Không HP - Giảm 80-90% ca ung thư dạ dày
Đây là một trong những chi tiết quan trọng được GS.TS.BS David Graham - Nguyên Chủ tịch Hội tiêu hóa Mỹ nhắc đến tại hội thảo với chủ đề “Các bệnh lý đường tiêu hóa trên: Nguyên nhân và giải pháp” mới được tổ chức cuối tuần qua.
Ngày 25/11, tại TPHCM, Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM phối hợp cùng AstraZeneca đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Các bệnh lý đường tiêu hóa trên: Nguyên nhân và giải pháp” đem đến thông tin hữu ích, quý giá về ung thư dạ dày và những con số đáng báo động về tình hình nhiễm Helicobacter pylori tại nước ta.
Buổi hội thảo quy tụ hàng trăm các bác sĩ với 3 bài báo cáo với các chủ đề mới chưa được nhắc đến trong những buổi sinh hoạt của hội trước đây.
Bên cạnh những gương mặt chuyên gia quen thuộc trong ngành tiêu hóa như ban chủ tọa: BS.CK2 Trần Kiều Miên, TS Lê Thành Lý - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM, báo cáo viên PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Tổng thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM buổi hội thảo còn có sự tham dự, 2 bài báo cáo đặc biệt của GS.TS.BS David Graham - Nguyên Chủ tịch Hội tiêu hóa Mỹ.
Dù đã ở độ tuổi ngoài 80, nhưng GS David Graham vẫn khiến y bác sĩ tham dự hội nghị không khỏi thán phục bởi sự minh mẫn, kiến thức sâu rộng.
BS.CK2 Trần Kiều Miên cho biết, bà vinh dự biết đến GS David Graham từ những thập niên 80 trong nhiều hội nghị về Helicobacter pylori cũng như các hội nghị đa quốc gia. Ông là một nhân vật rất quan trọng đồng hành cùng GS Barry Marshall (một trong 2 giáo sư đạt giải Nobel Y học 2005, nghiên cứu về Helicobacter pylori). GS David Graham cũng một trong những chủ tọa thường xuyên của hội nghị tiêu hóa lớn nhất tại Mỹ - DDW.
Do đó, buổi sinh hoạt thường kỳ của hội lần này là cơ hội để các đồng nghiệp được thảo luận, tiếp cận và cập nhật những kiến thức mới từ “cây đại thụ” của ngành tiêu hóa.
80-90% ung thư dạ dày có liên quan đến H.pylori
Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
PGS.TS.BS Quách Trọng Đức - Tổng thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đưa ra thông tin trong chủ đề “Cập nhật tình hình nhiễm H.pylori và ung thư dạ dày ở Việt Nam” cho thấy, 5 loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: Ung thư gan, kế đó là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư đại tràng.
Trong đó, ung thư dạ dày đứng thứ 3 với 10,6%. Đáng lưu ý, độ tuổi phát hiện ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh gặp nhiều ở người lớn tuổi thì ngày nay, ung thư dạ dày cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi từ 40-45, thậm chí có trường hợp dưới 30 tuổi cũng mắc bệnh. Mặc dù bệnh được khởi phát sớm hơn về độ tuổi nhưng có đến 1/3 bệnh nhân đến ở giai đoạn trễ mà không xuất hiện các triệu chứng báo động. Theo PGS Đức đây là một trong những yếu tố đánh động để tầm soát ung thư sớm hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày nhưng phải kể đến vi khuẩn H.pylori - thủ phạm gây viêm loét dạ dày, tá tràng từ đó dẫn đến ung thư. PGS Đức cho biết: “Tỷ lệ ung thư dạ dày có liên quan đến nhiễm H.pylori ở Việt Nam từ 80-90%”.
Ông cũng đưa ra một nghiên cứu cắt ngang của một nhóm tác giả trong và ngoài nước, đăng trên BMC Gastroenterology 2010 cho thấy tỷ suất mắc mới ung thư dạ dày, tỷ lệ nhiễm H.pylori trong viêm loét dạ dày - tá tràng ở Hà Nội cao hơn TPHCM, kể cả ở nam và nữ.
Nghiên cứu này cho thấy, trong số các bệnh nhân được kiểm tra, 65.6% bị nhiễm H.Pylori. Người trên 40 tuổi bị nhiễm H.Pylori cao hơn một cách đáng kể so với người dưới 40 tuổi. Viêm dạ dày mạn tính hiện diện trong tất cả cá nhân nhiễm H.Pylori. 83.1% trong số này có viêm dạ dày hoạt động và 85.3% teo niêm mạc, 14,7% chuyển sản niêm mạc ruột. Loét đường tiêu hóa chiếm 21% bệnh nhân bị nhiễm bệnh, trong khi tỷ lệ này rất thấp ở bệnh nhân không bị nhiễm bệnh (nhiễm H.Pylori). Loét đường tiêu hóa cao hơn một cách đáng kể ở Hà Nội so với TPHCM.
Lý giải cho điều này, PGS Đức cho hay sự phổ biến của độc lực vacA m1 có liên quan với tăng nguy cơ loét đường tiêu hóa và có lẽ đóng góp vào sự khác biệt tỷ lệ loét đường tiêu hóa và ung thư dạ dày giữa Hà Nội và TPHCM.
“Sự khác biệt về tỷ suất bệnh mới ung thư dạ dày giữa các vùng đại dư tại Việt Nam được giải thích một phần là do khác biệt về phân bố của các chủng H.pylori có độc lực cao. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường có lẽ góp phần quan trọng vào tỷ lệ cao các trường hợp ung thư dạ dày khởi phát sớm và cần được nghiên cứu thêm” - PGS Đức kết luận phần báo cáo trong hội nghị.
Gen gây ung thư dạ dày của vi khuẩn HP
2 phần báo cáo của GS David Graham liên quan đến “Kiểu gen Helicobacter pylori và vấn đề ung thư dạ dày” và “Thuốc và bệnh lý đường tiêu hóa trên” không chỉ mới mà còn rất hấp dẫn với các đồng nghiệp trẻ tham dự hội thảo.
Vi khuẩn H.pylori là yếu tố quan trọng nhất trong bệnh lý loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày tá tràng mãn tính và là tác nhân nhóm đầu tiên gây ung thư dạ dày (95% ung thư dạ dày là do H.pylori”.
Ung thư là kết quả của tình trạng viêm mạn, cấp và bất ổn gen cho Hp gây ra. Trong đó, gen CagA âm tính hay dương tính đều gây ung thư và CagA dương tính làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ dày.
Chính vì vậy, theo GS David Graham tiệt trừ H.pylori là vô cùng quan trọng với những bệnh nhân có tổn thương ở dạ dày. Nhiễm HP là một bệnh nhiễm trùng và bắt buộc phải điều trị kháng sinh.
“Khi điều trị kháng sinh phải luôn luôn chú ý đến vấn đề ức chế axit. Đặc biệt trong các nhóm PPI thì cần lưu ý đến những PPI có khả năng ức chế axit được tốt nhất. Điển hình như 2 nhóm: esomeprazole và rabeprazole. Trong 2 nhóm này khi đạt liều chuẩn 40mg mỗi ngày 2 viên thì sẽ đạt hiệu quả tốt. Còn với nhóm rabeprazole với liều chuẩn sử dụng là 20mg ngày 4 viên khi kết hợp với kháng sinh đặc hiệu.
Trong vấn đề tiệt trừ HP, nếu chúng ta có khả năng nuôi cấy, phân lập được vi trùng, độ nhạy cảm của vi trùng với kháng sinh thì đây là điều lý tưởng khi chúng ta đưa vào điều trị. Nếu không có khả năng nuôi cấy, phân lập được vi trùng ở ngay giai đoạn đầu tiên thì hãy làm theo bài bản, đó là bộ 4 bismush, bộ 4 không có bismush” - GS David Graham cho biết.
Ông cho rằng ung thư dạ dày là bệnh có thể phòng ngừa được. Không HP sẽ không có ung thư dạ dày.
Trong bài báo cáo cuối cùng của hội nghị, GS David Graham đã cho thấy thuốc là con dao hai lưỡi, hệ tiêu hóa thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc có thể gây tổn thương đường tiêu hóa là: Thuốc chống viêm không steroid - Đứng đầu trong danh mục các thuốc gây hại nghiêm trọng hệ tiêu hóa; Kháng sinh (doxycycline, tetracycline, rifampin, penicillin, clindamecin); Các thuốc thuộc nhóm bisphosphonate (điển hình của nhóm thuốc này là alendronate)…
“Các tổn thương của thuốc lên đường tiêu hóa tương đối đa dạng, tuy nhiên nếu thầy thuốc có ý thức dự phòng với bệnh nhân, tức là dùng PPI để bảo vệ thì sẽ đỡ hơn rất hơn. Các PPI trong điều trị dự phòng tổn thương đường tiêu hóa thì có thể dùng giống nhau” - GS David Graham cho biết trong phần báo cáo “Thuốc và bệnh lý đường tiêu hóa trên”.
Hoàng Thúy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình