Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Trẻ bị nôn ói, cha mẹ phải làm gì?

15g chiều 27/2, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình " tiếp tục lên sóng" trong chương trình giao lưu trực tuyến: “Trẻ bị nôn ói, cha mẹ phải làm gì?”...


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tuần nào cũng đều đặn có mặt 3 buổi chiều ở VP AloBacsi để giao lưu và trả lời thắc mắc của các ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi con nhỏ. Ảnh: Viết Hưởng.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Vì sao trẻ nhỏ thường hay nôn ói vậy bác sĩ? Nôn ở trẻ nhỏ báo hiệu bệnh gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nôn ói là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện. Ngoài ra, trẻ bị ép ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú; do không dung nạp thức ăn, trẻ mới bắt đầu ăn dặm với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá một loại thức ăn nào đó…

Nôn thường là lành tính và  tự khỏi sau 6 - 24 giờ. Nếu trẻ vẫn ăn, ngủ, sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe, bé vẫn khỏe mạnh và lên cân thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn của bé là được.

Tuy nhiên, khi trẻ bị nôn nhiều lần kèm theo sốt, ho, sổ mũi, phát ban, đi ngoài phân lỏng, bé bỏ ăn,… thì đó là dấu hiệu cảnh báo bé bị bệnh lý về đường tiêu hóa, hô hấp hay bệnh lý toàn thân. Lúc này bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế sớm để bác sĩ khám xác định bệnh và có hướng điều trị thích hợp.

AloBacsi tặng hoa chúc mừng BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Ảnh: Viết Hưởng.

Các mức độ nôn ói của trẻ được tính như thế nào (nôn khan, nôn trớ, nôn vọt…)?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường nôn ra một chút sữa trong và sau khi bú, đôi khi kèm theo tiếng ợ hơi. Có những trẻ thỉnh thoảng mới bị nhưng cũng có trẻ nôn trong tất cả các lần bú là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, khi trẻ lớn dần lên sẽ khỏi, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, có khi triệu chứng nôn là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.

Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Nhưng cũng có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay bệnh lý toàn thân…

Nôn khan là hiện tượng nôn ra một ít nước nhớt, thường xảy ra ở trẻ bị viêm họng, viêm amidan hay trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản,… Phụ huynh cần sớm đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám, chẩn đoán xác định và kê đơn thích hợp.

Nôn vọt là hiện tượng chất nôn trào mạnh ra ngoài miệng trẻ thành vòi. Nếu trẻ có biểu hiện nôn vọt phải đưa bé đi đến bệnh viện để bác sĩ khám chẩn đoán xác định bệnh và xử lý kịp thời vì đây là dấu hiệu bệnh lý như: hẹp hay phì đại môn vị là bệnh lý bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ nhỏ (môn vị là phần dạ dày nối liền với tá tràng).

Trẻ em là đối tượng dễ bị n
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên nôn ói. Nguồn Internet

Trẻ bị nôn ói khiến nhiều cha mẹ lo lắng, vậy khi nào cha mẹ phải đưa con đi viện và cần đến bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi trẻ nôn kéo dài hoặc nôn kèm theo: sốt trên 39 độ, đau bụng, lơ mơ khó đánh thức, co giật, nôn ói liên tục trên 24 giờ, ăn uống kém, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu mất nước do nôn ói nhiều gồm những gì ạ? Và nên bù nước cho bé như thế nào? Có cha mẹ dùng dung dịch Oresol nhưng bé uống vào lại nôn ra ngay, vậy thay thế bằng nước dừa được không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Sau khi nôn ói bé có các dấu hiệu mất nước như: môi miệng khô, khát nước, ít nước mắt, mắt trũng sâu, bàn tay và bàn chân lạnh, tiểu ít, da nhăn, lừ đừ... thì nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ khám và xử trí kịp thời.

Nôn ói nhiều có thể khiến bé bị mất nước. Do đó, cần bổ sung nước cho bé bằng cách cho bé uống thêm dung dịch bù nước như gói Oresol. Đối với các bé đang bú mẹ hoặc bú sữa công thức thì mẹ cho bé bú nhiều hơn.

Nếu bé không uống được nước Oresol thì có thể thay thế bằng nước dừa, các loại nước ép trái cây, hay dung dịch muối đường,… (bù 50ml/1kg cân nặng trẻ).


Biện pháp nào tại nhà giúp trẻ đỡ nôn? Việc xoa dầu, xoa bụng, xoa lưng, bấm huyệt, uống nước gừng có giúp trẻ đỡ nôn không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Khi bé bị nôn thì:

- Không nên ép trẻ ăn quá no

- Khi cho bé bú bình nên cầm nghiêng bình sữa 45 độ cho sữa ngập hết cổ chai

- Không cho trẻ ngậm đầu vú giả

- Sau khi ăn hoặc uống nên bồng bé đứng thẳng 10-15 phút, vỗ nhẹ vào lưng bé để bé ợ hơi

- Không quấn rốn quá chặt

- Cho bé ở trong môi trường thoáng mát. Tư thế nằm đầu, vai, mông thẳng, đầu cao khoảng 15 - 30 độ. Có thể cho trẻ nằm nghiêng, đặc biệt là nghiêng trái giống như tư thế bé nằm trong bụng mẹ.

Ngoài ra, việc xoa dầu, xoa bụng, xoa lưng, bấm huyệt và uống nước gừng (đối với trẻ trên 2 tuổi) cũng giúp cho bé đỡ nôn.

Mẹ nên vỗ nhẹ vào lưng bé khi con trẻ bị nôn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mẹ nên vỗ nhẹ vào lưng bé khi con trẻ bị nôn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Tuổi nào thì bé được uống thuốc chống nôn? Liều lượng như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nếu trẻ bị nôn nhiều lần sẽ bị mất nước và các chất điện giải, vì vậy trước mắt cần cho trẻ bù lại bằng thức ăn lỏng, uống nhiều nước sôi để nguội, nước ép trái cây, sữa hoặc các dung dịch bù nước như Oresol, Hydrite.

Trên thị trường có rất nhiều thuốc chống nôn dành cho nhiều lứa tuổi ở trẻ nhỏ. Do đó, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn mà chỉ sử dụng đúng liều lượng theo toa bác sĩ.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình bên những lẵng hoa tươi thắm tại văn phòng AloBacsi.Ảnh: Viết Hưởng.

Với trẻ hay nôn ói, nấu ăn cho bé phải lưu ý điều gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Đối với trẻ hay nôn ói, khi nấu ăn cho bé cần tránh các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu vì chúng khó tiêu hóa hơn. Tránh thức ăn có hàm lượng đường cao, béo và nhiều gia vị; nấu cữ nào ăn cữ đó, không nên để quá 60 phút; thức ăn không được hâm đi hâm lại nhiều lần.


Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách cho bú để trẻ không bị nôn trớ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Nôn trớ là hiện tượng thường xãy ra ở bé dưới 06 tháng tuổi. Để khắc phục tình trạng này nên chia nhỏ thời gian bú để giúp bé tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra:

- Với những bé bú bình, mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ và dùng núm vú có kích thước phù hợp với miệng bé để tránh bé nuốt quá nhiều không khí trong lúc bú.

Nên cho con bú sữa nghiêng 45 độ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nên cho con bú bình sữa nghiêng 45 độ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

- Với những bé bú mẹ, nên tránh lượng sữa cho bé bú chảy ra nhiều hơn lượng sữa miệng bé có thể nuốt mỗi lần, như vậy sẽ khiến dịch trong dạ dày bé bị trào lên làm bé bị nôn trớ.

Đồng thời, khi cho bé bú xong mẹ nên bồng bé ở tư thế đầu cao khoảng 10-15 phút , đầu trẻ ngã vào vai mẹ và lấy tay vỗ nhẹ vào lưng bé cho bé ợ hơi để giảm bớt lượng khí thừa bé đã nuốt vào, tránh làm bé bị đầy bụng, khó tiêu.

- Không nên cho bé ngửi mùi thuốc lá.

- Bú xong khoảng 30 phút mới cho bé uống nước.

- Đối với bé sơ sinh không nên quấn băng rốn và mặc quần áo quá chật.

Nếu cải thiện bằng nhiều cách nhưng bé vẫn bị nôn trớ thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị cho bé.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình chụp hình lưu niệm cùng các biên tập viên AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long.

Một số trường hợp trẻ cố tình nôn để làm nũng, vòi vĩnh, theo bác sĩ thì cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé cố tình làm nũng là do nhiều nguyên nhân:

- Bé muốn người lớn quan tâm hơn.

- Bé đòi làm theo ý mình nhưng không được.

- Bé muốn được cưng hơn khi có nhiều bé xung quanh mình.

Lúc này, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé cố tình nôn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bố mẹ sẽ có hướng giải quyết để con không cố tình nôn mà ăn uống vui vẻ nhằm hấp thu tốt dưỡng chất, phát triển bình thường như ban bè cùng trang lứa.

Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ

Ngay khi trẻ nôn trớ, mẹ phải nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.

Tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

Nếu trẻ bị trớ khi ngủ hãy đặt trẻ nằm yên, kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên của bé cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị trớ sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần cho uống luân phiên 50ml nước đường sau mỗi 30 phút.

Trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.

Sau khoảng 12 tiếng, khi bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường. Nên bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống sữa, ăn sữa chua và tuyệt đối không ăn, uống đồ lạnh.

Cho bé đi ngủ, tránh đùa nghịch để hạn chế thức ăn lại bị trào ngược ra ngoài.

AloBacsi trân trọng cảm ơn bác sĩ BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ những thông tin hữu ích về triệu chứng nôn ói ở trẻ, giúp các bậc phụ huynh có con nhỏ hiểu rõ, thực hành điều trị đúng cách, xóa tan những lo âu khi gặp phải tình huống này.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào lần tư vấn tiếp theo vào thứ Sáu ngày 1/3/2019.

Trân trọng.


Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X