Hotline 24/7
08983-08983

Y học có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan, viêm gan B, gan nhiễm mỡ

Ung thư gan ở người trẻ nhiễm virus viêm gan B mạn; hướng dẫn về điều trị mở rộng viêm gan B; bệnh viêm gan tự miễn; cập nhật chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ tại Việt Nam; điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2; giá trị của M2BPGI trong dự đoán xơ hóa tại Việt Nam… là những vấn đề nổi trội được các chuyên gia chia sẻ trong hội nghị “Những tiến bộ trong Phòng ngừa, Chẩn đoán và Điều trị Bệnh Gan mạn tính và Ung thư Gan”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM chia sẻ: “Hội nghị nhằm giúp các bác sĩ cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu và xử trí các bệnh gan mạn tính và ung thư gan. Đồng thời, hội nghị sẽ là cơ hội rất đáng trân quý để tất cả các y bác sĩ có thể tiếp cận với những thông tin mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế và trong nước”.

Hội nghị Khoa học Quốc tế do Hội Y học TPHCM phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý Gan, Đại học Y khoa Johns Hopkins, Liên chi hội Gan Mật TPHCM và Liên chi hội Ung thư TPHCM tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/6/2023, đem đến 15 bài báo cáo. Trong đó, ngày 11/6 hội nghị có 10 bài báo cáo xoay quay chủ đề “Những tiến bộ trong Phòng ngừa, Chẩn đoán và Điều trị Bệnh Gan mạn tính và Ung thư Gan. Chiều ngày 12/6, hội thảo tiếp tục với 5 bài báo cáo tập trung bàn luận về chuyên đề “Cập nhật trong Điều trị Ung thư Gan”.

Khoảng 57% ca nhiễm viêm gan B tại Việt Nam do lây truyền từ mẹ sang con

Trong phiên đầu tiên của hội nghị ngày 11/6, PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Trung tâm Y khoa Medic mang đến bài báo cáo “Ung thư gan ở người trẻ nhiễm virus viêm gan B mạn: Những thử thách và giải đáp”.

PGS Thu Thủy cho biết, theo công bố của GLOBOCAN 2020 Ung thư gan (HCC) là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các dự báo về HCC cho thấy, căn bệnh này vẫn còn tăng trong tương lai. Đặc biệt, vấn đề phát hiện bệnh trễ thường sẽ dẫn đến điều trị không hiệu quả cũng như tiên lượng xấu cho người bệnh. Các dữ liệu HCC ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Việt Nam cũng như trên thế giới còn tương đối ít.

PGS.TS.BS Phạm Thị Thu Thủy - Trung tâm Y khoa Medic

Tại Việt Nam hiện nay, nguyên nhân hàng đầu của HCC là do virus viêm gan B (HBV). Tùy vào diễn tiến bệnh ở mỗi cá nhân khác nhau mà vẫn gặp các trường hợp HCC ở người trẻ có nhiễm HBV. Do đó, cần có sự quan tâm thích hợp ở những người trẻ nhiễm HBV, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố gia đình nhiễm HBV, và nhất là có HCC.

Chuyên gia cho biết, lây truyền chu sinh là hình thức lây truyền HBV phổ biến tại Việt Nam. Nếu không dự phòng, nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con rất cao. Gần như các trường hợp mắc viêm gan B mạn tính ở Việt Nam do lây truyền từ mẹ sang con (truyền dọc) hoặc bị lây nhiễm khi còn nhỏ (truyền ngang). Gánh nặng bệnh tật là phương thức lây truyền chỉ ra rằng: lây truyền dọc chiếm khoảng 57% các ca nhiễm, còn lây truyền ngang chiếm 43%. Tỷ suất lây truyền dọc dự kiến sẽ tăng lên khi miễn dịch do vắc xin được cải thiện, và làm giảm tỷ suất lây truyền ngang. Hiện tượng mắc viêm gan B ở trẻ sau 5 tuổi sẽ vẫn xảy ra, nhưng hầu như 95% trường hợp liên quan đến tự khỏi.

Do đó, vấn đề tầm soát ung thư gan đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần tư vấn cho người bệnh, người nhà, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao về biểu hiện bệnh ra sao, theo dõi như thế nào cũng như diễn tiến của bệnh phải được thực hiện tốt. Nếu được tầm soát, chẩn đoán kịp thời, điều trị hợp lý, thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất cao.

PGS Thu Thủy nhấn mạnh, vấn đề điều trị HBV vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách cũng như không thể kiểm soát hoàn toàn biến chứng của bệnh. May mắn thay, HBV là một bệnh có thể phòng ngừa. Nhiều nghiên cứu công bố tiêm ngừa HBV làm giảm đáng kể tỷ lệ HCC, cho thấy tiêm chủng HBV là phương pháp phòng ngừa hiệu quả.

Tại Việt Nam và trên thế giới, hơn 95% người mắc viêm gan B chưa được điều trị

Trong bài báo cáo “Viêm gan B: có nên mở rộng hướng dẫn điều trị và chúng ta hiện đang đi đến đâu?”, PGS.BS Doãn Đào - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu Bệnh lý Gan tại Việt Nam, Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết, hiện nay, viêm gan B vẫn là gánh nặng bệnh tật đáng kể trên toàn cầu, với khoảng 257 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này.

 

PGS.BS Doãn Đào - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu Bệnh lý Gan tại Việt Nam, Đại học Y khoa Johns Hopkins

Trên toàn thế giới, viêm gan B và những biến chứng liên quan là nguyên nhân gây gần 1 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B, ước tính đến 2030 có khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan. Viêm gan B chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư gan gia tăng tương đương với tỷ lệ mắc ung thư của 1 người hút 1 gói thuốc lá/ngày.

PGS Doãn Đào chia sẻ, thuốc uống điều trị viêm gan B mạn tính (như tenofovir, entecavir,...) có thể dễ dàng tiếp cận, là một trong các chiến lược hiệu quả nhất để phòng ngừa ung thư gan và làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm gan. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, hơn 95% người mang bệnh viêm gan B chưa được điều trị.

Vị chuyên gia thông tin, gần đây, Trung Quốc đã chấp nhận những hướng dẫn về điều trị mở rộng viêm gan B. Những hướng dẫn này khuyến cáo bắt đầu điều trị cho những người có tải lượng virus dương tính, không kể ALT ở mức nào, khi có một trong các điều kiện sau:

- Tiền sử gia đình có xơ gan do viêm gan B hoặc ung thư tế bào gan

- Những người trên 30 tuổi

- Chỉ điểm không xâm lấn hoặc khám nghiệm mô học gan cho thấy rõ viêm (G≥ 2) hoặc xơ hóa (F ≥ 2) tại gan

- Biểu hiện ngoài gan liên quan viêm gan B (như viêm cầu thận liên quan viêm gan B...).

Ngoài ra điều trị kháng virus ở các bệnh nhân xơ gan do viêm gan virus B được khuyến cáo đối với xơ gan còn bù có tải lượng virus HBV dương tính, và xơ gan mất bù có HBsAg dương tính.

70-95% người lớn mắc viêm gan tự miễn là phụ nữ

Mở màn cho nhóm chuyên gia quốc tế, PGS.BS James Haminton - Đại học Y khoa Johns Hopkins - một chuyên gia chuyên trị các bệnh lý gan phức tạp, với chủ đề “Bệnh gan tự miễn và do di truyền”.

Phó giáo sư cho biết, viêm gan tự miễn ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính và cả sắc tộc. 70-95% người lớn mắc viêm gan tự miễn là phụ nữ. Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng, bệnh mãn tính hoặc suy gan cấp tính. Ngoài ra, những người mắc viêm gan tự miễn còn mắc một số bệnh lý khác như: Lupus ban đỏ, bệnh tuyến giáp, thấp khớp.

PGS.BS James Haminton - Đại học Y khoa Johns Hopkins

Trước kia, khi chưa biết đến việc điều trị bằng ức chế miễn dịch, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6 tháng. Nhưng hiện tại, tỷ lệ sống sót sau 10 năm đã đạt đến 91% và 70% sau 20 năm.

Vị chuyên gia chia sẻ, các yếu tố khởi phát của viêm gan tự miễn bao gồm:

- Phản ứng chéo/bắt chước phân tử giữa cá epitope của virus, thuốc và kháng nguyên gan

- Một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tại điều kiện cho viêm gan tự miễn phát triển: HCV, HAV, HEV, sởi, EBV, HSV

- Sử dụng một số loại thuốc kháng sinh điều trị như: minocycline, nitrofurantoin, diclofenac…

- Sử dụng thảo dược: dai-taiko-so (Nhật Bản).

Việc chẩn đoán bệnh gan tự miễn dựa trên sự tăng men gan, IgG và/hoặc ANA, SMA, hoặc LKM. Nên sinh thiết gan vì xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu và điều trị không lành tính. Loại trừ các dạng bệnh gan khác, đặc biệt là viêm gan do virus và thuốc gây nên.

Phương pháp điều trị chính của bệnh viêm gan tự miễn đối với trẻ em và người lớn là sử dụng thuốc budesonide nếu bệnh không nghiêm trọng và không mắc xơ gan. Có thể dùng prednisone hoặc dùng chung với thuốc ức chế miễn dịch khác như Azathioprine để tránh xuất hiện những tác dụng phụ nguy hiểm.

Phó giáo sư cho biết thêm, một số bệnh lý thuộc nhóm bệnh gan di truyền bao gồm:

Bệnh thừa sắt: gây viêm gan mãn tính/xơ gan ở nam giới trong độ tuổi 40 và 50 tuổi ở nữ, người mắc bệnh cơ tim, đái tháo đường type 2, suy nhược. Ngoài ra, thừa sắt còn gây mệt mỏi, đau thần kinh tọa; tăng sắt huyết thanh, tăng độ bão hòa transferrin huyết thanh trên 45% và tăng ferritin. Bệnh lý này có thể phát hiện qua thực hiện, chẩn đoán bằng kết quả MRI hoặc sinh thiết gan.

Bệnh Wilson: gây các vấn đề về thần kinh như run rẩy, rối loạn vận ngôn, chảy nước dãi, co cứng; vấn đề tâm lý như trầm cảm, hưng cảm; gây ra bệnh Kayser-Fleischer (KF), biểu hiện rõ các vết lắng đọng của đồng quanh rìa giác mạc sau quá trình bị phá hủy… Bệnh Wilson có thể chẩn đoán qua biểu hiện: nước tiểu tăng cao trong 24h (>40 mcg/L), khám nhãn khoa cho vòng KF, xét nghiệm di truyền, người mắc bệnh suy gan cấp tính.

Điều trị bệnh bằng việc sử dụng D-penicillamine hoặc Trientine để thải sắt để đo nồng độ nước tiểu, dùng kẽm axetat hoặc gluconat cho người có triệu chứng duy trì hoặc vấn đề thần kinh, chế độ ăn ít đồng, tầm soát ung thư gan cho bệnh nhân xơ gan.

Thiếu Alpha-Antitrypsin: gây di truyền lên nhiễm sắc thể thường (cần 2 đột biến để gây bệnh) chiếm 1% dân số. Bệnh lý này mặc dù hiếm nhưng đã xuất hiện ở Việt Nam, là nguyên nhân gây xơ gan ở thanh thiếu niên. Chẩn đoán bệnh ở những người có người thân từng mắc bệnh, đồng mắc bệnh phổi và gan; thực hiện nghiên cứu hóa sinh; sinh thiết gan hoặc xét nghiệm di truyền.

Hội chứng Alagille: gây đột biến gen JAG1 và NOTCH2 - Thể nhiễm sắc thể trội; bất thường về gan, tim, xương; 15% bị xơ gan và có nguy cơ bị HCC. Sàng lọc từ nhỏ là phương pháp tối ưu đã được thực hiện và cho ra kết quả, bệnh nhân có thể sống đến tuổi trưởng thành.

Giảm 7%-10% trọng lượng cơ thể giúp giải quyết NASH và tình trạng xơ hóa

Nối tiếp phiên báo cáo với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ tại Việt Nam”, ThS.BS Võ Huy Văn - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hay bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (NAFLD) đang là gánh nặng toàn cầu về bệnh lý gan và dần trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Dựa theo các số liệu gần đây, bệnh gan nhiễm mỡ đang dần thay thế các bệnh lý gan khác (đặc biệt là viêm gan siêu vi B, C) để trở thành một trong những bệnh gan phổ biến nhất trên thế giới. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp tiếp cận chẩn đoán và đánh giá nguy cơ bệnh nhân có gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các loại thuốc mới trong điều trị gan nhiễm mỡ cũng đang được tiến hành nghiên cứu.

ThS.BS Võ Huy Văn - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM

Tại Việt Nam, với sự tiếp cận hàng ngày kiến thức y khoa và khoa học kỹ thuật, chúng ta cũng có những bước tiến nhanh trong việc chẩn đoán, phân loại và điều trị gan nhiễm mỡ.

Thạc sĩ Huy Văn cho biết, một phương pháp cao cấp trong đánh giá xơ hóa gan là đo đàn hồi gan bằng MRI, các nghiên cứu cho thấy phương pháp này cho độ chính xác rất cao trong chẩn đoán xơ hóa gan, đặc biệt là xơ hóa gan F3, F4 trở lên. Tuy nhiên phương pháp này khá mắc tiền nên không được áp dụng phổ biến trong tất cả các trung tâm Y tế tại Việt Nam.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ 2021 (ACG), khi xác định được bệnh nhân có tình trạng nhiễm mỡ gan, sẽ áp dụng phương pháp đánh giá xơ hóa gan không xâm lấn, nếu fib-4<1.3, sẽ xác định được bệnh nhân ở nhóm nguy cơ thấp của xơ hóa gan. Ở nhóm bệnh nhân này, cần thực hiện xét nghiệm mỗi 2-3 năm/lần. Trong trường hợp fib-4>2.67 sẽ thuộc nhóm nguy cơ cao, cần chuyển bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa gan và điều trị theo biện pháp tích cực. Ngoài ra, nếu bệnh nhân nằm ở khoảng giữa, cần kết hợp thêm biện pháp được đề xuất là Fibroscan.

Đối với hướng dẫn của Hiệp hội Gan Mật Tụy châu Á - Thái Bình Dương 2020, có phương pháp tương tự nhưng họ không đưa giá trị xác định rõ ràng như ACG 2021, sau khi chẩn đoán gan nhiễm mỡ, xác định xơ hóa gan tiến triển trước để đánh giá mức độ, sau đó sử dụng các phương pháp không xâm lấn. Nếu thuộc nhóm nguy cơ thấp, sẽ theo dõi bệnh nhân 2-3 năm; những người có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao cần chuyển đến chuyên khoa gan và phối hợp phương pháp khác để đánh giá xơ hóa gan, thậm chí để sinh thiết để điều trị cho bệnh nhân.

Chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù mọi người đều được khuyến nghị ăn kiêng và tập thể dục, nhưng phẫu thuật giảm béo có thể ảnh hưởng đến số ít người mắc bệnh. Chỉ cần giảm 3% trọng lượng có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ, 7% đến 10% có thể giải quyết bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) và đảo ngược tình trạng xơ hóa.

ThS.BS Võ Huy Văn cho biết thêm, không có phương pháp điều trị NASH nào được FDA chấp thuận, nhưng các hướng dẫn khuyến nghị, vitamin E (nếu không có T2D), Pioglitazone, có thể hữu ích cho những người bị tổn thương gan do NAFLD và NASH.

Các biện pháp điều trị tiểu đường đang được nghiên cứu trong NASH: chất ức chế GLP-1, SGLT2 inhibitors. Cần có thêm thông tin về các loại thuốc mới, cho NASH và bệnh xơ hóa.

Chế độ sống lành mạnh giúp cải thiện tim mạch, gan nhiễm mỡ, xơ gan

BS Meena Akhtar Khan - Đại học Y khoa Johns Hopkins với chủ đề “Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2” cho biết, Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu NAFLD có tỷ lệ bệnh toàn bộ trên thế giới là 25%, theo nghiên cứu của Hội Gan Mật Hoa Kỳ. Những xét nghiệm không xâm lấn như chỉ số fib-4 và thang điểm xơ gan có thể giúp phát hiện nguy cơ NAFLD ở người bệnh.

BS Meena Akhtar Khan - Đại học Y khoa Johns Hopkins

Việc tầm soát bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) ở mỗi quốc gia là khác nhau. Tầm soát NAFLD cần phải tầm soát các yếu tố nguy cơ: đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, tăng men gan trên 30 lần.

Bác sĩ chia sẻ, bệnh nhân cần giảm cân. Nếu giảm được 10% cân nặng sẽ giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và xơ gan. Bên cạnh đó, một chế độ lối sống lành mạnh, có thể cải thiện được yếu tố tim mạch trên gan nhiễm mỡ và xơ gan.

M2BPGI là một chỉ dấu sinh học có thể dự đoán và theo dõi diễn tiến của ung thư gan

Kết thúc phiên báo cáo với chủ đề “Giá trị của M2BPGI trong dự đoán xơ hóa tại Việt Nam”, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sinh thiết gan được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và đánh giá mức độ xơ hóa gan. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều phương pháp mới ít xâm lấn giúp tiên đoán xơ hóa gan một cách hiệu quả, bao gồm: các chỉ dấu sinh học, hình ảnh học và đo độ đàn hồi gan bằng siêu âm, cộng hưởng từ…

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Phó giáo sư thông tin, M2BPGI là một chỉ dấu sinh học mới được phát triển đầu tiên tại Nhật và đã có nhiều nghiên cứu cho thấy giá trị của chỉ dấu này trong đánh giá xơ gan ở các bệnh nhân viêm gan mạn và còn có thể phát triển xa hơn là dự đoán và theo dõi diễn tiến của ung thư gan. Đây là một chất do tế bào sao ở gan tiết ra, bị glycosyl hóa chuỗi đường sau nhiều lần tương tác với các đại thực bào Kupffer trong quá trình hình thành tổ chức xơ.

Theo nghiên cứu cho thấy M2BPGI giúp đánh giá xơ hóa gan chính xác hơn chỉ số FIB-4 và hyaluronic acid, có tương quan tốt với kết quả của Fibroscan và sinh thiết gan. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trên bệnh nhân viêm gan virus B mạn tính đã cho thấy M2BPGI có tương quan tốt hơn APRI ARFI và fib-4 khi so sánh với Fibroscan. Ở điểm cắt 0,79, M2BPGI có độ nhạy 67% và độ chuyên 70% trong tiên đoán xơ hóa gan đáng kể (F >2) và ở điểm cắt 1,3, chỉ dấu này có độ nhạy 88% và độ chuyên 87% trong tiên đoán xơ gan (F =4).

Qua đó, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng kết luận, M2BPGI là một xét nghiệm nhanh chóng, đơn giản, đáng tin cậy, không xâm lấn, có thể được sử dụng rộng rãi như một dấu ấn sinh học để phản ánh tình trạng xơ hoá gan của bệnh nhân viêm gan virus B mạn ở Việt Nam.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung trao thư cảm ơn cho các chuyên gia tham dự hội nghị 

Mời xem thêm bài viết về Hội nghị Khoa học Quốc tế tại đây:

>>> Hội nghị Khoa học Quốc tế: Những tiến bộ trong phòng ngừa, chẩn đoán và xử trí bệnh gan mạn tính, ung thư gan

>>> Những tiến bộ trong phòng ngừa, chẩn đoán, xử trí ung thư gan

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X