Hotline 24/7
08983-08983

Gãy xương, phải làm sao để mau lành?

Xin bác sĩ cho biết khi xương bị gãy phải kiêng khem thế nào để xương mau lành? Có người nói phải tuyệt đối chịu cảnh “cấm vận”, nếu cả gan phá rào có nguy cơ bị mục xương?

Minh họa: VIIP

Thật ra thắc mắc bạn hỏi đôi khi được đề cập như chuyện đùa vui trong bàn nhậu của đám đàn ông. Nhưng khi ngồi phòng khám và làm công tác tư vấn tôi đã nhận được không ít thắc mắc tương tự.

Không biết bắt nguồn từ đâu và cơ sở nào để cho rằng khi bị gãy xương và trong giai đoạn đang điều trị mà xương chưa lành, nếu thực hiện chuyện sinh hoạt vợ chồng sẽ làm mục xương… Rõ ràng ở đây cần giải thích một cách nghiêm túc cơ chế xương được chữa lành thế nào.

Xương sẽ lành…

Khi bị gãy xương, hai đầu xương gãy phải được bất động tốt bằng bột, nẹp vít, đinh hay cố định ngoài, hạn chế phá hủy mô mềm như nắn xương không quá thô bạo, nếu phải mổ thì thao tác phải nhẹ nhàng, hạn chế lóc màng xương và cơ xung quanh, chế độ ăn uống đầy đủ chất, tập gồng cơ và đi lại theo chỉ định của bác sĩ sẽ làm xương mau lành.

Các khái niệm uống canxi cho mau lành xương, bó bột cho canxi ngấm vào xương là không chính xác.


Cần phải dài dòng một chút chuyện xương gãy. Khi xương bị gãy sẽ có tình trạng co mạch để hạn chế chảy máu từ phần mềm và xương. Ít hay nhiều ở vùng gãy xương cũng có khối máu tụ. Người ta nhận thấy trong khối máu tụ có nhiều tế bào gốc đa năng có thể biến đổi thành tế bào tạo xương osteblast. Khi hai đầu xương gãy được cố định sẽ có sự hoại tử một phần đầu xương gãy do thiếu máu nuôi tạm thời làm khe gãy rộng ra. Sau đó sẽ hình thành mô xơ nối hai đầu xương gãy.

Máu nuôi từ màng ngoài xương và trong tủy xương sẽ mang các tế bào tạo xương để tạo nên chất nền cho sự lành xương cũng như hình thành tế bào xương và sau đó là giai đoạn canxi hóa để biến thành canxi xương. Như vậy quá trình lành xương sẽ đi từ canxi xơ sang canxi sụn và kết thúc bằng canxi xương.

Có hai yếu tố giúp lành xương. Đầu tiên là yếu tố cơ học, hai đầu xương gãy phải được cố định vững chắc và chỉ cho phép hai đầu xương gãy có những cử động nhỏ để kích thích sự lành xương mà thôi.

Yếu tố thứ hai là yếu tố sinh học, nghĩa là máu nuôi. Hệ máu nuôi đến từ các cơ bao xung quanh xương và máu trong lòng tủy xương. Nếu hệ thống này không bị phá hủy, ví dụ như trong trường hợp gãy xương có kèm giập nát mô mềm hay gãy xương mà được mổ mở banh, thì xương sẽ lành bình thường.

… Canh sẽ ngọt

Rõ ràng qua cơ chế lành xương, chúng ta thấy chẳng có lý do gì để sợ việc sinh hoạt vợ chồng trong giai đoạn xương gãy đang được điều trị sẽ làm mục xương. Chuyện ấy cũng không làm chậm lành xương chút nào vì nếu chúng ta tôn trọng yếu tố giúp lành xương thì xương sẽ lành bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý một số điều sau:

Xương là phần cứng nâng đỡ cơ thể khi di chuyển. Khi bị gãy ở một số xương như mâm chày, cổ xương đùi, trần chày hay gãy nát… không thể chịu được tải trọng vì sẽ di lệch khi đi đứng. Do vậy các bác sĩ sẽ phải cho bệnh nhân đi nạng không chống chân, đôi khi phải mang bột. Đây chính là điểm bất lợi cho việc sinh hoạt vợ chồng. Khi đó chúng ta cần lựa thế sao cho cả hai đều cảm thấy thoải mái khi lâm trận và tránh làm xương di lệch.

Nếu không may bị gãy xương thì chúng ta vẫn có cách, không nên vì những thông tin “không rõ nguồn gốc” mà lâm vào tình trạng “cám treo heo nhịn đói”, dễ sinh tiêu cực trong cuộc sống vợ chồng. Hãy mạnh dạn bày tỏ băn khoăn với bác sĩ chấn thương của bạn để có lời khuyên tốt nhất.

Theo N.V.L. - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X