Hotline 24/7
08983-08983

6 quan niệm thường gặp về đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng để hiểu đúng về bệnh này thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là 6 nhận định thường gặp về đái tháo đường thai kỳ.

Nhờ những tiến bộ y học hiện đại, bác sĩ đã có thể nhanh chóng phát hiện và điều trị bệnh đái tháo đường trong thai kỳ. Tuy nhiên, những người đã, đang và chuẩn bị mang thai đều cần bổ sung kiến thức để chủ động phòng tránh, cũng như kiểm soát kịp thời căn bệnh này.

Nhận định: Đái tháo đường thai kỳ rất hiếm xảy ra

Sai. Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng glucose máu xảy ra lần đầu tiên trong thai kỳ, được phát hiện bằng nghiệm pháp dung nạp glucose (Đái tháo đường thai kỳ cần phân biệt với các trường hợp đái tháo đường đã có từ trước, bây giờ mang thai hoặc đái tháo đường có từ trước nhưng chưa được phát hiện). Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam. Tùy theo từng quốc gia, tỷ lệ phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ dao động trong khoảng 5-10%. Căn bệnh này có thể xuất hiện với bất kỳ ai và không có triệu chứng gì cụ thể. Vậy nên bạn không được phép chủ quan, phớt lờ khâu kiểm tra glucose máu.

Nhận định: Chế độ dinh dưỡng và tập thể dục sẽ giúp kiểm soát bệnh

Đúng. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cường độ tập luyện phù hợp là hai giải pháp hàng đầu cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, bác sĩ vẫn có thể chỉ định thuốc để điều trị, giúp cân bằng mức glucose máu. Đa phần các loại thuốc này đều không ảnh hưởng đến thai kỳ. Nếu thấy bất an hoặc không khỏe, bạn có thể trình bày với bác sĩ để nhận được tư vấn ngay.

Nhận định: Tôi không bị béo phì nên cũng sẽ không bị đái tháo đường thai kỳ

Sai. Thừa cân, béo phì chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai vẫn có thể mắc bệnh và phải được làm xét nghiệm để chẩn đoán ngay trong lần khám thai đầu tiên. Cách chính xác nhất là bạn nên khám thai theo đúng định kỳ. Nhờ đó bác sĩ sẽ tiến hành đo mức glucose máu khi cần thiết.

Nhận định: Tôi sẽ biết khi nào mình bị đái tháo đường thai kỳ

Sai. Bệnh đái tháo đường thai kỳ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì cụ thể. Nếu chủ quan, bạn đang tự đưa bản thân mình và thai nhi vào tình trạng nguy hiểm. Hiện nay, cách phát hiện bệnh là tiến hành đo mức glucose máu trong thời gian mang thai, khoảng tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ và sớm có biện pháp điều chỉnh.

Khám thai theo định kỳ để sớm phát hiện bệnh
Khám thai theo định kỳ để sớm phát hiện bệnh

Nhận định: Đái tháo đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi sinh con

Không hoàn toàn. Bệnh có thể biến mất sau khi sinh con, và phần đông phụ nữ có mức glucose máu trở lại bình thường. Thế nhưng, điều đó chỉ xảy ra khi bạn kiểm soát bệnh thành công nhờ rèn luyện thói quen sống lành mạnh (và đôi khi là kết hợp dùng thuốc). Ngược lại, bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ và bé cả trước, trong và sau khi sinh.

Nhận định: Đái tháo đường thai kỳ khiến bạn sinh non hoặc sinh khó khăn

Không hoàn toàn. Sinh non (hoặc phải sinh mổ) là một trong những tác hại của bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp thai phụ mắc bệnh đều sinh non. Khi được chẩn đoán sớm và chủ động kiểm soát glucose máu bằng chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất, bạn vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường, an toàn.

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X