Uống củ ráy để chữa ung thư tuyến giáp, người phụ nữ ở Phú Thọ phải nhập viện cấp cứu
Ngày 18/11/2024, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân có tiền sử ung thư tuyến giáp nhập viện do uống củ ráy để điều trị bệnh.
Theo BS Hà Huy Mến - Trưởng khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, bà L. (61 tuổi, Phú Thọ) đang điều trị ung thư tuyến giáp theo đơn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Do được mách uống nước củ ráy có tác dụng chữa ung thư nên bệnh nhân đã làm theo.
Thời điểm nhập viện bệnh nhân có triệu chứng đau vùng miệng, họng, khó nuốt, khó phát âm, cảm giác khó thở, niêm mạc miệng, họng phù nề đỏ; các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân do trong củ ráy có chứa tinh thể canxi oxalat, chất này gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi... Rất may bệnh nhân bị kích ứng nhẹ nên sau 3 ngày điều trị đã khỏi bệnh ra viện.
BS Hà Huy Mến cho biết, mặc dù ở một số nước châu Á, củ ráy được dùng để điều trị một số bệnh như trĩ, viêm khớp dạng thấp hay đau răng, nhưng tại Việt Nam, việc sử dụng củ ráy làm thuốc lại không phổ biến. Các bác sĩ y học cổ truyền thường ưu tiên các vị thuốc khác thay thế an toàn và hiệu quả cao hơn.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân ung thư nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa ung bướu, không tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chưa được khoa học chứng minh để tránh gặp phải những biến chứng không đáng có.
Theo PGS.TS Ngô Thanh Tùng - Bệnh viện K, ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, với hơn 5.400 ca mắc mới. Người chưa có dấu hiệu của bệnh vẫn nên đi khám tầm soát ung thư tuyến giáp 1 năm/lần.
PGS.TS Ngô Thanh Tùng chia sẻ thêm, nhiều trường hợp đã chẩn đoán được bệnh, nhưng bệnh nhân lại không đến các cơ sở y tế mà tự ý ở nhà, sử dụng đắp thuốc lá hay đắp thuốc nam hoặc sử dụng các phương pháp khác.
Điều này dẫn đến khi bệnh nhân đến bệnh viện khám thì đã quá giai đoạn điều trị triệt căn. Do đó người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị để hạt hiệu quả cao nhất và tiết kiệm chi phí.
Cách sơ cứu khi ngộ độc củ ráyNgộ độ củ ráy không có thuốc giải đặc hiệu. Chính vì vậy việc sơ cứu ban đầu giúp giảm triệu chứng là rất quan trọng. Để giảm đau miệng, nên uống 120 - 240ml nước mát. Uống sữa có thể giúp kết tủa oxalate hòa tan bằng cách kết hợp nó với canxi. Gây nôn và rửa dạ dày không được khuyến cáo trong trường hợp tổn thương loét nghiêm trọng ở đường tiêu hóa. Cần đưa bệnh nhân bị ngộ độc củ ráy đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình