Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản: Phương pháp nào an toàn và có tính ứng dụng cao?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản như sử dụng bộ câu hỏi GERDQ, công cụ PepTest, đo pH thực quản, đo áp lực thực quản, nội soi, X-quang có thuốc cản quang,… Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm riêng, cần cá thể hóa cho từng trường hợp.

1. Quy trình thăm khám trào ngược dạ dày thực quản gồm những gì?

Thưa BS, quy trình thăm khám một người có các dấu hiệu nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi có biểu hiện bất thường, nghi ngờ bị trào ngược đến khám ở thầy thuốc về chuyên khoa tiêu hóa, thông thường người bệnh sẽ được hỏi kỹ về bệnh sử.

Hiện nay, công cụ được xem là test sàng lọc và có độ chẩn đoán khá chính xác, góp phần giúp thầy thuốc nghĩ đến bệnh lý trào ngược là bộ câu hỏi GERDQ. Bộ câu hỏi này sẽ có một loại các câu hỏi như: Cảm giác trào ngược, nóng rát sau xương ức xảy ra khi nào? Xảy ra bao lâu trong 1 tuần hoặc bao lâu trong 1 ngày?... và chấm điểm trên từng câu hỏi.

Nếu tổng điểm từ 1 - 8 điểm thì hơn 50% nghi ngờ có biểu hiện của trào ngược. Khi đó, tùy từng trường hợp, độ tuổi mà thầy thuốc có thể thực hiện thêm các test khác để chẩn đoán trào ngược chính xác hơn hoặc có thể điều trị thử để đánh giá tình trạng trào ngược bằng thuốc khoảng 2 tuần và đưa ra kết luận. Trường hợp người bệnh có tổng số điểm trên 8 thì 80% mắc bệnh trào ngược.

Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán trào ngược. “Tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán trào ngược là đo pH thực quản. Nghĩa là người bệnh sẽ được đưa một dụng cụ từ mũi vào dạ dày và gắn với một chiếc máy, theo dõi liên tục trong 24 giờ, để đánh giá tình trạng axit trào lên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trong thực tế lâm sàng ít có cơ sở y tế áp dụng phương pháp này để chẩn đoán trào ngược vì khá phức tạp và tốn thời gian, gây phiền toái cho người bệnh khi phải đeo máy.

Vì vậy, đã có nhiều công cụ khác thay thế. Ví dụ, nếu bệnh nhân có biểu hiện trào ngược, có triệu chứng báo động thì nội soi là phương pháp giúp chẩn đoán. Mục đích tìm xem người bệnh có tổn thương thực thể trên hình ảnh nội soi hay không. Tuy nhiên, kết quả nội soi dạ dày thực quản không giải thích hết được tình trạng trào ngược vì 80% bệnh nhân có triệu chứng trào ngược điển hình nhưng khi nội soi kết quả lại âm tính. Điều này đồng nghĩa chẩn đoán trào ngược là một vấn đề rất khó khăn và nan giải.

Bên cạnh đó, công cụ PepTest, tìm pepsin trong nước bọt là một phương pháp đang được nghiên cứu thêm. Bình thường axit nằm trong bao tử, không trào ngược lên vùng hầu họng, khi thấy có sự hiện diện của pepsin (axit trong vùng hầu họng) sẽ kết luận bệnh nhân có bị trào ngược. Chỉ cần lấy nước bọt ở 2 thời điểm khác nhau đã có thể chẩn đoán.

Một nghiên cứu mới nhất được báo cáo năm 2023 cho thấy, độ nhạy của công cụ PepTest lên đến trên 90% và độ đặc hiệu hơn 50%. Đây là một hướng nghiên cứu mới trong tương lai giúp chúng ta chẩn đoán trào ngược.

Đối với những biện pháp xâm lấn khác như khi nội soi sẽ sinh thiết niêm mạc để chẩn đoán trào ngược, rất khó ứng dụng trong thực tế lâm sàng.

Chính vì vậy, trào ngược đa phần được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng cơ năng, đặc biệt qua bộ câu hỏi GERDQ hoặc qua tình trạng lâm sàng của người bệnh mà thầy thuốc sẽ có các phương pháp để tầm soát trào ngược hoặc quyết định điều trị thử.

2. Các phương pháp chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản được áp dụng thế nào?

Nội soi được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán một số bệnh tiêu hóa, vậy còn với trào ngược dạ dày thực quản thì thế nào ạ?

- Khi nào người bệnh cần được nội soi? Khi nào chụp x-quang hệ thống tiêu hóa trên? Khi nào cần đo áp lực thực quản? Khi nào cần thử nghiệm thăm dò pH?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, “tiêu chuẩn vàng” là đo pH thực quản. Nhưng trên thực tế, phương pháp này chỉ được thực hiện trong các nghiên cứu hoặc trong các phòng thí nghiệm, rất ít ứng dụng trên lâm sàng.

Hầu hết 80% bệnh nhân có triệu chứng trào ngược nhưng khi nội soi lại cho kết quả âm tính. Điều này có nghĩa tỷ lệ dương tính trên nội soi chỉ khoảng 20%. Như vậy, nội soi không phải là phương pháp được chọn lựa đầu tiên ở những bệnh nhân trào ngược. Mà các bệnh nhân này khi có triệu chứng báo động mới khuyến cáo nội soi.

Khi cần phân biệt trào ngược dạ dày thực quản với các nhóm bệnh lý có biểu hiện chồng lấp như co thắt tâm vị hoặc rối loạn về vận động thực quản… mới cho đo áp lực thực quản.

X-quang có thuốc cản quang không phải là phương pháp chính để chẩn đoán bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp cần phân biệt những bệnh lý về co thắt tâm vị mới chụp X-quang để đánh giá.

3. Phải diệt vi khuẩn HP khi bị trào ngược dạ dày thực quản

Người có các biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản, có cần xét nghiệm vi khuẩn HP cùng lúc? Vì sao?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Helicobacter pylori (HP) là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Trước đây, những người bị trào ngược dạ dày thực quản có nhiễm Helicobacter pylori, nếu diệt con vi khuẩn này thì ở giai đoạn đầu triệu chứng sẽ nặng hơn. Do đó, kết luận nhiễm Helicobacter pylori là yếu tố bảo vệ những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.

Tuy nhiên, hiện nay nếu bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP mà không tiêu diệt thì khi kháng tiết kéo dài sẽ làm thay đổi môi trường axit trong dạ dày và thay đổi vị trí HP sống trong dạ dày (dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác). Nếu tình trạng dịch chuyển kéo dài, HP sẽ thay đổi cấu trúc và làm gia tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Chính vì vậy, sau này những bệnh nhân bị trào ngược được khuyến cáo phải diệt HP. Mặc dù tại thời điểm đó có thể triệu chứng trào ngược sẽ nhiều hơn nhưng chỉ cần chấp nhận trong 2 tuần đầu.

4. Hiện có bộ test nào để đánh giá nguy cơ hoặc triệu chứng trào ngược dạ dày?

Thưa BS, hiện có bộ test nào để có thể đánh giá nguy cơ hoặc triệu chứng trào ngược dạ dày của bản thân?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trào ngược dạ dày hầu hết là các triệu chứng cơ năng. Đối với chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bộ câu hỏi GERDQ khi tìm kiếm trên Google sẽ hiển thị một loạt các câu hỏi để người bệnh trả lời và tính tổng điểm. Nếu có triệu chứng từ 1- 8 điểm thì hơn 50% nghi ngờ trào ngược, nếu hơn 8 điểm thì hơn 80% có khả năng bị trào ngược.

Những trường hợp bị ngoài thực quản sẽ có các thang điểm liên quan đến trào ngược họng thanh quản rất đơn giản, người bệnh sẽ trả lời các câu hỏi và tính tổng số điểm. Từ đó, nghi ngờ có bao nhiêu phần trăm bị trào ngược họng thanh quản. Thông thường, bác sĩ sẽ phát cho người bệnh bảng câu hỏi để trả lời, sau đó bác sĩ chấm điểm để quyết định.

Về test chẩn đoán trào ngược, đo pH thực quản là “tiêu chuẩn vàng” nhưng không thực hiện được trên trực tế lâm sàng. Đối với nội soi, giá trị dương tính không cao, chỉ nội soi khi có triệu chứng báo động. Chụp X-quang, sinh thiết niêm mạc hoặc đo áp lực thực quản rất ít được ứng dụng.

PepTest là phương pháp mới đang trong quá trình nghiên cứu tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, khi thấy có sự hiện diện của pepsin trong nước bọt là có trào ngược. Tuy nhiên test này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và nghiên cứu để áp dụng trên thực tế lâm sàng. Nếu độ đặc hiệu đủ lớn thì đây là phương pháp khá dễ dàng, không xâm lấn, không đau, thực hiện đơn giản để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X