm lên người có thể mang lại những lợi ích không hề nhỏ đối với sức khỏe, cải thiện huyết mạch, giảm đau mỏi nhanh chóng.
Nhiều người hay nói vui khi gặp người đang nổi cáu rằng, uống cốc nước nóng đi cho hạ hỏa. Hoặc nói rằng, đắp tí khăn nóng cho giảm nhiệt… để chứng minh rằng đây là cách làm đã rất phổ biến.
Chúng ta thường tìm kiếm những bài thuốc chữa bệnh "cao siêu" mà vô tình bỏ qua những cách làm đơn giản, ai cũng làm được, không gây tốn kém mà tác dụng lại có thể nhận thấy ngay tức thì.
Tác dụng khi đắp hoặc quấn khăn ấm:
1. Mắt
Khi đắp khăn ấm lên mắt, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu xung quanh mắt, giảm mệt mỏi, phần nào làm giảm triệu chứng khô mắt, tác động và làm hồi phục thị lực, dưỡng não, an thần.
2. Tai
Dùng khăn ấm đắp lên hoặc lau chùi quanh vùng tai, có thể cải thiện tuần hoàn máu xung quanh vành tai, ngăn ngừa nguyên nhân thiếu máu lên tai gây nghễnh ngãng hoặc thính lực kém, thiếu máu cục bộ lâu dài sẽ sinh ra điếc.
3. Đầu
Dùng khăn ấm đắp vào phía sau đầu, mỗi lần đắp vài ba phút, có tác dụng kích thích các huyệt ở vùng đầu, cải thiện các triệu chứng chóng mặt, tăng cường khả năng phản ứng nhanh, khôi phục trí nhớ và nâng cao năng lực tư duy.
4. Cổ
Khi có hiện tượng cổ bị cứng, khó xoay chuyển, đau mỏi, bạn có thể quấn một chiếc khăn ấm quanh cổ, sau đó xoay cổ đủ các hướng một cách chậm rãi và mềm mại.
Cũng có thể lấy khăn ấm đặt dưới cổ như một chiếc gối, ngửa đầu ra sau rồi lại cúi đầu về phía trước. Làm cách này sẽ nhận ngay kết quả khả quan sau khi thực hiện.
Một số người bị chứng thoái hóa đốt sống cổ sớm, cứng cổ, khi gặp thời tiết lạnh thì mỏi cổ hoặc không quay được cổ, nên thường xuyên đắp khăn nóng.
Sau một thời gian quấn nóng cổ, tuần hoàn máu vùng cổ sẽ được cải thiện, giảm co thắt cơ bắp vùng cổ, giảm đáng kể chứng thoái hóa.
5. Lưng
Khi bạn bị đau quanh vùng thắt lưng, dùng khăn ấm đắp vào sẽ làm giảm triệu chứng đau mỏi. Ngoại trừ chứng đau lưng bệnh lý nặng thì phải đến bệnh viện.
6. Mông
Khi vùng mông bị tê mỏi, cứng lên khó chịu nặng nề, có thể nằm xuống chiếc khăn tắm ấm, hoặc nằm sấp đắp khăn ấm lên vùng mông. Sau vài ba phút sẽ giảm triệu chứng.
7. Chấn thương thể thao
Khi bị chấn thương thể thao nhẹ, không cần phải can thiệp y tế, thì quấn khăn ấm trong vòng 2-3 ngày là cách hữu hiệu để giảm triệu chứng đau, làm dịu lại sự khó chịu do chấn thương.
8. Đau bụng kinh, đau bụng do thời tiết lạnh hoặc nhiễm lạnh
Phụ nữ bị đau bụng kinh, tắc ứ kinh nguyệt sinh ra đau vùng bụng, đắp khăn ấm sẽ cải thiện tình hình. Thông kinh nhanh chóng và hết đau tức thì. Đắp khăn nóng chườm lên vùng bụng, làm ấm bụng sẽ giảm triệu chứng đau bụng.
9. Giảm sưng sau khi tiêm
Một số người sau khi tiêm bị sưng cứng vùng tiêm, dùng khăn ấm đắp lên vùng tiêm khoảng 30 phút sẽ giảm đau, giúp tuần hoàn lưu thông máu, dần dần tiêu sưng.
10. Thư giãn toàn thân
Dùng khăn tắm to, làm ấm và đắp lên toàn thân (khỏa thân) sẽ giúp cơ thể thư giãn một cách hiệu quả. Giảm ngay căng thẳng, mệt mỏi.
Hầu hết các cơ sở mát xa, vật lý trị liệu, spa đều dùng phương pháp này. Đó cũng là cách mà kể cả khi khỏe mạnh cũng nên thường xuyên thực hiện.
Cách thực hiện
Chọn một chiếc khăn sạch nhúng trong nước nóng khoảng 40-45 độ C, vắt khô vừa phải và đắp quấn vào chỗ bị đau mỏi. Mỗi 5 phút thay khăn một lần (làm ấm lại khăn hoặc dùng khăn nóng khác).
Mỗi lần thực hiện khoảng 15-20 phút, áp dụng 3-4 lần/ngày cho đến khi bạn thấy bệnh đã chuyển biến tốt.
Người không bị bệnh vẫn nên làm cách này để phòng và tránh bệnh, giúp cơ thể thư giãn, sảng khoái hơn.
Tùy từng vùng bị đau hay mệt mỏi để chúng ta lựa chọn những chiếc khăn có kích thước phù hợp. Đắp mặt thì dùng khăn nhỏ, đắp toàn thân thì dùng khăn to.
Lưu ý:
Không sử dụng khăn quá nóng sẽ gây bỏng, chỉ bảo đảm ở mức 40-45 độ C.
Không áp dụng hình thức chườm đắp khăn nóng đối với vết thương hở, chảy máu, sưng phồng da.
Những người chơi thể thao bị chấn thương vết thương hở hoặc sưng phù phải chờ sau 48 giờ mới có thể đắp khăn nóng.
Đau bụng cấp tính hoặc đau mắt bệnh lý đều không sử dụng cách quấn khăn này.
Theo Tạp chí Trung Niên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình