Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng: Đau thắt lưng, khám - chữa thế nào?

Sáng ngày 27/2, BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - BV Nhân dân 115 tư vấn về các dấu hiệu của đau thắt lưng cũng như phương pháp điều trị, cách phòng ngừa... với bạn đọc AloBacsi.


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.


BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng cho biết, xung quanh triệu chứng "đau thắt lưng" là nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản là một cơn đau tại lưng - Ảnh: Minh Hân

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

PHẦN 1: Giải đáp về chủ đề “Đau thắt lưng, khám - chữa thế nào?”

Đau thắt thắt lưng là triệu chứng phổ biến mà nhiều người thường gặp, nhất là khi bước sang tuổi trung niên. Xin hỏi bác sĩ, đau thắt thắt lưng do những nguyên nhân nào?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Đau thắt lưng có thể là biểu hiện bệnh của vùng cột sống thắt lưng và các gân cơ liên quan, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh các cơ quan nội tạng gần vùng cột sống thắt lưng. Với tuổi trung niên trở lên thì rõ ràng các bệnh lý vùng này cũng tăng lên theo lứa tuổi, đặc biệt là thoái hóa cột sống thắt lưng.

- Các nguyên nhân cột sống và gân cơ cạnh cột sống bao gồm: Đau do cơ cạnh cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm là những nguyên nhân hay gặp; các nguyên nhân ít gặp khác như lao, ung thư, viêm cột sống dính khớp, do tâm lý…

- Nguyên nhân do các cơ quan nội tạng vùng cột sống: Tất cả bệnh cơ quan nội tạng vùng cạnh cột sống thắt lưng đều có thể gây ra đau lưng. Hay gặp nhất gây đau thắt lưng là bệnh lý của 2 thận, bàng quang, bệnh lý vùng sinh dục nữ như buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt… Những bệnh vùng ruột non, ruột già, dạ dày cũng đôi khi biểu hiện ra ngoài bằng đau vùng thắt lưng.


Cơn đau mạn tính và cấp tính khác nhau như thế nào, thưa bác sĩ? Thế nào là đau mạn tính?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Khác nhau giữa đau mạn tính và cấp tính

- Khác nhau về thời gian tồn tại đau: Đau mạn tính là đau kéo dài trên 3 tháng cho dù được điều trị hay không điều trị.

- Về thành phần gây đau: Đau cấp thường là một yếu tố, còn đau mạn tính thường là nhiều yếu tố phối hợp. Những yếu tố này bao gồm những yếu tố tổn thương thực thể gây đau (gồm đau thụ thể và đau thần kinh) và các yếu tố khác như tâm lý cảm xúc, xã hội, tinh thần, tín ngưỡng…

Đau cấp tính thường là đau do tổn thương thực thể có thể kèm theo yếu tố lo lắng và thường điều trị khỏi trong một vài ngày. Đau mạn tính cũng thường xuất hiện với tổn thương thực thể, tuy nhiên do không được điều trị đúng cách hoặc do các yếu tố tâm lý, xã hội tác động mà dần dần trở thành mạn tính.

- Khác nhau về điều trị: Đau cấp thường chỉ cần đơn trị liệu còn đau mạn tính phải dùng đa trị liệu (dùng phối hợp giữa thuốc giảm đau, thuốc tác động tới thần kinh trung ương và các yếu tố khác như tập luyện, thư giãn, tâm lý trị liệu, âm nhạc trị liệu… kể cả các liệu pháp có tính tín ngưỡng, tôn giáo.

Khái niệm đau mạn tính: Đau mạn tính là đau kéo dài trên 3 tháng cho dù được điều trị hay không mà đau vẫn tồn tại. Trên thực tế thấy rằng đau mạn tính hay gặp với các đau xương khớp, đau do thần kinh.

 
Khi bị đau thắt lưng, thường thì bệnh nhân đến khám ở những khoa nào? Đau thắt lưng nên chữa theo tây y hay đông y?

Đau thắt lưng nên chữa theo tây y hay đông y? Ảnh minh họa - nguồn internet
Đau thắt lưng nên chữa theo tây y hay đông y? Ảnh minh họa - nguồn internet

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Đau vùng thắt lưng có thể khám ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ định hướng xem nguyên nhân đau thắt lưng do cột sống hay các cơ quan nội tạng quanh vùng thắt lưng hay do tại cột sống và các cơ vùng thắt lưng, từ đó sẽ khám chuyên sâu hơn. Nếu triệu chứng gợi ý đến do sỏi thận thì sẽ khám theo hướng thận – niệu, nếu nghĩ đến do bệnh ở vòi trứng thì sẽ khám theo hướng phụ khoa…

Nếu đau loại trừ các yếu tố cơ quan nội tạng thì có thể khám ở các chuyên khoa sau: Cơ xương khớp, thần kinh, vật lý trị liệu, kể cả các bác sĩ đông y.

Về việc điều trị đau thắt lưng (không phải do nguyên nhân cơ quan nội tạng gây ra), có lẽ không nên phân biệt rõ là nên chữa theo đông y hay tây y. Chúng tôi thường dựa vào chứng cứ về giá trị điều trị của từng phương pháp với đau thắt lưng.

Ngoài ra phải dựa vào nguyên nhân gây đau, dựa vào tính chất đau cấp hay mạn tính, đau thụ thể, đau thần kinh hay đau hỗn hợp, yếu tố tuổi tác, tâm lý tình cảm…

Qua thực tế làm việc nhiều năm với chuyên ngành đông y - vật lý trị liệu, chúng tôi nhận thấy tất cả các đau vùng thắt lưng đều có thể điều trị bằng đông y và vật lý trị liệu kể cả các nguyên nhân như sỏi thận, viêm bàng quang, đau bụng kinh… cho đến các nguyên nhân thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm cột sống dính khớp, ung thư xương cột sống… Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phân ra khi nào điều trị phối hợp với tây y, khi nào không nhất thiết phải phối hợp dựa vào nguyên nhân nào, dựa vào đau mạn tính hay cấp tính và dựa vào có bệnh phối hợp hay không, đặc biệt có viêm loét dạ dày- tá tràng hay không.

Ví dụ: Một bệnh nhân trẻ, bị đau thắt lưng cấp sau khi bê vác vật nặng, không có các bệnh kèm theo khác, thì ngoài châm cứu, bấm huyệt, cứu ngải, xoa bóp… thì để cho tăng nhanh khả năng bệnh nhân khỏi đau, trở lại được với công việc sớm thì chúng tôi vẫn thường phối hợp với thuốc giảm đau và giãn cơ; còn với bệnh nhân đau thắt lưng mạn tính kèm theo viêm gan, viêm loét dạ dày thì lại chỉ điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc kết hợp với tập luyện. Do đó, tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ linh hoạt áp dụng cho phù hợp.


Bị đau thắt lưng có thể điều trị bằng thuốc giảm đau nào? Khi nào thì đến bệnh viện chứ không tự điều trị tại nhà, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Điều trị đau thắt lưng được chia ra 2 nhóm là đau cấp và đau mạn tính.

Đau cấp: Thường điều trị bằng các thuốc giảm đau N’SAID (thuốc giảm đau không có steroid) kết hợp với thuốc giãn cơ trơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc còn phải dựa trên một vài tình trạng thực tế của bệnh nhân.

Ví dụ: Có bệnh tim do xơ vữa mạch, không nên chọn nhóm thuốc giảm đau COX2; viêm gan thì nên thận trọng khi sử dụng paracetamol, suy thận phải lựa chọn thuốc không đào thải qua thận; viêm loét dạ dày phải phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày…

Đau mạn tính: Việc lựa chọn thuốc giảm đau phải theo hướng có tác dụng tới thần kinh như Gabapentin, Amitriptyline… Nhưng cũng phải phù hợp tình trạng chung của bệnh nhân giống như trên.

Do đó, việc lựa chọn thuốc nào để điều trị nên phải có khám bệnh và tư vấn của bác sĩ hoặc tư vấn của dược sĩ. Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên dùng thuốc chữa đau cho mọi người bị đau thắt lưng.

Chọn thuốc nào để điều trị phải có khám bệnh và tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Ảnh minh họa - nguồn internet
Chọn thuốc nào để điều trị phải có khám bệnh và tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Ảnh minh họa - nguồn internet

̵  Đau thắt lưng phải đến bệnh viện khám khi:

+ Đau cấp, vận động vùng lưng đau tăng hoặc khó vận động.

+ Đau kéo dài, điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường không khỏi.

+ Đau từ thắt lưng lan xuống vùng mông, chân, có thể có cảm giác tê đi kèm. Đau tăng lên khi đi hoặc ngồi lâu.

+ Đau kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đi tiểu buốt, tiểu nóng, đau về đêm gần sáng (do nghĩ đến đau do viêm dường tiết niệu, sỏi niệu quản gây ứ nước tiểu).

̵  Đau thắt lưng có thể tự điều trị tại nhà:

+ Đau cấp nhưng ít ảnh hưởng tới vận động và đau không lan.

+ Đau sau khi đi lại đường xa, sau một ngày đột xuất phải đứng lâu, ngồi lâu mà mức độ đau không dữ dội.

+ Đau bụng kinh đã có trải qua nhiều lần.


Châm cứu và vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị đau thắt lưng theo nguyên lý/cơ chế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Nguyên tắc điều trị đau vùng thắt lưng là phải giảm đau và làm cho khối cơ cạnh cột sống lưng được cân xứng.

Điều trị đau bao giờ cũng theo 3 cơ chế: Giảm đau tại chỗ, giảm đau theo cơ chế kiểm soát cổng và điều trị đau theo cơ chế kiểm soát đau ở tầng thần kinh trung ương.

Châm cứu đạt được cả 3 cơ chế giảm đau trên, do đó có tác dụng giảm đau rất tốt và đã được khuyến cáo là phương pháp tốt để lựa chọn điều trị đau thắt lưng.

Theo quan niệm Y học cổ truyền thì đau (thống, tý) là do khí huyết bế tắc hoặc do khí huyết không đủ, châm cứu là phương pháp tác động trực tiếp lên kinh mạch (nơi khí huyết lưu thông để nuôi dưỡng và điều hòa các tạng phủ) để đả thông sự bít tắc kinh mạch, khi khí huyết lưu thông thì đau sẽ hết. Với các trường hợp khí huyết không đủ, châm cứu có tác dụng điều hòa lại công năng của các tạng phủ để điều hòa lại khí huyết, những trường hợp này thường phối hợp với dùng thuốc Y học cổ truyền.

Các phương pháp vật lý trị liệu cũng dựa trên các nguyên tắc và cơ chế giảm đau trên. Sóng ngắn, siêu âm được lựa chọn cho mục đích giảm đau tại chỗ; điện xung, xoa bóp có tác dụng thông qua cả 3 cơ chế, từ trường có tác dụng thông qua cơ chế kiểm soát đau trung ương. Riêng với kéo giãn cột sống có tác dụng nhiều cho giãn cơ và điều trị nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm.


Có thể phẫu thuật để chữa đau thắt lưng không ạ? Đây có phải là phương pháp điều trị dứt điểm?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Đau thắt lưng đa số điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật. Để quyết định có phẫu thuật hay không cần phải khám, kèm theo với nhiều phương pháp chụp hình ảnh, xét nghiệm, đánh giá tổng trạng người bệnh…

Đau vùng cột sống thắt lưng cần phẫu thuật trong một số trường hợp:

- Thoát vị đĩa đệm nặng, có mảnh vỡ đĩa đệm, đau nhiều, kèm tê và teo cơ chân.

- Trượt đốt sống từ độ 2 trở lên.

- Một số trường hợp đặc biệt khác do bác sĩ khám, phân tích và quyết định phẫu thuật hay không.

Phẫu thuật để điều trị đau ở vùng thắt lưng thì áp dụng cho khá nhiều nguyên nhân gây đau. Ở đây chỉ nói về phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, là phẫu thuật thường được áp dụng với nhiều cách phẫu thuật khác nhau và ngày càng có xu thế để phẫu thuật ít ảnh hưởng tới cấu trúc của đĩa đệm và các mô xung quanh nhất, hơn nữa còn thay thế được cả đĩa đệm bị hư hỏng không thể sửa chữa.

Về mặt giải phẫu của cột sống, các đốt sống sẽ được xếp chồng lên nhau qua 3 điểm là 2 khớp bên đốt sống và đĩa đệm giống như kiềng 3 chân. Do đó, khi phẫu thuật thường làm cho một chân là đĩa đệm xẹp thấp xuống và làm ít nhiều lệch trục của 3 điểm tì của các đốt sống, điểm này rất dễ làm cho cột sống thoái hoá và tạo gai xương ở khớp bên đốt sống.

Chính vì vậy, phẫu thuật là phương pháp điều trị lựa chọn phù hợp với tình trạng bệnh và cũng chưa thể coi là điều trị “dứt điểm”, ngay cả với thay đĩa đệm nhân tạo cũng không phải là điều trị dứt điểm.


PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI

FB T. Phan

Xin chào bác sĩ,

Em đau lưng  và tê chân trái 2 tháng rồi.  Sau tết em đi khám, chụp chiếu thì bác sĩ chẩn đoán là gai đôi cột sống lưng từ bẩm sinh. Trong phần chẩn đoán hình ảnh, BS ghi: bị gai đôi cột sống S1; cùng hóa L5 bên trái; không trượt, xẹp các thân đốt sống; chưa thấy hình ảnh tổn thương xương khớp khung chậu trên phim.

Bệnh của em có cách nào điều trị cho lành không bác sĩ? Trong sinh hoạt cần lưu ý điều gì ạ? Em cảm ơn bác sĩ!

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào bạn T. Phan,

Tình trạng bạn mô tả là đau thắt lưng và tê một chân (chân trái), thường thì nghĩ đến là do thần kinh toạ.

Với mô tả về phim được chụp thì có thể là phim chụp X-quang với chẩn đoán là gai đôi cột sống. Tuy nhiên với chẩn đoán như vậy thì chưa rõ ràng, nhất là với cột sống thắt lưng nếu chẩn đoán gai đôi cột sống thì ít có ý nghĩa trên thực tế, vì người ta quan tâm tới hở cung sau đốt sống hơn.

Còn triệu chứng đau thắt lưng và tê chân trái, theo kinh nghiệm của tôi thì đa số do thoát vị đĩa đệm gây nên, nên bạn nên khám và chẩn đoán kỹ hơn, ví dụ như chụp phim cộng hưởng từ (MRI), điện cơ…

Ngoài ra một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tê chân như viêm rễ dây thần kinh do nguyên nhân khác, bệnh lý toàn thân như tiểu đường…

Nếu được chẩn đoán là bệnh dây thần kinh toạ do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì hoàn toàn có thể chữa lành bằng nhiều phương pháp khác nhau như thuốc, các phương pháp không dùng thuốc của vật lý trị liệu - y học cổ truyền.


Phó Sĩ Thoại - hoaitinh...@gmail.com

Kính chào bác sĩ,

Tôi 83 tuổi, bị hẹp ông sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống lưng thuộc loại nặng, cần mổ, nhưng các bác sĩ đã từ chối. Hiện tại lưng tôi rất đau, không ngồi lâu được. Không đứng được nếu không vịn. Rất đau từ lưng đến chân. Hai cánh tay phải cũng đau, các ngón tay bị co rút.

Xin bác sĩ cho biết tôi có thể dùng An Tâm Khớp của Viện Đông y hay không? Thuốc này có thể làm thuyên giảm hay ngăn chặn sư gia tăng căn bệnh hay không? Rất mong được sự giúp đỡ của bác sĩ. Kính chúc bác sĩ vạn sự lành.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Thưa bác Thoại,

Với người lớn tuổi, thoái hoá cột sống và thoát vị đĩa đệm làm hẹp ống sống khá thường gặp. Việc điều trị phẫu thuật có khi không thực hiện được do không đủ điều kiện sức khỏe cho cuộc mổ. Việc lựa chọn các phương pháp không dùng thuốc hoặc thuốc đông y là cách tốt để giúp cho đỡ đau hơn, ngủ tốt hơn, bớt mệt mỏi hơn...

Việc lựa chọn bài thuốc "An tâm khớp" chúng tôi cho là sử dụng được nếu bác đọc kỹ hướng dẫn khi dùng (vì chúng tôi không tra cứu được bài thuốc gồm những thành phần nào) và thuốc được sản xuất bởi bệnh viện thì có nguồn gốc rõ ràng. Còn việc bác hỏi thuốc này có giúp thuyên giảm hay ngăn chặn bệnh hay không thì chúng tôi cũng không thể trả lời chắc chắn vì không biết rõ thành phần của thuốc.

Với trường hợp của bác, chúng tôi xin có lời khuyên:

1. Tập vận động cột sống: Cách làm: Nằm ngửa, 2 chân co 90 độ, bàn chân đặt xuống mặt giường, 2 tay dang ngang, không gối đầu. Tập bằng vận động xoay đầu sang một bên và chân về bên đối diện, rồi làm ngược lại, làm như vậy ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần xoay khoảng 20 nhịp.

2. Xoa bóp vùng cổ: Tự làm hoặc nhờ người giúp bằng cách dùng ngón tay vuốt dọc 2 khối cơ cạnh cột sống cổ từ dưới lên trên, mỗi lần làm khoảng 5 đến 10 phút.

3. Tham khảo xem các trung tâm vật lý trị liệu để điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như tập vận động, xoa bóp, điện xung, sóng ngắn... có thể cải thiện được các triệu chứng của bác.

4. Hỏi thêm ý kiến bác sĩ về ngoại thần kinh hay nội thần kinh xem có thể phối hợp thêm thuốc nào phù hợp không.

Nếu bác ở TPHCM, bác có thể đến Bệnh viện Nhân dân 115, chúng tôi có thể khám và tư vấn cho bác sát thực với tình trạng của bác nhất.

Kính chúc sức khỏe bác. Thân mến.

(Còn tiếp)

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng đã dành nửa ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 để chăm sóc "bệnh nhân online, chia sẻ những thông tin hữu ích về triệu chứng đau thắt lưng, biết hướng khám đúng nơi để được điều trị hiệu quả. Kính chúc bác sĩ luôn mạnh khỏe và mãi là điểm tựa của bệnh nhân.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X