Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM
Các chỉ số xét nghiệm có chứng minh tôi bị suy thận độ 1?
Câu hỏi
Thưa BS, Tôi năm nay 75 tuổi, đang có bệnh thận, chỉ số xét nghiệm hiện nay là: Creatinin máu: 105 mcrmol/ L; Ure máu: 4.1 mmol/L; Microalbumin niệu: 167.93 mg/L; Protein nước tiểu: 30 mg/dL 1+. Tôi đoán là đã bị suy thận độ 1. Tuy nhiên BS khám bệnh BHYT cho tôi không thông báo hoặc cảnh tỉnh cho tôi gì cả và tôi cũng không biết mình cần làm gì? Tôi muốn được BS xem xét và chỉ dẫn cho tôi có đúng là tôi đã bị suy thận độ 1 không? Và nếu khống chế được: huyết áp thường xuyên nhỏ hơn 120/70 mmhg, Hba1c chỉ khoảng 6.7 %. Ăn lượng đạm ít hơn 0.8 g/kg cân nặng/ngày; thì giai đoạn suy thận độ 1 sẽ kéo dài được bao lâu? Rất mong nhận được ý kiến tư vấn của BS. Xin trân trọng cám ơn.
Trả lời
Chỉ số Creatinine máu được sử dụng để ước tính độ lọc cầu thận, chỉ số này sẽ thay đổi tuỳ theo độ tuổi, cân nặng, chủng tộc… Với chỉ số này chưa đủ thông tin để kết luận bác bị suy thận độ I (nồng độ creatinine này có thể gặp ở người nam bình thường hoặc người có khối lượng cơ nhiều).
Microalbumin niệu thường được chỉ định như là một xét nghiệm sàng lọc ở bệnh nhân bị các bệnh mạn tính như đái tháo đường hay tăng huyết áp để đánh giá nguy cơ suy thận tiến triển.
Xét nghiệm Microalbumin niệu có thể phát hiện bệnh thận ở giai đoạn rất sớm nên BS sẽ chỉ định trong những trường hợp nghi ngờ bệnh thận, giúp điều trị kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, vì quá nhạy cảm nên xét nghiệm này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, do đó cần thêm thông tin về Creatinine niệu tại thời điểm xét nghiệm, cũng như đánh giá của BS chuyên khoa về các vấn đề liên quan. Tương tự xét nghiệm Protein nước tiểu nếu test nhanh thì rất dễ bị nhiễu bởi nhiều yếu tố nên không đủ độ tin cậy.
Ngay cả ở người khoẻ mạnh, không bệnh tật gì thì độ lọc cầu thận cũng sẽ giảm dần khi lớn tuổi; người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp nếu được kiểm soát tốt thì diễn tiến bệnh thận sẽ tương đương với người bình thường, nếu kiểm soát huyết áp hoặc đường huyết kém thì bệnh thận cũng sẽ tiến triển nặng nhanh hơn. Do đó nếu đang được điều trị tốt các bệnh lý liên quan thì bạn cũng đừng quá lo lắng.
Hiện tại BS chưa thấy có lý do gì bác cần phải hạn chế đạm, cho dù có bệnh thận mạn giai đoạn 1 thì chức năng thận chưa suy giảm quá mức nên không cần quá kiêng khem. Bác chỉ cần tuân thủ tốt chế độ ăn cho người bệnh tăng huyết áp và tiểu đường là ổn.
Trân trọng.
Thận là hai cơ quan nằm sau lưng hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Khi thận bị tổn thương, các chất thải và nước có thể tích tụ trong cơ thể, gây phù ở mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược, ngủ kém, và khó thở. Bệnh thường gặp nhất hiện nay là suy thận mạn, bệnh làm tổn thương cấu trúc của thận trong nhiều năm. Ngoài ra còn có các loại bệnh sau đây: - Ung thư thận; - Nang thận; - Bệnh sỏi thận; - Nhiễm trùng. Người bị suy thận vẫn có thể tiếp tục sống, làm việc, đi chơi với bạn bè và gia đình, và hoạt động thể chất lành mạnh. Bạn có thể cần phải thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống để giúp bạn sống một cuộc sống lành mạnh hơn và lâu hơn. Vì đau tim và đột quỵ phổ biến hơn ở những người bị bệnh thận, những thay đổi này là tốt cho trái tim và thận của bạn. Thay đổi lối sống Một lối sống lành mạnh rất tốt cho những người bị bệnh thận, đặc biệt là nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hoặc cả hai. Nói chuyện với chuyên viên dinh dưỡng, bác sĩ chuyên về bệnh tiểu đường, để có lời khuyên hợp lí về chế độ ăn. Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg và ít hơn 2.300 miligam (mg) của natri mỗi ngày. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm soát nồng độ đường trong máu của bạn. Kiểm soát tốt glucose trong máu có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm biến chứng bệnh tiểu đường, trong đó có suy thận. Giữ cholesterol trong máu của bạn nằm trong phạm vi mục tiêu của bạn. Chế độ ăn uống, vận động, duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, và tất cả các loại thuốc có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu của bạn. Nếu bạn dùng thuốc, bạn cần theo chỉ định hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn hút thuốc, hãy thực hiện các bước để bỏ thuốc lá vì hút thuốc lá có thể làm tổn thương thận nặng hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất sẽ tốt cho huyết áp của bạn, cũng như mức độ glucose và cholesterol trong máu của bạn. Ngoài ra, thừa cân khiến thận của bạn làm việc vất vả hơn. Vì vậy, lên kế hoạch và thực hiện giảm cân ngay từ bây giờ sẽ giúp thận của bạn khỏe mạnh hơn. Thay đổi trong chế độ ăn uống Những gì bạn ăn và uống có thể giúp làm chậm sự phát triển suy thận. Một số thực phẩm có thể tốt hơn cho thận của bạn hơn những loại khác. Hầu hết các muối natri và các chất phụ gia mình ăn đến từ thực phẩm đã chế biến, không phải từ muối tinh. Ăn thức ăn nấu chín cho phép bạn kiểm soát những gì bạn ăn. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn gặp một chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn làm thế nào để lựa chọn những loại thực phẩm tốt, chứa những chất dinh dưỡng quan trọng cho suy thận của bạn. Đối với suy thận cấp, đôi khi người bệnh cần được chạy thận nhân tạo trong một vài tuần để chờ chức năng thận hồi phục. Việc chạy thận nhân tạo này chỉ là tạm thời nhằm loại bỏ các chất ứ đọng và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Người già và các đối tượng có nhiều bệnh nội khoa, người phải sử dụng nhiều thuốc là những người có nguy cơ cao bị suy thận cấp. Để phòng ngừa suy thận cấp ở những đối tượng nhạy cảm này, người bệnh cần uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi. Chú ý là người già nhiều khi cơ chế khát bị suy giảm nên họ thường không cảm thấy khát nước, do đó lượng nước họ uống trong ngày không đủ cho thận hoạt động tốt. Đối với suy thận mạn, triệu chứng bệnh diễn ra âm thầm và chỉ biểu hiện bất thường khi chức năng thận suy giảm rất trầm trọng, nhiều trường hợp chỉ biểu hiện khi suy thận đã đến giai đoạn cuối và lúc này bác sĩ không thể cứu vãn được gì. Để có thể phát hiện sớm bệnh thận mạn, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Các xét nghiệm máu và nước tiểu cơ bản có thể phát hiện ra bất thường ở thận. Nếu bệnh phát hiện sớm, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị thích hợp để làm chậm hoặc chặn đứng quá trình suy thận. Điều này rất tốt cho bệnh nhân, vì mặc dù đã có phương pháp điều trị thay thế thận nhưng tiên lượng tử vong rất cao vì những biến chứng tim mạch cũng như rối loạn điện giải, nhiễm trùng. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình