Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo đường và những biến chứng nguy hiểm

Do kiểm soát đường huyết không tốt nên sinh nhiều biến chứng như suy thận (xét nghiệm máu Creatinine tăng gần 2mg%, eGFR giảm còn 47.3ml/ph/1.73m2, Natri máu cũng giảm còn 133mEq/L...

Xin bác sĩ cho biết, dùng loại thuốc gì điều trị để ổn định chức năng của thận và tạo máu tránh bị phù chân. Bị suy thận nên dùng những loại thức ăn, nước uống nào và tránh những loại nào.

ĐINH VĂN PHONG (TP. Châu Đốc)

BS.CKI Huỳnh Thanh Phong, Khoa Nội tiết, BVĐK khu vực tỉnh An Giang trả lời:

Chào bạn,

Những năm gần đây, bệnh nhân bị phát hiện bệnh đái tháo đường gia tăng theo cấp số nhân. Đa phần bệnh nhân đi khám thường là triệu chứng sụt cân hay bị mờ mắt, tiểu đêm nhiều lần. Bệnh đái tháo đường lâu năm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như:

I. Biến chứng mạch máu lớn:

1) Bệnh mạch vành: Xuất hiện cơn đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định, nhồi máu cơ tim.

2) Bệnh lý mạch máu não: Có thể gây xuất huyết não hay nhồi máu não.

3) Bệnh mạch máu ngoại biên: Gây viêm tắc động mạch chi dưới (đau cách hồi, đau ở tư thế nằm, chân lạnh).

II. Biến chứng mạch máu nhỏ:

1) Bệnh lý võng mạc mắt: Thoái hóa võng mạc mắt, bệnh nhân sẽ bị mù.

2) Bệnh lý thận: Gây bệnh thận mạn gây suy thận giai đoạn cuối.

III. Biến chứng thần kinh:

Bệnh thường đối xứng, tê nhức, dị cảm, tăng nhạy cảm và đau, đau âm ỉ, hoặc đau trong sâu, có khi đau như điện giật.

Xét nghiệm cận lâm sàng: eGFR=47,3 ml/p/1,73m2 da. Theo phân độ bệnh thận mạn: Đây là giai đoạn 3 (độ lọc cầu thận giảm mức độ trung bình: 30-59 ml/p/1,73m2 da). Về điều trị: Đây là trường hợp đái tháo đường có biến chứng nên cần phải điều trị tích cực và làm thêm một số xét nghiệm: Lipid máu, HbA1C, ion đồ, siêu âm bụng, XQ phổi thẳng. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, điều chỉnh Lipid máu, vận động thể lực.

a) Kiểm soát đường huyết: Đái tháo đường biến chứng thận nên việc dùng thuốc hạ đường huyết rất cẩn thận vì có nhiều nhóm thuốc viên hạ đường huyết có chống chỉ định trên bệnh nhân suy thận. Khuyên dùng: Insulin, thuốc viên ức chế DPP4 (Vildagliptin 50mg, Sitagliptin 100mg…). Mục tiêu: Đường huyết đói : 90-130mg%, HbA1C <7%.

b) Kiểm soát huyết áp: Hiện tại, huyết áp của ông là bao nhiêu? Nếu cao nên dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể như: Enalapril 5mg, Telmisartan 40mg… Mục tiêu: Huyết áp < 130/90mmHg.

c) Kiểm soát lipid máu: Nên dùng nhóm Statin: Atovastatin 10mg, Rosuvastatin 10mg. Mục tiêu: LDL-cholesterol <100mg%, Trigliceride <200mg%.

d) Natri máu: Bình thường: 135-150mEq/L. Hiện tại 133mEq/L, có giảm nhưng không đáng kể. Thường bệnh nhân suy thận có rối loạn điện giải, quan trọng nhất là kali có thể gây ngưng tim nếu kali máu tăng. Nên làm ion đồ mỗi tháng/lần.

e) Công thức máu: Thiếu máu 3 dòng, nhất là tiểu cầu. Bình thường, thận tiết ra Erythropoitein kích thích tủy xương tạo hồng cầu, vì suy thận nên giảm tiết Erythropoitein à giảm sản sinh hồng cầuà thiếu máu. Nên bù các thành phần tạo máu: Vitamin B12, Acid Folic 5mg, sắt… Riêng tiểu cầu giảm do nhiều nguyên nhân, ông nên đến Trung tâm Truyền máu huyết học TP.HCM khám.

f) Chế độ ăn: Nên ăn nhiều chất xơ (rau, hoa quả); giảm mỡ động vật; tiết chế đạm: 0,6-0,8g/kg/ngày (nên dùng đạm thực vật, ưu tiên cá); hạn chế muối: 3-5g/ngày; theo dõi cân nặng. Không nên uống rượu, bia, nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo, chè; tránh thuốc độc cho thận; bỏ thuốc lá,...

g) Chế độ luyện tập: Nên tập thể dục như đi bộ, chạy xe đạp… khoảng 30 phút/ngày (5 ngày/tuần).

Theo Đoàn Phước - Báo An Giang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X