Hotline 24/7
08983-08983

Bị trượt đốt sống có tự phục hồi hay không?

Câu hỏi

Em chào BS, Em là nam, năm nay 30 tuổi, bị viêm cột sống dính khớp năm 12 tuổi, điều trị bệnh đến nay đã được 18 năm và hiện còn đang uống thuốc Methotrexate hàng tuần (12,5mg). Nhìn chung bệnh của em tạm ổn, sinh hoạt đi đứng, khom cúi bình thường và có đạp xe hàng ngày. Cách đây 1 năm sau lần đạp xe quãng đường hơi xa và dằn xóc (30km) về nhà em có bị đau thắt lưng và mông, kiểu đau cấp phải ra tiệm thuốc mua thêm thuốc giảm đau kháng viêm về uống được 1 tuần thì đỡ dần và lướt qua. Em có đi chụp Xquang cột sống kiểm tra xem có vấn đề gì không thì BS kết luận hở eo L5, trượt đốt sống L5 ra trước độ 1, độ 2, gai đôi S1. Em có đi khám chuyên khoa, BS cho chụp hình lại và cũng kết luận như vậy, khuyên không nên khiêng nhấc vật nặng. Vừa rồi em có đi chụp Xquang (chỗ chụp lần đầu) thì BS kết luận "độ cong cột sống bình thường, thân đốt sống không có ảnh bất thường, đĩa đệm không có ảnh bất thường". BS cho hỏi việc em bị trượt đốt sống có tự phục hồi hay không hay tại kỹ thuật viên chụp không đúng tư thế nên chẩn đoán không chính xác? Ngoài ra cho em hỏi hình Xquang xương chậu em như trong hình có ổn không, có bị tổn thương nhiều chưa? Em xin cám ơn BS. Chúc BS và gia đình sức khỏe và hạnh phúc.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Ảnh do bạn đọc cung cấp
Ảnh do bạn đọc cung cấp

Chào bạn,

Chẩn đoán trượt đốt sống bằng hình ảnh chủ yếu dựa trên Xquang cột sống và có thể đo được độ trượt dựa trên mức độ trượt so với đường kính trước sau của thân đốt sống bị trượt. Xquang động cột sống thắt lưng tư thế cúi tối đa và ưỡn tối đa là phương pháp tốt nhất phát hiện những chuyển động bất thường trong bệnh lý mất vững cột sống.

Đối với Xquang nghiêng cột sống thông thường, ngay cả ở những BV lớn trên thế giới, tỷ lệ sai số khi đọc kết quả có thể lên tới 15%, nhất là ở những trường hợp trượt đốt sống mức độ thấp (độ 1, 2). Rất may là chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào độ mất vững của cột sống, mức độ chèn ép thần kinh nên những trường hợp nhẹ thường điều trị bảo tồn, ít dẫn tới mổ nhầm.

Trên phim Xquang có thể thấy khớp cùng chậu đã có tổn thương, nhưng đây chỉ là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh; không phải là dấu hiệu tiên lượng và không đủ để theo dõi diễn tiến bệnh. Cần phải theo dõi thêm các dấu hiệu tại các khớp khác, các biểu hiện ngoài khớp, các dấu ấn viêm…

Trường hợp của bạn chưa thấy dấu hiệu cầu xương ở cột sống nên có thể xem là tiên lượng bệnh còn tốt, bạn nên tích cực tập luyện và tái khám thường xuyên theo chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X