Xử trí khi bé sơ sinh hít phải ối phân su
Tuy phân su vô trùng nhưng sự hiện diện của nó trong đường thở của trẻ sơ sinh dễ làm bội nhiễm vi trùng và gây viêm phổi nhiễm trùng.
Hít phân su là biến chứng có thể gặp lúc sinh |
Nguyên nhân trẻ hít ối phân su
Phân su là chất thải từ đường tiêu hóa của thai nhi, có màu xanh đen, quánh, không mùi và vô trùng. Phân su chứa nước (70 - 80%), các tế bào vảy, chất tiết từ đường tiêu hóa, lông tóc thai nhi, dịch ối, glycoproteins và muối mật.
Sự tống xuất phân su trước sinh có thể liên quan đến tình trạng stress của thai nhi: nhiễm trùng, chuyển dạ sinh khó, dây rốn bị chèn ép… gây thiếu oxy cho thai, kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng hoạt động ruột, giãn cơ vòng hậu môn và tống xuất phân su vào dịch ối quanh thai. Thai nhi bình thường cũng có hiện tượng tống xuất phân su trong tử cung hay trong quá trình sinh, biểu hiện sự trưởng thành của đường tiêu hóa.
Trong tử cung, dịch ối đi ra đi vào đến khí quản của thai nhi (phần trên của đường hô hấp), khi thai nhi có động tác thở trong tử cung hay lúc vừa mới sinh sẽ hít ối phân su vào trong phổi…
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Sinh khó.
- Thai đủ tháng hay già tháng (> 41 tuần).
- Mẹ hút thuốc lá nhiều, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim...
- Chèn ép dây rốn.
- Thai chậm phát triển trong tử cung.
Sinh non không là yếu tố nguy cơ của MAS. MAS hiếm khi xảy ra ở trẻ < 4 tuần tuổi thai.
Hậu quả của MAS bao gồm:
Tắc nghẽn đường thở:
Khi được hít vào phổi, ối phân su tạo thành các nút bít tắc đường dẫn khí hoàn toàn dẫn đến xẹp phổi, nếu bít tắc một phần sẽ tạo thành van một chiều hay bẫy khí, điều này làm các phế nang căng phồng quá mức và có thể gây tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất hay tràn khí màng ngoài tim.
Bất hoạt surfactant
Các thành phần trong phân su đặc biệt là các acid béo tự do như: palmytic, stearic, oleic, có diện tích bề mặt nhỏ hơn các phân tử surfactant nên lấp đầy lên bề mặt trong lòng các phế nang, chiếm chỗ của chất này, dẫn đến xẹp phổi lan tỏa. Phân su còn có thể ức chế sự tổng hợp surfactant.
Viêm phổi hóa học
Muối mật, các enzym và chất béo trong phân su sẽ gây kích ứng đường dẫn khí và mô mềm của phổi, gây phóng thích các cytokine như TNF-, các interleukin... làm viêm phổi lan tỏa, điều này có thể xảy ra vài giờ sau hít ối phân su.
Cao áp phổi tồn tại ở trẻ sơ sinh
Đây là biến chứng xa của MAS, có thể là nguyên phát hay thứ phát do tình trạng stress lâu ngày trong tử cung hay do co mạch máu phổi và dày thành mạch máu phổi.
Tình trạng cao áp phổi cũng góp phần gây thiếu oxy cho trẻ hít ối phân su.
Các biểu hiện
Trẻ sinh ra thường có tầm vóc to, người phủ đầy phân su, miệng hầu đầy nước ối phân su.
Biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, thở khó, rên rỉ, tím tái, ngưng thở... Nhịp tim chậm. Giảm trương lực cơ. Trẻ có thể ngạt nặng, chết lâm sàng.
Chụp X-quang phổi thấy: các hạt đậm bờ không rõ tập trung nhiều quanh rốn phổi, ứ khí ở phổi, xẹp phổi và khí thũng rải rác. Một số trường hợp có tràn khí lồng ngực.
Sinh hóa: giảm oxy, tăng CO2 máu, toan hóa máu.
Những trẻ hít ối phân su được cứu sống mà phải thở oxy dài ngày có nguy cơ bị bệnh phổi mạn, tăng nhạy cảm đường thở (dễ phát triển bệnh hen, viêm phổi) chậm phát triển tâm thần, điếc.
Cách phòng ngừa
Những thai kỳ có nguy cơ cao như: chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mãn... cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.
Khi thấy ra nước ối có màu xanh đậm, sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai, từ đó có những biện pháp can thiệp sớm để tránh các tai biến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình