Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm tuyến giáp có những phương pháp nào?

Tuyến giáp đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể do đó các bác sĩ khuyến cáo bất kỳ khi nào bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, cổ to lên, mạch và tim đập nhanh .. hãy đi xét nghiệm tuyến giáp càng sớm càng tốt.

I. Cấu tạo và vai trò của tuyến giáp trong cơ thể

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, tổng hợp hai hormone quan trọng từ iod và tyrosin là T4 (thyroxin) và T3 (tri-iodo-thyronin), hai hormone giáp này có chức năng như nhau nhưng khác nhau về cường độ và thời gian tác dụng. T3 mạnh hơn T4 khoảng 4 lần, nhưng nồng độ trong máu với số lượng nhỏ và thời gian ngắn hơn nhiều so với T4 (khoảng 93% hormone được tuyến giáp bài tiết là T4, chỉ có 7% là T3). Ngoài ra tuyến giáp còn bài tiết Calcitonin, giúp tăng hấp thu calci từ máu vào xương.

1. Tuyến giáp được tạo thành như thế nào?

Tuyến giáp được tạo thành bởi hai loại tế bào:

Tế bào nang có thành phần chính là thyroglobulin có chứa iod và là cơ chất quan trọng cho sự gắn iod vào tyrosin trong quá trình tổng hợp hormone giáp. Tế bào nang là đơn vị tổng hợp và bài tiết ra hormone tuyến giáp T3 và T4.

Tế bào quanh nang (tế bào C): bài tiết ra calcitonin.

2. Vai trò của các hormone tuyến giáp trong cơ thể là gì?

Giúp tăng sao chép một số lớn gen trong cơ thể, tạo ra một lượng lớn các protein enzyme, protein cấu trúc, protein vận chuyển và các chất khác trong tất cả các tế bào của cơ thể.

Tăng hoạt động chuyển hóa của tế bào: khi một lượng lớn hormone giáp được bài tiết sẽ làm tăng mức chuyển hóa cơ sở của cơ thể.

Làm tăng sự phát triển cơ thể của trẻ em, làm phát triển bộ não ở thời kỳ bào thai và những năm đầu sau sinh.

Tác dụng trên các loại chuyển hóa glucid, lipid, nhu cầu các vitamin và trọng lượng cơ thể.

Tác dụng trên hệ tuần hoàn làm tăng dòng máu và lưu lượng tim.

Tác dụng trên hô hấp, tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương và các chức năng của cơ.

Tác dụng làm tăng mức bài tiết của các hormone nội tiết khác (làm tăng Glucose máu kích thích tụy tiết nhiều Insulin, tăng hoạt động chuyển hóa tạo xương làm tăng nhu cầu đối với hormone cận giáp).

Tác dụng trên chức năng sinh dục (nam giới cường giáp gây bất lực, suy giáp làm mất khả năng sinh dục; nữ giới cường giáp gây thiểu kinh, vô kinh, suy giáp gây rong kinh, mất khả năng sinh dục).

Do tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trên nhiều loại chuyển hóa của cơ thể nên các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp như: bướu cổ, bướu basedow, suy giáp, cường giáp,... đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Xem thêm: Bướu giáp: Nhận biết, phòng ngừa và điều trị

II. Khi nào cần làm xét nghiệm tuyến giáp?

Tuyến giáp đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể do đó các bác sĩ khuyến cáo bất kỳ khi nào bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như: khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng, cổ to lên, mạch và tim đập nhanh,... người bệnh nên đi xét nghiệm tuyến giáp càng sớm càng tốt.

Với những người đã từng có tiền sử bệnh lý về tuyến giáp được khuyến cáo đi khám và làm xét nghiệm tuyến giáp 6 tháng/lần. Khi đến khám tuyến giáp, người bệnh sẽ được khám lâm sàng và yêu cầu làm một số xét nghiệm siêu âm và nội tiết để giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp.

III. Những phương pháp xét nghiệm tuyến giáp

Tùy từng tình trạng bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà được bác sĩ chỉ định các loại xét nghiệm khác nhau. Dưới đây là các phương pháp phổ biến để kiểm tra tuyến giáp:

1. Phương pháp siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp đầu tiên được chỉ định để kiểm tra tuyến giáp. Dựa vào hình ảnh trực quan mà bác sĩ có thể quan sát được vị trí kích thước của các nhân tuyến giáp.

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp đơn giản nhất có thể thực hiện được ở hầu hết các trung tâm ý tế có trang bị máy siêu âm.

2. Phương pháp xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu để chẩn đoán và kiểm tra các chức năng tuyến giáp là một phương pháp được đánh giá cao bởi độ nhạy và tính chính xác. Các thông số cần xác định sau khi xét nghiệm là T3, T4, FT3, FT4, TSH (hormone kích thích tuyến giáp). 

Dựa vào chỉ số hormone kích thích tuyến giáp mà ta có thể đánh giá được chức năng của tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không. Bệnh cường giáp và suy giáp được chẩn đoán thông qua xét nghiệm TSH này.

Hoặc ta có thể thực hiện xét nghiệm một số kháng thể như Anti TPO hoặc Anti TG để chẩn đoán các bệnh về tuyến giáp tự miễn.

3. Kiểm tra độ tập trung của iod

Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân sử dụng một lượng iod nhất định trước khi thực hiện kiểm tra

Nếu tuyến giáp có độ tập trung iod cao thì bạn đang bị bệnh cường giáp và ngược lại. Nguyên nhân là do tuyến giáp sản xuất ra nhiều hoặc ít các hormone tuyến giáp.

4. Xạ hình tuyến giáp

Bệnh nhân được sử dụng một liều lượng iod phóng xạ rất nhỏ (I131) để kiểm tra sự hấp thu của các tế bào tuyến giáp. Các iod phóng xạ này sau khi vào cơ thể sẽ bị bao vây bởi các tế bào tuyến giáp.

Tiến hành theo dõi các chất phóng xạ này để ghi lại những hình ảnh phục vụ cho công tác chẩn đoán. Nhờ vào đây để đưa ra nhận xét các cấu trúc bất thường về tuyến giáp và nhân giáp một cách trực quan.

5. Sinh thiết tuyến giáp

Thực hiện sinh thiết tuyến giáp khi nghi ngờ có khối u ác tính.

Đầu tiên gây tê vùng cổ rồi tiến hành chọc hút các tế bào tuyến giáp của bạn bằng kim nhỏ. Sau khi lấy một số tế bào và dịch nhân của tuyến giáp bác sĩ sẽ cho soi dưới kính hiển vi để phát hiện những điểm bất thường.

Đây là phương pháp dùng trong xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến giáp, tuy nhiên phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân có kích thước khối u lớn hơn 1cm.

Xem thêm: Người lớn tuổi mắc suy giáp có biểu hiện gì?

IV. Ý nghĩa một số chỉ số xét nghiệm tuyến giáp

1. Chỉ số bình thường ở người khỏe mạnh 

Ở  người bình thường, các chỉ số TSH, T3, T4, FT3, FT4 đều trong ngưỡng tham chiếu, khi các chỉ số này nằm ngoài ngưỡng này sẽ được coi là bất thường.

Giới hạn tham chiếu của các xét nghiệm chức năng tuyến giáp đối với người trưởng thành khỏe mạnh là: TSH là 0,4-4,0 mU/ L, T4 60-140 nmol/L, FT4 là 10-26 pmol/ L, T3 là 1,1-2,7 nmol/L và FT3 là 3,5-7,8 pmol/ L. Các giới hạn được nêu ở đây chỉ là một gợi ý và có thể thay đổi tùy theo phòng thí nghiệm.

2. Chỉ số bất thường

Nếu kết quả xét nghiệm TSH cao và FT4 thấp, kết quả này cảnh báo tình trạng suy giáp.

TSH thấp và FT4 tăng: cường giáp.

TSH thấp và FT4 thấp: tình trạng suy giáp thứ phát có liên quan đến tuyến yên. Tuy nhiên nguyên nhân cũng có thể là một số phản ứng khác của cơ thể ngoài tuyến giáp.

TSH tăng nhẹ và FT4 không thay đổi: cần kết hợp khám lâm sàng để chẩn đoán thêm.

Ngoài ra kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào một số yếu tố như thời gian xét nghiệm khác nhau, điều kiện môi trường khác nhau, sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp,...

V. Lưu ý trước khi tiến hành làm xét nghiệm tuyến giáp

Trước khi thực hiện xét nghiệm về tuyến giáp, người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi đầy đủ trước ngày thực hiện xét nghiệm, không uống rượu bia và các chất có cồn, các chất kích thích như café. hạn chế ăn chế độ ăn nhiều chất đạm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X