Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị là động từ kép

Công việc của thầy thuốc điều trị bệnh tiểu đường rõ ràng nhẹ nhàng hơn xưa nếu so sánh với thập niên trước đây nhờ kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị được cải thiện liên tục.

Nói cụ thể hơn, thuốc hạ đường huyết đang lưu hành tác dụng nhanh, mạnh, kéo dài và ít phản ứng phụ hơn thuốc thời trước.

Nhưng điểm nghịch lý xưa nay trong bệnh tiểu đường vẫn tiếp tục tồn tại. Đó là tỷ lệ di chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường vẫn không giảm, thậm chí vẫn tăng ngay cả ở các quốc gia đã có nền y tế với cấu trúc tiên tiến, đã theo đuổi chương trình phòng chống bệnh tiểu đường từ nhiều chục năm! Không cần dông dài cũng hiểu cuộc chiến chống bệnh tiểu đường ở xứ mình đang hở sườn đến thế nào khi cả nước chỉ có tròm trèm mấy trăm bác sĩ đã qua khóa chuyên khoa về căn bệnh này!

Thống kê năm 2012 của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, khi so sánh với dữ liệu trong 5 năm vừa qua, cho thấy:

- Số người nhồi máu cơ tim vì bệnh tiểu đường không giảm, trong số đó tỷ lệ tử vong lại cao gần gấp đôi số trường hợp phải xuôi tay theo định mệnh vì lý do khác.

- Số bệnh nhân tiểu đường ở độ tuổi 50 tăng gấp 3 lần con số thống kê đã được công bố trong thập niên trước.

- Số bệnh nhân tuy được điều trị đúng bài bản nhưng mù mắt vì thoái hóa võng mạc tăng 5%.

- Số nạn nhân phải đoạn chi vì hoại tử đầu chi do thuyên tắt mạch máu tăng đến 20%.

Thực trạng đó cho thấy viên thuốc hạ đường huyết, dù hiệu quả thế nào, vẫn chưa là giải pháp rốt ráo. Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây thầy thuốc đều rõ là di chứng trong bệnh tiểu đường như cao huyết áp, đục thủy tinh thể, suy thận, viêm da, hoại tử mô mềm… tùy thuộc vào mức độ dao động của lượng đường trong máu.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh là người tuy có đường huyết hơi cao hơn định mức bình thường nhưng ổn định ít bị biến chứng hơn đối tượng có lượng đường trong máu trồi sụt quá thường, lúc quá cao, khi quá thấp.

Nói cách khác, hạ được đường huyết nhưng không ổn định được đường huyết thì tuy trị bệnh nhưng vẫn chưa điều chỉnh được rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo. Chính vì thế mà thầy thuốc hiểu rõ về bệnh tiểu đường đã từ lâu không còn tập trung vào đường huyết đo buổi sáng lúc bụng còn đói vì trị số này chỉ phản ánh lượng đường trong máu ngay vào thời điểm xét nghiệm. Thay vào đó, để đánh giá trung thực mức độ trầm trọng nhằm qua đó gián tiếp phỏng đoán tiên lượng, thầy thuốc đặt giá trị vào tiêu chí khách quan hơn như xét nghiệm đặc hiệu HbA1C.

Cũng từ nhận thức về tầm quan trọng của việc ổn định đường huyết nhiều nhà điều trị coi trọng quan điểm sinh học đang phối hợp hoạt chất có công năng vừa hưng phấn hoạt tính của insulin vừa hỗ trợ tác dụng của thuốc đặc hiệu như sinh tố B1, quế, kẽm, anthocyanin, gaba… để qua đó đồng thời bọc lót các mặt trận hở sườn trong bệnh tiểu đường như mạch máu, thận, mắt, não, da… Họ hoàn toàn có lý với phác đồ “nhiều trong một”, thay vì chỉ tập trung vào thuốc hạ đường huyết, vì kết quả điều trị là dẫn chứng hiển nhiên đúng như tiêu chí đánh giá của Hippocrates “Ai chữa lành, người đó có lý”.

Theo BS Lương Lễ Hoàng, Phòng Khám EUROVIE, TPHCM
Trích từ ấn phẩm “Viết vì người bệnh tiểu đường”
Luonglehoang.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X