Hotline 24/7
08983-08983

Viêm amidan: Khi cửa ngõ của hô hấp lâm bệnh

Amidan vốn là một bộ phận nằm ở cửa ngõ của đường thở. Với chức năng và nhiệm vụ chính là bảo vệ hệ hô hấp trước sức tấn công của các mầm bệnh. Nếu chẳng may lúc nào đó “hàng rào phòng ngự” amidan của chúng ta lâm bệnh thì sao, giải quyết cách nào?

Viêm amidan là gì?


Amidan có chức năng sản sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập qua đường ăn và đường thở. Do cấu trúc đặc biệt của amidan gồm nhiều hốc và múi nên một khi đã bị vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm, virus) xâm nhập sẽ gây nên viêm nhiễm.

Viêm amidan được chia thành 2 thể. Đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mãn tính, quá phát. Viêm amidan cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm amidan mạn tính, trong đó viêm amidan hốc mủ là một dạng của viêm amidan mạn tính thường hay gặp.

Viêm amidan hốc mủ (viêm amidan có mủ) là khi amidan viêm mạn tính có ít nhất một hốc (thường có nhiều hốc) trong hốc có mủ (hầu hết là mủ màu trắng như sữa) bị nhiễm trùng có mủ cộng với cặn bã, chất xơ viêm.

Nguyên nhân viêm amidan


Viêm amidan. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Amidan là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp bạn chống lại bệnh tật. Chúng tạo ra các tế bào máu trắng, giúp cơ thể bạn không bị nhiễm trùng. Amidan chống lại vi khuẩn và vi rút xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, nhưng chính nó lại dễ trở thành nạn nhân của kẻ xâm lược này.

Rất nhiều loại vi khuẩn, virut khác nhau tiểm ẩn có thể gây ra viêm amidan, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, giảng đường đại học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người.

Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2-4 ngày, có thể 1-2 ngày).

Như vậy, có các nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm amidan:

Do lối sống: Vệ sinh răng miệng kém, sống ở vùng nhiều khói bụi, ô nhiễm, thường xuyên hút thuốc lá,...

Do tình trạng sức khỏe: Trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già ốm yếu...

Do môi trường: Thời tiết thay đổi thất thường.

Do vi khuẩn, vi rút: H.influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn Vincent, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A (St.pyogenes).

Viêm amidan triệu chứng như thế nào?


Sốt là triệu chứng đầu tiên thường gặp (đôi khi có gai lạnh), tuy nhiên có trường hợp không sốt, nhất là viêm amidan hốc mủ tái đi tái lại nhiều lần. Sốt là do phản ứng của cơ thể với độc tố của vi khuẩn. Người bệnh đau, rát họng lan sang cả vùng tai, tăng tiến theo thời gian và đặc biệt đau lúc ăn, uống, nuốt nước bọt.

Nhiều trường hợp người bệnh nuốt vướng như có sợi tóc, vì vậy hay khạc làm rát họng nhiều hơn. Khạc có thể có đờm đặc và hôi miệng, người mệt mỏi, chán ăn. Khi há miệng to soi vào gương có thể thấy hai amidan sưng, đỏ, có hốc mủ, trong hốc có chất màu trắng sữa rất rõ. Hốc mủ ở amidan là dấu hiệu đặc trưng của viêm amidan hốc mủ để phân biệt với viêm họng cấp hoặc viêm amidan cấp.

Viêm amidan thường bị nhầm lẫn với cảm cúm do triệu chứng của chúng khá giống nhau. Bạn có thể bị chảy nước mũi, đau họng và nhức đầu khi bị cúm và viêm amidan. Những dấu hiệu rõ ràng như chảy mủ hoặc sưng amidan thường xuất hiện khá muộn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị.

Viêm amidan do vi khuẩn Streptococcus gây ra có ảnh hưởng mạnh nhất tới trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi. Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh ở trẻ nhỏ: Đau họng kéo dài hơn 2 ngày, khó nuốt, cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, ốm, uể oải… Trong trường hợp trẻ khó thở, chảy quá nhiều nước mũi hoặc đau khi nuốt, hãy đưa chúng đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Biến chứng của viêm amidan


Thường là viêm họng cũng như viêm amidan thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Những biến chứng có thể gặp như: viêm nhiễm thứ phát (viêm tai giữa, viêm xoang).

Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận (hiện nay hiếm gặp hơn so với nhiều thập niên trước đây).

Viêm amidan uống thuốc gì?


Trước hết cần khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng, xét nghiệm vi sinh bệnh phẩm là chất nhầy họng, mủ trong hốc amidan để được điều trị dứt điểm ngay.

Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt.

Trong một số ít bệnh nhân viêm amidan gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2-3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.

Viêm amidan khi nào nên cắt?


Nên tuân theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc hay "hối thúc" bác sĩ để phẫu thuật. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nếu điều trị nội khoa đúng phác đồ, bệnh không khỏi, nhất là vi khuẩn gây bệnh liên cầu nhóm A không tiêu diệt được, bác sĩ sẽ cân nhắc xem đã đúng chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan hay chưa. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương hướng điều trị tiếp (điều trị nội khoa tiếp hay phẫu thuật).

Một số trường hợp có chỉ định cắt amidan như:

- Viêm amidan mạn tính trên 5 lần trong năm, và điều trị nội khoa không hiệu quả.

- Viêm amidan gây biến chứng sốt, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang… tái phát nhiều lần.

- Khi amidan quá phát gây bít tắc hô hấp trên, người bệnh khó thở, thở bằng miệng, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, khó nuốt, trẻ thì bị chậm phát triển thể chất.

- Amidan sưng to một bên xuất hiện hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư.

- Amidan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amidan.

- Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi. Tuy nhiên có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to gây những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.

Chú ý: Không được cắt amidan ở những bệnh nhân có rối lọan đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải (Hemophilia A, B, C ; suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…).

Trì hoãn cắt amiđan khi bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ, có bệnh mạn tính điều trị chưa ổn định (tiểu đường, lao, cường giáp…) hay ở vùng đang có bệnh dịch; phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh…

Viêm amidan nên ăn gì?


Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Khi bị viêm amidan, bạn nên có thói quen, nấu cơm hoặc ninh thức ăn mềm hơn một chút. Uống đủ lượng nước cho cơ thể để cổ họng không bị khô. Ngoài ra, nước hoa quả cũng là sự lựa chọn hàng đầu khi gặp phải căn bệnh này. Các loại vitamin có trong nước hoa quả giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhất là vitamin C. Bạn có thể bổ sung chuối, nho, lê… vào thực đơn để giảm bớt cảm giác khô miệng, đau họng…

Hai loại thực phẩm nên được bổ sung khi bị viêm amidan là trứng luộc và gan bò. Bởi trong 2 thực phẩm này có chứa chất đạm để tăng cường sức khỏe nhằm chống lại các vi khuẩn gây viêm. Tuy nhiên, cần nấu và đun kỹ để thực phẩm mềm hơn thường ngày.

Lưu ý, bạn bị viêm amidan thì nên tránh ăn đồ lạnh, đồ ăn có tính nhiệt, cay, nóng như ớt, tương ớt, hạt tiêu, đồ chiên rán, dầu mỡ, đồ nướng. Bạn cũng không nên ăn nhiều socola hay lạc, vì đây là thành phần tawng siêu vi, hỗ trợ chúng sinh sôi nên bệnh khó khỏi hơn.

Đồ ăn sống, gỏi, tái hay nộm cũng không phải là lựa chọn tốt khi bạn chưa chữa trị dứt điểm bệnh này.

Duy Mạnh (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X