Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ nước ngoài đến Cần Thơ cập nhật kiến thức về khớp vai và khớp cổ chân

Ngày 05/12/2019, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tổ chức “Chương trình Cập nhật kiến thức về khớp vai và khớp cổ chân” với sự tham gia của 3 báo cáo viên gồm: TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - BV Nguyễn Tri Phương, BS Peter Campell - Úc và BS Andrew Beisher - Úc.

Mở đầu hội thảo, BS Peter Campell mang đến bài giảng “Chiến lược điều trị rách chóp xoay”. BS Peter cho biết khớp vai có hai nhóm cơ: nhóm cơ bên ngoài giúp di chuyển cánh tay; nhóm cơ trong bám vào xương bờ vai, có nhiệm vụ giúp xương cánh tay áp vào ổ chậu, giữ vững tầm vận động vùng vai.

Khi gân chóp xoay rách thường có triệu chứng: đau, bất thường vận động (khó cử động), bất thường lực cơ (yếu tay), trong đó đau là triệu chứng nổi trội nhất. Nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân đến khám vì đau nhưng đo lực cơ và lực vận động bình thường.

Quá trình chẩn đoán bệnh thường thông qua bệnh sử, lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (Xquang, MRI) để phân loại rách.

BS Peter Campell đang công tác tại Bệnh viện St John of God Subiaco - Úc.

BS Peter cho hay rách chóp xoay không thể tự lành, mổ thường cho kết quả tốt. Nguyên tắc mổ đó là sửa chỗ bám gân - xương, tái lập giải phẫu và chức năng.

Mổ mở vẫn là phương pháp truyền thống được áp dụng phổ biến và không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật. BS Peter cho biết thường các bệnh nhân tìm đến ông là do các phương pháp điều trị bảo tồn, vật lý trị liệu đã thất bại.

Chóp xoay không sửa được khi: gân đã bị tuột và co rút vào trong; chỏm xương cánh tay bị đẩy lên trên quá nhiều; thoái hóa khớp vai; viêm khớp dạng thấp đi kèm tổn thương khớp; thoái hóa mỡ nhiều hơn cơ.

Cho đến nay, điều trị chóp xoay vai nên nội soi hay mổ mở vẫn đang gây tranh cãi. Các nghiên cứu gần đây cũng khẳng định sử dụng mảnh ghép sinh học không hiệu quả, chi phí đắt.

Với phẫu thuật nội soi sẽ cho những lợi thế như chẩn đoán tốt, tăng khả năng quan sát bên trong, tăngkhả năng tiếp cận, không ảnh hưởng cơ delta, có tính thẩm mỹ.

Bên cạnh đó cũng có nhiều lo ngại bởi các phẫu thuật viên thường bị chi phối, dẫn dắt bởi các công ty sản xuất; việc phẫu thuật phụ thuộc trang thiết bị (máy soi, ống soi, bơm nước…), chi phí đắt, quá trình đào tạo phẫu thuật viên về nội soi khó và lâu dài, bệnh nhân dễ thỏa hiệp với các hậu phẫu, và sự marketing của phẫu thuật viên đối với bệnh nhân.

Với phương pháp mổ truyền thống, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ gây tê thần kinh trên vai chứ không gây tê đám rối thần kinh cánh vai - đây là phương pháp gây mê Việt Nam thường sử dụng. Trước ca mổ bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng nội soi. Sau đó sẽ xẻ dọc một đường khoảng 3-4cm bên ngoài và tiến hành cắt lọc cơ delta, tiến vào vùng rách chóp xoay quan sát, xử trí tổn thương bằng cách khoan đường hầm vào củ lớn xương cánh tay. Cuối cùng thực hiện khâu kín bằng 2 đường chỉ.

Đối với bác sĩ Peter, phương pháp mổ hở khoan qua đường hầm xương không quá phức tạp, nhanh gọn, chi phí rẻ, tuy sẽ để lại vết sẹo khoảng 3-4cm nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến thẩm mỹ.

Bên cạnh bài giảng, các bác sĩ cũng tiến hành chẩn đoán thị phạm cho 2 trường hợp bệnh nhân. Bệnh nhân nữ đầu tiên gần 60 tuổi, bị té tuần trước và ảnh hưởng khớp vùng vai. BS Peter nhìn, sờ, kiểm tra lực cơ và chẩn đoán qua phim Xquang. Cơ phía sau bị bẹt, phía trước gồ, đây là hiện tượng biến dạng. Bệnh nhân bị hạn chế đưa tay ra trước dẫn đến hạn chế khớp vai. Chỏm chết sẽ thay khớp vai, nhưng nếu chỏm còn sống thì sẽ tiến hành đục xương chỉnh trục. Bệnh nhân sẽ được tiến hành chụp CT và MRI để có cơ sở chẩn đoán chỏm.

BS Peter Campell và BS Tăng Hà Nam Anh đang kiểm tra tình trạng khớp vai một bệnh nhân

Bệnh nhân nam 70 tuổi bị đau vai đã lâu, vai phải sưng hơn vai trái, cơ lưng không bị teo. Phim Xquang cho thấy bị hủy xương chỏm cánh tay, khớp cùng đòn… BS Nam Anh và BS Peter chỉ định bệnh nhân chụp thêm MRI và sẽ tiến hành lấy u sinh thiết xem bệnh nhân có bị lao, nhiễm trùng độc tố hay tăng sinh màng lao khớp không, và sẽ có phương pháp điều trị phù hợp khi có kết quả chẩn đoán lâm sàng.

Sau đó, đích thân BS Peter mổ thị phạm ca bệnh bị rách chóp xoay và cho kết quả tốt.

BS Campell đang tiến hành ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

BS Andrew Beisher mang đến hội thảo với chuyên đề về “Đau khớp cổ chân - các nguyên nhân thường gặp và cách điều trị”. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đau khớp cổ chân chủ yếu vẫn là do thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Những trường hợp này bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng các phương tiện chụp chiếu, sau đó mới quyết định điều trị như thế nào. Với những trường hợp thất bại sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Đối với giai đoạn cuối của tổn thương khớp cổ chân, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị gồm có thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc chứa corticoid hoặc luyện tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân lớn tuổi bác sĩ sẽ cân nhắc việc mang nẹp hay không.

BS Andrew Beisher - Giám đốc đào tạo các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình Viện Victoria

Hàn khớp cổ chân là một phương pháp mới trong phẫu thuật điều trị đau khớp cổ chân bên cạnh thay khớp. BS Andrew Beisher cho biết việc thay khớp thực sự không dễ và kết quả mang lại không quá tuyệt vời. Hàn khớp cổ chân thường có kết quả khá tốt và lâu dài, 99% trường hợp bệnh nhân hàn khớp cho biết họ hài lòng với kết quả điều trị. Nếu thay khớp 90 - 95% sống thêm 10 năm, tuy nhiên đó là lời quảng cáo từ phía nhà sản xuất. Tỷ lệ thất bại thay khớp sau 10 năm là hơn 14%, tuy nhiên có thể cao hơn so với số liệu được báo cáo.

Bên cạnh đó, đối với phương pháp thay khớp, tỷ lệ thất bại bệnh nhân dưới 55 tuổi cao hơn so với từ 65 tuổi trở lên, vì vậy bác sĩ khuyến cáo không nên thay khớp cổ chân cho người dưới 65 tuổi.

Vậy, khi nào nên thay khớp? BS Andrew Beisher khuyến cáo các bệnh nhân trên 65 tuổi, không biến dạng cổ chân, cổ chân không còn có chức năng trụ vững.

Việc hàn khớp cổ chân giúp bảo tồn xương cổ chân chứ không thay hoàn toàn. Sau hàn khớp, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sinh hoạt, chạy nhảy, tư vấn 10 năm sau khớp dưới sẽ bị xơ. Hơn 65% bệnh nhân sau hàn khớp không đi khập khiễng, nhưng có thể bị hẹp gót bàn chân.

Vậy, những trường hợp nào nên hàn khớp? Khớp hư, bề mặt da sưng, béo phì... lúc này sẽ có các phương pháp mổ nội soi, mổ mở… Phần lớn các bệnh nhân đều hài lòng với phương pháp hàn khớp.

Cuối cùng, TS.BS Tăng Hà Nam Anh mang đến hội thảo bài báo cáo nhỏ “Hội chứng chèn ép thần kinh trên bả vai: bệnh lý bị bỏ sót”. BS Nam Anh cho biết tổn thương thần kinh trên vai có những triệu chứng như đau âm ỉ vùng phía sau ngoài khớp vai, đưa tay quá đầu dễ gây đau, teo cơ trên vai và dưới vai. Những biểu hiện này thường dễ chẩn đoán lầm với thoái hóa cột sống cổ. Quan trọng nhất là bác sĩ khám lâm sàng phải chẩn đoán đúng, sau đó kết hợp với vai trò của đo điện cơ sẽ cho ra đúng bệnh.

Kiểm tra MRI phải cho thấy có thoái hóa mỡ gân cơ trên gai hay dưới gai? Có hiện tượng chèn ép không? Có tổn thương sụn viền, khớp vai không?

Điều trị hội chứng chèn ép thần kinh trên bả vai thường bằng thuốc Methylcablamin, nếu thất bại trong điều trị nội khoa sẽ nội soi, bít lỗ, sau đó mổ mở hoặc nội soi để lấy nang. Nếu bệnh nhân teo cơ sẽ không hồi phục, vì vậy BS Nam Anh thường hướng đến điều trị trước khi teo cơ. Phương pháp điều trị này thường cho kết quả tốt.

 

BS Peter Campell hiện là Trưởng khoa Chỉnh hình - Bệnh viện St John of God Subiaco, Giảng viên cao cấp lâm sàng Đại học Tây Úc.

BS Beischer là người sáng lập và đứng đầu Phòng khám Chấn thương Chỉnh hình Victoria tại Bệnh viện Epworth ở Melbourne. Ông hiện là Giám đốc đào tạo các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình Viện Victoria trong lĩnh vực phẫu thuật chân và mắt cá chân.

 

Hải Yến - Ảnh: Đức Thịnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X