Phú Thọ: Điều trị nấm miệng bằng “thuốc cam” bé trai phải thở máy, lọc máu liên tục
Ngày 18/11/2024, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin, khoa nhi của bệnh viện vừa tiếp nhận một bé trai gần 2 tuổi nguy kịch sau khi được bố mẹ đánh tưa lưỡi bằng thuốc cam suốt 7 ngày.
Cụ thể, bé trai gần 2 tuổi đã nhập Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng nguy kịch: vật vã, kích thích, sốt cao, tinh thần lơ mơ, không tỉnh táo.
Sau khi được các bác sĩ tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám và khai thác tiền sử, gia đình cho biết bé bị nấm miệng nên đã mua thuốc cam để đánh tưa lưỡi trong suốt 7 ngày.
Kết quả bé xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng bao gồm sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa nặng và phải cấp cứu khẩn cấp.
Bé được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, bé tiếp tục được thở máy, lọc máu nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các gia đình tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần và không được Bộ y tế kiểm định cấp phép.
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
Thuốc cam là gì, có nên sử dụng?
Theo tên gọi từ Đông y, thuốc cam là các bài thuốc để điều trị bệnh cam và thường được bào chế dưới dạng thuốc bôi ngoài da hoặc viên hoàn dùng để uống.
Tùy theo từng loại bệnh cam như tỳ cam (bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa), can cam (bệnh liên quan đến gan), tâm can (bệnh liên quan đến khí huyết, tim mạch), phế cam (bệnh ở phổi), thận cam (bệnh liên quan đến thận, hệ tiết niệu)... mà các dạng thuốc cam cũng có thành phần và công dụng khác nhau.
Thuốc cam cũng có sự phối hợp giữa các vị thuốc dựa theo các nguyên tắc của y học cổ truyền để điều trị và bồi bổ cơ quan bị bệnh. Ví dụ như thuốc cam để bổ tỳ thường được bào chế từ các phương thuốc như cát lâm sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, ý dĩ, hoài sơn, liên nhục, mạch nha, sơn tra, thần khúc, cốc tinh thảo, ô tặc cốt, bạch biển đậu.
Tất cả được nghiền thành bột hoặc chế biến thành viên hoàn có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, ngủ ngon, chống còi xương và các chứng suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, thuốc cam bôi ngoài da cũng có sự phối hợp các dược liệu có nguồn gốc khoáng vật và được dùng để điều trị mụn nhọt, lở loét, viêm nhiễm, tưa lưỡi, miệng hôi.
Tuy nhiên, bên cạnh tính hiệu quả của thuốc thì vấn đề về độ an toàn cho người sử dụng, đặc biệt trẻ em vẫn còn có nhiều điều đáng được lưu tâm.
Thuốc cam thường được lưu hành và chế biến tại các cơ sở gia truyền và thành phần trong các bài thuốc này cũng được tùy chỉnh theo loại bệnh cũng như trình độ của thầy thuốc Đông y tại tác cơ sở.
Chính vì vậy, rất khó để người sử dụng có thể hiểu rõ được thành phần cụ thể trong các bài thuốc.
Điều này cộng với việc tự ý sử dụng thuốc của các bậc cha mẹ đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Việc sử dụng thuốc cam cho trẻ cần có sự tư vấn từ các cán bộ y tế có chuyên môn cũng như lựa chọn cơ sở sản xuất có uy tín và được Bộ Y tế cấp phép.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình