Hotline 24/7
08983-08983

Chạy thận và lọc màng bụng, chọn cách nào?

Trở lại với chương trình tư vấn trực tuyến tuần này, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ chia sẻ về các phương pháp thay thế thận, giúp người bệnh suy thận mạn hiểu và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho mình.


Những băn khoăn của người bệnh thận mạn như: chạy thận và lọc màng bụng nên chọn cách nào, hai phương pháp này có ưu - nhược điểm gì, việc đặt ống dẫn lưu để lọc màng bụng có gây bất tiện gì không, cần lưu ý gì trong ăn uống… sẽ được BS.CK2 Tạ Phương Dung giải đáp cụ thể.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Đầu tiên, xin BS cho biết cụ thể, thế nào là suy thận mạn ạ?

Nếu nói tử vong do suy thận mạn là một diễn biến thầm lặng là không sai bởi vì hiện tại bệnh thận mạn chiếm vào khoảng từ 10 - 14% dân số tùy từng nước.

Ví dụ nhiều ở Mỹ thì là 14%, ở Úc là 10% các quốc gia khác cũng nằm trong vòng đó. Hiện nay theo thống kê của hội thận học thế giới có 850 triệu người, tỉ lệ tử vong hàng năm và 2,4 triệu, nếu tính tỷ lệ tử vong cho bệnh thận với các tử vong chung năm 1990 chỉ là xếp thứ 27 thì đến năm 2010 xếp thứ 18 vào năm nay đã tăng lên thứ 6. Như vậy có nghĩa tử vong do bệnh thận mạn ngày càng nhiều hơn.

Bệnh thận mạn là sự suy giảm các chức năng thận từ từ, diễn tiến có 5 giai đoạn. Tuy nhiên phát triệu chứng xuất hiện rất thầm lặng và nhiều người bệnh chỉ phát hiện ở giai đoạn cuối. Chính vì vậy, chúng ta phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.


2. Những nguyên nhân nào gây suy thận, thưa BS? Trong đó, với người Việt thì nguyên nhân nào đứng đầu ạ?

Nguyên nhân đầu tiên của bệnh suy thận mạn trên hầu hết các nước trên thế giới đó là xuất phát từ đái tháo đường. Đái tháo đường có thể nói là đại dịch trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này.
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận mạn. Ảnh minh họa
Theo thống kê cho thấy ở các nước mà tỷ lệ bệnh thận mạn do đái tháo đường chiếm tới 50%, thứ đến là cao huyết áp khoảng 30%, còn lại là các bệnh lý tại thận và một số bệnh suy thận mà cũng không biết rõ nguyên nhân là gì với tỷ lệ thế nào.

Ở Việt Nam cũng giống như các nước châu Á, chưa có một con số thống kê cụ thể về bệnh suy thận mạn nhưng các nước châu Á xung quanh chúng ta như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Philippines và Nhật Bản… tỷ lệ suy thận hàng đầu là do đái tháo đường, theo tôi Việt Nam cũng vậy.

3. Hiện nay, điều trị suy thận mạn gồm những phương pháp nào? Tại Bệnh viện Nhân dân 115 phương pháp nào đang là thế mạnh của khoa Nội thận - miễn dịch ghép ạ?

Bệnh nhân khi bị bệnh suy thận mạn, chúng tôi sẽ điều trị nội khoa cho đến giai đoạn cuối - giai đoạn 5 thì sẽ tiến hành điều trị thay thế thận.

Điều trị thay thế thận gồm 3 phương pháp chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. 3 phương pháp này không có một phương pháp nào tối ưu tuyệt đối mà hỗ trợ cho nhau. Vì để tìm được nguồn thận cho là rất hiếm, cho nên chủ yếu là lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo. Các bệnh nhân sẽ được tư vấn để lựa chọn, các phương pháp điều trị này cũng không phải là tuyệt đối mà có thể thay đổi. Ví dụ một bệnh nhân mà chạy thận nhân tạo lâu năm, các mạch máu đã bị biến chứng nhiều, hiệu quả sẽ kém đi thì chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân sang lọc màng bụng hoặc một bệnh nhân lọc màng bụng lâu năm (có thể 9-10 năm lọc màng bụng không còn hiệu quả) nữa thì chúng ta lại chuyển sang chạy thận nhân tạo.

Ở bệnh viện Nhân dân 115 thì cả 3 phương pháp này đều là thế mạnh. Về ghép thận, tính đến nay, đã ghép được 245 ca, và trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện ghép thận cho 50 bệnh nhân. Tuy chưa phải là một con số lớn nhưng đã thể hiện bệnh viện đã rất cố gắng. 

Ngoài ra, bệnh viện phát triển mạnh cả về thận nhân tạo, hàng năm lọc trên 60.000 lượt thận nhân tạo cho các bệnh nhân, đạt được nhiều kết quả rất tốt và mang lại sự sống lâu dài hơn cho bệnh nhân.

Thế mạnh thứ ba của chúng tôi là lọc màng bụng đến 5 năm liền. Gần đây Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi phát triển bệnh nhân mới hàng năm cao nhất cả nước.
4. Trong hội nghị khoa học khối Thận niệu 2019 vừa diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân 115, BS đã báo cáo đề tài: “Giải pháp mới điều trị bảo tồn bệnh thận mạn giai đoạn cuối”. BS có thể chia sẻ với bạn đọc về giải pháp mới này được không ạ?

Liên tục trên thế giới có những phương pháp mới để điều trị bệnh nhân bệnh thận mạn để kéo dài cuộc sống của bệnh nhân mà tránh phải lọc máu hay ghép thận. Một phương pháp mới là gọi là viên nang sinh học, có tên gọi là CUDO - FORTE, là một viên chứa tới 90 tỷ vi khuẩn lạ.

Bình thường trong ruột cũng như trong máu luôn luôn có một lượng độc tố và thông thường lượng độc tố trong ruột sẽ cao hơn trong máu. Nhưng khi bị bệnh thận sẽ không thải được nên độc tố, trong máu sẽ bị ứ lại và cao hơn. Trong trường hợp này, với tác dụng của men sinh học sẽ giúp tiêu thụ độc tố ví dụ như ure, hoặc axit uric trong phân và tạo thành môi trường ở trong máu cao hơn trong ruột. Và từ chất độc trong máu sẽ chuyển ra trong ruột và các men vi khuẩn này lại tiếp tục ăn các độc tố đó, là một hình thức lọc ngay trong ruột.
5. Nhờ BS cho biết phương pháp chạy thận nhân tạo được tiến hành như thế nào, có ưu - nhược điểm gì ạ?

Bệnh nhân chạy thận sẽ được tạo cầu nối giữa tĩnh mạch và động mạch ở cổ tay, khi hoạt động được sẽ lấy máu ra khỏi cổ tay, đưa vào hệ thống màng lọc thay cho quả thận bị hư, lấy bớt chất độc và nước dư thừa.
Chạy thận là một trong những phương pháp điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn. Ảnh minh họa
Thận nhân tạo được thực hiện bởi các đơn vị y tế sẽ giúp bệnh nhân sẽ yên tâm hơn. Nhưng không phải ai cũng chạy thận nhân tạo được. Tuy rằng thận nhân tạo được phát triển ở hầu hết các tỉnh thành nhưng ở những thành phố hoặc huyện còn khó khăn, bệnh nhân ở vùng xa không thể tiếp cận được với phương pháp này, hoặc là họ sẽ phải đi 1 quãng đường rất dài.

Nhiều bệnh nhân phải làm việc mưu sinh cũng rất khó tiếp cận với phương pháp này. Những trung tâm lớn ở thành phố còn thực hiện chạy thận vào ban đêm để giúp cho bệnh nhân đi làm ban ngày đến được. Nhưng không phải những trung tâm đó có trên khắp cả nước.

Những bệnh nhân suy tim, đái tháo đường lâu năm biến chứng xơ vữa mạch máu sẽ rất khó thực hiện phương pháp này.


6. Còn phương pháp lọc màng bụng được tiến hành như thế nào, nó có nhiều ưu điểm hơn so với chạy thận nhân tạo không ạ?

Bệnh nhân lọc màng bụng sẽ được đặt catheter ở trên thành bụng của bệnh nhân. Catheter là từ chuyên dùng, các bạn có thể hình dung là 1 ống đưa các dịch lọc vào trong thành bụng, các chất độc và dư thừa trong cơ thể sẽ theo đường máu đến hòa tan vào dịch lọc đó, sau đó được tháo ra ngoài thường xuyên.

Lọc màng bụng được thực hiện tại nhà nên bệnh nhân dễ sắp xếp thời gian, có thể thay dịch vào sáng sớm, buổi trưa và buổi chiều, buổi tối thay dịch rồi đi ngủ.

Lọc màng bụng nếu không biết cách giữ gìn vệ sinh có thể gây nhiễm trùng, điều đó khiến bệnh nhân sợ lọc màng bụng. Bác sĩ thường huấn luyện cho bệnh nhân có phương pháp rửa tay kỹ trước khi tiến hành, tỷ lệ nhiễm trùng rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều các quốc gia xung quanh chúng ta.


7. Trong các phương pháp thay thế thận, việc lựa chọn chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng dựa vào các yếu tố nào, thưa BS? Người bệnh có thể chuyển qua lại giữa 2 phương pháp này không ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115
Việc này hoàn toàn có thể. Có những bệnh nhân lọc máu nhiều năm, các mạch máu đã hư thì chuyển sang lọc màng bụng hoặc ngược lại, lọc màng bụng nhiều năm khi chức năng màng bụng giảm nhiều có thể chuyển sang chạy thận nhân tạo.

Ngay cả trong quá trình điều trị cũng có thể phối hợp cả 2 phương pháp, bệnh nhân lọc màng bụng nhưng chức năng màng bụng đã kém, bệnh nhân phải đi làm thì 1 tháng bệnh nhân có thể đến bệnh viện lọc thận nhân tạo 1-2 lần để hai biện pháp này hỗ trợ cho nhau.

Chi phí của cả hai phương pháp đã được bào hiểm y tế chi trả, tùy theo mức độ bảo hiểm bệnh nhân tham gia 100% hay 80% sẽ được nhà nước chi trả theo mức tương ứng.

8. Việc đặt ống dẫn lưu để lọc màng bụng có gây bất tiện gì trong sinh hoạt của bệnh nhân không, và nên lưu ý gì để tránh nhiễm trùng, thưa BS?

Việc mang ông dẫn lưu để lọc màng bụng gây bất tiện cho bệnh nhân, tuy nhiên cấu trúc của ông rất mềm có thể cuộn tròn lại và đặt trong túi nhỏ. Có những bệnh nhân lọc màng bụng vẫn có thể bỏ áo trong thùng, có thể mặc trang phục bình thường.

Bệnh nhân cần giữ vệ sinh ống dẫn lưu, tránh đổ mồ hôi nhiều vì có thể thấm vào làm nhiễm trùng. Bác sĩ cũng hướng dẫn bệnh nhân cần vệ sinh cá nhân vào buổi chiều, có thể thoải mái dội nước, sau đó sát trùng và bọc lại ống bình thường. Bệnh nhân lọc màng bụng vẫn có thể bơi được, họ sẽ sử dụng túi chuyên dụng ép lên để nước không thấm vào.


9. Các buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân của khoa Nội thận - miễn dịch ghép diễn ra rất đều đặn và hiệu quả. Hầu như trong các buổi sinh hoạt, các BS đều nhấn mạnh chế độ ăn uống. Hôm nay, nhờ BS chia sẻ với bạn đọc AloBacsi những lưu ý quan trọng nhất trong chế độ ăn dành cho người bệnh suy thận mạn?

Hàng tháng chúng tôi đều tổ chức CLB bệnh nhân, nội dung trải khắp. Đối với bệnh nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc chăm sóc ở nhà như thế nào, tuân thủ theo hướng điều trị ra sao. Đồng thời bác sĩ sẽ hướng đến cộng đồng là người thân, những người chưa bệnh cách phòng bệnh, cách phát hiện bệnh và điều trị từ ngay giai đoạn đầu như thế nào.

Một trong những phương pháp điều trị là thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc đầu tiên nên ăn nhạt, ngay cả với người không bị bệnh thận cũng nên ăn nhạt vì đa số người Việt cũng như châu Á có thói quen ăn mặn.

Thông thường theo khuyến cáo 1 người chỉ được ăn 4-6g muối/ngày nhưng đa số ăn nhiều hơn. Không chỉ những bệnh nhân bệnh thận mới được khuyến cáo, mọi người nên ăn ít muối, các phương tiện truyền thông cũng khuyến khích điều đó để tránh bệnh tim mạch và những bệnh khác nữa. Ví dụ: Bệnh tim được khuyến cáo ăn 4-5g muối/ngày, bệnh thận ăn 2-3g muối/ngày chỉ bằng 1 muống café nhỏ, chưa kể có những thực phẩm đã có sẵn muối. Vậy nên mọi người cố gắng ăn càng nhạt càng tốt.

Có những bệnh nhân được bác sĩ khuyên không ăn mặn, về nhà họ không ăn muối nhưng lại ăn mắm, trong mắm vẫn có tỷ lệ muối rất cao nên bác sĩ phải dặn kỹ bệnh nhân.

Có những trường hợp bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân ăn giảm đạm nhưng cũng tùy vào từng giai đoạn: Ở giai đoạn nhẹ bệnh nhân không cần giảm nhiều mà chỉ giảm khi ở giai đoạn nặng. Thực chất người châu Á cũng như người Việt Nam ăn nhiều tinh bột, ít thịt cá hơn người châu Âu. Khi bị bệnh, khẩu vị cũng giảm theo, không ăn được nhiều nên không cần giảm đạm một cách quá mức.

10. Xin BS cho biết những môn thể dục nào phù hợp với người đang chạy thận hoặc lọc màng bụng, và việc luyện tập như thế nào là vừa phải ạ?
Đi bộ là một trong những cách người suy thận mạn luyện tập để tăng cường sức khỏe. Ảnh minh họa
Những bệnh nhân đang lọc màng bụng hoặc chạy thận đều cần có những hoạt động luyện tập thể dục thể thao nhưng tùy từng người, từng đối tượng hay tuổi tác có những chế độ luyện tập như đi bộ, tất cả mọi người để tham gia được. Bên cạnh đó, người bệnh có thể làm những việc trong nhà để tạo cho mình sức khỏe như lau nhà quét nhà…

Bệnh nhân cũng có thể chơi cầu lông, tuy nhiên những bệnh nhân chạy thận có vết mổ ở cánh tay, cần tránh sử dụng tay có vết mổ đó.

Không nên tham gia những môn phải vận động mạnh như đá bóng hoặc những hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng.

11. BS có thể chia sẻ đôi điều để giúp người bệnh suy thận mạn giữ được tinh thần lạc quan sống vui - sống khỏe?

Bệnh nhân suy thận ngày càng nhiều, trong đó cũng có những người hoàn cảnh khó khăn nhưng mọi người hãy yên tâm vì bảo hiểm y tế đã được phổ biến toàn dân. Những trường hợp khác thì trong xã hội luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân rất nghèo đã được chữa bệnh vì được những nhà hảo tâm đóng góp chi phí nên mọi người không cần lo lắng làm sao duy trì cuộc sống của mình.

Ngoài những đơn thuốc bác sĩ kê toa thì bệnh nhân phải tự tạo cho mình niềm tin và sự lạc quan. Vì vậy CLB bệnh nhân Thận của bệnh viện ngoài hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc sức khỏe thì còn hướng bệnh nhân đến tinh thần lạc quan và nghị lực.

Đừng quên bên cạnh bạn còn rất nhiều người sẵn sàng cùng bạn đi trên con đường chống lại bệnh tật.
~~~~~~~~~
Cảm ơn những chia sẻ của BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp giải tỏa nỗi lo lắng của các bệnh nhân suy thận mạn  khi phải lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!
Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy - Minh Khuê
Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe Alobacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X