Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Táo bón ở trẻ em và người trưởng thành, chữa thế nào?

Táo bón là gì, khi nào cần điều trị? Vì sao táo bón dễ tái phát? Có phải chăm ăn rau xanh sẽ chấm dứt tình trạng táo bón?... Tất cả những nỗi lo này sẽ được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - chuyên gia giàu kinh nghiệm trong Đông y và BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú - Phó Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng Thành phố giải tỏa trong chương trình livestream trên AloBacsi ngày 17/10/2019.

PHẦN 1: ĐỐI THOẠI MC VÀ CHUYÊN GIA

1. Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay và BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú, xin hỏi tại nơi 2 chuyên gia công tác, số bệnh nhân đến khám bệnh vì táo bón hay các bệnh lý liên quan đến táo bón như thế nào? Thực trạng của vấn đề này hiện nay ra sao, tăng hay giảm so với thời gian trước đây?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Táo bón hiểu là 1 triệu chứng, biểu hiện của nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh nhân đến khám lẫn trong bệnh chính của cơ thể. Theo thống kê ở người lớn chiếm khoảng 20-26% trong dân số có biểu hiện của táo bón. Đây là tính bình quân của các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam chưa có thống kê, tuy nhiên khoảng 3-40% thường có táo bón kem theo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo vón không chỉ tại chỗ ở đường ruột mà còn có tính chất toàn thân, ở các bệnh khác.

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Đối với trẻ em, tại phòng khám Trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng TP, mỗi ngày đều có bệnh nhân đến khám vì táo bón. Đây là bệnh thường gặp. Theo thống kê cứ 100 em bé thì có 3 bé bị táo bón. Đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi, ít nhất trong đời có 1-2 lần bị táo bón. Hầu hết các trẻ cứ bị táo bón rất sớm, từ dưới 12 tháng (trẻ nhũ nhi). Đây là triệu chứng và bệnh lý thường gặp ở trẻ em.

Như thế nào được gọi là táo bón, thưa bác sĩ? Có triệu chứng điển hình nào để nhận biết tình trạng này không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Ở người lớn, khi nói táo bón chúng ta hình dung liền đến đi ngoài. Bên cạnh đó còn kèm theo triệu chứng khác như hơn 3 ngày chưa thấy đi ngoài, 1 tuần 2 lần và mỗi lần đi ngoài rất khó khăn, phải rặn, có thể kèm theo đau bụng hoặc không nhưng phân rắn.

Như vậy, thuật ngữ táo bón phải có đủ 3 điều kiện, nhiều ngày đi cầu 1 lần, mỗi lần đi ngoài phải rặn, phân khô rắn, có thể kèm theo đau bụng hoặc không.

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Ở trẻ em định lý táo bón tương tự như người lớn, tuy nhiên khác biệt ở chỗ, trẻ em bị táo bón tức là đi tiêu không thường xuyên, 3 ngày/lần. Đối với trẻ em dưới 3 tháng tuổi (đang bú mẹ) số lần đi tiêu 1 tuần/lần, tính chất phân mềm, đi dễ, bé tăng cân, bú tốt thì không gọi là táo bón.

Ngoài ra, mặc dù đi tiêu 1 lần/ngày nhưng tính chất phân rắn, bé đi rặn đau, có máu; hoặc, mỗi ngày đi ngoài 1 lần, phân ứ nhiều nên chỉ tiết dịch ở ruột thì dựa vào đặc điểm phân có thể biết có bị táo bón hay không.

Đối với trẻ em có bảng phân loại để đánh giá phân có phải táo bón hay không, tên gọi là Bristol. Bảng này có 7 loại, loại 1 - 2 là đặc điểm của táo bón. Nhìn vào có thể biết được phân này có bị táo bón hay không.

Ai là đối tượng dễ bị táo bón ghé thăm? Hà Trí Quang (MC) đọc được thông tin, táo bón thường gặp ở phụ nữ hơn đàn ông, người trẻ ít gặp hơn người già, trẻ em, có đúng không? Vì sao ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Gần như triệu chứng táo bón ai cũng có thể gặp, lứa tuổi nào cũng có thể gặp nhưng nhiều nhất là người già và trẻ nhỏ. Ở người già thường có bệnh nền kèm theo, bệnh cảnh làm ít vận động, hạn chế vận động, và chế độ dinh dưỡng ít chất xơ, quên uống nước, vì quá trình lão hóa nói chung nên dễ mắc phải tình trạng táo bón.

Về vấn đề thứ 2, táo bón thường gặp ở phụ nữ hơn đàn ông. Thông thường qua những người bệnh đến phòng khám đúng là phụ nữ có biểu hiện táo bón nhiều hơn nam giới. Về lý thuyết, phụ nữ có thể có nhiều nguy cơ hơn nam giới vì lý do như mang thai, hậu sản. Khi mang thai gây ảnh hưởng đến cơ học tại chỗ, hoạt động của đường ruột cũng bị ảnh hưởng, khi bị thai hành các mẹ cũng không ăn uống được như lúc trước, quên uống nước… dẫn đến táo bón. Hoặc sau khi sinh, phụ nữ kiêng khem quá mức, ít ăn rau, hoa quả mà ăn nhiều đạm. Mặt khác, tầng sinh môn trong quá trình bị nới ra nên sản phụ sau sinh tự nhịn đi ngoài vì mỗi lần đi là mỗi lần đau. Tất cả những yếu tố này lý giải vì sao thường người phụ nữ dễ bị táo bón hơn đàn ông.

Thưa BS Cẩm Tú, được biết, chị là BS được rất nhiều bà mẹ trẻ tín nhiệm khi con trẻ có các vấn đề về tiêu hóa, dinh dưỡng. Xin chị cho biết, tình trạng trẻ bị táo bón chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Nguy cơ các bé sẽ gặp nếu không được chữa trị kịp thời?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Với trẻ em, khi bị táo bón sẽ có tình trạng ứ phân ở ruột, khi ứ phân việc đi tiêu sẽ khó khăn, vì vậy em bé sẽ bị đau và có thể nín nhịn không đi. Việc nín nhịn khiến tình trạng ứ phân nặng hơn, đến một thời điểm các bé sẽ dùng lực rặn mạnh mới tống được phân ra ngoài, có thể gây ra tình trạng sa trực tràng, tức là làm cho đoạn dưới ruột gần hậu môn sa xuống và hiện ra ngoài.

Trẻ em là đối tượng đang tăng trưởng về thể chất và chiều cao. Khi ứ phân như vậy chuyện ăn uống của bé sẽ hạn chế, chán ăn, làm ruột co thắt gây đau bụng, bé mệt mỏi… đây là những nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Nguyên nhân nào khiến chúng ta bị táo bón ạ? Việc bổ sung chất xơ hay chăm ăn rau xanh có giúp chấm dứt tình trạng táo bón? Vì vẫn có nhiều trường hợp dù bổ sung đủ chất xơ vẫn bị táo bón như thường.

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Nguyên nhân táo bón ở trẻ em thông thường liên quan đến dị tật bẩm sinh, trong đó có những bệnh lý ở thần kinh (đoạn thần kinh chi phối việc đi tiêu); thứ hai là liên quan đến những bất thường, dị dạng ở trong ruột, những trẻ có các bất thường này thường thấp, cứ 10 trẻ thì có 0.5-1 trẻ bị mắc.

Đa số trên 95% trường hợp bị táo bón chức năng, nghĩa là về cấu trúc ruột thì bình thường, nhưng chức năng để tống phân ra khỏi cơ thể không hoạt động tốt. Tình trạng này liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý như: bé thấy đau nên nín luôn, không đi nữa; hoặc liên quan đến chế độ ăn, ví dụ như trẻ đang uống sữa chuyển sang ăn dặm, sau đó ăn đồ rắn hơn và chuyển sang ăn như người lớn; thay đổi môi trường, như khi ở nhà đi tã hay bô, vào trường phải tập đi trên bồn cầu làm thay đổi thói quen đi tiêu và gây ra táo bón chức năng.

Nếu trẻ đã được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, chất xơ nhưng trẻ vẫn bị táo bón?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Giống như lúc đầu mình nói, để hình thành nên phân bình thường, tức là phân mềm, dễ đi, thứ nhất là nước, thứ hai là chất xơ, thứ ba là hoạt động tống phân ra khỏi cơ thể phải tốt.

Mình hay ví von với các bé rằng vùng hậu môn để tống phân có 2 anh lính, 1 anh lính phía ngoài và 1 anh lính phía trong. Anh lính phía trong mở cửa để phân đi ra ngoài khi lượng phân trong trực tràng nhiều. Tuy nhiên khi phân đã xuống nhưng anh lính phía ngoài không mở cửa thì phân đó không được tống xuất ra ngoài. Anh lính phía ngoài này hoàn toàn do em bé quyết định, ví dụ em bé ham chơi quá không muốn đi tiêu thì không đi được; hoặc bé ngại nhà vệ sinh cũng không muốn đi; hoặc đau quá nên nín lại…

Chính vì vậy, mặc dù phụ huynh đã bổ sung chất xơ và nước đầy đủ, nhưng cơ vòng hậu môn ở ngoài (anh lính bảo vệ phía ngoài) không mở cửa thì phân không thể tống ra được.

Bên cạnh những lý do khiến trẻ nhỏ dù đã ăn nhiều rau mà vẫn bị táo bón như BS Cẩm Tú vừa nói thì MC được biết nóng nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Không biết điều đó có đúng không thưa bác sĩ. Và làm thế nào để giải quyết tình trạng này ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Ở lứa tuổi này, nhất là đối với trẻ dưới 10 tuổi hệ tiêu hóa của trẻ còn khá yếu và chưa được cứng cáp như người trưởng thành chính điều này đã khiến cho trẻ gặp rất nhiều vấn đề về đường tiêu hóa trong đó có táo bón.

Khi trẻ ăn quá nhiều những thực phẩm giàu năng lượng trong cùng một thời điểm như các loại thức ăn giàu đạm, đường, chất béo, thức ăn nhanh sẽ làm tăng áp lực lên hệ tiêu hóa của trẻ và khiến cho chức năng thanh lọc các chất cặn bã của trẻ bị ảnh hưởng gây tích tụ các chất thải độc này bên trong cơ thể của trẻ và là tiền đề gây ra tình trạng nóng nhiệt ở những đối tượng này.

Khi trẻ bị nóng nhiệt cơ thể trẻ sẽ cảm thấy háo nước và tăng tái hấp thu nước ở tất cả các bộ phận. Nước trong phân sẽ bị hút ngược trở lại nhanh hơn khiến cho phân bị khô cứng và bị kẹt lại trong đường ruột của trẻ gây ra tình trạng táo bón ở giai đoạn này dù trẻ đã ăn đủ rau hằng ngày.

Tuy nhiên hiện nay chúng ta luôn quan niệm trẻ táo bón là do ăn ít rau nên ngay cả khi trẻ bị táo do nóng nhiệt các bậc phụ huynh vẫn ép trẻ ăn thêm rau, điều này là không nên. Vì khi trẻ ăn thêm rau thì chất xơ có trong rau sẽ làm tăng kích thước của khối phân, phân lớn nhưng lại bị cơ thể hút mất nước do nóng nhiệt sẽ bị khô và càng bị kẹt lại trong trực tràng của bé gây ra tình trạng chướng bụng, biếng ăn trong giai đoạn này.

Vì vậy khi bé đã ăn đủ rau mà vẫn bị táo bón thì thay vì bắt bé ăn thêm rau các bậc phụ huynh nên tìm cách giải quyết tình trạng nóng nhiệt đang diễn ra trong cơ thể của bé bằng các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt giải độc và lành tính với sức khỏe của trẻ như Cam Thảo, Hoa Hòe,…

Ngoài ra, khi bé gặp tình trạng phân cứng kẹt lại gây chướng bụng thì điều đầu tiên chúng ta cần làm là tháo khối phân cứng đó ra bằng cách sử dụng các loại thuốc nhuận tràng để tránh trường hợp phân tích tụ lâu gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Khi đã bị táo bón, người bệnh nên ăn uống như thế nào để nhanh khỏi bệnh?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Về nguyên tắc điều trị táo bón, như cô Bay trình bày cũng cần đảm bảo phân mềm, tống phân ra nếu đã ứ phân, sau đó chú ý thêm phân mới hình thành cần duy trì mềm, đi tiêu lại bình thường.

Chất xơ là yếu tố quan trọng, có thể tìm thấy trong nhiều thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau xanh, lá trong y học cổ truyền… giúp tạo chất xơ và phân mềm.

Thứ hai, uống đủ nước. Đối với trẻ em, việc uống nước khác người lớn. Người lớn uống chừng 2l - 2.5l/ngày. Trẻ em tùy theo lứa tuổi, với trẻ nhỏ có thể ước lượng 100ml/1kg, trẻ lớn (từ 2 tuổi trở lên) lượng nước như người lớn. Phụ huynh cần chú ý, nhiều khi bé ham chơi quên uống nước nên bố mẹ cần chủ động bổ sung cho con.

Nhiều người nghĩ rằng táo bón không nguy hiểm, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, lối sống là hết. Tuy nhiên, nếu táo bón kéo dài, không được điều trị đúng cách thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu có dẫn đến biến chứng ung thư, trĩ không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Ở người lớn, táo bón kéo dài không chỉ là chuyện đi cầu ra gây khó chịu, ăn ngủ không ngon, mà còn dẫn đến tình trạng mẩn ngứa trên da, nhiệt miệng, ảnh hưởng tâm lý bực bội, cáu gắt. Đây là khởi đầu cho hệ quả nếu táo bón kéo dài hơn nhiều ngày, nhiều tháng.

Bị táo bón, chúng ta sẽ phải rặn, điều này làm phình tĩnh mạch trực tràng, mỗi ngày một chút khiến nó bị lòi ra khi đi cầu, người ta gọi là trĩ. Trĩ được phân ra nhiều giai đoạn, nhưng ở lúc nào đó táo bón kéo dài sẽ làm khối phân khô, khi chà xát vào tĩnh mạch phì đại này có thể làm chảy máu hoặc chính bản thân của tĩnh mạch trực tràng yếu sẽ tự bục ra và chảy máu, hậu quả dẫn đến là thiếu máu.

Tuy nhiên đây là những yếu tố bộc lộ ta có thể thấy được nhưng cũng có những vấn đề khác không nhận ra.

Khối phân là chất thải, nó chứa những thành phần cần loại ra ngoài. Khi ứ đọng kéo dài không thải ra ngoài được ảnh hưởng đến hệ thống thiêu hóa của ruột có thể dẫn đến viêm, về lâu dài sẽ dẫn đến tình huống không ai muốn gặp là ung thư ruột kết hoặc ung thư trực tràng. Thậm chí, với người mắc bệnh lý ở ruột dưới như trực tràng, đại tràng thì tình trạng ứ đọng chất bản tại chỗ này sẽ sẽ thúc đẩy tiến độ đến ung thư nhanh hơn, nhiều hơn.

Thưa PGS Bay, với tình trạng táo bón hiện nay có 2 luồng ý kiến, một là tìm đến các sản phẩm được bào chế từ dẫn chất hóa học, hai là sản phẩm bảo vệ sức khỏe được chiết xuất từ dược phẩm tự nhiên. Vậy thưa PGS, nên chữa táo bón sao cho đúng? Khi nào tìm đến Đông y, trường hợp nào về với Tây y?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Như chúng ta đã biết, táo bón là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân. Nếu nguyên nhân xuất phát từ cơ học, nghĩa là uống không đủ nước, ít vận động, yếu tố tinh thần nín, nhịn, chế độ ăn không đủ chất xơ thì khi có triệu chứng táo bón hãy lắng nghe cơ thể mình, tự rà soát xem có rơi vào một trong những yếu tố đó không, nếu có hãy cải thiện bằng cách ăn đầy đủ các chất xơ, uống đủ 2,5l nước mỗi ngày, vận động...

Nếu thấy không được nữa thì mới chú ý tới những biện pháp có thể làm được tại chỗ như tăng cường chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều dạng, như rau - củ - quả khi ăn vào sẽ cuộn lại để tạo ra hình ảnh của khối phân. Tuy nhiên, chất xơ hòa tan mới quý bởi nó vừa giúp làm mềm phân, đẩy phân vừa tác động vào sự co bóp của đại tràng để vận chuyển phân tốt hơn, làm giảm sự hấp thu nước vào bên trong tế bào cơ thể, khi đó bên ngoài sẽ đủ nước làm mềm phân. Như vậy, những thực phẩm như khoai lang, xoài, chuối, đu đủ, canh mồng tơi, bồ ngót, rau dền… đều có thể giúp ích cho trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu không được nữa thì phải nghĩ đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thuốc. Thuốc có thể bào chế từ thảo dược hoặc thuốc từ hóa học loại nào cũng được nhưng quan trọng nhất là phải đi khám bác sĩ, để có chỉ định phù hợp, không tự ý mua thuốc.

Kể cả dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe bác sĩ không kê đơn nhưng sẽ cho chúng ta biết đây là táo bón do cơ năng chứ không phải do các bệnh nền nào đó. Bởi vì đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp cũng có thể đưa đến táo bón. Với những trường hợp này chỉ cần chữa bệnh sẽ hết triệu chứng táo bón. Nhưng khi táo bón mạn tính kéo dài gây ra hệ lụy như mọc mụn, bứt rứt, trĩ... thì tốt nhất nên đi khám, để thầy thuốc cho phác đồ, lúc đó chọn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc từ thảo dược của Đông y hoặc Tây y đều được.

Câu trả lời của PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay khiến người lớn tuổi yên tâm hơn, biết các xử lý khi gặp tình trạng táo bón

Như bác sĩ Nguyễn Thị Bay vừa nói lúc nãy thì Hoa Hòe và Cam Thảo là hai loại thảo dược có công dụng giúp giải quyết tình trạng nóng nhiệt gây táo bón và BS cũng nói để có thể tháo phân cứng ra ngoài thì cần dùng các loại thuốc nhuận tràng. Vậy thưa BS trong Đông Y thì loại thảo dược nào thường được sử dụng để giải quyết tình trạng này ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Có khá nhiều loại dược thảo ví dụ như muồng trâu, nhưng nó không dễ uống, vị khá đắng, mặc dù có thể hấp cơm để ăn, nhưng chỉ có người lớn mới chịu chứ trẻ em chắc bị chê quá.
Ngoài ra, có thể còn vị thuốc khác như Thảo quyết minh. Đây là một loại thảo dược có tác dụng giúp nhuận tràng tự nhiên, trong TQM có chứa anthraglycosid là một loại hợp chất có tác dụng nhuận tràng kích thích (tức là kích thích làm tăng nhu động ruột của cơ thể đồng thời tăng tiết dịch tại đại tràng) khiến cho khối phân cứng dễ di chuyển và nhanh chóng bị đẩy ra bên ngoài.

Khi bị táo bón, vấn đề khiến nhiều người cảm thấy bức bối nhất là khó đi đại tiện, việc dồn hết sức lực để “rặn” dễ gây tổn thương trực tràng. Trong giai đoạn này, nên làm gì để đi ngoài lúc này một cách dễ dàng, trơn tru hơn?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Với trẻ em điều trị táo bón rất khó, vì đa số các bé bị táo bón chức năng, tức là liên quan đến vận động của ruột, chế độ ăn, thói quen tiêu, nhưng liệu trình điều trị rất lâu, phải tính bằng tháng. Như vậy, đầu tiên chúng ta phải làm là tống phân cũ, như thụt tháo, bơm nước ấm vào ruột, dùng một số thuốc để tống phân ra ngoài. Sau khi giải quyết được vấn đề này, thì cần duy trì phân bé lúc nào cũng mềm. Muốn như vậy cần hối hợp nhiều yếu tố như khuyến khích bé, dùng thuốc bôi trơn như Vaseline bôi vào hậu môn, khi bé đi cầu sẽ dễ dàng và cảm thấy dễ chịu.

Tư thế cho bé đi tiêu cần lưu ý. Bình thường lúc nhỏ bé đi tã; đến lớn thì ngồi bô - đây là tư thế sinh lý tốt, tạo điều kiện tối đa tống phân ra theo trục của ruột. Lớn hơn xíu thì ngồi bồn cầu, thông thường đầu gối ngang bằng với vị trí ngồi, nhưng như vậy tư thế này không thuận lợi cho việc đi tiêu. Mình hay khuyến khích các bé khi lớn ngồi bồn cầu nên kê một chiếc ghế dưới chân để đầu gối cao hơn bồn cầu, như vậy các bé tống xuất phân dễ dàng hơn.

Khuyến khích các bé chơi trò chơi như: có một chiếc bảng ghi các ngày, hôm nay đi tiêu thấy đau thì con đánh dấu mặt buồn, nếu dễ dàng thì mặt cười. Nếu như nguyên tháng đó lúc nào cũng cười thì sẽ được thưởng. Đây là hình thức động viên bé đi tiêu tốt.

Thứ hai bé cần uống thuốc đều, không được thay đổi liều đột ngột, ví dụ bố mẹ thấy bé đi tiêu tốt thì ngưng, điều này rất nguy hiểm, vì khi ngưng như vậy táo bón tái phát và việc điều trị khó khăn hơn.

Có nên dùng thuốc xổ để “chữa cháy” tình trạng táo bón? Nếu dùng thì cần lưu ý gì, dùng trong bao lâu?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Thuốc xổ có rất nhiều loại, và bản chất thuốc xổ sẽ làm co thắt ruột để tống phân ra ngoài. Đối với trường hợp phân cứng, dù uống bao nhiêu thuốc để đẩy phân ra thì chắc chắn không hiệu quả.

Thứ hai, nhóm nhuận trường thẩm thấu, tức là khiến lượng dịch ở trong ruột làm phân mềm, tống xuất ra ngoài dễ dàng hơn. Thứ ba, uống thuốc làm mềm phân kích thích nhu động ruột đẩy phân ra ngoài.

Với trường hợp táo bón nhẹ-trung bình, việc tháo xổ phân bằng thuốc cũng có hiệu quả. Tuy nhiên nếu đã nặng, phân cứng như đá bắt buộc phải bơm nước ấm vào nhiều lần và từ từ, 1 vài ngày mới tháo được lượng phân trong ruột của bé.

Điều trị thuốc chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tức là trong quá trình tạo phân mới, thuốc làm phân mềm hơn, đi tiêu dễ dàng hơn, bé không đau, nhưng chính yếu đối với em bé bị táo bón thì chế độ ăn và thói quen đi tiêu, lượng nước bổ sung vào cơ thể vẫn là quan trọng nhất.

Khi bị táo bón, vấn đề khiến nhiều người cảm thấy bức bối nhất là khó đi đại tiện, việc dồn hết sức lực để “rặn” dễ gây tổn thương trực tràng. Trong giai đoạn này, nên làm gì để đi ngoài lúc này một cách dễ dàng, trơn tru hơn?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Bên Đông y cũng có 2 nhóm gọi là thuốc để nhuận trường, tẩy xổ. Nó phân ra theo mức độ, nhuận trường là làm sao cho phân mềm, co bóp đường ruột để đẩy phân ra, còn tẩy xổ là tống xuất ra, mạnh hơn rất nhiều.

Các sản phẩm Đông y thường có yếu tố phối hợp, ví dụ như khi dùng thảo quyết minh, vì khi nó sống có tác dụng nhuận trường và hơi tẩy xổ nên phải kết hợp với vị thuốc có tác dụng kiềm lại để dịu nhẹ tính tẩy xổ là hoa hòe. Ngoài ra, khi dược liệu này phối hợp với dược liệu khác thì phải có sứ giả để kết nối tạo ra tương tác tốt. Cam thảo đóng vai trò trong trường hợp này. Hoa hòe có tác dụng bền chắc thành mạch, khi uống thảo dược này vừa làm mềm phân, dễ đi ngoài, đồng thời nếu người đó có phình tĩnh mạch trực tràng, trĩ rồi sẽ hạn chế chảy máu.

Với hướng dẫn cụ thể của BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú, hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ biết cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa táo bón cho trẻ em

Làm sao phòng ngừa táo bón hiệu quả thưa bác sĩ?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Táo bón hoàn toàn có thể phòng ngừa được, và rất đơn giản. Đầu tiên, lượng nước đối với em bé là 100ml/1kg với trẻ nhỏ, và trẻ lớn là khoảng 2l, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng thì lượng nước cần bổ sung nhiều hơn.

Thứ hai là bổ sung chất xơ như trái cây chua (táo, lê, đu đủ), các loại rau, bột ngũ cốc nguyên cám… giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn. Thứ ba là tập thói quen đi tiêu. Với trẻ từ 2 tuổi trở lên mỗi ngày nên đi tiêu 1 lần, bố mẹ có thể chọn giờ, ví dụ như buổi sáng bé đánh răng súc miệng xong thì nên vào nhà vệ sinh 5-10 phút để tạo thói quen cho ruột tống xuất phân; hoặc sau khi bé đi học về, buổi chiều, hoặc buổi tối sau khi tắm rửa xong…

Tạo thói quen đi tiêu đúng cách, có thể ngồi bô ở trẻ nhỏ, hoặc kê ghế khi ngồi bồn cầu với trẻ lớn. Thời gian đi tiêu tống hết phân ra ngoài là từ 10-15 phút. Đó là những lưu ý để phòng ngừa táo bón ở trẻ em.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Ngoài 4 yếu tố BS Cẩm Tú đã nêu thì cần chú ý thêm vận động. Ở người trẻ, người trung niên và người già cũng đều cần lưu ý vấn đề này. Nhất là ở người lớn tuổi sẽ giúp phòng ngừa táo bón tốt hơn.

Việc vận động vừa sức tùy theo tuổi tác, bệnh kèm theo ví dụ như tai biến mạch máu não, những bệnh gây liệt thì cần có người thân trợ giúp. Với người bị liệt thì sợ nhất là loét, khi nằm lâu cần được xoay trở, nhưng như vậy là chưa đủ mà cần đỡ người bệnh dậy ngồi tựa ghế, tựa lưng cao, đây là tư thế trục giúp vận động của đường ruột tốt hơn để tránh tình trạng táo bón.

Bên cạnh đó, những trường hợp khớp xương đau, nếu còn đi lại được thì không cần phải người thân, cố gắng khuyến khích nên ngồi, đi lại và dành mỗi ngày 30 - 45 phút để vận động, không chỉ giúp tránh táo bón mà còn mang ý nghĩa với khớp xương.

Theo luật tự nhiên, khớp xương phải động, nếu không động là bất thường và sẽ dẫn đến đau nhức, thoái hóa nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần có thói quen đi ngoài, không nên nhịn vì các lý do như ngại, chữa những bệnh nền của cơ thể... Tôi nghĩ đây là những biện pháp có thể giúp phòng ngừa táo bón.

PHẦN 2: BẠN ĐỌC HỎI - CHUYÊN GIA TRẢ LỜI

Phương Thảo - TPHCM
Chào bác sĩ, bé nhà tôi được 2 tuổi. Trước bé bú sữa mẹ không sao, nhưng từ khi tôi đi làm bị mất sữa nên phải cho con uống sữa công thức bổ sung thì con bắt đầu bị bón, có lúc 1 tuần mới đi ngoài 1 lần. Tôi đã đổi đủ các loại sữa và cho bé uống nhiều nước, bổ sung chất xơ nhưng tình trạng táo bón vẫn không khá hơn.

Đối với trường hợp của con tôi, phải làm gì hoặc bổ sung sản phẩm dinh dưỡng nào để bé hết táo bón, khó chịu?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Câu hỏi bạn rất hay, bổ sung cho phần ngày hôm nay. Các trường hợp đã bổ sung đầy đủ chất, uống nước đầy đủ… những vẫn bị táo bón, như vậy có phải là nóng nhiệt hay không?
Thực sự nóng nhiệt có thể là hậu quả của táo bón gây ra nhưng cũng có thể do bệnh khác như viêm họng, các loại bệnh lý gây viêm nhiễm bên trong cơ thể, uống kháng sinh nhiều... Những viêm nhiễm trong cơ thể có thể ảnh hưởng tình trạng tái hấp thu nước ở tại niêm mạc đại tràng, làm khối phân khô đi. Hoặc tình trạng dùng kháng sinh nhiều gây ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh của đường ruột, hạch thần kinh trên niêm mạc đại tràng... Tất cả những yếu tố này phối hợp đều gây ra tình trạng táo bón.

Em bé cho dùng men vi sinh. Thực sự men vi sinh không phải lúc nào cũng hoàn toàn có lợi. Nó chỉ có lợi khi em dùng kháng sinh nhiều quá, làm mất hệ thống vi sinh đường ruột.
Theo tôi, với trường hợp này em xem lại bé có uống đủ nước, thành phần các chất có được như em mô tả hay không? Hoặc bé thích ăn thức ăn nhanh, khoai tây chiên mẹ có kiểm soát được không? Đây là những thực phẩm mà Đông Y gọi là gây nóng. Nếu thiếu chất xơ thì bổ sung thêm rau, củ, quả.

Bên cạnh đó cần xem lại bệnh nền như viêm họng, viêm mũi xoang hay bệnh lý nào đó trong cơ thể đã chữa lành hay chưa? Trong một số trường hợp dù chữa lành nhưng sau đó vẫn ảnh hưởng đến đường ruột có thể gây táo bón tạm thời không phải mạn tính thì cải thiện bằng chế độ ăn như tôi đã nói.

Còn nếu táo bón mạn tính phải đưa bé đi khám để bác sĩ cho biết nguyên nhân nào gây tình trạng này và phương pháp nào điều trị tốt hơn.

Phan Hà - taynguyen…@gmail.com
Thưa bác sĩ, em nghe nói ăn nhiều chất xơ tốt cho cơ thể, giúp phòng ngừa táo bón. Nhưng em không biết bổ sung chất xơ sao cho đúng? Em ít ăn rau xanh, nhưng hay uống sinh tố vào buổi tối thì có được không?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Chào bạn Phan Hà,

Một số loại trái cây có rất nhiều chất xơ. Với sinh tố trái cây bạn cần chú ý hai điều. Thứ nhất khi bạn làm sinh tố thường bỏ thêm đường, sữa vào, như vậy mặc dù theo nguyên tắc chất xơ chứa nhiều ở trái cây, nhưng bạn cần chú ý hàm lượng sữa đường thêm vào. Nếu thêm nhiều đường quá, nhiều sữa quá thì hiệu quả ảnh hưởng đến táo bón không còn.

Với một số thực phẩm chất xơ nằm ở vỏ chứ không phải trong lớp thịt. Khi làm sinh tố bỏ đi lớp vỏ thì hàm lượng chất xơ sụt giảm nhiều. Chính vì vậy, theo khuyến cáo, tốt nhất nên ăn những loại trái cây tươi, nếu muốn làm sinh tố cần chú ý giảm đường, giảm sữa, sử dụng nguyên chất sẽ tốt hơn.

Nguyễn Thị Nhi - Cần Thơ
Ba em 70 tuổi rồi ạ và ông thường xuyên bị táo bón mặc dù vẫn ăn rau thường xuyên vào mỗi bữa. Em có cho ba sử dụng thuốc nhuận tràng thì thấy đỡ hơn, tuy nhiên em sợ dùng nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt và em nghĩ dùng thảo dược thì sẽ an toàn hơn. Bác sĩ có thể cho em biết một số loại thảo dược có tác dụng như các loại thuốc nhuận tràng được không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Em suy nghĩ đúng, uống thuốc nhuận trường nhiều không tốt đâu vì nó sẽ làm thay cho chức năng của ruột, lâu dần ruột sẽ làm biếng. Như vậy, đừng nên sử dụng nhiều thuốc hay sản phẩm mà hãy chú ý đến cách sống, ăn uống, chế độ dinh dưỡng...

Nếu bố em ăn nhiều chất xơ vẫn bị táo bón thì chú ý về vận động. Ngoài táo bón còn bệnh nền nào không, điều trị bằng những thuốc gì và có gây ảnh hưởng đến đường ruột hay không? Những câu hỏi này người thầy thuốc điều trị bệnh nền cho bố bố em có thể trả lời. Bên cạnh đó, bố em cần tập lại thói quen đi cầu.

Ngoài ra, bố em có thể uống một ly nước ấm pha mật ong sau khi đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng nếu không bị đái tháo đường. Nếu bị đái tháo đường mà không có bệnh dạ dày thì có thể vắt một chút chanh vào ly nuốc đó. Lưu ý là uống nước ấm, không phải nước lạnh. Sau khi uống xong thì vận động nhẹ nhàng, đi lại trong nhà.

Về bổ sung chất xơ. Chất xơ có 2 loại, bình thường và hòa tan. Chất xơ bình thường có nhiều trong rau củ quả hằng ngày. Chất xơ hòa tan có nhiều trong xoài, nếu bố em không bị đái tháo đường thì có thể ăn loại quả này. Mỗi ngày ăn một góc tư. Hoặc ăn đu đủ nhưng trái này ăn nhiều gây vàng da. Ngoài ra, nếu có cam, quýt thì nên ăn luôn múi đừng vắt nước uống, vì nó đóng vai trò như người dọn dẹp để giúp làm sạch đường ruột.

Hiện có nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe mà người ta làm ra nó có thể tiện dụng hơn, tuy nhiên em phải chú ý những loại dược liệu mà tôi mô tả trong tư vấn này, ví dụ như thảo quyết minh, hoa hòe, muồng trâu thì cũng không nên sử dụng lâu dài, vì có thể gây ảnh hưởng đến sự vận động tự nhiên của hoạt động sinh lý của cơ thể.

MC Hà Trí Quang

Nguyễn Thị Mai - Bảo Lộc, Lâm Đồng
Bác sĩ ơi, con em 3 tuổi mà cháu lười ăn rau, trái cây lắm. Mấy hôm trước còn bị táo bón, có khi cả tuần mới đi ngoài được. Em nên làm gì để bé chịu khó ăn rau hơn ạ? Nếu cháu cứ táo bón thế này em sợ bị suy dinh dưỡng? Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Chào bạn Mai,

Thói quen ăn rau xanh ở trẻ em Việt Nam rất kém. Gần như các bé không thích ăn rau nên việc khuyến khích ăn thực phẩm này rất khó. Tuy nhiên, bố mẹ nên tập thói quen này kiên trì. Khởi đầu, với những trẻ trên 2 tuổi, chế độ ăn gần giống như người lớn, trong mỗi bữa ăn nên khuyến khích con ăn 1 chén canh rau. Ngày xưa lúc nhỏ thường ăn cơm riêng, canh riêng, bây giờ thường có khuynh hướng bỏ cơm vào trong canh và chung luôn. Bố mẹ nên tập cho con ăn canh riêng để có rau, nếu ăn  chung với cơm thì nên chan nước thôi. Những loại rau nên lựa chọn đó là rau mềm, ăn lá trước, vì nhiều khi trẻ ăn rau có lẫn cọng thì thường từ chối; sau đó bổ sung các loại củ như khoai mỡ và thay đổi từ từ, tạo cho bé thói quen ăn như người lớn.

Thứ hai, như cô Bay có đề cập là men vi sinh. Đối với trẻ em men vi sinh đóng vai trò rất quan trọng trong hệ tiêu hóa, làm những vi khuẩn tốt sử dụng chất xơ gây phân mềm, kích thích bé thèm ăn, ăn đa dạng. Mỗi ngày bố mẹ nên bổ sung cho con ăn 1 hũ sữa chua hoặc uống hũ men vi sinh. Như vậy sẽ tập cho bé thói quen ăn rau. Hiện nay, trẻ nên ăn 5 bữa: 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Tất cả 5 bữa này nên có rau hoặc trái cây, 2 bữa ăn phụ có thể dùng trái cây hoặc sinh tố, đương nhiên cần giảm lượng đường sữa xuống; còn 3 bữa ăn chính cần có những chén canh có rau cho bé.

Thanh Nhàn - 09080903…
Thưa bác sĩ, em là nhân viên văn phòng mấy tháng gần đây em thường khó đi ngoài, mỗi lần đi đều phải ngồi thật lâu và thấy đau rát vùng hậu môn nên em nghĩ là bị táo bón ạ. Tuy nhiên trong mỗi bữa ăn em đều ăn rau đầy đủ vậy thì tại sao em lại bị táo ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Em còn trẻ là nhân viên văn phòng, ngồi nhiều là một trong những nguyên nhân cơ học gây táo bón. Với nhân viên văn phòng giờ giấc khắt khe hơn, nên ngủ dậy vội vàng đi làm bỏ qua thói quen đi ngoài mỗi buổi sáng.
Em ăn rau, chất xơ nhiều nhưng thói quen ngồi nhiều, ngồi lâu đều là những yếu tố tác động làm em bị táo bón, về lâu đài còn khiến em dễ mắc bệnh trĩ, suy tĩnh mạch chi dưới nữa.
Vì vậy, em phải tự cải thiện bằng cách vận động, cứ mỗi 45 phút ngồi thì em đứng dậy đi lại trong văn phòng khoảng 10-15 phút. Kế nữa là em nên uống nước, đôi khi chúng ta nghĩ uống nước nhiều nhưng chưa đủ, mỗi ngày cần 8 ly nước, miễn sao từ lúc thức dậy là 6g sáng đến 19g tối uống đủ 2,5 lít là được. Nếu áp dụng những điều này tốt tôi nghĩ tình trạng của em sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, mỗi ngày nếu có điều kiện em nên ăn thêm 1-2 hũ yaourt.

Thảo Uyên - TPHCM
Thưa BS Cẩm Tú, em nghe nói chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ nhưng nếu ăn quá nhu cầu, chất xơ sẽ gây đầy hơi, chướng bụng, kém hấp thu một số chất vi khoáng. Có trường hợp suy dinh dưỡng vì tầm bổ cho trẻ nhiều chất xơ chống táo bón. Thông tin này có đúng không thưa bác sĩ? Vì con em bị táo bón và em đang dùng sản phẩm bổ sung chất xơ ạ.

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Bản chất của chất xơ là “chất dinh dưỡng” cho hệ vi sinh đường ruột. Hệ vi sinh đường ruột sẽ sử dụng chất xơ để tạo năng lượng và hoạt động, khi sử dụng sinh hơi rất nhiều, gây tình trạng chướng hơi, khó tiêu. Trong một số tình huống việc hấp thu chất khoáng sẽ giảm đi. Chính vì vậy, việc sử dụng cái gì nhiều quá cũng không có lợi, và ít quá cũng không được.

Tùy theo tình trạng của bé, nếu con hoàn toàn bình thường thì chỉ bổ sung vừa đủ, mỗi ngày là 2-5gram. Nếu con bị táo bón thì hàm lượng sử dụng tăng lên, nhưng khi đã qua giai đoạn táo bón và ổn định thì nên bổ sung chất xơ tự nhiên vào thức ăn.

Trần Văn Huấn - Hà Nội
Em đọc được thông tin, người cao tuổi, có bệnh cao huyết áp, tim mạch thì táo bón rất nguy hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ bị tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não. Em rất lo lắng, vì mẹ em 73 tuổi bị táo bón 2 tháng nay rồi mà bà đều mắc các bệnh nói trên. Con cái động viên đi khám thì mẹ không chịu. Với người lớn tuổi, mắc các bệnh mạn tính thì cần lưu ý gì khi bị táo bón? Điều trị và phòng ngừa sao cho đúng?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Mẹ em bị tăng huyết áp. Đây là căn bệnh phải dùng các loại thuốc lâu dài giúp ổn định huyết áp. Tuy nhiên, đôi lúc dù dùng thuốc nhưng huyết áp vẫn biến thiên, ví dụ như chế độ ăn nhiều muối, căng thẳng, lo âu, giận dữ... cũng làm huyết áp thay đổi.

Với người có bệnh nền huyết áp thì tất cả những yếu tố nguy cơ, trong đó có táo bón đều phải được giải quyết tốt. Khi bị táo bón, người bệnh phải rặn khi đi cầu, lúc này áp lực sẽ tác động lên thành mạch máu, nhưng đây là yếu tố gián tiếp thôi. Yếu tố trực tiếp là khối phân cần phải thải ra ngoài thì nó ứ động lại, gây thẩm thấu ngược lại hoặc gây bệnh tại chỗ. Như vậy, vô hình chung nó làm nặng nề hơn cho bệnh nền đang có, khí độc này thâm nhập ngược lại vào trong máu sẽ luân chuyển trong hệ tuần hoàn, đến thận hoặc trở ngược về gan, tim.

Thông tin người tăng huyết áp dễ biến chứng đột quỵ (tai biến mạch máu não) là đúng, bởi khi huyết áp tăng vọt, kèm theo táo bón, bệnh lý mạch máu, mỡ trong máu cao, tuổi cao trên 70 có thể thành mạch bị xơ cứng. Như vậy độ mềm mạch máu không còn, độ giòn tăng lên, đồng thời mảng xơ vữa cho mỡ ứ đọng bên trong sẽ làm cho giảm dòng chảy, giảm cung cấp máu lên não, tim có thể dẫn đến đột quỵ tim, đột quỵ não.

Em có thể áp dụng chế độ vận động, dinh dưỡng... như chương trình đã nói từ đầu đến giờ cho mẹ. Nhưng em vẫn cần thuyết phụ mẹ đi khám bác sĩ để kiểm tra ngoài bệnh lý này thì bác có bị rối loạn mỡ trong máu không,... thì sẽ có hướng xử trí, sử dụng thuốc, sản phẩm điều trị tình trạng táo bón của bác. Lưu ý, không tự ý mua thuốc em nhé!

Châu Thị Mỹ - 26 tuổi, TPHCM
Tôi mới sinh mổ em bé được 3 tháng, từ khi sinh tới giờ tôi thường xuyên bị táo có khi cả tuần mới đi được 1 lần, tôi đã cố ăn thêm rau và uống đủ nước hằng ngày mà vẫn không cải thiện mấy. Bác sĩ cho tôi hỏi vì sao lại vậy ạ và có cách nào giải quyết tình trạng này không?

BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Bạn vừa mới sinh em bé, cuộc sinh vừa trải qua những đau đớn. Không biết bạn sinh thường hay sinh mổ, nhưng nếu sinh thường sẽ có những ảnh hưởng đến việc đau và làm cho bản thân bạn đi tiêu khó khăn. Phương pháp cải thiện táo bón bạn cần chú ý là xem lại chế độ ăn. Trong thời gian ở cữ, nếu bạn không ăn kiêng thì nên bổ sung chất xơ như rau, trái cây… Nhưng cần lưu ý nếu bạn cho bé bú thì không nên thay đổi đột ngột, ví dụ như sử dụng thường xuyên sử dụng loại rau xanh hoặc trái cây yêu thích; cần theo dõi sức khỏe của bé, khi bé bú có ảnh hưởng gì không. Sau đó bạn nên từ từ thay đổi các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ khác. Điều này rất có ích cho đường ruột của các bà mẹ sau sinh.

Thông thường mới sinh xong ai cũng rất đau, nhất là đau lưng, nên có thể hạn chế vận động, nhưng nếu không vận động thì không được. Bạn nên tập vận động nhưng không nên đột ngột, quá sức mà cần từ từ để cơ thể phục hồi, sau đó sẽ nâng dần các hoạt động nặng hơn, như vậy đường ruột cũng sẽ phục hồi và tình trạng táo bón sẽ cải thiện tốt.

Cấn Ngọc Tuấn - cangia…@gmail.com
Bố em bị tai biến, do biến chứng nên giờ chỉ nằm một chỗ thôi. Mấy hôm nay ông bị táo bón, cả mấy ngày không đi đại tiện được. Bác sĩ tư vấn giúp em với những người nằm một chỗ như bố em thì nên ăn uống thế nào để không bị táo bón? Giờ cụ như vậy thì có nên mua thuốc hay thụt tháo gì cho dễ chịu hơn không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ đã tư vấn giúp.

Nếu tình trạng của bác táo bón lâu ngày, mạn tính, khối phân ứ đọng quá nhiều thì chắc phải thụt tháo để đem khối phân ra hết. Việc tạo phân mới thì em có thể áp dụng những hướng dẫn của chương trình từ đầu đến giờ, từ chế độ ăn uống đến các cách vận động.

Bác bị liệt nửa người, nằm tại chỗ thì bác có thể vận động chủ động hoặc thụ động. Tôi không biết tình hình của bác liệt nửa người như thế nào. Thường với người liệt nửa người, qua quá trình phục hồi 1 -2 tháng có thể đi lại vận động được thì có thể khuyến khích bác đi lại nhẹ nhàng, đây gọi là vận động chủ động.

Mặc dù việc đi lại này khó khăn, nhưng chân có thể lết cũng được rồi dùng thêm các dụng cụ hỗ trợ để người bệnh có thể đi từng bước. Khi người bệnh đi thì các sợi cơ được dịp co rút lên nhau, không gây teo cơ.

Khi cơ không bị teo thì dù hệ thống thần kinh ảnh hưởng, vùng trên não chi phối xuống không còn điều khiển tốt nhưng do cơ lực tập liên tục sẽ giúp ích một phần. Bởi hệ thống thần kinh trong cơ thể liên đới với nhau, từ thần kinh trung ương đến hệ thống thần kinh thực vật, từ tủy sống đi ra sẽ hỗ trợ. Như vậy các bó sợi cơ săn chắc lên. Việc tập luyện này không chỉ giúp cho việc phòng ngừa táo bón mà còn giúp phục hồi vận động.

Thụ động là người bệnh cần sự trợ giúp từ gia đình, người thân. Nếu bác bị liệt tái phát lần 2, lúc trước liệt bên trái, giờ liệt bên phải, nằm 1 chỗ thì cần giúp xoay trở, nghiêng người, vỗ lưng. Đồng thời, khi ăn hoặc uống trong ngày phải bác ngồi thẳng lưng, tựa vào tường hoặc ghế cao để tư thế thẳng. Tư thế ngồi lên nằm xuống, vận động tại chỗ này góp phần tăng cường sự tĩnh tại quá mức do quá trình liệt gây ra.

Cuối chương trình, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay và BS Cẩm Tú có điều gì muốn chia sẻ hay nhắn nhủ với bạn đọc và khán giả AloBacsi về chủ đề ngày hôm nay không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay:

Táo bón có thể do chức năng, có thể do yếu tố bệnh lý. Việc đầu tiên là chúng ta cần xác định táo bón của mình do chức năng hay bệnh lý.

Chúng ta cần đi khám với bác sĩ khi đã áp dụng các chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nước đủ, vận động tốt, rèn luyện thói quen đi cầu hằng ngày... mà tình trạng táo bón không cải thiện. Khi đi khám, nếu bác sĩ xác định táo bón chức năng thôi thì tiếp tục cải thiện bằng những hướng dẫn như trên.

Nếu xác định do bệnh lý như viên đại tràng, hoặc bệnh lý khác của đường ruột, bệnh nền của cơ thể gây ra thì phải chữa bệnh chính, ngoài ra thầy thuốc cũng sẽ hướng dẫn cách giải quyết tình trạng táo bón này.

Chúng ta nhớ tập thói quen đi cầu, buổi sáng càng tốt vì sau 24 giờ thì việc thải độc vào buổi sáng là tốt nhất cho cơ thể. Bên cạnh đó, trước khi đi cầu chúng ta nên uống nước ấm, tạo điều kiện để đường ruột dễ dàng trong hoạt động. Dĩ nhiên, không phải uống nước vào là xuống đại tràng ngay mà nó hấp thu vào trong máu, tế bào... nhưng nó sẽ giúp một phần cho đại tràng hoạt động tốt.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng cần lưu ý, cung cấp đầy đủ chất xơ từ rau, củ, quả, đừng ăn một loại thực phẩm quá lâu mà hãy thay đổi mỗi ngày, trái cây, rau quả của xứ nhiệt đới chúng ta rất phong phú mà.

Trong ngày cần cố gắng dành thời gian tập luyện. Nếu là nhân viên văn phòng nên dành 10-15 phút đi lại sau 45 phút ngồi, đối với người cao tuổi mỗi ngày dành 30-45 phút để vận động.

Nếu kết hợp những yếu tố này tôi nghĩ sẽ giải quyết được táo bón chức năng, chú ý vấn đề những thức ăn cần thiết, bổ dưỡng cho hệ vi sinh như yaout, những men vi sinh…


BS.CK1 Nguyễn Cẩm Tú:

Với trẻ em, khi con có tình trạng táo bón, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám bác sĩ, bởi nhiệm vụ của bác sĩ là sẽ đi tìm 5% trường hợp có bất thường về bệnh lý. Nếu phát hiện ra không phải bệnh lý thì vấn đề còn lại là táo bón chức năng.  

Lúc này bác sĩ sẽ có kế hoạch cho bé như hướng dẫn gia đình nên làm gì để giải quyết tình trạng táo bón cho con. Tiếp theo là vai trò của gia đình, làm sao khuyến khích trẻ uống nhiều nước, khuyến khích trẻ có chế độ ăn khỏe mạnh cho hệ tiêu hóa, làm sao để trẻ có thói quen đi tiêu tốt.

Khi điều trị bác sĩ sẽ tuân theo quy trình này và phụ huynh cần duy trì, kiên nhẫn vì thời gian điều trị tính bằng tháng. Khi bé vượt qua được tình trạng này thì nguy cơ táo bón tái phát luôn sẵn sàng xuất hiện, cho nên việc phòng ngừa rất quan trọng.

Trân trọng cảm ơn “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Seadolac - Hỗ trợ nhuận tràng, Nhẹ nhàng hết táo” đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X