Hotline 24/7
08983-08983

Thiểu năng tuần hoàn não, bệnh diễn tiến lâu dài có thể gây đột quỵ

Biến chứng nặng nhất của thiểu năng tuần hoàn não cấp tính là đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, với các biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn, méo miệng, liệt chi, hôn mê sâu, đại tiểu tiện không tự chủ.

Thiểu năng tuần hoàn não là gì?


Thiểu năng tuần hoàn não hay còn gọi là thiếu máu não nhất thời xảy ra đột ngột do máu tới nuôi tế bào não bị thiếu ảnh hưởng xấu đến chức năng của hệ thần kinh trung ương, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và thường có xu hướng lặp đi, lặp lại nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm.

Thiểu năng tuần hoàn não thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc, nam bị nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, hiện nay theo các nhà chuyên môn, tỉ lệ mắc thiểu năng tuần hoàn não càng ngày càng trẻ hóa.

Thiểu năng tuần hoàn não có nguy hiểm không?


Thiểu năng tuần hoàn não có thể gây đột quỵ não. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Thiểu năng tuần hoàn não có thể diễn tiến lâu ngày và gây biến chứng nặng nề khiến bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não nên rất nguy hiểm đến tính mạng.

Mọi nguyên nhân làm cho máu lên não kém đều gây thiểu năng tuần hoàn não. Có khoảng 80% bệnh thiếu máu não là do xơ vữa động mạch. Các bệnh huyết áp cao, mỡ máu cao, đái tháo đường, hay hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh xơ vữa động mạch. Ngay cả một lượng nhỏ các mảng xơ vữa cũng có thể thu hẹp dòng chảy, làm cho khu vực đó dễ hình thành cục máu đông. Máu đông lớn có thể gây ra thiếu máu do nó cản trở sự lưu thông của máu.

Thiểu năng tuần hoàn não còn có thể do bệnh tim (suy tim, hẹp van tim…) hoặc do huyết  áp thấp hoặc trong một số trường hợp huyết áp cao cũng có thể gây rối loạn tuần hoàn não do rối loạn vận mạch não làm cho máu lên não kém.

Ngoài ra, thiểu năng tuần hoàn não có thể là do bẩm sinh, cơ địa hoặc người béo phì. Hầu hết người béo phì có lượng mỡ máu cao. Mỡ máu cao sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt huyết, lưu thông máu trong cơ thể. Hơn nữa lượng mỡ dưa thừa sẽ làm cản trở hệ tuần hoàn đưa máu lên não gây thiếu máu não.

Một nguyên nhân khác là tình trạng thoái hóa cột sống cổ, tùy mức độ thoái hóa khớp, mấu gai bên đốt sống gây chèn ép động mạch đốt sống. Đặc biệt một số động tác như quay đầu cổ đột ngột, hoặc gập cổ quá mức có thể chèn ép gây cản trở đường đi của động mạch đốt sống đối bên ở đoạn cổ (C1). Các bất thường bản lề đốt sống cổ C1 và lỗ chẩm cũng là những nguyên nhân hiếm gặp của thiểu năng tuần hoàn não.

Thêm vào đó, cuộc sống công nghiệp gấp gáp, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc làm việc thường xuyên với máy tính khiến con người lười vận động, hoặc do uống quá nhiều rượu, bia, hút thuốc nhiều là những nguyên nhân dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não.

Triệu chứng bệnh thiểu năng tuần hoàn não


Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong thiểu năng tuần hoàn não. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Thiểu năng tuần hoàn não tiến triển từ từ. Mới đầu bệnh nhân thấy mệt mỏi, không thấy vui vẻ, kém hoạt bát, tính tình thay đổi dần, những điều thích thú quan tâm trước đây nay thấy nhạt nhẽo, ưa nơi yên tĩnh. Khi bệnh nặng lên, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu lan tỏa, có cảm giác căng nặng trong đầu, nhất là mỗi khi phải suy nghĩ nhiều.

Căn bệnh này có thể xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể trở thành mạn tính kéo dài. Cụ thể:

Thiểu năng tuần hoàn não cấp tính: Đau đầu là triệu chứng hay gặp nhất trong thiểu năng tuần hoàn não, thường chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 90%) và cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất.

Bản chất là đau đầu lan tỏa, nhức hoặc ê ẩm, nặng đầu, kèm theo đó là u tai, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng (khó ngồi, khó đứng dậy), nhất là lúc đang nằm mà thay đổi tư thế (nằm nghiêng chuyển sang nằm ngửa). Nặng hơn là có thể xây xẩm mặt mày, mất ý thức, đột quỵ. Người bệnh có thể buồn nôn hoặc nôn, có thể liệt nửa người, nói khó…

Người bệnh cũng có thể bị tê đầu ngón tay, ngón chân hoặc tê bì tay chân hoặc có cảm giác kiến bò. Bệnh thiểu năng tuần hoàn não cấp tính có thể chỉ thoáng qua trong vài giây, vài phút nhưng có khi cũng có thể xảy ra hàng giờ, mấy ngày liền. Thiểu năng tuần hoàn não cấp thường xảy ra vào giữa đêm hoặc lúc gần sáng.

Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính: Cơn đau nhức đầu ê ẩm từng đợt, nhất là thay đổi thời tiết, hay quên, rối loạn tâm lý như hay cáu giận, buồn vui lẫn lộn, mất ngủ kéo dài hoặc rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không ngon giấc, đang ngủ lại bị tỉnh giấc không thể nào ngủ lại được nữa…). Trong một thời gian nhất định có thể xuất hiện cơn cấp tính.

Phân biệt rối loạn tiền đình và thiểu năng tuần hoàn não?


Triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não và rối loạn tiền đình tương đối giống nhau như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… nhưng căn nguyên gây bệnh lại khác nhau.

Thiểu năng tuần hoàn não

Rối loạn tiền đình

- Là trạng thái suy giảm lượng máu lên não.

 

- Nguyên nhân: Bệnh mạn tính như tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, suy thận và một số yếu tố như nghiện bia, rượu, thuốc lá, stress, thừa cân, béo phì, ít vận động… làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

 

- Biểu hiện: Chóng mặt, buồn nôn, nặng đầu khi thay đổi tư thế chứ không có biểu hiện đi lảo đảo. Những biểu hiện này thường gặp vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng. Cạnh đó, khi cơn cấp tính xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy bị kém tập trung, giảm khả năng tư duy và hay quên…

- Là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế.

 

- Nguyên nhân: Tuần hoàn kém (rối loạn tuần hoàn), rối loạn tuần hoàn não, nhiễm trùng não, viêm tai giữa cấp… và do thay đổi thời tiết.

 

- Biểu hiện: chóng mặt đi kèm với các biểu hiện khác như hoa mắt, ù tai, buồn nôn, mất thăng bằng…

 

Ban đầu có thể chỉ là một cơn chóng mặt, đột ngột rồi thôi hoặc với những cơn chóng mặt thoáng qua nên người bệnh thường không chú ý rồi sau đó các dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn. Bệnh thường tiến triển thành mạn tính và nặng dần lên.

 

- Thiểu năng tuần hoàn não chỉ là yếu tố gây nên rối loạn tiền đình.

 

Cần làm gì khi xuất hiện các dấu hiệu thiểu năng tuần hoàn não?


Khi có các triệu chứng trên, người bệnh nên khám chuyên khoa thần kinh sớm để chẩn đoán căn nguyên, đưa ra hướng điều tr hiệu quả, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như nhũn não, đột quỵ...

Bên cạnh việc thăm khám, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm kiểm tra định lượng các thành phần mỡ trong máu như cholesterol, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol, triglycerid... Chụp Xquang thường quy cột sống cổ các tư thế thẳng nghiêng, chếch 3/4 hai bên đánh giá tình trạng thoái hóa cột sống gây hẹp các lỗ liên kết nơi mạch máu thần kinh đốt sống đi qua... Cần thiết phải siêu âm Doppler mạch máu khi phát hiện tiếng thổi tâm thu trên đường đi của động mạch đốt sống hoặc hõm dưới đòn, phát hiện hẹp động mạch dưới đòn... làm xuất hiện tình trạng thiếu máu não cấp tính.

Thiểu năng tuần hoàn não nên ăn gì, kiêng thực phẩm nào?


Đau đầu do tình trạng thiểu năng tuần hoàn não khiến người bệnh khó chịu, cảm thấy bứt rứt không yên. Vì vậy, trong thực đơn hằng ngày nên bổ sung một số loại thực phẩm giúp làm giảm tình trạng đau đầu, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh như: Bổ sung đủ nước cho cơ thể từ 2-2.5 lít nước mỗi ngày, các loại ngũ cốc, hải sản, nho khô, rau xanh, cá hồi, cá ngừ, cá thu , dầu ô liu, dưa hấu, hạnh nhân, hạt vừng, thức ăn giàu carbonhydrate…

Một số thực phẩm cần tránh sử dụng như: phụ gia thực phẩm ( bột ngọt, các chất làm ngọt nhân tạo, các chất tạo mầu thực phẩm...), chocolate, rượu, cà phê, thực phẩm chế biến sẵn…

Điều trị thiểu năng tuần hoàn não như thế nào?


Hiện nay, y học hiện đại chủ yếu là điều trị nguyên nhân (rối loạn lipid máu, thoái hóa cột sống cổ…) với các thuốc tăng cường tuần hoàn não, các thuốc bảo vệ thần kinh như tanakan, cavinton, cebrium... và một số thuốc giảm đau như paracetamon, hỗn hợp thần kinh, viên thần kinh D3… Nhưng liều lượng tùy thuộc mức độ bệnh và lứa tuổi mà sử dụng liều khác nhau. Cháu phải đi khám bệnh để bác sỹ chỉ định liều uống cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, cần điều trị tích cực các bệnh phối hợp như đái tháo đường, tăng huyết áp, hạn chế các yếu tố nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch.

Khi phát hiện bệnh, cần uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ và kiên trì với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục nhẹ nhàng và cần phải đi khám định kỳ để kiểm tra phát hiện các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và đột quỵ não có biện pháp điều trị dự phòng hiệu quả.

Phòng ngừa bệnh hiệu quả

Người lớn tuổi không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Hiện nay, số người bị thiểu năng tuần hoàn não ngày càng gia tăng, nhất là ở người già. Chính vì vậy, việc phòng ngừa căn bệnh này như thế nào được nhiều người quan tâm.

Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là phát hiện bệnh sớm bằng cách chú ý đến những biểu hiện nhỏ nhất của bệnh và đi khám sớm như ban đầu, chóng mặt, mất ngủ...

Lưu ý, người lớn tuổi không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về. Mùa lạnh cần mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Khi thức dậy cần nằm tĩnh dưỡng khoảng 10 phút rồi mới ngồi dậy, tránh thay đổi tư thế đột ngột từ nằm sang ngồi dễ gây tụt huyết áp tư thế.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não, nên thay đổi hành vi nếp sống, tăng cường hoạt động thể lực, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế các xúc cảm mạnh, tránh căng thẳng thần kinh, bỏ thuốc lá và duy trì giấc ngủ bảo đảm 7 - 8 giờ/ngày.

H.T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X