Xuất hiện kinh nguyệt ở tuổi nào là bình thường?
Độ tuổi xuất hiện kinh nguyệt một phần cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh sống.
Ở những năm 40 của thế kỷ trước, độ tuổi trung bình cho sự xuất hiện kinh nguyệt lần đầu là 18 tuổi. Hiện nay, do điều kiện cuộc sống được nâng cao, độ tuổi nữ giới xuất hiện kinh nguyệt lần đầu cũng sớm hơn, trung bình khoảng 12 tuổi.
Các bé gái nếu đã quá 16 tuổi mà chưa thấy có kinh, đồng thời các cơ quan sinh dục cũng chưa phát triển thì cần đi khám bác sỹ để có được lời khuyên hợp lý.
Lượng máu kinh bao nhiêu là bình thường?
Máu kinh từ tử cung chảy ra do bong lớp nội mạc. Lượng máu kinh khác nhau tùy từng người phụ nữ và tùy từng tháng, dao động từ 5-25ml.
Máu kinh ra quá nhiều có thể dẫn đến thiếu máu. Đây cũng là dấu hiệu của sự bất thường trong các cơ quan sinh sản như: u xơ tử cung, rối loạn hooc-môn sinh sản, rối loạn nội tiết trong cơ thể…
Kể từ khi bắt đầu có kinh nguyệt, mất bao lâu để ổn định?
Thông thường thì trong năm đầu xuất hiện kinh nguyệt, kỳ kinh sẽ không đều. Thậm chí là 2-3 năm sau đó. Từ năm thứ 3, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên đều đặn để sẵn sàng cho giai đoạn sinh nở ở nữ giới.
Nếu sau mốc thời gian này mà kinh nguyệt vẫn chưa đều, các bạn nữ có thể mắc phải chứng vô sinh thứ cấp do sự phát triển kém của tử cung hoặc buồng trứng và cần có sự can thiệp của bác sỹ.
Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài bao lâu?
Chu kỳ kinh nguyệt từ 25-35 ngày được coi là bình thường. Nếu sớm hoặc muộn quá thời gian trên được coi là có rối loạn kinh nguyệt và nguyên nhân của hiện tượng rối loạn này không loại trừ các yếu cố bệnh lý của cơ thể.
Kỳ kinh quá dài có ảnh hưởng đến khả năng sản không?
Kinh nguyệt không đều ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản. Sẽ có 1 trứng rụng trong 1 chu kỳ kinh nguyệt thông thường. Nếu kỳ kinh của bạn kéo dài từ 2-3 tháng thì chu kỳ rụng trứng cũng kéo dài hơn, thậm chí là không có trứng rụng, từ đó gây khó khăn cho việc thụ thai.
Ngoài ra, kỳ kinh dài bất thường có thể kéo theo một số căn bệnh phụ khoa nguy hiểm như: buồng trứng đa nang, rối loạn chức năng hoạt động của tuyến yên… và cần có sự điều trị kịp thời.
Cân nặng ảnh hưởng tới kinh nguyệt không?
Quá béo hoặc quá gầy cũng có thể dẫn tới hiện tượng rối loạn kinh nguyệt. Ở những phụ nữ mắc bệnh béo phì còn xuất hiện chứng buồng trứng đa nang, gây rối loạn nội tiết, kinh nguyệt không đều, từ đó làm giảm khả năng sinh sản.
Việc giảm béo hoặc tăng cân đột ngột cũng gây ra những rối loạn các hooc-môn trong cơ thể. Do vậy, sau quá trình giảm hoặc tăng cân, có thể xảy ra hiện tượng tắt kinh.
Thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài trong bao lâu?
Thông thường thời kỳ tiền mãn kinh kéo dài khoảng 3 năm, kèm theo đó là các hiện tượng như chóng mặt, khó chịu, nóng bừng người. Việc sử dụng thuốc tránh thai cũng được coi là 1 giải pháp an toàn trong việc bổ sung progesterone cho cơ thể trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Theo Lan Thu - Dân trí/HSW
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình