Hotline 24/7
08983-08983

5 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ

Đối với những người trẻ, vấn đề sức khỏe lớn nhất mà họ quan tâm có thể không phải là nguy cơ đột quỵ. Nhiều người cho rằng đó chỉ là vấn đề của người cao tuổi, nhưng liệu có đúng không.

Mặc dù phần lớn những trường hợp đột quỵ xảy ra ở những người trên 65 tuổi, khoảng 10% ca bệnh sẽ có xu hướng diễn ra ở những đối tượng dưới 45 - và nữ giới sẽ có nguy cơ cao hơn so với nam giới. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 phụ nữ dưới 65 tuổi bị đột quỵ. Điều đó có nghĩa là chính bạn hay một người nào đó mà bạn biết hoàn toàn có nguy cơ bị đột quỵ ở một thời điểm nào đó trong đời sớm hơn bạn tưởng.

Có một số nguyên nhân khiến phụ nữ dễ trở thành đối tượng mục tiêu của chứng đột quỵ so với nam giới. Mặc dù các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, cao huyết áp, cholesterol máu cao và tiểu đường có ảnh hưởng đến cả hai giới, nhưng một số yếu tố lại có xu hướng làm tăng nguy cơ ở phụ nữ ví dụ như mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ và và trong tháng đầu sau sinh. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi về mặt nội tiết tố trong thời gian này. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh cần nghỉ ngơi nhiều tại giường sẽ khiến cho máu chảy trong lòng mạch chậm hơn và dễ dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông.

Sử dụng các thuốc tránh thai đường uống cũng sẽ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Những phụ nữ thường trải qua cơn đau nửa đầu cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Dạng phổ biến nhất là nhồi máu não (chiếm tới 80 - 90% các ca đột quỵ) xảy ra khi một cục máu đông ngăn cản dòng máu và oxy tới não.

Bên cạnh việc duy trì một lối sống lành mạnh, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo bạn cần hết sức lưu ý:

Bạn cảm thấy yếu và tê cứng ở một bên cơ thể


Đột ngột cảm thấy mất hoàn toàn sức mạnh hay không có cảm giác ở các chi một bên cơ thể là dấu hiệu thường gặp nhất của chứng đột quỵ, đặc biệt ở tay và chân. Mặt của bạn cũng có thể bị tê và yếu ở một bên.

Khó nói chuyện

Triệu chứng này có thể biểu hiện dưới một số dạng: Bạn có thể bị líu lưỡi hay khó khăn khi muốn diễn đạt một từ nào đó. Bạn cũng khó có thể hiểu được điều mà người khác đang nói. Triệu chứng này có biểu hiện từ nhẹ cho tới nghiêm trọng. Mặc dù đôi khi chính những người bình thường cũng có những lúc không thể diễn đạt hay trình bày trôi chảy những vấn đề muốn nói, nhưng hầu hết chúng ta đều có thể nhận ra được hiện tượng này chỉ là tạm thời hay là dấu hiệu bệnh lý. Nếu một người nào đó gặp khó khăn khi nói chuyện, dù là vấp váp khi nói hay không thể nói, thì đây là lúc cần tới sự can thiệp của bác sỹ ngay lập tức.

Bạn bị đau đầu dữ dội

Triệu chứng này thường gặp ở những người bị đột quỵ do chảy máu, xảy ra khi một mạch máu bị tổn thương, gây rò rỉ máu và xuất huyết tại não.

Mất một phần thị lực


Đột quỵ có thể gây ra nhìn mờ ở hai mắt hoặc có thể mất thị lực một mắt, nhưng biểu hiện này không dễ được người bên cạnh nhận ra như các triệu chứng yếu tay chân, tái mặt hay không thể nói.

Một trong các triệu chứng nêu trên khởi phát đột ngột

Sự khởi phát đột ngột của những triệu chứng nêu trên chính là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất cho thấy bạn cần đi tới bệnh viện ngay lập tức. Những triệu chứng này thường diễn biến rất nhanh.

Điều quan trọng cần ghi nhớ: Nếu có bất cứ một triệu chứng trên thần kinh nào xảy ra đột ngột tác động đến một bên cơ thể thì đây là lúc bạn cần đi cấp cứu ngay lập tức. Đó có thể chỉ là một cơn đau nửa đầu hay một căn bệnh nhẹ nào đó, nhưng nếu đó thực sự là một cơn đột quỵ thì có thể thực sự gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân bạn.

Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X