Hotline 24/7
08983-08983

Bướu giáp: Nhận biết, phòng ngừa và điều trị

Bướu giáp thường xuất hiện ở nữ giới với dấu hiệu sưng lồi vùng cổ. Đây là một kiểu rối loạn của hormon tuyến giáp hay gặp. Vậy Nguyên nhân gây ra biếu giáp là gì? Làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa? Dưới đây là thông tin về loại bệnh lý này.

I. Bệnh bướu giáp là gì?

Bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp, biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp. 

Bướu giáp được chia làm ba nhóm là: bướu giáp lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp. Trong đó bướu giáp lành tính là hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp.

Bướu giáp lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Do đó các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng, nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể phẫu thuật cắt bướu.

II. Nguyên nhân gây ra bệnh Bướu giáp 

a. Thiếu iod

Sự thiếu hụt iod trong chế độ ăn uống hàng ngày là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bướu cổ. Bạn biết không, chúng được biết đến như là một nguyên liệu cơ bản để tổng hợp nên các loại hormon giáp T3, T4 cho cơ thể chúng ta.

Thiếu iod sẽ làm giảm tổng hợp hormon giáp, khi đó cơ thể sẽ có những cơ chế bù trừ và kết quả là tuyến giáp tăng kích thước, sưng phồng lên tạo nên bướu ở cổ.

b. Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng thiếu hụt iod hoặc thường xuyên ăn những loại thực phẩm ức chế sự hấp thụ iod như đậu nành, đậu tương, chất phụ gia,… Các loại thức ăn khác như khoai mì, măng, rau họ cải… làm giảm chức năng tổng hợp hormon của tuyến giáp.

Trái ngược với các loài thực phẩm kể trên, các loại thức ăn sau đây là nguồn cung cấp I ốt tuyệt vời nhất đối với cơ thể chúng ta: Muối ăn, các loại hải sản, hải tảo, trứng gà, rau cần,…

c. Nội tiết

Chức năng nội tiết ảnh hưởng đến bướu giáp như thế nào? Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, được điều hòa và “chỉ đạo” bởi hormon tuyến cao hơn ở trục dưới đồi - tuyến yên. Sự ức chế trục dưới đồi - tuyến yên tác động lên quá sản suất ra TSH và TSH ảnh hưởng trực tiếp đến sự sản xuất hormon giáp T3,T4.  

d. Thiếu hụt enzym

Quá trình tổng hợp hormon giáp luôn cần sự xúc tác của các loại enzym đặc biệt. Bất kỳ một nguyên nhân nào giảm ức chế tổng hợp các loại enzym này hoặc cản trở quá trình xúc tác đều ảnh hưởng đến nồng độ hormon giáp được phóng thích. Lượng hormon giáp giảm sút, làm cho tuyến giáp sản sinh ra cơ chế bù trừ là phải tăng kích thước để sản xuất ra đủ lượng cần thiết cho cơ thể.

Xem thêm: Bệnh bướu giáp và những điều cần biết

e. Một số loại thuốc

Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh trong một thời gian tương đối dài cũng là một nguyên nhân gây bướu giáp mà bạn không thể ngờ tới. 

Các loại thuốc đó là: Thuốc kháng giáp tổng hợp (trong điều trị bệnh cường giáp), thuốc cản quang (là một loại thuốc dùng trong chẩn đoán hình ảnh: CT Scan, MRI), thuốc điều trị bệnh thấp khớp cấp, thuốc Lithium được sử dụng để điều hòa khí sắc trong các bệnh rối loạn tâm thần.

f. Do yếu tố bẩm sinh

Bướu giáp cũng có thể được hình thành do những rối loạn bẩm sinh, chúng có nguồn gốc từ gen được di truyền của gia đình. Bướu giáp trong trường hợp này rất khó để dự phòng.

g. Một số nguyên nhân hiếm gặp khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên thì một số thói quen, bệnh sử, tiền sử dưới đây cũng đóng góp vào quá trình hình thành bướu cổ:

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm cản trở khả năng hấp thu iod của cơ thể.

Viêm giáp hoặc có tiền sử bệnh tuyến giáp đã điều trị trước đó.

Thay đổi nội tiết tố nữ: Khi mang thai, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, dùng một số hormon sinh dục thay thế.

III. Triệu chứng bệnh bướu giáp

Tùy từng loại bướu khác nhau mà triệu chứng bướu giáp có thể chỉ có các dấu hiệu tại chỗ hoặc có các biểu hiện tại chỗ kèm theo các dấu hiệu toàn thân khác.

Dấu hiệu toàn thân có thể có trong bệnh bướu giáp: Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh; cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân; lồi mắt; thay đổi giọng nói, thường gặp là khàn giọng.

Có khối ở cổ, dấu hiệu tại chỗ phụ thuộc vào kích thước của bướu. Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không có cảm nhận gì, khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản, các dây thần kinh thì có thể có các biểu hiện sau: Cảm giác cổ họng luôn bị vướng hoặc đau cổ họng; nuốt khó, nuốt đau; khó thở, thường gặp ở tư thế nằm; hay ho và nghẹn, thở dốc.

IV. Phòng ngừa bệnh bướu giáp

Các biện pháp phòng bệnh đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp bướu cổ lành tính và phát hiện sớm các loại bướu giáp khác để nâng cao kết quả điều trị. Bao gồm các phương pháp sau:

Đảm bảo cung cấp đầy đủ iod cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu iod như: cá biển, mắm tôm, nước mắm. Sử dụng muối iod là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu iod

Đối với các đối tượng mắc các bệnh lý tuyến giáp, sau điều trị các bệnh lý tâm thần, mắc các bệnh tiêu hóa và bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh bướu giáp cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Khi có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cở sở y tế gần nhất để được điều trị.

Xem thêm: 12 bác sĩ khám chữa bệnh bướu giáp giỏi, uy tín

V. Các biện pháp điều trị bệnh bướu giáp

Cách chữa bệnh bướu giáp như thế nào? Với các trường hợp cần phải điều trị, tùy thuộc vào phân loại và mức độ bệnh, bướu giáp sẽ điều trị bằng một trong ba cách sau: điều trị nội khoa bằng thuốc uống, xạ trị và phẫu thuật, cụ thể:

Điều trị nội khoa sử dụng các thuốc là hormone nhằm đưa lượng hormone tuyến giáp về mức độ bình thường hoặc điều trị các nhiễm trùng tại tuyến giáp. Điều trị nội khoa có thể được áp dụng đơn độc để điều trị các loại bướu giáp có rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc được áp dụng sau khi thực hiện phẫu thuật và xạ trị tuyến giáp. Điều trị thuốc phải tuân thủ, đúng chỉ định đều đặn hàng ngày và được kiểm tra định lượng hormone qua các lần kiểm tra định kì.

Xạ trị là phương pháp sử dụng iod phóng xạ có tác dụng làm giảm kích thước của tuyến giáp.

Phẫu thuật tùy từng trường hợp sẽ thực hiện cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X